Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 Tiền Giang đạt 5,56%
Tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ucraina diễn biến phức tạp và kéo dài, xung đột tại dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng đến chuổi cung ứng hàng hóa, dầu thô, lương thực toàn cầu, gia tăng rủi ro đối với an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. Thiên tai, hạn hán, bảo lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh lương thực, an ninh mạng gia tăng. Lạm phát mặc dù hạ nhiệt, giảm dần, tuy nhiên, tiến độ này diễn ra chậm và không đồng đều ở các khu vực trên thế giới. Thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu chậm ... Tại Tiền Giang với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, giám sát sát của Hội đồng nhân dân, các ngành, các cấp tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hành kinh tế - xã hội, nên hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so cùng kỳ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 32.976 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) tăng 5,56% so với 6 tháng đầu năm 2023, quí I tăng 4,47%, quí II tăng 6,63%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,32 %, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,07% và khu vực dịch vụ tăng 6,59 % (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,73 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,86% so cùng kỳ. Trong 5,56% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,19%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,04%, khu vực dịch vụ đóng góp 1,99% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,34%. GRDP nếu tính theo giá hiện hành đạt 63.784 tỷ đồng.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,32% so với 6 tháng đầu năm 2023 (cùng kỳ tăng 1,7%); trong đó nông nghiệp tăng 3,73%. Hạn mặn năn nay đến sớm hơn và xâm nhập sâu hơn cùng kỳ của các năm trước; Nhưng công tác phòng chống hạn mặn được chủ động, triển khai thực hiện ngay từ rất sớm, nông dân tuân thủ theo lịch thời vụ đã khuyến cáo, nên hầu hết diện tích gieo trồng đã được thu hoạch, tránh được tác động của hạn mặn. Trà lúa Đông Xuân năm nay phát triển tốt, chính thức xuống giống được 44.883 ha, đạt 100,4% kế hoạch và giảm 6,9% so cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 70,2 tạ/ha, tăng 0,6% so cùng kỳ (tăng 0,4 tạ/ha); sản lượng thu hoạch 315.030 tấn, đạt 100,8% kế hoạch và giảm 6,3% so cùng kỳ; Nhưng do diện tích gieo sạ giảm 3.319,3 ha, chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp là 57,92 ha, cây hàng năm khác 659,33 ha, cây lâu năm 2.577,23 ha, nuôi thủy sản 01 ha và không sản xuất là 23,8 ha. Diện tích gieo trồng giảm hầu hết ở các huyện trong đó: TX. Gò Công giảm 142,44 ha, TX Cai Lậy giảm 72,89 ha, Tân Phước giảm 23,2 ha, Cái Bè giảm 1.835 ha, Cai Lậy giảm 446,57 ha, Châu Thành giảm 365,1 ha, Chợ Gạo 24,27 ha, Gò Công Tây giảm 285,11 ha và Gò Công Đông giảm 124,7 ha; Nên sản lượng lúa thu hoạch giảm 6,3% so cùng kỳ.
Lĩnh vực chăn nuôi, dịch bệnh còn xảy ra ở một số địa phương, gây tâm lý lo lắng cho người nuôi, giá bán sản phẩm đầu ra không tăng, trong khi giá thức ăn nằm ở mức cao, nên người nuôi lãi không nhiều, không kích thích nông dân tập trung đầu tư, nên tổng đàn giảm so cùng kỳ. Ước đến thời điểm 01/6/2024 tổng đàn gia súc gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 120 nghìn con, giảm 3,03%, đàn lợn 290 nghìn con, giảm 5% và đàn gia cầm 16,57 triệu con, tăng 2,53% so cùng kỳ.
Ngành thủy sản tăng 1,23% so cùng kỳ, sản lượng nuôi trồng và khai thác đều tăng, sản lượng nuôi trồng tăng 1,2% và sản lượng khai thác tăng 5%.
Khu vực công nghiệp - xây dựng: tăng 7,07% so với 6 tháng đầu năm 2023; trong đó công nghiệp tăng 6,19%. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do tác động của hậu dịch Covid-19, kinh tế thế giới suy giảm, cuộc chiến giữa Nga và Ucraina làm cho giá nhiên liệu tăng, lạm phát tăng cao. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu hồi phục tích cực, tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước, quí I tăng 4,99%, quí II tăng 7,32% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng là do trong kỳ có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động; một số ngành cùng kỳ giảm, nhưng năm nay bắt đầu tăng trở lại; các ngành có chỉ số sản xuất tăng khá như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 19,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 71,56%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,36%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 24,06% so với cùng kỳ, do nhà nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 05/2023 ... Tuy nhiên cũng có một số ngành giảm hoặc tăng thấp, làm chậm đà tăng trưởng của ngành công nghiệp như: Sản xuất trang phục giảm 19,82%; dệt giảm 3,11%; Sản xuất đồ uống giảm 3,94% ...
Ngành xây dựng tăng 11,71%, là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2024. Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp từng bước khôi phục, ổn định trở lại nên tái đầu tư mở rộng sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương đang được triển khai thi công, cộng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đã góp phần làm cho hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng khá so cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ: tăng 6,73% so cùng kỳ; tất cả các ngành trong khu vực này đều tăng, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trong kỳ tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tăng khá như: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 8,74%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 16,24%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 7,51%; Hoạt động động vận tải kho bãi tăng 14,93%, so với cùng kỳ, do có 02 hãng taxi mới đi vào hoạt động trên địa bàn là Saigon taxi và Xanh SM; việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông làm cho nhu cầu sử phương tiện vận tải công cộng tăng, đã thúc đẩy dịch vụ vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh tăng. Trong khu vực dịch vụ ngành nghệ thuật vui chơi và giải trí có tốc độ tăng thấp nhất, chỉ tăng 0,32% so cùng kỳ, trong đó hoạt động xổ số chỉ bằng 99,36% so cùng kỳ (chiếm tỷ trọng 70,6% trong ngành nghệ thuật vui chơi và giải trí). Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,86% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 37,6% (cùng kỳ 38,4%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 27% (cùng kỳ 27,1%); khu vực dịch vụ chiếm 29,7% (cùng kỳ 28,8%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,7% tương đương so cùng kỳ.
N.V.Tròn
Tin khác