0273.3 872582 | tiengiang@gso.gov.vn

Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp 6 tháng đầu năm 2025

02/07/2025 14:35

Tình hình kinh tế - chính trị thế giới trong những tháng đầu năm 2025 diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gây gắt hơn; xung đột Nga - Ucraina tiếp tục kéo dài, đặc biệt là xung đột tại Biển Đỏ, dải Gaza leo thang đã gia tăng rủi ro với an toàn hàng hải, chuỗi cung ứng hàng hóa đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài ra chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước ảnh hưởng đến xuất khẩu của các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng.  Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025 đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP):

Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 69.544 tỷ đồng, tăng 7,16% so với cùng kỳ năm 2024 (6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,45%), các khu vực kinh tế đều tăng trưởng khá tốt, trong đó, khu vực Nông - Lâm - Thuỷ sản tăng 3,94%, đóng góp 1,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 10,54%, đóng góp 2,86 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung (Công nghiệp tăng 10,59%; Xây dựng tăng 10,28%); khu vực Thương mại - Dịch vụ (kể cả thuế) tăng 7,53%, đóng góp 3,0 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung (Dịch vụ tăng 7,88%; Thuế sản phẩm tăng 5,74%).

Hình 1. Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2025 - %

2. Tài chính - Ngân hàng:

a. Tài chính:

Thu ngân sách nhà nước: trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2025 đạt 12.977 tỷ đồng, đạt 62,74% dự toán năm, tăng 18,21% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 12.533 tỷ đồng, đạt 63,09% dự toán năm, tăng 18,63% so cùng kỳ

Chi ngân sách nhà nước: thực hiện 23.173 tỷ đồng, đạt 59,65% dự toán năm, tăng 42,64% so cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển thực hiện 9.506 tỷ đồng, đạt 69,98% dự toán năm, tăng 83,12% so cùng kỳ.

b. Ngân hàng:

Kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, rủi ro bất ổn thị trường tài chính tăng cao, nhiều quốc gia tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Hoạt động tiền tệ ổn định, mức lãi suất tiếp tục giữ nguyên tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Về lãi suất huy động: Các tổ chức tín dụng trên địa tỉnh chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất cho vay Việt Nam đồng tiếp tục có xu hướng giảm, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với chi phí hợp lý. Ước tính đến cuối tháng 6/2025 vốn huy động đạt 191.588 tỷ đồng, trong đó; Tiền Giang đạt 113.088 tỷ đồng, tăng 5,56%; Đồng Tháp (trước sáp nhập) đạt 78.500 tỷ đồng, tăng 4,68% so với cuối năm 2024. Tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 234.977 tỷ đồng, trong đó Tiền Giang 112.477 tỷ đồng, tăng 5,67%; Đồng Tháp (trước sáp nhập) đạt 122.500 tỷ đồng, tăng 3,09% so với cuối năm 2024.

Nợ xấu: Tiền Giang tỷ lệ nợ xấu 1,97%, tăng 0,18%; Đồng Tháp (trước sáp nhập) là 2,45%, tăng 0,92 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.

3. Giá cả, lạm phát:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng 2,93% so cùng kỳ năm trước.  Đồng Tháp (trước sáp nhập) tăng 1,22% so cùng kỳ năm trước.

4. Thực hiện vốn đầu tư phát triển:

Vốn đầu tư toàn xã hội ước 6 tháng đầu năm 2025, thực hiện 35.525 tỷ đồng, đạt 39,5% kế hoạch và tăng 10,9% so cùng kỳ; trong đó: vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 23.192 tỷ đồng, tăng 16,7% và chiếm 65,3% tổng số, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.518 tỷ đồng, tăng 16,6% và chiếm 7,1% tổng số, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước 9.815 tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng số.

 Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước: Công tác phân khai chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 được triển khai khẩn trương, nghiêm túc. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh năm 2025 với tổng số vốn là 16.829 tỷ đồng, trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là 11.060 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương là 5.769 tỷ đồng. Tập trung thực hiện giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm để thúc đẩy ngành xây dựng nói riêng và các ngành khác tăng trưởng. Tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đến ngày 30/6/2025 đạt 30,9% kế hoạch (5.193/16.829 tỷ đồng). Chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ 288 tỷ đồng, đã giải ngân 107 tỷ đồng, đạt 37,2% kế hoạch.

Hình 2. Cơ cấu vốn đầu tư trên toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2025

5. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản:

a. Nông nghiệp:

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm vẫn duy trì ổn định và có bước phát triển tích cực. Cây trồng sinh trưởng tốt, các loại sâu bệnh gây hại xuất hiện ở mức thấp đến trung bình nhờ người dân chủ động theo dõi thông tin dự báo dịch hại và thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời. Trong chăn nuôi, một số địa phương vẫn phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (như viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi…), song đã được ngành chức năng kiểm soát hiệu quả, không để lây lan diện rộng. Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản tiếp tục đạt được kết quả khả quan so với cùng kỳ năm trước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trong 6 tháng đầu năm ước đạt 50.680 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 4,03% so với cùng kỳ. Giá trị tăng thêm (GRDP) khu vực nông - lâm - thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 22.260 tỷ đồng, tăng 3,94% so với cùng kỳ (tương đương 844 tỷ đồng), đóng góp 1,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.

* Trồng trọt:

Cây lương thực có hạt: diện tích gieo trồng cộng dồn từ đầu vụ sản xuất là 475.227 ha, giảm 1,9% so cùng kỳ, tương ứng giảm 9.121 ha; sản lượng ước đạt 2.210.149 tấn, giảm 3,5%, tương ứng giảm 80.108 tấn. Trong đó cây lúa gieo sạ 469.788 ha, giảm 1,9% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch ước đạt 2.186.419, giảm 3,4%, cụ thể:

- Cây lúa:

+ Vụ Đông xuân 2024 – 2025: diện tích gieo trồng 229.680 ha, giảm 1,7% so cùng kỳ, tương ứng giảm 4.087 ha. Thu hoạch 100% diện tích với năng suất thu hoạch bình quân cả vụ ước đạt 71,9 tạ/ha, tăng 0,3%, tương ứng tăng 0,2 tạ/ha; Sản lượng thu hoạch ước cả vụ đạt 1.651.864 tấn, giảm 1,5% so cùng kỳ, tương ứng giảm 24.518 tấn do diện tích gieo trồng giảm 1,7% so cùng kỳ.

+ Vụ Hè thu: tính đến ngày 20/6, diện tích gieo sạ của vụ ước tính đạt 240.109 ha, giảm 2,1%, tương ứng giảm 5.092 ha; diện tích thu hoạch ước đạt 95.449 ha với sản lượng thu hoạch 534.555 tấn.

Hình 3. Diện tích gieo trồng lúa và hoa màu tính đến 20.6

- Cây ngô: diện tích gieo trồng cộng dồn từ đầu vụ sản xuất là 5.439 ha, tăng 1,1%, tương ứng tăng 57 ha. Ước tính sản lượng thu hoạch ước đạt 23.730 tấn, giảm 14,0% so cùng kỳ, tương ứng giảm 3.852 tấn. Ngô là cây trồng ngắn ngày, kỹ thuật canh tác đơn giản, dễ chăm sóc và có thể trồng nhiều vụ trong năm. Bên cạnh giá trị kinh tế từ việc thu trái bán cho thương lái, cây ngô còn có lợi thế tận dụng tối đa phụ phẩm: thân, lá ngô sau thu hoạch là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc như trâu, bò…, góp phần giảm chi phí chăn nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình.

Cây rau đậu các loại: diện tích gieo trồng cộng dồn từ đầu vụ sản xuất là 52.316 ha, tăng 10,2% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại 52.040 ha, tăng 10,2% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 707.330 tấn, tăng 9,8% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại ước đạt 706.794 tấn, tăng 9,8% so cùng kỳ.

Cây ăn trái: hiện có 133.370 ha, đạt 99,21% kế hoạch, tăng 2,7% so với cùng kỳ; sản lượng trái cây các loại đạt 1.346.402 tấn, đạt 57% so kế hoạch, tăng 6,5 % so cùng kỳ.

*Chăn nuôi: Đàn heo tăng mạnh đạt 485 ngàn con, vượt 8,65% so với kế hoạch và tăng 17,4% so với cùng kỳ, sản lượng thịt heo hơi đạt 69.337 tấn, tăng 26,4%. Đàn bò đạt 164,26 ngàn con, xấp xỉ kế hoạch và tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên sản lượng thịt bò hơi giảm mạnh 41%, còn 11.369 tấn. Đàn gia cầm tiếp tục duy trì quy mô lớn với 24,55 triệu con, tăng 5,3% so với cùng kỳ; sản lượng thịt gia cầm hơi đạt 33.806 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Tính chung sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 114.695 tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và khu vực.

b. Lâm nghiệp:

Trong 6 tháng đầu năm thực hiện trồng mới 24,48 ha rừng, tổng diện tích rừng hiện có 5.663 ha. Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận đạt 2.352 ha.

c. Thủy hải sản:

Những năm gần đây, ngành thủy sản có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là khu vực ven biển. Diện tích nuôi trồng không ngừng mở rộng, sản lượng tăng cao. Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 447.006 tấn, tăng 7,5% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 385.999 tấn, tăng 8,8%; sản lượng khai thác 61.007 tấn, tăng 0,2%.

6. Sản xuất công nghiệp:

Hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc ngay từ đầu năm, duy trì đà tăng trưởng tích cực; doanh nghiệp của ngành luôn chủ động thích ứng với tình hình biến động của thị trường. Phát huy tiềm năng thế mạnh vùng nguyên liệu của địa phương, ngành công nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng GRDP khu vực công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 10,6% với giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 97.038 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ, đạt 47% kế hoạch năm (kế hoạch 206.589 tỷ đồng).

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trước sáp nhặp tăng 8,51% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu do ngành Chế biến chế tạo tăng 8,69%; ngành Sản xuất và phân phối điện tăng 5,31%; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 4,44%; ngành Khai khoáng tăng 101,82% so với cùng kỳ. Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng 16,13% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,29%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,61%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,22% so cùng kỳ.

7. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:

Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có 1.217 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 8.185,1 tỷ đồng, đạt 75,3% kế hoạch năm 2025, tăng 57,8% về số lượng và tăng 47,8% về vốn đăng ký so cùng kỳ 2024. Có 923 đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) thành lập mới, tăng 75,5% so cùng kỳ. Ngoài ra, còn có 286 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Có 170 doanh nghiệp hoàn tất giải thể, giảm 3% so cùng kỳ và có 508 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cao gấp 2,22 lần so với số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Đến cuối tháng 6/2025, toàn tỉnh có khoảng 11.843 doanh nghiệp đang hoạt động.

8. Thương mại, dịch vụ:

a. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra khá sôi động, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là vào cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sức mua hàng hoá dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng 10%. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định, không có biến động lớn, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng. Hàng hóa cung ứng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống khá dồi dào, đa dạng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Tăng trưởng GRDP khu vực thương mại - dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) 6 tháng đầu năm ước đạt 7,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 123.536 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 48,5% so với kế hoạch năm (254.900 tỷ đồng). Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 96.027 tỷ đồng, tăng 9,6%; lưu trú 427 tỷ đồng, tăng 14,9%; ăn uống 15.972 tỷ đồng, tăng 14,5%; du lịch lữ hành 186 tỷ đồng, tăng 17,7%; dịch vụ tiêu dùng 10.924 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ.

Hình 4. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

6 tháng đầu năm 2025

b. Xuất - Nhập khẩu:

* Xuất khẩu:

Hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 4.387 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 47,7% so kế hoạch năm (9.200 triệu USD)

 * Nhập khẩu:

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.848 triệu USD, tăng 9,04% so với cùng kỳ, đạt 51,3% kế hoạch năm (3.600 triệu USD)

c. Du lịch:

Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng so với cùng kỳ. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được thực hiện đa dạng, hiệu quả. Tổ chức Hội nghị giới thiệu, quảng bá du lịch tỉnh đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch TP. Hồ Chí Minh nhằm tăng cường kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch của tỉnh và TP. Hồ Chí Minh; thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin, bài viết quảng bá điểm đến du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống và những sản phẩm du lịch nổi bật của tỉnh trên các ứng dụng du lịch thông minh, các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, du lịch tỉnh tăng trưởng tích cực với tổng lượt khách du lịch hơn 4 triệu lượt khách, tăng 17,8% so cùng kỳ, đạt 55,5% kế hoạch năm; trong đó, khách quốc tế hơn 330 ngàn lượt, tăng 4,9% so cùng kỳ, đạt 40,8% kế hoạch năm. Tổng thu du lịch đạt 2.770 tỷ đồng, tăng 21,1% so cùng kỳ, đạt 67,3% kế hoạch năm.

d. Vận tải:

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng đầu năm 2025 thực hiện 3.761 tỷ đồng, tăng 13,9% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 1.204 tỷ đồng, tăng 14,1% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 1.865 tỷ đồng, tăng 12,8% so cùng kỳ.

Vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2025 đạt 35.345 ngàn hành khách, tăng 11,5% và luân chuyển 1.344.314 ngàn hành khách.km, tăng 10,9% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 11.417 ngàn hành khách, tăng 13% và luân chuyển 1.332.429 ngàn hành khách.km, tăng 11% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 23.928 ngàn hành khách, tăng10,9% và luân chuyển 11.88 ngàn hành khách.km, tăng 9,8% so cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm 2025 đạt 14.284 ngàn tấn, tăng 14,2% và luân chuyển 2.641.252 ngàn tấn.km, tăng 14,8% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 3.802 ngàn tấn, tăng 13,9% và luân chuyển được 419.842 ngàn tấn.km, tăng 5,2% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 10.482 ngàn tấn, tăng 14,3% và luân chuyển 2.221.410 ngàn tấn.km, tăng 16,8% so cùng kỳ.

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2025

Để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và địa phương tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 8% trở lên, trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm từ 8,8% trở lên; tập trung cao độ để khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức, giữ vững tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, phát huy mạnh mẽ quyết tâm đổi mới, đột phá, sáng tạo, sự chủ động, dám nghĩ, dám làm, tăng cường tính chủ động phối hợp và tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thường xuyên theo dõi, thông tin tình hình khí tượng, thủy văn, chủ động các biện pháp phòng, tránh hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Duy trì kiểm tra định kỳ về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; kịp thời phát hiện để phòng trị dịch bệnh và xử lý môi trường

Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nguyên liệu phục vụ sản phẩm thức ăn chăn nuôi, cơ khí, điện tử,...; ngành công nghiệp công nghệ cao, chuyển biến sâu, có giá trị gia tăng. Thường xuyên rà soát kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, trong tiêu thụ sản phẩm …

Triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách về lãi suất, gói hỗ trợ lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.

Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản. Cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện chống bán phá giá; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu.

Đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; thúc đẩy kết nối giữa nhà sản xuất và các kênh phân phối hiện đại để mở rộng tiêu thụ sản phẩm nội địa; có các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến nhiều hơn.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, kịp thời nghiệm thu đưa vào sử dụng và quyết toán các công trình đã hoàn thành. Các ngành địa phương có công trình xây dựng tập trung theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị hồ sơ, thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ và triển khai thi công; thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng công trình, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.