Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang Quý I năm 2025
Tình hình kinh tế - chính trị thế giới trong những tháng đầu năm 2025 diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gây gắt hơn; xung đột Nga - Ucraina tiếp tục kéo dài, đặc biệt là xung đột tại Biển Đỏ, dải Gaza leo thang đã gia tăng rủi ro với an toàn hàng hải, chuỗi cung ứng hàng hóa đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài ra chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước ảnh hưởng đến xuất khẩu của các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng.
Trong quý Đảng bộ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo Nghi quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, phấn đấu thực hiện tháng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2025. Đồng thời Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng địa phương; đề ra các giải pháp chủ yếu thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên hướng tới kế hoạch tăng trưởng hai con số… Bên cạnh đó chỉ đạo các ngành các cấp tập trung tổ chức cho Nhân dân vui xuân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và đảm bảo trật tự an toàn xã hội…
được các tổ chức trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP)
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I năm 2025 ước đạt 17.379 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) tăng 6,3% so với quý I năm 2024; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36 %, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,74%, khu vực dịch vụ tăng 7,03 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,98% so cùng kỳ. Trong 6,3% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,25%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,95%, khu vực dịch vụ đóng góp 2,04% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,06%. GRDP nếu tính theo giá hiện hành đạt 34.822 tỷ đồng
Cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 39% (cùng kỳ 39,9%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 26,3% (cùng kỳ 25,2%); khu vực dịch vụ chiếm 28,8% (cùng kỳ 28,7%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,9%, (cùng kỳ 6,2%).
2. Tài chính - Ngân hàng:
a. Tài chính:
Tổng thu ngân sách nhà nước quý I ước tính thu được 8.316 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn ước thu 4.630 tỷ đồng, đạt 43,7% dự toán và tăng 35,4% so cùng kỳ; thu nội địa 4.552 tỷ đồng, đạt 44,3% dự toán, tăng 35,8% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.165 tỷ đồng, đạt 43,9% dự toán, tăng 20,3% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 1.150 tỷ đồng, đạt 84% dự toán, tăng 67,1% so cùng kỳ, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 885 tỷ đồng, đạt 43,2% dự toán, tăng 19,7% so cùng kỳ...).
Tổng chi ngân sách nhà nước quý I là 6.346 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 1.935 tỷ đồng, đạt 29,7% dự toán và tăng 32,1% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 2.943 tỷ đồng, đạt 29,9% dự toán và tăng 82,1% so cùng kỳ.
b. Ngân hàng:
Mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh ổn định tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất, phí áp dụng đối với tiền gửi và cho vay. Ước tính đến cuối tháng 3/2025, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 108.991 tỷ, tăng 1.860 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 1,74% so với cuối năm 2024.
Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 3/2025 ước tính đạt 111.495 tỷ, tăng 5.056 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 4,75% so với cuối năm 2024. Đến cuối tháng 02 năm 2025, số dư nợ xấu 2.495,6 tỷ đồng, tỷ lệ 2,32%, tăng 0,24% so với cuối năm 2024. Dự kiến đến cuối tháng 3/2025, tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 3%. Nhìn chung các ngân hàng phát sinh nợ xấu trong giới hạn an toàn với tỷ lệ thấp.
Quỹ tín dụng nhân dân: quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ổn định, các chỉ tiêu đều đạt mức tăng trưởng. Đến cuối tháng 02/2025 so với cuối năm 2024 như sau: Nguồn vốn hoạt động đạt 1.785 tỷ đồng, tăng 61 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 3,55%, doanh số cho vay đạt 227 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.301 tỷ đồng, tăng 6,6 tỷ đồng, tăng 0,51%. Tỷ lệ nợ xấu 1,63%, tăng 1,38%.
3. Giá cả, lạm phát:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 03/2025 giảm 0,06% (thành thị giảm 0,03%, nông thôn giảm 0,06%) so tháng 2/2025, tăng 3,16% so tháng 3/2024. Bình quân 3 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so cùng kỳ năm trước.
So với tháng 02/2025, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 08 nhóm tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16% (trong đó: lương thực giảm 0,44%, thực phẩm tăng 0,03%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,82%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,23%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,15%. Có 01 nhóm chỉ số giá giảm: nhóm giao thông giảm 1,88%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục chỉ số giá ổn định.
Mặt hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước như sau:
Nhóm giao thông giảm 1,88%, do giá xăng dầu trong tháng 3/2025 được điều chỉnh vào các ngày 06/3, ngày 13/3; ngày 20/3 và 27/3/2025 theo quy định của nhà nước. Tính bình quân trong tháng ba, giá xăng A95-III giảm 3,8%; xăng sinh học E5 giảm 3,41%, dầu diezel 0,05S giảm 4,69%, tác động chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 3,4% so với tháng trước, làm CPI chung trong tháng giảm 0,15 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 3,94%, trong đó: vận tải hành khách bằng đường bộ giảm 2,75%, nguyên nhân do nhu cầu đi lại của hành khách sau Tết Nguyên Đán giảm.
Một số mặt hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước:
- Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,82%, chủ yếu do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao và chi phí nhân công tăng, trong đó: giá ăn ngoài gia đình tăng 1,12%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,04% so với tháng trước.
- Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%, chủ yếu do nguyên liệu đầu vào tăng và kinh tế có dấu hiệu hồi phục tác động đến nhu cầu tiêu dùng tăng, trong đó, mũ nón tăng 0,09%; giá giày dép tăng 0,18%; dịch vụ may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,24%.
- Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%, trong đó: máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,93%; quạt điện tăng 0,46%; hàng thuỷ tinh, sành sứ tăng 0,08%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,2%...
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng năm 2025 so cùng kỳ tăng 3,27%; một số nhóm hàng có giá tăng nhiều trong 3 tháng năm 2025 so cùng kỳ như: thuốc và dịch vụ y tế tăng 10,85%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 9,11%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,55%; giáo dục tăng 4,27%...
Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 03/2025 tăng 4,5% so tháng trước, giá vàng bình quân 9.336 ngàn đồng/chỉ, tăng 2.599 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 03/2025 tăng 0,72% so tháng trước, giá bình quân 25.833 đồng/USD, tăng 992 đồng/USD so cùng kỳ.
4. Đầu tư và Xây dựng:
Vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2025, ước thực hiện 10.085 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch, tăng 10,1% so cùng kỳ (trong đó: vốn đầu tư xây dựng cơ bản 4.950 tỷ đồng, chiếm 49,1% vốn đầu tư toàn xã hội) bao gồm: vốn Nhà nước 2.873 tỷ đồng, tăng 13,5%; vốn ngoài Nhà nước 6.149 tỷ đồng, tăng 9,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.063 tỷ đồng, tăng 7,5% so cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý quý I/2025 là 756 tỷ đồng, đạt 10,8% kế hoạch, giảm 4,1% so cùng kỳ; gồm có: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 665 tỷ đồng, giảm 11,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 79 tỷ đồng, giảm 53,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 12 tỷ đồng, giảm 47,9% so cùng kỳ.
Hình 1. Vốn đầu tư toàn xã hội quý I năm 2025
5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:
Theo Sở Tài chính, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I/2025 là 240 doanh nghiệp, đạt 26,4% kế hoạch và tăng 12% so cùng kỳ; tổng vốn đăng ký là 980 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp 4,1 tỷ đồng/doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoàn tất giải thể trong quý 1 có 30 doanh nghiệp, giảm 23,1% so cùng kỳ. Ước đến cuối tháng 3/2025, toàn tỉnh có khoảng 6.380 doanh nghiệp hoạt động.
6. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản:
a. Nông nghiệp:
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 trên địa bàn tỉnh đến sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 ngày và bắt đầu chịu ảnh hưởng vào cuối tháng 12/2024. Mức độ xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 thấp hơn năm 2016 và năm 2024. Hiện nay độ mặn trên các tuyến sông đang ở mức cao và đã xâm nhập sâu vào nội đồng và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn từ sớm, từ xa để bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì ổn định và phát triển. Cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, các đối tượng sâu, bệnh hại xuất hiện ở mức thấp đến trung bình do nông dân đã có kế hoạch phòng trị thích hợp khi có thông tin về tình hình dịch hại trên các phương tiện truyền thông. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn phát sinh (Bệnh viêm da nổi cục, Dịch tả lợn Châu Phi,…) nhưng đã được kiểm soát tốt. Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt kết quả khả quan so cùng kỳ năm trước.
- Trồng trọt: Cây lương thực có hạt: diện tích gieo trồng cộng dồn từ đầu vụ sản xuất là 60.354 ha, giảm 3,5% so cùng kỳ, tương ứng giảm 2.213 ha.
Trong đó cây lúa gieo sạ 59.203 ha, giảm 3,7% so cùng kỳ, cụ thể:
- Cây lúa:
+ Vụ Đông xuân 2024 – 2025: diện tích gieo trồng chính thức 42.513 ha, đạt 103,7% kế hoạch (kế hoạch 41.000 ha) và giảm 5,3% so cùng kỳ, tương ứng giảm 2.369 ha, do chuyển đổi sang cây lâu năm 2.286 ha, cây hàng năm khác 116 ha, đất phi nông nghiệp là 44 ha, nuôi trồng thủy sản 33 ha, không sản xuất 15 ha và tăng 125 ha từ diện tích cây hằng năm khác. Lúa Đông xuân 2024-2025 đã thu hoạch 41.957 ha, chiếm 98,7% diện tích gieo trồng của vụ. Diện tích lúa còn lại đang chuẩn bị thu hoạch ở các huyện như: Gò Công Tây 280 ha, Thành phố Gò Công 115 ha, Tân Phước 88 ha, Châu Thành 50 ha…Năng suất thu hoạch bình quân cả vụ ước đạt 67,8 tạ/ha, tương ứng giảm 2,4 tạ/ha so cùng kỳ; Sản lượng thu hoạch ước cả vụ đạt 288.397 tấn, giảm 8,5% so cùng kỳ tương ứng giảm 26.634 tấn. Nguyên nhân do diện tích gieo trồng và năng suất bình quân đều giảm.
+ Vụ Hè thu (gồm vụ Xuân hè + Hè thu ): tính đến ngày 20/3/2025 lúa Xuân hè gieo sạ được 16.690 ha, chủ yếu ở huyện phía tây như: Cai Lậy 5.351 ha, Cái Bè 4.389 ha, Tân Phước 3.150 ha, Thị xã Cai Lậy 2.800 ha và Châu Thành 1.000 ha sau khi thu hoạch lúa Đông xuân người dân tiếp tục gieo trồng vụ Hè thu.
- Cây ngô: diện tích gieo trồng cộng dồn từ đầu vụ sản xuất là 1.151 ha, tăng 6,0%, tương ứng tăng 65 ha. Ước tính sản lượng thu hoạch ước đạt 2.143 tấn, tăng 20,4% so cùng kỳ, tương ứng tăng 363 tấn.
Cây rau đậu các loại: diện tích gieo trồng cộng dồn từ đầu vụ sản xuất là 26.029 ha, tăng 5,3% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại 25.898 ha, tăng 5,3% so cùng kỳ. Các loại rau màu có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng được người dân canh tác thường xuyên như: rau muống, bầu, mướp, bí xanh, mướp đắng (khổ qua), dưa leo, cải các loại, hành lá, dưa hấu và các loại rau cải ngắn ngày khác. Sản lượng thu hoạch ước đạt 244.708 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại ước đạt 244.507 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ.
Hình 2. Diện tích gieo trồng lúa và hoa màu tính đến 20/3/2025
Cây lâu năm:
diện tích cây ăn quả có đến cuối năm 2024 là 88.375 ha. Một số sản lượng cây ăn quả chủ yếu của tỉnh trong quý I năm 2025 như sau: xoài đạt 12.900 tấn, giảm 2,2% so cùng kỳ, hồng xiêm đạt 14.620 tấn, tăng 0,1%; chuối đạt 11.204 tấn, giảm 4,3%; thanh long đạt 68.421 tấn, tăng 5,8%; dứa đạt 65.190 tấn, tăng 0,1%; sầu riêng đạt 109.925 tấn, tăng 9,2%; mít đạt 81.365 tấn, tăng 3,7%; ổi đạt 27.015 tấn, tăng 6,1%, mận đạt 4.725 tấn, tăng 0,1%; cam đạt 2.046 tấn, tăng 1,8%; quýt đạt 417 tấn, tăng 3,7%. Quy trình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP và gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường được chuyển giao đến người dân. Thúc đẩy tạo ra nhiều sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Các kỹ thuật canh tác tiến bộ cũng được chú trọng như lượng bón phân cân đối, điều tiết nước, kỹ thuật canh tác cây trồng trong điều kiện hạn mặn.
*Chăn nuôi:
ước thời điểm 31/3/2025 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 119 ngàn con, giảm 0,7% so cùng kỳ; đàn lợn 310 ngàn con, tăng 4,0% và đàn gia cầm 17,8 triệu con, tăng 10,6%. Chăn nuôi bò giảm do chu kỳ sản xuất dài, giá đầu ra sản phẩm thiếu ổn định khiến người chăn nuôi bò gặp không ít khó khăn là nguyên nhân dẫn đến nhiều người chăn nuôi đã điều chỉnh giảm số lượng nuôi. Trái ngược với chăn nuôi bò là đàn lợn và gia cầm phát triển ổn định; do giá thịt lợn hơi theo xu hướng tăng, giá nguyên liệu thức ăn giảm đã tạo động lực cho người nuôi lợn, nhất là doanh nghiệp duy trì và tiếp tục mở rộng sản xuất; giá bán sản phẩm gia cầm và thị trường tiêu thụ ổn định, chăn nuôi gia cầm có chu kỳ sinh trưởng nhanh và áp dụng khoa học, kỹ thuật được vào sản xuất nên sản lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao.
Hình 3. Chăn nuôi tại thời điểm 31/3/2025
*Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi: theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang:
Bệnh cúm gia cầm: trong tháng không phát sinh, toàn tỉnh có 03 hộ có gà nhiễm vi rút cúm A/H5N1 với số lượng 6.161 con/tổng đàn 7.200 con tại 02 xã của 02 huyện Tân Phước và Gò Công Tây. Đã tiêu hủy toàn bộ đàn 7.200 con.
Bệnh viêm da nổi cục: trong tháng phát sinh 01 hộ có bò bệnh với tổng số bệnh là 02 con (tổng đàn 04 con). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 02 hộ với tổng số 03 con (tổng đàn 09 con) tại huyện Cái Bè và huyện Chợ Gạo. Hiện nay đã tiêu hủy 01 con bò, khối lượng 215 kg huyện Cái Bè.
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: trong tháng phát sinh 02 hộ có lợn mắc bệnh với số lượng 46 con. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 05 hộ có lợn mắc bệnh với số lượng 87 con tại huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây. Đã tiêu hủy toàn bộ 87 con với khối lượng 2.086 kg.
Bệnh lở mồm long móng: trong tháng không phát sinh. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 01 con lợn bệnh tại cơ sở giết mổ ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè. Đã tiêu hủy lợn bệnh với khối lượng 110 kg.
b. Lâm nghiệp:
Tổng diện tích rừng hiện có là 1.568,6 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng). Trong đó rừng phòng hộ 1.317,4 ha (huyện Gò Công Đông: 379,6 ha; huyện Tân Phú Đông: 884,2 ha và huyện Tân Phước: 53,6 ha); rừng sản xuất: 251,2 ha.
Trong quý, toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 3,8 ngàn cây phân tán các loại, tăng 115,7% so với cùng kỳ, trồng cặp ranh, kênh, trồng trên những tuyến đường đi, đường giao thông mới mở, nâng cấp ở huyện Cai Lậy, Chợ Gạo và Gò Công Tây.
Khai thác gỗ: sản lượng gỗ khai thác quý I/2025 ước đạt 7.003 m3, giảm 1,4% so cùng kỳ. Các loại gỗ được khai thác chủ yếu từ các loại cây như: bạch đàn, bạch đàn cao sản, dầu gió, tràm lanh; Khai thác củi: sản lượng củi khai thác quý I/2025 ước đạt 14.777 Ste củi các loại, giảm 8,9% so cùng kỳ. Khai thác chủ yếu một số cây ăn quả đã già, cỗi không cho trái, cho trái ít.
c. Thủy hải sản:
Sản lượng thủy sản trong quý ước đạt 62.437 tấn, tăng 6,3% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 39.890 tấn, tăng 1,8%; sản lượng khai thác 22.547 tấn, tăng 15,2%. Do thời tiết thuận lợi cho việc khai thác, thủy sản biển xuất hiện nhiều ở ngư trường nên ngư dân thu hoạch khá; số lượng phương tiện đánh bắt xa bờ tăng so cùng kỳ góp phần tăng sản lượng và giá trị khai thác biển, giảm áp lực khai thác ven bờ, khắc phục tình trạng đánh bắt huỷ diệt, tái tạo nguồn lợi hải sản, đưa nghề biển phát triển bền vững.
d. Nông thôn mới (theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):
Toàn tỉnh hiện có 135/135 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 68 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 50,4% tổng số xã trên địa bàn tỉnh; 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 10,4% tổng số xã trên địa bàn tỉnh; 03/03 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 08/08 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 02/08 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, chiếm 25% tổng số huyện trên địa bàn tỉnh.
7. Sản xuất công nghiệp:
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng 12,43% so với cùng kỳ, các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sản xuất tiếp tục ổn định và tăng so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,79% (tập trung ở một số ngành chủ yếu sau: in, sao chép bản ghi các loại tăng 99,43%; sản xuất thiết bị điện tăng 57,28%; sản xuất trang phục tăng 54,89%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 31,9%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 30,11%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 14,31%; ...); ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 3,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,13%.
Sản phẩm sản xuất công nghiệp quý I/2025: Có 28/50 sản phẩm tăng so cùng kỳ: thanh, que bằng thép hợp kim rỗng tăng 891%; màn bằng vải khác tăng 251,8%; quả và hạt ướp lạnh tăng 141,1%; túi xách tăng 74,7%; cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục tăng 71,7%; bánh làm từ bột khác bảo quản được tăng 60,8%; gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ, đã hoặc chưa đánh bóng hạt hoặc hồ tăng 55,6%; bóng thể thao khác tăng 41%; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền tăng 31,9%; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 30%; dịch vụ sản xuất thiết bị điện chiếu sáng tăng 23,4%; giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic tăng 22,5%; thanh nhôm, que nhôm, nhôm ở dạng hình tăng 17,6%; lốp hơi mới bằng cao su, loại dùng cho xe buýt, xe tải hoặc máy bay tăng 17,3%; nước uống được tăng 14,9%; các sản phẩm bằng vật liệu tết bện khác tăng 14,2%; dây thép không gỉ tăng 13,9%; bia đóng lon tăng 13,9%;… Có 22/50 sản phẩm giảm so cùng kỳ: thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên giảm 58,6%; giày, dép không thấm nước có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic giảm 57,9%; các bộ phận của bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động khác giảm 42,9%; đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người giảm 34,7%; dịch vụ tiện các bộ phận kim loại giảm 31,4%; Giấy vệ sinh giảm 24,4%; điện gió giảm 24%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm giảm 17,8%; bia đóng chai giảm 14,2%; bộ com lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 13,6%; thuốc diệt cỏ, thuốc chống nảy mầm và thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng giảm 11,4%; cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo giảm 8,1%; thức ăn cho thủy sản giảm 8,1%…
Hình 4. Chỉ số sản xuất công nghiệp
* Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:
Chỉ số tiêu thụ tháng 3/2025 so với tháng trước tăng 1,92% và tăng 8,16% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 3 năm 2025 tăng 9,14%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng so cùng kỳ sản xuất đồ uống tăng 3,06%, trong đó sản xuất bia tăng 3,06%; sản xuất trang phục tăng 45,78%; sản xuất da tăng 42,07%, trong đó sản xuất vali, túi xách… tăng 98,24%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 15,32%; sản xuất kim loại tăng 7,02%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 30,15%; sản xuất thiết bị điện tăng 40,28%, trong đó sản xuất dây cáp, dây điện và điện tử khác tăng 19,81%;… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 5,62%, trong đó sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản giảm 13,97%; dệt giảm 3,73%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 24,01%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 43,58%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic giảm 13,84%;...
Chỉ số tồn kho tháng 3/2025 so với tháng trước tăng 17,07% và so với cùng kỳ tăng 3,74%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,98%, trong đó sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản bằng gấp 2 lần (204,46%); dệt bằng gấp 2 lần (201,03%); sản xuất trang phục tăng 6,43%; sản xuất da tăng 14,39%, trong đó sản xuất giày dép tăng 15,06%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,94%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẳn tăng 29,63%;… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 30,96%; sản xuất kim loại giảm 3,32%; sản xuất thiết bị điện giảm 12,38%, trong đó sản xuất mô tơ điện giảm 12,78%; chế biến, chế tạo khác giảm 20,02%, trong đó sản xuất đồ chơi, trò chơi giảm 20,02%;…
8. Thương mại, dịch vụ:
a. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I/2025 thực hiện 23.190 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch, tăng 8,6% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 17.718 tỷ đồng, tăng 7,4%; lưu trú 106 tỷ đồng, tăng 19,7%; ăn uống 2.225 tỷ đồng, tăng 14,3%; du lịch lữ hành 48 tỷ đồng, tăng 6%; dịch vụ tiêu dùng khác 3.093 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ.
Hình 5. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
b. Xuất - Nhập khẩu: (Theo báo cáo Sở công Thương)
Trong I/2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng nhờ các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả như sau:
* Xuất khẩu:
Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2025 ước 1.400 triệu USD, đạt 20% kế hoạch, tăng 1,5% so cùng kỳ; trong đó: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 88,2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu.
* Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2025 thực hiện 869,3 triệu USD, đạt 24,8 % kế hoạch, tăng 13,3% so cùng kỳ; trong đó: doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước chiếm 4%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 96% trên tổng kim ngạch nhập khẩu.
c. Vận tải:
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải quý I/2025 thực hiện 832 tỷ đồng, tăng 18,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 187 tỷ đồng, tăng 20,1%; vận tải hàng hóa thực hiện 508 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 293 tỷ đồng, tăng 19,2%; vận tải đường thủy thực hiện 402 tỷ đồng, tăng 21,2%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 65 tỷ đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ.
Vận chuyển hành khách đạt 5.774 ngàn hành khách, tăng 19,8% so cùng kỳ và luân chuyển được 248.511 ngàn hành khách.km, tăng 18,1% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 2.706 ngàn hành khách, tăng 21,2% và luân chuyển 245.146 ngàn hành khách.km, tăng 18,2% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 3.068 ngàn hành khách.km, tăng 18,7% và luân chuyển đường thủy 3.365 ngàn hành khách.km tăng 17,2% so cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa đạt 5.132 ngàn tấn, tăng 21,7% và luân chuyển được 975.575 ngàn tấn.km, tăng 23,2% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ thực hiện 805 ngàn tấn,tăng 17,4% và luân chuyển được 135.304 ngàn tấn.km, tăng 19,1% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 4.327 ngàn tấn, tăng 22,5% và luân chuyển được 840.271 ngàn tấn.km, tăng 23,8% so cùng kỳ.
d. Du lịch:
Ước tính khách du lịch đến tỉnh trong quý I/2025 đạt 382 ngàn lượt, tăng 8,4% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 136 ngàn lượt, tăng 9,1% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 2.379 tỷ đồng, tăng 14,3%; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 98%.
đ. Bưu chính viễn thông:
Quý I/2025, doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 898,6 tỷ đồng, tăng 8% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính 72,4 tỷ đồng, tăng 8%; doanh thu viễn thông 826,2 tỷ đồng, tăng 8%.
Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 3/2025 là 132.108 thuê bao (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau); thuê bao điện thoại bình quân đạt 7,36 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao Internet trên mạng có đến tháng 3/2025 là 436.108 thuê bao; mật độ Internet bình quân ước đạt 24,32 thuê bao/100 dân.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, giải quyết việc làm:
a. Tư vấn và giới thiệu việc làm:
Trong quý I, thực hiện tư vấn nghề, việc làm, pháp luật lao động và tư vấn khác cho 2.588 lượt lao động, giảm 35,5% so cùng kỳ, đạt 12,9% kế hoạch. Giới thiệu việc làm cho 488 lượt lao động, giảm 32,3% so cùng kỳ, trong đó có 171 lao động có được việc làm ổn định.
Tư vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong quý đã tư vấn cho 143 lượt lao động, giảm 43,7% so cùng kỳ; có 02 lao động đăng ký tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; có 103 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài qua các thị trường như: Nhật Bản 78 lao động, Đài Loan 15 lao động, Hàn Quốc 05 lao động…, đạt 19% so kế hoạch, giảm 18% so cùng kỳ.
Trợ cấp thất nghiệp, trong quý có 2.355 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 27,3% so cùng kỳ; có 1.895 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 38,6% so cùng kỳ với tổng số tiền chi trả khoảng 39,4 tỷ đồng, giảm 43,1% so cùng kỳ.
Giải quyết tranh chấp lao động và đình công, trong quý I trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ ngừng việc của 01 doanh nghiệp tại thị xã Cai Lậy vào ngày 20/01/2025, có khoảng 240 người lao động công ty TNHH Lee Jin Vina, địa chỉ: KP Mỹ Lợi, phường Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy (sản xuất giày dép) ngừng việc đề nghị Công ty 02 nội dung: tiền thưởng Tết đối với người có thời gian làm việc dưới 12 tháng đề nghị tính toán hệ số từng tháng làm việc (công ty thì tính khoán); về lương tháng 01/2025, công ty ứng lương 01 triệu/người, người lao động đề nghị mức ứng cao hơn. Cùng ngày, cơ quan chức năng và công ty thực hiện công tác tuyên truyền, đối thoại, thực hiện chế độ, chính sách của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động (lương, thưởng,…). Tình hình lao động tại công ty đã cơ bản ổn định và sản xuất trở lại bình thường.
Tình hình thực hiện chế độ tiền lương năm 2024 và kế hoạch thưởng Tết năm 2025 đối với người lao động của các doanh nghiệp:
- Số liệu của 113 doanh nghiệp với 104.641 lao động đang làm việc (các doanh nghiệp FDI là 88.609 lao động, chiếm tỷ lệ 84,7%), kết quả tiền lương thực hiện năm 2024:
+ Tiền lương thực trả bình quân (bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định pháp luật lao động) của các doanh nghiệp thực hiện năm 2024 là 9,026 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,1% so với năm trước. Trong đó mức lương bình quân năm 2024 (không bao gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) là 6,847 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,3% so với năm trước.
- Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2025: số liệu 48/113 doanh nghiệp với 22.401 lao động thì mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp là 1,818 triệu đồng/người.
- Mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025: số liệu 105/113 doanh nghiệp với 102.696 lao động thì mức tiền thưởng Tết Âm lịch bình quân khoảng 8,160 triệu đồng/người.
b. Tình hình thiếu việc làm, thất nghiệp:
Theo kết quả sơ bộ điều tra lao động việc làm quý I năm 2025, lao động thiếu việc làm chiếm tỷ lệ 5,25%, giảm 1,75 điểm phần trăm so quý trước và giảm 1,90 điểm phần trăm so cùng kỳ (từ 7,15% quý I/2024 xuống 5,25% quý I/2025); tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 5,92%, giảm 2,15 điểm phần trăm so quý trước và giảm 4,70 điểm phần trăm so cùng kỳ (từ 10,62% quý I/2024 xuống 5,92% quý I/2025); tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 4,92%, giảm 1,08 điểm phần trăm so quý trước và giảm 1,08 điểm so cùng kỳ (từ 6,00% quý I/2024 xuống 4,92% quý I/2025). Tình trạng thiếu việc làm quý I năm 2025 chủ yếu ở khu vực nông thôn, chiếm 63,41% trong tổng số số lao động thiếu việc làm của tỉnh.
Tỷ lệ lao động thất nghiệp trong quý I năm 2025 là 0,89%, giảm 0,16 điểm phần trăm so quý trước và giảm 0,46 điểm phần trăm so cùng kỳ (từ 1,35% quý I/2024 xuống 0,89% quý I/2025); tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 1,55%, tăng 0,32 điểm phần trăm so quý trước và giảm 0,80 điểm phần trăm so cùng kỳ (từ 2,35% quý I/2024 xuống 1,55% quý I/2025); tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn là 0,56%, giảm 0,40 điểm phần trăm so quý trước và giảm 0,33 điểm phần trăm so cùng kỳ (từ 0,89% năm 2024 xuống 0,56% năm 2025); tỷ trọng thất nghiệp ở khu vực thành thị chiếm 57,14% so tổng số lao động thất nghiệp của toàn tỉnh và tăng 2,59 điểm phần trăm so cùng kỳ.
2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:
a. Đời sống dân cư:
Tình hình sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm gặp không ít thách thức, khó khăn như giá các mặt hàng nông sản luôn biến động (lúa, sầu riêng, mít...) làm lợi nhuận của nông dân thấp hơn so cùng kỳ. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 trên địa bàn tỉnh đến sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 ngày và bắt đầu chịu ảnh hưởng vào cuối tháng 12/2024; Tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn từ sớm, từ xa để bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân; công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã mở 23 vòi nước công cộng để phục vụ người dân đến lấy sử dụng miễn phí trong mùa khô năm 2024 – 2025 trên địa bàn huyện Gò Công Đông, đến nay tình hình cung cấp nước sinh hoạt phục vụ Nhân dân trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn phát sinh (Bệnh viêm da nổi cục, Dịch tả lợn Châu Phi, Bệnh cúm gia cầm…) nhưng đã được kiểm soát tốt. Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt kết quả khả quan so cùng kỳ năm trước...
Tính đến 07/3/2025, tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 91.108 lao động (trong đó có 1.225 lao động nước ngoài) tăng 4.637 lao động so với số lao động quý IV năm 2024. Các doanh nghiệp dự kiến tuyển khoảng 7.000 lao động để đáp ứng các đơn hàng trong quý II/2025. Việc làm và thu nhập của người làm công ăn lương, người nghỉ hưu quý I/2025 ổn định, có tăng hơn so quý I/2024 do Chính phủ ban hành các Nghị định về tiền lương, tiền công được áp dụng từ ngày 01/7/024 gồm: Nghị định 73/2024/NĐ-CP tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, tương ứng tăng 30% đối cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định 74/2024/NĐ-CP tăng lương tối thiểu vùng khoảng 6% đối với người lao động; Nghị định 75/2024/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp hàng tháng tăng thêm 15%.
b. An sinh xã hội:
Thực hiện các chế độ ưu đãi cho người có công, gồm: quyết định trợ cấp 1 lần cho thân nhân thờ cúng liệt sĩ và chuyển thờ cúng 373 hồ sơ; người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg: 02 trường hợp; trợ cấp hàng tháng đối với con liệt sĩ tàn tật: 05 trường hợp. Lập quyết định trợ cấp mai táng phí: 228 trường hợp; trợ cấp mai táng phí theo các Quyết định 290/2005/QĐ-TTg, 62/2011/QĐ-TTg, 49/2015/QĐ-TTg, 40/2011/QĐ-TTg: 95 trường hợp...
Tổ chức tặng quà Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025:
- Thăm, tặng quà, trợ cấp người có công với cách mạng: trợ cấp của tỉnh cho 70.973 người có công với tổng số tiền trên 28,1 tỷ đồng (kinh phí địa phương) và tặng quà của Chủ tịch nước cho 37.299 người có công với tổng số tiền 11,3 tỷ đồng (kinh phí Trung ương).
- Thăm, tặng quà, trợ cấp người cao tuổi, hộ nghèo và thăm các đơn vị tập trung (kinh phí địa phương):
+ Tặng quà người cao tuổi: 172 người (100 tuổi) với số tiền 357,8 triệu đồng; 1.591 người (90 tuổi) với số tiền 1,9 tỷ đồng.
+ Trợ cấp hộ nghèo cho 4.035 hộ nghèo với tổng số tiền 2 tỷ đồng.
+ Thăm hộ gia đình chính sách và đơn vị với tổng số tiền 811,8 triệu đồng.
+ Riêng 19 suất quà cho gia đình quân nhân đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa, mức 2 triệu đồng/hộ, kèm túi quà 1triệu đồng/phần.
+ Tổ chức bữa ăn cho trại viên, học viên các đơn vị (Cơ sở Cai nghiện ma túy, Trung tâm Công tác Xã hội, Hội Người mù) cho 2.030 người với tổng số tiền 246 triệu đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2025 về việc triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Tiền Giang có 728 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo cần xóa.
Ngày 20/02/2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 300/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2025. Theo Đề án, số lượng hộ là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ cần hỗ trợ ở trên địa bàn tỉnh là 136 hộ (xây mới 33 hộ: mức hỗ trợ 60 triệu đồng/ căn; sữa chữa103 hộ: 40 triệu đồng/căn).
Ngày 27/02/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 444/QĐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chỉ tiêu nhà ở xã hội hoàn thành tỉnh Tiền Giang trong năm 2025, 2026, 2027, 2028, 2029 và 2030 lần lượt là: 809 căn hộ, 1.122 căn hộ, 1.352 căn hộ, 2.000 căn hộ, 1.109 căn hộ và 1.206 căn hộ.
3. Hoạt động giáo dục:
Trong quý I năm 2025, hoạt động giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh triển khai đúng theo kế hoạch đề ra, đảm bảo được chất lượng và đạt được nhiều thành tích nổi bật:
- Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024 - 2025, Tiền Giang có 44/90 thí sinh đạt giải ở 9/9 môn thi trong đó: giải Nhì 06 thí sinh (tăng 02 giải so với năm học 2023-2024), giải Ba 13 thí sinh (tăng 01 giải so với năm học 2023 - 2024), giải Khuyến khích 25 thí sinh (giảm 05 giải so với năm 2023 - 2024. Trong Kỳ thi năm nay, Tiền Giang xếp hạng 03/13 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về tổng số lượng thí sinh đạt giải (Kiên Giang 47 giải; Cần Thơ - 46 giải)
- Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THPT năm học 2024 - 2025 khóa ngày 11/02/2025 với 1.727 thí sinh dự thi của 37 đơn vị. Kết quả có 607/1.727 thí sinh đạt giải, tỉ lệ 35,1%. Trong đó, đạt giải Nhất 23 thí sinh, chiếm 1,3% thí sinh dự thi; giải Nhì 146 thí sinh, chiếm 8,5%; giải Ba: 185 thí sinh, chiếm 10,7%; Khuyến khích 253 thí sinh, chiếm 14,7%. Các trường có nhiều học sinh đạt giải như: THPT Chuyên 133 giải, THPT Nguyễn Đình Chiểu 56 giải, THPT Chợ Gạo 51 giải, THPT Cái Bè 40 giải.
- Tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THCS khóa ngày 28/3/2025 tại Trường THCS Xuân Diệu và THCS Lê Ngọc Hân. Tổ chức chấm thi từ ngày 31/3/2025 tại Trường THPT Chuyên.
4. Hoạt động y tế:
Hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh đảm bảo chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, cung ứng thuốc đầy đủ phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh. Trong quý I, có 08/44 bệnh truyền nhiễm được ghi nhận. So với cùng kỳ về số mắc, có 05 bệnh tăng (Lao phổi, Sởi, Sốt xuất huyết Dengue, Thủy đậu, Viêm gan vi rút C); 07 bệnh giảm (Bệnh do liên cầu lợn ở người, Quai bị, Tay - chân - miệng, Tiêu chảy, Uốn ván khác, Viêm gan vi rút B, Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona); 32 bệnh tương đương hoặc không xảy ra ca mắc.
Các bệnh truyền nhiễm trong quý được ghi nhận như: Sởi 437 ca mắc, tăng 437 ca mắc so cùng kỳ, không ghi nhận tử vong; bệnh sốt xuất huyết 473 ca mắc, tăng 7,3%, tương đương tăng 32 ca, không ghi nhận tử vong; bệnh tay - chân - miệng 548 ca, giảm 45,4%, tương đương giảm 456 ca, không ghi nhận tử vong.
Phòng chống bệnh HIV/AIDS tính đến nay, toàn tỉnh có 7.186 người nhiễm, 1.819 người chuyển sang AIDS, tử vong do AIDS 1.382 người.
Hoạt động khám chữa bệnh trong quý I năm 2025: tổng số lần khám bệnh là 1.121.973 lượt người, giảm 2,0% so cùng kỳ, tổng số người điều trị nội trú 55.973 người, tăng 2,8%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 84,5%.
5. Hoạt động văn hóa - thể thao:
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2025 diễn ra đúng theo kế hoạch, thiết thực, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 462.854/486.976 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 95%; 1.004/1.005 ấp (khu phố) văn hóa, đạt tỷ lệ 99,9%; 08/164 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn danh hiệu “xã, phường, thị trấn tiêu biểu” đạt tỷ lệ 4,9%; 20/29 phường, thị trấn đạt danh hiệu “phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh” đạt tỷ lệ 69%. Có 71 chợ văn hóa; 18 công viên văn hóa; 967 con đường văn hóa, 575 cơ sở thờ tự văn hóa.
a. Hoạt động văn hóa nghệ thuật:
+ Trong quý, tổ chức 03 hội thi; 03 buổi tuyên truyền với khoảng 1.050 lượt xem; 11 buổi chiếu phim với 1.400 lượt xem; biểu diễn nghệ thuật 27 buổi phục vụ các ngày lễ kỷ niệm, buổi họp mặt, chương trình mừng Đảng - mừng Xuân thu hút 44.650 lượt người xem; phục vụ 64 suất nhạc nước tại Quảng trường Hùng Vương thu hút khoảng 66.100 lượt người xem.
+ Tiền Giang có 8 địa phương trong tỉnh đăng ký tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, gồm có: thành phố Mỹ Tho, thành phố Gò Công, Thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông. Nguồn kinh phí tổ chức bắn pháo hoa do các địa phương vận động xã hội hóa.
b. Hoạt động thư viện: trong quý, tổ chức Hội báo Xuân Ất Tỵ năm 2025 tại Thư viện tỉnh, Trại giam Mỹ Phước, Trại giam Phước Hoà và trưng bày góc sách tại Quảng trường Hùng Vương. Thư viện tỉnh, huyện và phòng đọc cơ sở đã phục vụ khoảng 133.352 lượt bạn đọc, lưu hành 180.850 số lượt sách báo.
c. Hoạt động bảo tàng: trong quý, Bảo tàng tỉnh và các khu di tích trên địa bàn đã đón 222.205 lượt khách tham quan; trưng bày các hiện vật, hình ảnh phục vụ các sự kiện, lễ kỷ niệm của đất nước, địa phương.
d. Hoạt động thể dục, thể thao: trong quý, thể thao thành tích cao Tiền Giang tham dự 03 giải quốc tế, quốc gia và khu vực đạt 10 huy chương gồm: 03 HCV, 04 HCB và 03 HCĐ. Hiện nay có 27 vận động viên Kiện tướng quốc gia, 41 vận động viên cấp 1 quốc gia, 24 vận động viên cấp 2 quốc gia và có 11 vận động tập trung đội tuyển, trẻ quốc gia (04 vận động viên tuyển quốc gia; 07 vận động viên trẻ quốc gia).
6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội (theo báo cáo của Ngành công an):
Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong quý cơ bản được đảm bảo. Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 193 vụ, làm chết 05 người, bị thương 44 người, tài sản thiệt hại khoảng 16 tỷ đồng, giảm 48 vụ, tương đương giảm 19,9% so với quý I/2024 và giảm 50 vụ, tương đương giảm 20,6% so với quý IV/2024; điều tra khám phá 142 vụ (đạt 73,6%), bắt xử lý 323 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá khoảng 888 tỷ đồng.
Tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trong quý: phát hiện, xử lý 40 vụ, 57 đối tượng tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và xử lý hành chính 590 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy.
7. Trật tự an toàn giao thông (theo báo cáo ngành công an tỉnh, số liệu tính từ ngày 15/02/2025 đến 14/3/2025):
Tai nạn giao thông đường bộ: trong tháng xảy ra 13 vụ, giảm 16 vụ so tháng trước và giảm 07 vụ so cùng kỳ; làm chết 08 người, giảm 14 người so tháng trước và giảm 06 người so cùng kỳ; bị thương 09 người, giảm 03 người so tháng trước và giảm 05 người so cùng kỳ.
Cộng dồn đến tháng báo cáo xảy ra 75 vụ, giảm 08 vụ so cùng kỳ; làm 58 người chết, tương đương so cùng kỳ và 31 người bị thương, giảm 09 người. Các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: điều khiển xe khi có rượu bia, phóng nhanh vược ẩu, không làm chủ tốc độ; không đi đúng phần đường, làn đường; không nhường đường, vượt đèn đỏ, thiếu quan sát…
Tai nạn giao thông đường thủy: trong quý không xảy ra.
Tết Dương lịch năm 2025 (từ ngày 31/12/2024 đến ngày 01/01/2025): xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ, tăng 03 vụ so cùng kỳ; làm chết 03 người, tăng 03 người; không có người bị thương.
Tình hình giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (từ ngày 25/01/2025 đến ngày 02/02/2025, nhằm ngày 26 tháng Chạp đến ngày mùng 05 tháng Giêng năm Ất Tỵ): tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 15 vụ, tăng 01 vụ so cùng kỳ; chết 08 người, giảm 01 người và bị thương 10 người, tăng 04 người.
8. Tình hình cháy nổ, môi trường và thiên tai:
Cháy, nổ: ghi nhận 03 vụ cháy, giảm 04 vụ so cùng kỳ, thiệt hại trị giá trên 1,7 tỷ đồng; nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 02 vụ, nạn nhân không yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân 01 vụ.
Môi trường: trong quý, trên địa bàn tỉnh xảy ra 07 vụ vi phạm môi trường đã được xử lý, tương đương so cùng kỳ với tổng số tiền đã xử phạt khoảng 194,2 triệu đồng.
Thiên tai: trong quý, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 cơn lốc xoáy; làm 09 căn nhà bị tốc mái, tương đương so cùng kỳ; 02 cây đổ ngã, giảm 99,2%; 03 tấn trái cây rụng hư, giảm 97,9%… Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 222 triệu đồng.
Tập tin : web_solieu_uoc T3-2025.xlsx
Tin khác