0273.3 872582 | tiengiang@gso.gov.vn

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang tháng 10 năm 2021

18/06/2024 15:57

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đã được kiểm soát kết quả đạt được với quyết tâm cao trong phòng chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị. Song song đó, lãnh đạo tỉnh nhà cũng rất quyết tâm chỉ đạo các giả pháp để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid – 19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP. Kết quả cụ thể của các ngành trong tháng như sau:

  I. SẢN XUẤT NÔNG - LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

  1. Nông nghiệp

  *Trồng trọt: Cây lương thực có hạt: trong tháng gieo trồng 52 ha, sản lượng thu hoạch 211.030 tấn; ước tính đến cuối tháng 10/2021, gieo trồng 134.134 ha, đạt 100,1% kế hoạch, giảm 3,8% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 801.357 tấn, đạt 99,7% kế hoạch, tăng 0,2% so với cùng kỳ; trong đó, cây lúa gieo sạ 131.846 ha giảm 3,1% so cùng kỳ, thu hoạch 126.375 ha giảm 4,6% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 793.201 tấn tăng 0,7% so cùng kỳ.

  - Cây lúa:

  Vụ Hè thu (Xuân Hè + Hè Thu): Mùa mưa đến sớm, không chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn nên sản xuất lúa vụ Hè thu 2021 tương đối thuận lợi, bố trí sản xuất hợp lý, lịch thời vụ chuyển dịch phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái. Diện tích gieo trồng 74.728 ha (bao gồm vụ Xuân hè 24.905 ha và Hè thu 49.823 ha) đạt 97,5% kế hoạch, giảm 1,5% so cùng kỳ; diện tích gieo trồng giảm so cùng kỳ do chuyển đổi sang trồng cây rau màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Thu hoạch lúa Hè Thu đạt 74.728 ha, giảm 1,4% so cùng kỳ; sản lượng đạt 426.012 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ do năng suất bình quân tăng 4,4% so cùng kỳ (đạt 57 tạ/ha).

  Vụ Thu đông: Diện tích gieo trồng 5.417 ha; tăng 112,6% so cùng kỳ (gieo trồng chủ yếu ở 05 huyện phía đông chiếm 66,3% diện tích còn lại huyện Tân Phước, Châu Thành). Dù chủ trương cắt vụ lúa Thu đông nhằm tránh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình hình hạn, mặn đã được ngành Nông nghiệp khuyến cáo, nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân không tuân thủ khuyến cáo, chấp nhận thiệt hại dù đã được các địa phương tuyên truyền, vận động làm cho diện tích tăng cao so với cùng kỳ.

  - Cây ngô: Diện tích trồng trong tháng 52 ha, nâng tổng diện tích gieo trồng 2.288 ha, giảm 32,1% so cùng kỳ; năng suất bình quân 35,7 tạ/ha, sản lượng 8.156 tấn, giảm 32,9% so cùng kỳ, chuyển đổi sang trồng cây thanh long, một số cây ăn quả khác. Huyện Chợ Gạo nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công phía đông tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng ngô lớn nhất tỉnh với 958 ha chiếm 42,8% diện tích ngô toàn tỉnh. Đây cũng là địa phương có tốc độ chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang các cây trồng khác mạnh nhất tỉnh.

  Cây rau đậu các loại: trong tháng 10/2021 gieo trồng được 494 ha, tăng 57,5% so cùng kỳ, thu hoạch 1.375 ha, tăng 3,7% so cùng kỳ. Mười tháng năm 2021 gieo trồng 54.331 ha, đạt 87% kế hoạch, tăng 6,7% so cùng kỳ; thu hoạch 46.749 ha, tăng 2,9% so cùng kỳ; với sản lượng 944.317 tấn, đạt 78,1% kế hoạch, tăng 3,3% so cùng kỳ. Bao gồm diện tích gieo trồng rau các loại 54.080 ha, tăng 6,6% so cùng kỳ, nguyên nhân do chuyển từ đất trồng lúa, năng suất ước 207,7 tạ/ha tăng 0,4% so cùng kỳ, sản lượng 943.747 tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ do nông hộ tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, mở rộng quy mô trồng rau trong nhà lưới kiểm soát được sâu bệnh, nhiều loại giống mới được đưa vào sản xuất nên năng suất, sản lượng tăng; Diện tích gieo trồng đậu các loại 251 ha, so cùng kỳ tăng 18,3%; Sản lượng 570 tấn, so cùng kỳ tăng 5,2% do diện tích thu hoạch tăng.

  Chăn nuôi: Thời điểm 01/10/2021 tổng đàn gian súc, gia cầm của tỉnh như sau: Đàn bò hiện có 120.871 con, tăng 1,8% so cùng kỳ, tương ứng tăng 2.185 con so cùng kỳ, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trong tháng đạt 1.600 tấn, cộng dồn đạt 18.586 tấn, giảm 3,9% tương ứng giảm 761 tấn so với cùng kỳ. Đàn lợn 275.625 con, giảm 1,7% tương ứng giảm 4.780 con so với cùng kỳ, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 10 đạt 6.511 tấn giảm 4,1% tương ứng giảm 276 tấn so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đạt 63.577 tấn, giảm 12,4% tương ứng giảm 9.030 tấn; Tổng đàn gia cầm của tỉnh là 17.100 ngàn con, tăng 0,4% tương ứng tăng 65 ngàn con so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong tháng 10 đạt 4.147 tấn, giảm 8,5% tương ứng giảm 387 tấn so cùng kỳ, nâng tổng số sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 10 tháng năm 2021 đạt 45.532 tấn, giảm 3,1% tương ứng giảm 1.433 tấn so với cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm giảm do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tiêu thụ hàng hóa, vì vậy tình hình tiêu thụ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm mạnh; Giá cả thịt lợn hơi giảm liên tục từ đầu năm đến hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi trong tháng tiếp tục tăng mạnh, người chăn nuôi không dự đoán được thị trường nên rất lo lắng khi tái đàn.

  * Tình hình dịch bệnh trên động vật trong tháng 10: (Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh):

   Trên gia cầm: Trong tháng không ghi nhận. Luỹ tiến: ghi nhận 03 trường hợp/03 xã/03 huyện có gà bệnh cúm gia cầm với tổng đàn 9.006 con; trong đó, gà bệnh và chết được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 8.836 con.

  Trên gia súc:

  + Bệnh lở mồm long móng: Trong tháng không ghi nhận. Lũy tiến: 01 trường hợp heo mắc bệnh lở mồm long móng tại huyện Cái Bè, tổng đàn 35 con. Chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy 35 con heo bệnh; đồng thời triển khai thực hiện công tác tiêu độc khử trùng tại cơ sở thu gom heo.

  + Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Trong tháng ghi nhận 16 trường hợp heo mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Cái Bè, TX Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước và Gò Công Đông với tổng đàn 666 con. Số heo được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 335 con. Luỹ tiến: Từ ngày 15/12/2020, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 34 hộ có heo mắc bệnh DTLCP với tổng đàn 1.110 con tại 20 xã/08 huyện (Cái Bè: 06 xã; Thị xã Cai Lậy: 01 xã; Châu Thành: 02 xã; Tân Phước: 02 xã; Gò Công Tây: 03 xã; Gò Công Đông: 04 xã; Tân Phú Đông: 01 xã; Chợ Gạo: 01 xã). Tổng số heo được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 677 con trên 31 hộ. Ngoài ra, địa phương tiêu hủy heo bệnh chết tại 02 hộ cũ (Bệnh trước ngày 15/12/2020), với số lượng 105 con.

  + Bệnh viêm da nổi cục (VDNC): Trong tháng ghi nhận 201 hộ/104 ấp/55 xã/09 huyện có bò mắc bệnh VDNC với tổng đàn 904 con, số bò mắc bệnh là 314 con. Đã tiêu hủy 11 con/11 hộ có bò bệnh, chết. Lũy tiến: Toàn tỉnh đã ghi nhận bò có dấu hiệu điển hình của bệnh VDNC tại 311 hộ /147 ấp/63 xã/10 đơn vị huyện (trừ Thị xã Gò Công) với số bò bệnh là 482 con/tổng đàn 1.472 con.

  2. Lâm nghiệp:

  Tổng diện tích rừng hiện có là 1.925,2 ha (Không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng). Trong đó rừng phòng hộ 1.337,4 ha (huyện Gò Công Đông: 444,8 ha; huyện Tân Phú Đông: 848,8 ha và huyện Tân Phước: 43,8 ha); rừng sản xuất 587,8 ha.

  Tháng 10/2021 toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 10,6 ngàn cây phân tán nâng tổng số cây trồng 838,5 ngàn cây các loại, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Những cây trồng mới chủ yếu là cây bạch đàn, tràm bông vàng trồng trên các tuyến đê, tuyến đường xã đạt và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giao cho dân chăm sóc.

  3. Thủy hải sản:

  Trong tháng, thủy sản các loại thả nuôi 371 ha, giảm 45,3% so cùng kỳ; Mười tháng thả nuôi 15.139 ha, đạt 99,7% kế hoạch và giảm 3% so cùng kỳ; Thủy sản nước ngọt nuôi 4.695 ha, giảm 5% so cùng kỳ; Thủy sản nước mặn, lợ nuôi 10.444 ha, giảm 2% so cùng kỳ, diện tích giảm chủ yếu là nuôi tôm sú nuôi quảng canh và nuôi tôm thẻ chân trắng do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 tôm xuất ra ngoài tỉnh không được, giá tôm giảm mạnh nên sản lượng thu hoạch cũng giảm theo vì vậy người dân chỉ tiêu thụ sản phẩm trong phạm vi ở địa phương mình. Do độ mặn và tình hình dịch bệnh chưa ổn định nên người dân đang chờ thời tiết thích hợp thì tiến hành thả giống, các hộ nuôi tôm thâm canh và quảng canh cải tiến rất thận trọng trong việc chọn mua giống.

  Sản lượng thủy sản trong tháng thu hoạch 33.292 tấn, giảm 3,9% so cùng kỳ. Mười tháng thu hoạch 255.741 tấn, đạt 87,2% kế hoạch, tăng 0,3% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 131.320 tấn, đạt 80,7% kế hoạch, tăng 0,7% so cùng kỳ, sản lượng khai thác 124.421 tấn, đạt 95,2% kế hoạch, giảm 0,1% so cùng kỳ.

  II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

  Tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trong những tháng trước đã làm cho các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch, chỉ còn vài doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thiết yếu thực hiện hoạt động sản xuất theo phương án 3 tại chỗ. Trong những tuần đầu tháng 10 Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức cho 34 doanh nghiệp tái sản xuất lại theo hướng 3 tại chỗ và đang tiếp tục thẩm định các doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký 3 tại chỗ để các doanh nghiệp sớm quay lại sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 tăng 1,8% so với tháng trước, do một số ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu của tỉnh như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,5%; Sản xuất trang phục tăng 1,2%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7 lần so tháng trước (ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 25,6%; các ngành còn lại có chỉ số giảm như không đáng kể) và giảm 20% so cùng kỳ. Các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh có chỉ số giảm so cùng kỳ, như: sản xuất trang phục giảm 35,8%, sản xuất thiết bị điện giảm 77,2%... (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 22,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 2,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,5%).

  Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm 2021 giảm 3,6% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,8%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,4%.

  Chỉ số sản xuất sản phẩm trong 10 tháng so cùng kỳ như sau:

  - Có 8/42 sản phẩm tăng so cùng kỳ: Bộ com lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 38,9%; Thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm tăng 18,3%; Bia đóng chai tăng 17,8%; Bia đóng lon tăng 12,4%; Thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên tăng 7,5%; Ống và ống dẫn bằng đồng tăng 2,7%; Thức ăn cho gia súc tăng 1,2%.

  - Có 34/42 sản phẩm giảm so cùng kỳ: Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền giảm 52,5%; Đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người giảm 51,4%; Dịch vụ tiện các bộ phận kim loại giảm 49,7%; Giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 40,2%; Áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ, áo gió cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 35,4%; Giấy vệ sinh giảm 33,8%; Bao và túi (kể cả loại hình nón) từ plastic khác giảm 33,4%; Phân vi sinh giảm 33,3%; Thức ăn cho thủy sản giảm 9,6%;…

  Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 10/2021 so với tháng trước tăng 98,3%; trong đó: doanh nghiệp nhà nước bằng 100%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 39%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 139,5%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 10/2021 so với cùng kỳ giảm 43,7%; trong đó: trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 6,4%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 48,1%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 43,9%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 10 năm 2021 giảm 19,8%, trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 2,6%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 17,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 21,1%. Chia theo ngành công nghiệp: Công nghiệp chế biến chế tạo giảm 20,3%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,4%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải giảm 2,3%.

  * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

  - Chỉ số tiêu thụ tháng 10/2021 so với tháng trước giảm 3,2% và giảm 41,9% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 10 năm 2021 giảm 19,6%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 18,5%, trong đó chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản giảm 28,2%; Dệt giảm 21,9%, trong đó sản xuất sợi giảm 37,1%; Sản xuất trang phục giảm 14,9%; Sản xuất da giảm 15,7%, trong đó sản xuất giày dép giảm 22,5%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng nhưng không đáng kể so cùng kỳ là: Sản xuất đồ uống tăng 8,7%, trong đó sản xuất bia tăng 8,7%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 3,9%...

  - Chỉ số tồn kho tháng 10/2021 so với tháng trước tăng 8,1% và so với cùng kỳ tăng 32,5%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 51,3%; Sản xuất đồ uống tăng 28,42%, trong đó sản xuất bia tăng 28,4%; Dệt tăng 53,3%; Sản xuất trang phục tăng 27,5%; Sản xuất kim loại tăng 78,9%;... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: Sản xuất da giảm 55%; Sản xuất giấy giảm 39,5%; Sản xuất thiết bị điện giảm 50,2%;…

  * Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:

  Trong tháng, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp không cấp mới dự án đầu tư và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký mới.Tính đến tháng 10 năm 2021, không cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, chỉ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 lượt dự án tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trong đó có 05 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đầu tư tăng thêm là 0,2 tỷ USD.

  - Khu công nghiệp:

 Lũy kế đến 10/2021 các Khu công nghiệp đã thu hút được 107 dự án đầu tư; trong đó: có 78 dự án đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư là 2,5 tỷ USD và 4.575,9 tỷ đồng. Diện tích đất thuê của các doanh nghiệp là 571,1 ha/770,1 ha chiếm tỷ lệ 74,1% diện tích đất công nghiệp cho thuê. 

  - Cụm công nghiệp:

 trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (

trong đó: có 6 dự án đầu tư nước ngoài) 

với tổng vốn đầu tư 0,2 tỷ USD và 2.306,2 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 89,8 ha/120,6 ha, đạt 74,5% của 5 Cụm công nghiệp đang hoạt động.

  III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG

  Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, UBND tỉnh cùng các ngành, các cấp thường xuyên kiểm tra giám sát nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh đầu tư công như: điều chuyển vốn các công trình triển khai chậm sang các công trình có khối lượng cao, bố trí sử dụng các khoản vốn chưa có bố trí trong danh mục công trình cụ thể trong Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh.

  Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng là 293 tỷ đồng, giảm 57,7% so cùng kỳ. Mười tháng thực hiện 2.547 tỷ đồng, đạt 66,7% kế hoạch, giảm 38,2% so cùng kỳ, do thực hiện giản cách để phòng chống dịch Covid-19.

  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 1.944,5 tỷ đồng, đạt 62,3% kế hoạch, giảm 37,1% so cùng kỳ, chiếm 76,4% tổng số; 

trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 374 tỷ đồng, giảm 40,9%. 

Các ngành các cấp yêu cầu các ban quản lý chủ đầu tư tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án công trình trong những tháng cuối năm 2021, đồng thời thực hiện đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 436,9 tỷ đồng, tăng 11,5% kế hoạch, giải 39% so cùng kỳ, chiếm 17,1% tổng số; 

trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 220,8 tỷ đồng, giảm 35,6% so cùng kỳ...

  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 165,7 tỷ đồng, đạt 54,5% kế hoạch, giảm 47,1% so cùng kỳ, chiếm 6,5% tổng số; 

trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 117,8 tỷ đồng, giảm 48,4% so cùng kỳ... Các xã tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới năm 2021 nhằm phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân đồng thời hoàn thành tiêu chí để ra mắt xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

  IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ

  1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

  Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 4.910,3 tỷ đồng, giảm 20,7% so cùng kỳ. Mười tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 49.547,4 tỷ đồng, đạt 70,5% kế hoạch, giảm 4,2% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 42.635,9 tỷ đồng, tăng 0,5%; lưu trú 20,6 tỷ đồng, giảm 48,5%; ăn uống 2.931,2 tỷ đồng, giảm 29%; du lịch lữ hành 5,8 tỷ đồng, giảm 77,8%; dịch vụ tiêu dùng khác 3.953,8 tỷ đồng, giảm 22,1% so cùng kỳ.

  2. Xuất - Nhập khẩu:

  a. Xuất khẩu:

  Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 153 triệu USD; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 27 triệu USD, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 124 triệu USD. Mười tháng xuất khẩu 2.468 triệu USD, đạt 75,9% kế hoạch, tương đương so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 37 triệu USD, giảm 6,7%; kinh tế ngoài nhà nước 424 triệu USD, giảm 17,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.007 triệu USD, tăng 4,8% so cùng kỳ.

  b. Nhập khẩu:

  Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2021 đạt 189,7 triệu USD. Mười tháng, kim ngạch nhập khẩu 1.551 triệu USD, đạt 86,2% kế hoạch, tăng 25,4% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập khẩu 126 triệu USD, tăng 51,2%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 1.425 triệu USD, tăng 23,6% so cùng kỳ. Nhập khẩu tăng hơn so cùng kỳ do nhập nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, chủ yếu các mặt hàng như: Kim loại thường khác 494 triệu USD, tăng 6,5%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 247 triệu USD, tăng 26%; Máy móc thiết bị, dụng cụ văn phòng 138 triệu USD, tăng 127,2%... so cùng kỳ.

  3. Chỉ số giá:

  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 tăng 0,22% so tháng 9/2021 (thành thị tăng 0,43%, nông thôn tăng 0,17%); so cùng kỳ tăng 2,7%. So với tháng 9/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 8 nhóm hàng tăng: đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,16%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,75%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; giao thông tăng 2,54%; giáo dục tăng 0,06%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%. có 02 nhóm giảm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,52%, trong đó (lương thực tăng 0,47%, thực phẩm giảm 0,95%); bưu chính viễn thông giảm 0,01%. riêng nhóm Hàng hoá và dịch vụ khác chỉ số giá ổn định

  Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 10/2021 giảm 0,04% so tháng trước, giá vàng bình quân tháng 10/2021 là 5.177 ngàn đồng/chỉ, giảm 176 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.

  Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 10/2021 giảm 0,09% so tháng trước; giá bình quân tháng 10/2021 là 22.860 đồng/USD, giảm 1,13 đồng/USD so cùng kỳ.

  4. Du lịch:        

  Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa hoạt động trở lại trạng thái bình thường. Khách du lịch đến trong tháng 10/2021 được 110 lượt khách, giảm 99,8% so cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng 10 đạt 175,2 tỷ đồng, giảm 84,4% so cùng kỳ.

  Tính chung mười tháng đầu năm 2021, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 263,7 ngàn lượt khách, đạt 24% kế hoạch và giảm 56,3% so cùng kỳ; 

trong đó: khách quốc tế 3,8 ngàn lượt khách, giảm 96,1% so cùng kỳ

. Tổng doanh thu thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 6.911,4 tỷ đồng, giảm 25,4% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 2.931,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,4%, giảm 29%; lưu trú đạt 20,6 tỷ đồng, giảm 48,5% so cùng kỳ...

  5. Vận tải:

  Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 102,9 tỷ đồng, tăng 27,1% so tháng trước và giảm 37,2% so cùng kỳ. Mười tháng thực hiện 1.312,6 tỷ đồng, giảm 20,6% so cùng kỳ; 

trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 307,3 tỷ đồng, giảm 34,5%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 857,1 tỷ đồng, giảm 15,3% so cùng kỳ

. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 597,9 tỷ đồng, giảm 25,1%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 566,5 tỷ đồng, giảm 17,1%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 148,2 tỷ đồng, giảm 13,5% so cùng kỳ.

  Vận tải hành khách trong tháng đạt 1.584 ngàn hành khách, tăng 2,2 lần so tháng trước và giảm 42,5% so cùng kỳ. Doanh thu hành khách tăng cao so với tháng trước là do tình hình dịch bệnh covid-19 của các tháng trước diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, đến nay tình hình dịch bênh cơ bản được kiểm soát, nên tỉnh cho phép người dân trong vùng xanh được đi lại trong tỉnh, công nhân lao động trở lại doanh nghiệp làm việc...dẫn đến doanh thu tăng. Luân chuyển 15.317 ngàn hành khách.km, tăng 3,3 lần so tháng trước và giảm 70,7% so cùng kỳ. Mười tháng, vận chuyển 18.899 ngàn hành khách, giảm 33,7% so cùng kỳ; luân chuyển 321.700 ngàn hành khách.km, giảm 35,5% so cùng kỳ; 

trong đó: vận tải đường bộ 8.556 ngàn hành khách, giảm 29,9% và luân chuyển 308.254 ngàn hành khách.km, giảm 35,1% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 10.343 ngàn hành khách, giảm 36,6% và luân chuyển 13.446 ngàn hành khách.km, giảm 43% so cùng kỳ.

  Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 712 ngàn tấn, tăng 11,5% so tháng trước và giảm 24,8% so cùng kỳ; luân chuyển 94.929 ngàn tấn.km, tăng 11,1% so tháng trước và giảm 21,9% so cùng kỳ. Mười tháng, vận tải 8.273 ngàn tấn hàng hóa, giảm 12,9% so cùng kỳ; luân chuyển 1.071.664 ngàn tấn.km, giảm 13% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 1.904 ngàn tấn, giảm 9% và luân chuyển 202.222 ngàn tấn.km, giảm 20,1% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 6.369 ngàn tấn, giảm 14% và luân chuyển 869.442 ngàn tấn.km, giảm 11,2% so cùng kỳ.

  * Công tác quản lý phương tiện giao thông:                    

  Trong tháng đăng ký mới mô tô xe máy không phát sinh, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19; 05 chiếc xe ô tô. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh là 1.355.014 chiếc, trong đó mô tô xe máy: 1.312.967 chiếc, 41.256 chiếc xe ô tô, 152 xe ba bánh, 192 xe đạp điện và 447 xe khác.

  6. Bưu chính viễn thông:

  Doanh thu trong tháng 10/2021 đạt 266,3 tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 2,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 25,8 tỷ đồng, tăng 1,2% và viễn thông 240,5 tỷ đồng, tăng 0,3% so tháng trước. Mười tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 2.638 tỷ đồng, tăng 3,9% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 239,3 tỷ đồng, tăng 12,2% và viễn thông 2.398,7 tỷ đồng, tăng 3,2% so cùng kỳ.

  Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 10/2021 là 97.455 thuê bao, mật độ bình quân đạt 5,5 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 10/2021 là 283.769 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 16,1 thuê bao/100 dân. Số lượng điện thoại cố định có dây, không dây tiếp tục giảm, do thị trường phát triển thuê bao dần bảo hòa dẫn đến khách hàng dần chuyển sang sử dụng điện thoại di động, trong đó chủ yếu là điện thoại di động trả trước. Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet (3G, 4G) đến cuối tháng 9/2021 là 1.621.013 thuê bao.

  V.TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG

  1. Tài chính:

  Thu ngân sách trên địa bàn trong tháng thực hiện 265 tỷ đồng; trong đó:thu nội địa 260 tỷ đồng. Mười tháng, thu 6.788,8 tỷ đồng, đạt 63,97% kế hoạch, giảm 23,5% so cùng kỳ; trong đó: thu nội địa 6.417,9 tỷ đồng, đạt 62,1% dự toán, giảm 26,2% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.106,1 tỷ đồng, đạt 61,1% dự toán, giảm 29,1% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 769 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán, giảm 24,9% so cùng kỳ...).

  Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 1.480,5 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 843,5 tỷ đồng. Mười tháng, chi 10.370,6 tỷ đồng, đạt 84,6% dự toán, giảm 26,5% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 2.920,1 tỷ đồng, đạt 78,9% dự toán, giảm 34,5% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 5.485,9 tỷ đồng, đạt 79,8% dự toán và giảm 5,5% so cùng kỳ.

  2. Ngân hàng:

  Đến cuối tháng 9/2021, vốn huy động đạt 77.874 tỷ đồng, tăng 2,4% so cuối năm 2020; Mức tăng bình quân là 0,3%/tháng. Huy động vốn chủ yếu từ khu vực dân cư, chiếm tỷ trọng 85,2% tổng nguồn vốn huy động. Ước đến cuối tháng 10/2021, vốn huy động đạt 77.874 tỷ đồng, tỷ lệ 2,7% so với cuối năm 2020.

  Nợ xấu: đến cuối tháng 9/2021, số dư là 740 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,1%, tăng 0,04% so với cuối tháng 6/2021 là thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát trên địa bàn tỉnh. Ước đến cuối tháng 10/2021, nợ xấu là 750 tỷ đồng, tỷ lệ 1,1%, giảm 0,2% so với cuối năm 2020

  Hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, các chỉ tiêu đều đạt mức tăng trưởng. Một số kết quả đạt được đến cuối tháng 9/2021 so với cuối năm 2020 như sau: tổng nguồn vốn hoạt động đạt 1.211 tỷ đồng, tăng 80 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 7,1% (trong đó: vốn điều lệ tăng 5,6%, vốn huy động tăng 9,6%.); tổng dư nợ cho vay đạt 834 tỷ đồng, giảm 17 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 2% (trong đó: dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 43,2%); nợ xấu: số dư 5,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,7%, tăng 0,4%.

  - Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

  Đến cuối tháng 9/2021, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 11.571 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng dư nợ toàn tỉnh (trong đó khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng chiếm 44%). Một số ngành có tỷ lệ dư nợ bị ảnh hưởng lớn là: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 31,7% tổng dư nợ); bán buôn và bán lẻ (33,2%); hoạt động dịch vụ (9,7%);....

  Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.447 khách hàng với lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/01/2020 là 1.494 tỷ đồng.

  Chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ 13/3/2020 đến hết 30/9/2021, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 97 ngàn khách hàng với dư nợ trên 29.230 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch đạt trên 32.493 tỷ đồng với 3,7 ngàn khách hàng còn dư nợ. Lũy kế từ 13/3/2020 đến 30/9/2021, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng hơn 202 tỷ đồng.

  Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung NQ42: Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã giải ngân cho vay đối với 6 đơn vị với dư nợ đạt 978 triệu đồng. Thời gian vay là 12 tháng, lãi suất là 0%/năm.

  Chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ: NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho vay 6 doanh nghiệp với 92 lao động, dư nợ 329,2 triệu đồng, thời gian cho vay 11 tháng, lãi suất 0%/năm.

  - Kết quả cho vay thu mua tạm trữ thóc gạo năm 2021

  Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện chỉ đạo của NHNN VN tại công văn số 5747/NHNN-TD ngày 10/08/2021, NHNN tỉnh đã có văn bản triển khai đến các chi nhánh NHTM yêu cầu đảm bảo vốn tín dụng cho vay thu mua tạm trữ, thóc gạo năm 2021. Đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh có 11 chi nhánh NHTM tham gia cho vay lĩnh vực lúa gạo. Từ đầu năm đến nay, các NHTM đã cấp hạn mức tín dụng 9.715 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua tạm trữ thóc, gạo, đã giải ngân với tổng doanh số cho vay lũy kế 17.907 tỷ đồng để thu mua 2.285.305 tấn thóc gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đạt 7.625 tỷ đồng (trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 99,9%), chiếm 78,4% hạn mức được cấp, chiếm 11,1% tổng dư nợ toàn tỉnh.

  VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

  Trong tháng, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN). Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định triển khai 01 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Kiểm tra tiến độ thực hiện 01 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở (Dự án sản xuất thử nghiệm: Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong canh tác dưa lưới tại huyện Cái Bè - tỉnh Tiền Giang). Nghiệm thu giai đoạn 03 nhiệm vụ KH&CN, trong đó 01 cấp tỉnh (Đề tài: Nghiên cứu, biên soạn từ điển địa danh tỉnh Tiền Giang); 02 cấp cơ sở (Đề tài: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “ Gạo Gò Công” cho sản phẩm gạo Gò Công, tỉnh Tiền Giang; Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Dưa hấu Gò Công” cho sản phẩm dưa hấu Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Ngoài ra Gia hạn 01 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (Đề tài: Nghiên cứu tận dụng phụ phẩm từ quả mít để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang).

  Đến tháng 10/2021, thẩm định nội dung 13 nhiệm vụ ( 06 cấp tỉnh, 07 cấp cơ sở); nghiệm thu kết thúc 08 nhiệm vụ (07 cấp tỉnh , 01 cấp cơ sở); nghiệm thu giai đoạn 17 nhiệm vụ (08 cấp tỉnh, 09 cấp cơ sở); Quyết định triển khai 16 nhiệm vụ (09 cấp tỉnh, 07 cấp cơ sở); Quyết định công nhận 13 nhiệm vụ (10 cấp tỉnh, 03 cấp cơ sở); Gia hạn 07 nhiệm vụ KH&CN (05 cấp tỉnh, 02 cấp cơ sở).

  VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

  1. Lao động việc làm:

  Trong tháng, tư vấn cho 572 lượt lao động, giảm 85,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: tư vấn nghề cho 17 lượt lao động, tư vấn việc làm 69 lượt lao động, tư vấn việc làm cho 473 lượt lao động thất nghiệp, tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 13 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 58 lao động, bằng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020; đã giới thiệu cho 48 lao động có được việc làm ổn định, bằng 12,9% so với cùng kỳ; tư vấn cho 02 lượt lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bằng 8,3% so với cùng kỳ, có 01 lao động đăng ký tham gia, tăng 01 lao động so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tiếp nhận được 591 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, bằng 19,2% so với cùng kỳ, quyết định 233 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bằng 8,8% so với cùng kỳ, với số tiền chi trả gần 5,7 tỷ đồng, đạt 11,4% so với cùng kỳ năm 2020; thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 613 lượt lao động thất nghiệp.

  2. Chính sách xã hội:

  Quỹ đền ơn đáp nghĩa vận động được 1,2 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm vận động được 7,1 tỷ đồng giảm 19% so với cùng kỳ năm 2020, xây dựng được 6 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 240 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm xây dựng được 41 ngôi nhà tình nghĩa, với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ ; sửa chữa 9 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 180 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm sửa chữa được 60 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng tăng 6% so với cùng kỳ.

  Tiếp nhận 1.516 tấn gạo do Trung ương hỗ trợ (đợt 2) cho các huyện, thành, thị để cấp cho 101.062 người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

 Số lượng gạo qua 2 đợt, tỉnh Tiền Giang được Trung ương hỗ trợ 3.006 tấn gạo, cấp cho 200.415 người. Bên cạnh đó, tỉnh còn tiếp nhận 50 tấn gạo do Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân tặng để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống Covid -19 tỉnh đã đi thăm hỏi, tặng quà cho 58 trẻ em mồ côi và 349 gia đình có người tử vong do dịch Covid-19 ở các huyện, thành, thị.

  3. Hoạt động y tế:

  Trong tháng có 06/44 bệnh truyền nhiễm được ghi nhận. So cùng kỳ về số mắc, có 03 bệnh tăng như: tay chân miệng (+425 ca), viêm não do vi rút (+4 ca), Covid-19 (+14.844 ca); 15 bệnh giảm như: liên cầu lợn ở người (-3 ca), ho gà (-1 ca), lao phổi (-364 ca), lỵ a míp (-2 ca), Quai bị (-33 ca), sởi (-36 ca), Sốt xuất huyết (-759 ca), thương hàn (-8 ca), thủy đậu (-86 ca), tiêu chảy (-692 ca), uốn ván khác (-2 ca), viêm gan siêu vi A (-2 ca), viêm gan siêu vi B (-14 ca), viêm gan siêu vi C (-3 ca), Zika (-1 ca); 26 bệnh tương đương và hoặc không xảy ra ca mắc; Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết ghi nhận 37 ca mắc, cộng dồn số ca mắc từ đầu năm 1.766 ca, giảm 30,1% so với cùng kỳ, ghi nhận 01 ca tử vong do SXHD. Phòng chống HIV/AIDS tính đến nay toàn tỉnh có 6.181 người nhiễm HIV, 1.805 người chuyển sang AIDS, tử vong do AIDS: 999 người. Số lần khám bệnh 198.325 lượt, giảm 54,8%; số người điều trị nội trú 10.323 lượt, giảm 46,9%; số ngày điều trị nội trú 49.240, giảm 43,31%, công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 45,3%. Không ghi nhận xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

  Covid - 19: Kể từ ngày có ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng (5/6/2021) đến 24/10/2021 toàn tỉnh có 15.626 bệnh nhân; 14.169 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh; đã tử vong 390 bệnh nhân; Tiền Giang thuộc cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình) theo công bộ cấp độ dich Covid-19 của Bộ Y tế. Tính đến ngày 15/10/2021, toàn tỉnh tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho 720.331 người (mũi 1: 602.944; mũi 2: 117.387); tỷ lệ 58,8% theo Quyết định được phân bố (1.224.350 liều), 80,5% trên tổng số vaccine thực nhận (894.350 liều), 82,6% tổng số vaccine phân bố đến các điểm tiêm (871.937 liều).

  4. Hoạt động giáo dục:

  Trong tháng 10, công tác dạy và học trực tuyến tiếp tục thực hiện theo Quyết định 2259/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 về kế hoạch năm học 2021 – 2022; Ngành Giáo dục – Đào tạo thành lập tổ và tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình tại các trường tiểu học bằng hình thức online. Phấn đấu tất cả học sinh đều được tham gia học tập và có đủ thiết bị học tập; Triển khai tập huấn đại trà cho giáo viên cấp trung học về tổ chức dạy học trực tuyến vào ngày 16,17/10/2021 cho tất cả các bộ môn; Hướng dẫn dạy học trực tuyến môn Giáo dục thể chất cho cấp THCS-THPT, Giáo dục quốc phòng - An ninh cho cấp THPT.

  5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

  Trong tháng 10, Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức 10 lượt xe loa tuyên truyền. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên phần lớn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đông người tạm dừng để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

  6. Trật tự an toàn giao thông

: Theo báo cáo của ngành Công an

  Tai nạn giao thông đường bộ

: Trong tháng, tai nạn giao thông xảy ra 07 vụ giảm 02 vụ so tháng trước và giảm 37 vụ so cùng kỳ, làm chết 03 người giảm 03 người so tháng trước và giảm 25 người so cùng kỳ, bị thương 02 người giảm 05 người so tháng trước và giảm 28 người so cùng kỳ. Nguyên nhân gây tai nạn như: đi không đúng phần đường, làn đường, uống rượu say.... Ước tính thiệt hại về tài sản trong tháng là 58 triệu đồng, cộng dồn từ đầu năm đến nay là gần 4,2 tỷ đồng. Về vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ xảy ra 1.177 vụ, tăng 566 vụ so tháng trước và giảm 5.321 vụ so cùng kỳ; trong đó các lỗi vi phạm như: không giấy phép lái xe, giấy phép không hợp lệ, chạy quá tốc độ qui định, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu điều khiển phương tiện, thiết bị an toàn không đảm bảo... Đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 1.172 vụ, tước giấy phép lái xe 28 vụ, phạt tiền 05 vụ với số tiền phạt trên 1 tỷ đồng.

  Tai nạn giao thông đường thủy

: Trong tháng không xảy ra, tương đương so với tháng trước và giảm 01 vụ so cùng kỳ. không phát sinh số người chết và bị thương. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 767 vụ giảm 84 vụ so tháng trước và giảm 1.287 vụ so cùng kỳ; trong đó chở quá vạch mớn nước an toàn 651 vụ và vi phạm khác 116 vụ. Đã lập biên bản tạm giữ giấy tờ 10 vụ và phạt tiền tại chỗ 757 vụ với số tiền phạt 76,5 triệu đồng.

  7. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội (theo báo cáo ngành Công an):

  Tội phạm về trật tự xã hội ghi nhận 52 vụ, tăng 08 vụ so với liền kề; giảm 82 vụ so với cùng kỳ, làm chết 02 người; bị thương 13 người; tài sản thiệt hại khoảng 507 triệu đồng, trong đó xảy ra 01 vụ giết người, 11 vụ cố ý gây thương tích, nguyên nhân chủ yếu do mâu thuần xã hội bộc phát (sau khi đã uổng rượu không kiềm chế bản thân; đâm đánh nhau, gây thương tích dẫn đến tử vong); tội phạm trộm cắp tài sản có dấu hiệu phức tạp trở lại, nhất là sau khi tỉnh thực hiện nới lỏng các biện pháp giản cách xã hội. Phát hiện, xử lý 17 tụ điểm cờ bạc với 141 đối tượng liên quan; 16 vụ, 21 đối tượng phạm tội về ma túy và xử lý vi phạm hành chính 98 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; 06 vụ với 05 đổi tượng có hành vi vận chuyển hàng hóa không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, thu giữ 26,9m3 gỗ và 11 thùng sữa nhãn hiệu IZUMIO, 315 bao phân bón các loại (tổng giá trị hàng hóa khoảng 382 triệu đồng), 01 vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc (máy trò chơi điện tử)... và xử lý hành chính 01 trường hợp giết mổ động vật trái phép, số tiền 07 triệu đồng.

  8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

  Tình hình cháy nổ trong tháng xảy ra 01 cháy nhà ở huyện Cai Lậy, ước giá trị thiệt hại tài sản là 60 triệu đồng; chủ sở hữu không yêu cầu điều tra nguyên nhân; nâng số vụ cháy, nổ từ đầu năm đến nay là 29 vụ, 1 người chết và thiệt hại về tài sản trên 5,5 tỷ đồng. Thiên tai tháng 10, xảy ra 02 vụ lốc xoáy, ước tổng giá trị thiệt hại 580 triệu đồng, bao gồm thiệt hại về tài sản như tốc mái 09 căn nhà, thiệt hại về cây ăn trái, ngã đỗ (sầu riêng 121 cây, mít 247 cây, vú sữa 02 cây, đu đủ 75 cây, chuối 30 cây và dừa 03 cây). Về lĩnh vực môi trường tháng 10, xử phạt vi phạm hành chính (với 01 tổ chức) với số tiền xử phạt vi phạm 20 triệu đồng; nội dung vi phạm chủ yếu là thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; khai thác sử dụng nước dưới đất không có giấy phép và thăm dò nước dưới đất không có giấy phép; không báo cáo kết quả giám sát chất thải định kỳ (một năm một lần trước ngày 31 tháng 01 hàng năm) cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định; khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép.

File đính kèm