Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm 2021
I. TÌNH HÌNH CHUNG
Sáu tháng đầu năm 2021, triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện rõ rệt sau khi các quốc gia triển khai vắc-xin hiệu quả và đối phó tốt hơn với dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng của các nền kinh tế phát triển với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã làm kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều và mong manh.
Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu đều dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 đạt 5,6%, tốc độ tăng mạnh nhất sau suy thoái. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo GDP toàn cầu tăng 5,8% trong năm 2021. Theo Fitch Ratings, dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 6,3% trong năm 2021, cao hơn mức dự báo trong tháng 3/2021 (6,1%). Liên hợp quốc nhận định sau khi giảm 3,6% trong năm 2020, nền kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng 5,4% năm 2021, tăng 0,7 điểm phần trăm so với mức dự báo 4,7% đưa ra trong báo cáo phát hành vào tháng 1/2021. Ngân hàng Thế giới nhận định GDP của Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Trung Quốc trong năm 2021 tăng lần lượt là 6,8%, 4,2%, 2,9% và 8,5%.
Đối với khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam và Ma-lai-xi-a là động lực tăng trưởng của khu vực khi đạt mức tăng trưởng lần lượt là 6,6% và 6,0% trong năm 2021. Phi-li-pin, Thái Lan và In-đô-nê-xi-a được dự báo tăng trưởng tương ứng là 4,7%, 2,2% và 4,4% trong năm 2021.
Theo Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2021, WB nhận định đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đã làm số ca nhiễm tăng mạnh. Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5 cho thấy khả năng chống chịu cao với tốc độ tăng trưởng 1,6% (so với tháng trước), nhưng doanh số bán lẻ giảm 3,1% do tác động của giãn cách xã hội. Vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 5 do kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và cam kết vốn FDI giảm lần lượt 6,7% và 20% so với tháng 4. Giá cả trong nước tăng 0,3% (so với tháng trước) do giá hàng hóa toàn cầu tăng. Trong thời gian tới, cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của sản xuất công nghiệp và bán lẻ vì cả hai ngành này đều có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc Hội và Hội Đồng Nhân Dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2016 trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Đầu tháng 6 trên địa bàn tinh có ca mắc Covid-19 trong công đồng. Lãnh đạo địa phương cùng các cấp, các ngành của tỉnh tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Quán triệt quan điểm “chống dịch như chống giặc” và phương châm “4 tại chỗ”, không lơ là, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, lúng túng, bị động, quyết tâm, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu; quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch của địa phương. Với tinh thần vượt qua khó khăn, thách thức, để phấn đấu đạt mục tiêu kép sáu tháng đầu năm kết quả đạt được trên các lĩnh vực như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP):
Kinh tế của tỉnh sáu tháng đầu năm 2021, đang trên đà phục hồi và tăng trưởng tích cực, thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt là những điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, dịch Covid - 19 bùng phát, trên địa bàn tỉnh có ca mắc trong cộng đồng đã đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ngay từ đầu năm đã chỉ đạo các các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành, thị thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 28.956 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) tăng 3,31% so với cùng kỳ, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,25%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,22% và khu vực dịch vụ tăng 4,56% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ giảm 5,20% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,70% so cùng kỳ. Trong 3,31% tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 25,40%, công nghiệp xây dựng đóng góp 27,57%, dịch vụ đóng góp 43,81% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 3,22%. GRDP tính theo giá hiện hành đạt 49.197 tỷ đồng.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: 6 tháng đầu năm 2021 tăng 2,25% so với 6 tháng đầu năm 2020; trong đó nông nghiệp tăng 2,13% (cùng kỳ giảm 6,10%). Trồng trọt có nhiều thuận lợi hơn 6 tháng đầu năm 2020, công tác phòng chống hạn mặn được triển khai sớm, diện tích bị thiệt hại không nhiều. Trà lúa Đông Xuân năm nay phát triển tốt, năng suất bình quân 71,1 tạ/ha, tăng 7,8% so cùng kỳ tương ứng tăng 5,1 tạ/ha; Giá lúa bình quân cao hơn so cùng kỳ nên bà con nông dân có lãi (cao hơn từ 1.900 đồng đến 2.500 đồng/kg tùy loại). Tuy nhiên có một số khu vực do chịu tác động của hạn mặn năm 2020 nên sản xuất còn khó khăn, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Các vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây được nông dân chăm sóc, từng bước được phục hồi, đưỡng cây là chủ yếu, nông dân chưa đồng loạt xử lý cho ra hoa trái vụ. Trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi tuy được kiểm soát tốt nhưng còn xảy ra ở một số địa phương, người dân chưa mạnh dạn tái đàn do còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá thức ăn tăng, giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp so cùng kỳ … Giá cả các sản phẩm nông nghiệp trong kỳ lên xuống thất thường, có những thời điểm khó tiêu thụ sản phẩm, các loại cây ăn quả có giá bình quân thấp so cùng kỳ, nhất là xoài, bưởi, mít, thanh long ... Ngành thủy sản tăng 3,15% so cùng kỳ, sản lượng nuôi trồng và khai thác đều tăng. Do tác động của dịch Covid - 19, một số mặt hàng thủy sản tiêu thụ chậm.
Khu vực công nghiệp - xây dựng: tăng 3,22% so với 6 tháng đầu năm 2020; trong đó công nghiệp tăng 2,42%. Do tác động của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất … nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản, chế biến thức ăn gia súc. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, sản xuất giày da từng bước được phục hồi, ổn định sản xuất. Các ngành chức năng thường xuyên theo dõi nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Ngành xây dựng tăng 8,54%, trong kỳ chủ yếu thực hiện các công trình chuyển tiếp từ năm 2020 chuyển sang và các công trình chống hạn, mặn. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương; trong đó có dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang ...tuy nhiên, vật liệu xây dựng, nhiên liệu trong 6 tháng đầu năm tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình.
Khu vực dịch vụ: tăng 5,20% so cùng kỳ. Hầu hết các ngành trong khu vực này điều tăng so cùng kỳ. Tuy nhiên cũng có một số ngành gặp nhiều khó khăn như: vận tải kho bãi, du lịch, ... Số khách du lịch đến địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 270.255 lượt khách, chỉ bằng 60,6% so cùng kỳ. Trong tháng 6/2021 lần đầu tiên trên địa bàn Tiền Giang có ca mắc Covid -19 trong cộng đồng, Tỉnh đã chủ động, kiểm soát được tình hình nhưng đến thời điểm hiện tại còn diễn biến rất phức tạp, toàn tỉnh thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 12/6 đến ngày 13/6/2021 huyện Cái Bè, Thị xã Cai Lậy và một số xã huyện Cai Lậy cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTG. Một số ngành trong khu vực này tạm dừng hoạt động nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6 tháng đầu năm tăng 1,70% so cùng kỳ.
Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 39,3% (cùng kỳ 39,4%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 26,2% (cùng kỳ 26,3%); khu vực dịch vụ chiếm 28,4% (cùng kỳ 28,1%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,1% (cùng kỳ 6,2%).
2. Sản xuất nông - thủy sản:
2.1. Nông nghiệp:
* Trồng trọt:
Cây lương thực có hạt: 6 tháng đầu năm 2021, gieo trồng được 113.138 ha, đạt 84,5% kế hoạch, giảm 8,7% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 524.692 tấn, tăng 0,2 so cùng kỳ; trong đó: cây lúa gieo sạ 111.504 ha, thu hoạch 76.552 ha, sản lượng 519.904 tấn, đạt 65,7% kế hoạch.
- Cây lúa:
+ Vụ Đông Xuân 2020-2021: chính thức xuống giống 51.647 ha, đạt 100% kế hoạch gieo trồng của vụ, giảm 10,3% so cùng kỳ. Nguyên nhân giảm thực hiện đề án cắt vụ để tránh hạn, mặn.
+ Vụ Hè Thu: Diện tích gieo trồng trong tháng đạt 26.364 ha lũy kế 6 tháng đầu năm diện tích gieo trồng là 59.857 ha, đạt 78,1% kế hoạch gieo trồng. Diện tích thu hoạch chủ yếu là vụ lúa Xuân hè 24.905 ha (ở các huyện phía tây: thị xã Cai Lậy, Tân Phước, Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành), năng suất đạt 61,3 tạ/ha, giảm 1,1% so cùng kỳ; sản lượng đạt 152.715 tấn, tăng 7,5% so cùng kỳ.
Cây ngô: trong tháng gieo trồng 172 ha, thu hoạch 62 ha với sản lượng 203 tấn. Đến nay gieo trồng được 1.634 ha, đạt 46,7% kế hoạch, giảm 37,7% so cùng kỳ, thu hoạch 1.384 ha, năng suất quy thóc 35,5 tạ/ha với sản lượng quy thóc 4.788 tấn, đạt 37,7% kế hoạch, giảm 37,1% so cùng kỳ do chịu ảnh hưởng một phần hạn mặn kéo dài nên người dân chuyển đổi sang trồng cây thanh long và một số cây ăn quả khác.
Cây rau đậu các loại: Đến nay gieo trồng được 41.881 ha, đạt 67,1% kế hoạch, tăng 10% so cùng kỳ, thu hoạch 35.217 ha với sản lượng 695.044 tấn, đạt 57,5% kế hoạch, tăng 4,9% so cùng kỳ (trong đó: rau các loại 41.678 ha, thu hoạch 35.086 ha với sản lượng 694.639 tấn).
* Chăn nuôi: ước thời điểm 01/06/2021 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 121,6 ngàn con, tăng 2,3%; đàn lợn 295,8 ngàn con, giảm 15,9%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 18 triệu con, giảm 3% so cùng kỳ. Chăn nuôi gia cầm giảm so cùng kỳ là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến việc tiêu thụ giảm, chăn nuôi lợn giảm so cùng kỳ do dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, dịch tả lợn châu phi còn xảy ra trên địa bàn tỉnh, giá thức ăn tăng cao trong khi giá lợn hơi giảm từ 0,8 đến 1 triệu đồng/ tạ so đầu năm người nuôi lo sợ khi tái đàn; một số hộ chuyển sang nuôi vật nuôi khác; giá cả thịt lợn hơi thường xuyên liên tục biến động, người chăn nuôi không dự đoán được thị trường nên rất lo lắng khi tái đàn; giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay liên tục tăng mạnh (giá hiện nay tăng khoảng 30% so đầu năm).
Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi 6 tháng đầu năm 2021:
Dịch bệnh trên gia cầm: Ghi nhận 03 trường hợp/03 xã/03 huyện có gà bệnh cúm với tổng đàn 15.437 con; trong đó, gà bệnh và chết được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 3.830 con.
Tình hình dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Từ ngày 15/12/2020, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 16 hộ có heo mắc bệnh DTLCP với tổng đàn 374 con tại 10 xã/06 huyện (Châu Thành: 01 xã; Gò Công Tây: 03 xã; Gò Công Đông: 03 xã; Tân Phú Đông: 01 xã; Cái Bè: 01 xã; Chợ Gạo: 01 xã). Tổng số heo được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 317 con, khối lượng 7.720 kg trên 16 hộ. Ngoài ra, địa phương tiêu hủy heo bệnh chết tại 02 hộ cũ (năm 2020), với số lượng 105 con/2.973 kg.
Tình hình dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM): Ghi nhận 01 trường hợp heo mắc bệnh LMLM tại huyện Cái Bè, tổng đàn 35 con. Chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy 35 con heo bệnh với khối lượng 3,917 tấn; đồng thời triển khai thực hiện công tác tiêu độc khử trùng tại cơ sở thu gom heo và vùng bị uy hiếp.
2.2. Thủy hải sản:
Sáu tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh thả nuôi được 13.213 ha, đạt 87% kế hoạch, tăng 3,7% so cùng kỳ, trong đó:
+ Nuôi thủy sản nước ngọt: Trong sáu tháng đầu năm tỉnh thả nuôi được 3.859 ha, so cùng kỳ tăng 12,4%. Nguyên nhân ít bị ảnh hưởng hạn mặn kết hợp với mực nước nội đồng đủ nước nên các hộ tiến hành thả nuôi. Ngoài việc nuôi theo truyền thống ở hộ gia đình thì phong trào nuôi cá da trơn dọc bờ sông Tiền với hình thức nuôi công nghiệp cũng duy trì.
+ Nuôi thủy sản mặn, lợ: Trong sáu tháng đầu năm toàn tỉnh nuôi được 9.354 ha, tăng 0,5% so cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu là nuôi tôm sú nuôi quảng canh và nuôi tôm thẻ chân trắng do độ mặn và thời tiết thích hợp, các hộ nuôi tôm thâm canh và quảng canh cải tiến rất thận trọng trong việc chọn mua giống. Tình hình nuôi nghêu ổn định, các sân nuôi tiếp tục thu hoạch và thả nuôi nghêu trở lại, ngành chức năng tăng cường thực hiện quan trắc môi trường tại vùng nuôi nghêu tập trung.
Sản lượng thu hoạch 146.237 tấn, đạt 49,8% kế hoạch, tăng 2,6% so cùng kỳ; trong đó: trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 73.593 tấn, tăng 1,7% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 72.644 tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ, chủ yếu là khai thác biển được đầu tư đóng mới, nâng cấp năng lực khai thác biển. Thời tiết thuận lợi cho hoạt động đánh bắt, hiện nay các phương tiện không còn đánh bắt nhỏ lẻ như trước đây mà ngư dân đã tự nguyện gia nhập vào các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để thuận lợi hơn trong đánh bắt hải sản nhất là khi khai thác xa bờ dễ dàng tương trợ, phối hợp cùng nhau để đạt hiệu quả được cao hơn và an toàn hơn, nên ngư dân khai thác trúng mùa đạt sản lượng. Tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp và vi phạm lãnh hải, theo quy định không báo cáo đồng thời thiết thực triển khai công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng ngư dân, tàu cá Việt Nam đánh bắt trên lãnh hải nước bạn.
3. Sản xuất công nghiệp:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,1% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,1%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,4%.
Sản phẩm sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2021: Có 19/39 sản phẩm tăng so cùng kỳ: Bộ com lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 57,1%; Cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục tăng 51%; Cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo tăng 45,9%;... Có 20/39 sản phẩm giảm so cùng kỳ: Phi lê đông lạnh giảm 24,1%; Giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 14,1%; Áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ, áo gió cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 13,9%; …
4. Chỉ số giá tiêu dùng:
Trước tình diễn biến phức tạp của Covid-19, toàn tỉnh cách ly theo Chỉ thi 15/CT-TTg, huyện Cái Bè và Cai Lậy thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày16/6/2021; Ngày 28/5/2021, Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang ban hành Thông báo số 992/TB-SGTVT về việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đến tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 3/6/2021 dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh.....tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,04% so tháng 5/2021; so cùng kỳ tăng 3,34%. CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2021 so cùng kỳ tăng 2,51%.
So với tháng 5/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 6 nhóm tăng: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,61%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; Giao thông tăng 1,31% và Hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,11%. Có 4 nhóm giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,63%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,03%; Bưu chính viễn thông giảm 0,15% Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,01%. Riêng nhóm Giáo dục chỉ số giá ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng so tháng 5/2021 do:
Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 3,66% nguyên nhân là do cuối vụ thu hoạch, sản lượng cung cấp ra các chợ giảm, dẫn đến giá tăng; Cùng với đó, tại địa phương thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội (tạm dừng buôn bán các quán ăn, uống bên ngoài) trong mùa dịch bệnh Covid, để tiện lợi ăn uống trong gia đình nên nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng tăng như: trứng gia cầm các loại tăng 5,26%, thuỷ hải sản chế biến tăng 0,71%, nước mắm nước chấm tăng 0,55% so với tháng trước.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,13% và dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,55%. Nguyên nhân do nhu cầu xây dựng trong mùa nắng tăng.
Hiện đang vào mùa hè, thực hiện giản cách xã hội nhu cầu sử dụng điện tăng, dẫn đến giá tăng 0,2%.
Giá gas tăng 4,51%, tương ứng tăng 14.000 đồng/bình 12kg vào ngày 1/6/2021. Cùng với đó, giá dầu hoả tăng 4,38%, tương ứng tăng 590 đồng/lít vào ngày 11/6/2021, tác động đến nhóm gas và các loại chất đốt khác tăng 4,22%, góp phần làm CPI chung tháng này tăng 0,05%.
Giá xăng dầu tăng 2,8% so với tháng trước, góp phần làm CPI chung tăng khoảng 0,12%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng có chỉ số giá giảm nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:
Do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, tình hình giao thương hàng hoá nông sản qua biên giới gặp khó khăn, dẫn đến giá gạo bán lẻ tại địa phương tháng này giảm 0,6% so với tháng trước.
Giá thịt lợn giảm 4,02%, thịt bò giảm 1,19%, nội tạng động vật giảm 5,75%, thịt gà giảm 1,04% so với tháng trước. Nguyên nhân do lượng cung trong nước dồi dào, trong khi đó mức tiêu dùng trong nước có giới hạn (do ngành du lịch, các quán ăn, bếp ăn tập thể tạm ngừng hoạt động).
Giá quả tươi và chế biến giảm 9,42% do ảnh hưởng bùng phát dịch bệnh, hàng nông sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, sản lượng trong nước dồi dào, giá bán lẻ giảm mạnh.
Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm bình quân trong tháng giảm 0,08%. Hiện nay giá vàng bình quân duy trì ở mức 5.275.000 đồng/chỉ tăng 483.000 đồng/chỉ so với cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ trong nước bình quân trong tháng giảm 0,17%. Hiện nay giá bình quân Đô la Mỹ duy trì ở mức 23.110 đồng/USD giảm 228 đồng/USD so với cùng kỳ.
5. Thương mại, dịch vụ:
Năm tháng đầu năm hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường dồi dào, các đơn vị phân phối lớn đã chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu và hàng hóa khác phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân đầy đủ. Sang tháng 6 do ảnh hưởng dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh, để phòng chống dịch toàn tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTG từ ngày 12/6/2021, từ ngày 13/6/2021 huyện Cái Bè, Thị xã Cai Lậy và một số xã huyện Cai Lậy giản cách theo Chỉ thị 16/CT-TTG nên một số thời điểm, nhu cầu mua dự trữ nhóm lương thực thực phẩm có tăng so với bình thường.
5.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm 2021 đạt 32.970 tỷ đồng, đạt 46,9% kế hoạch, tăng 14,7% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 26.752 tỷ đồng, tăng 14,2%; lưu trú, ăn uống 2.857 tỷ đồng, tăng 11,7%; du lịch lữ hành 6 tỷ đồng, giảm 70,4%; dịch vụ tiêu dùng 3.356 tỷ đồng, tăng 21,9% so cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021dự kiến tăng 12,5% so cùng kỳ.
5.2. Xuất nhập khẩu
Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.707 triệu USD, đạt 52,5% kế hoạch, tăng 28,3% so cùng kỳ;
trong đó: kinh tế nhà nước 3,4 triệu USD, giảm 78,3%; kinh tế ngoài nhà nước 263,3 triệu USD, giảm 9,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.440,3 triệu USD, tăng 40,9% so cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 thực hiện 994 triệu USD, đạt 55,2% kế hoạch, tăng 35,1% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 50,7 triệu USD, tăng 5,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 943,3 triệu USD, tăng 37,1% so cùng kỳ.
5.3. Vận tải, kho bãi
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng đầu năm 2021 thực hiện 993 tỷ đồng, giảm 1% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 282 tỷ đồng, giảm 0,1% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 610,8 tỷ đồng, giảm 0,7% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 255,7 tỷ đồng, tăng 6,2%; vận tải đường thủy thực hiện 335 tỷ đồng, giảm 5,2%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 100 tỷ đồng, giảm 5,4% so cùng kỳ.
Vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2021 đạt 16.032 ngàn hành khách, giảm 4% và luân chuyển 305.072 ngàn hành khách.km, tăng 4,3% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 7.678 ngàn hành khách, tăng 7,2% và luân chuyển 293.383 ngàn hành khách.km, tăng 5,9% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 8.354 ngàn hành khách, giảm 12,4% và luân chuyển 11.689 ngàn hành khách.km, giảm 24.8% so cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5.744 ngàn tấn, giảm 0,3% và luân chuyển 727.305 ngàn tấn.km, giảm 2,8% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 1.449 ngàn tấn, tăng 16,5% và luân chuyển được 151.374 ngàn tấn.km, giảm 2,2% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 4.295 ngàn tấn, giảm 5% và luân chuyển 575.931 ngàn tấn.km, giảm 2,9% so cùng kỳ.
5.4 Du lịch.
Trước tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp trên cả nước. Một số doanh nghiệp du lịch tiếp tục thu hẹp hoặc dừng hoạt động kinh doanh, lượng khách du lịch đến tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ. Ước lượng khách du lịch đến tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 được 270 ngàn lượt, đạt 24,6% kế hoạch, giảm 39,4% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 3,8 ngàn lượt, bằng 4%. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 2.862 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 99,8%.
6. Tài chính - Ngân hàng:
Thu ngân sách nhà nước: 6 tháng đầu năm 2021 thu được 11.764 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 5.309 tỷ đồng, đạt 50% dự toán và tăng 0,2% so cùng kỳ; thu nội địa 5.179 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán, đạt tương đương so cùng kỳ. Nếu loại trừ số thu tiền sử dụng đất thì có 06/11 địa phương ước thu đạt trên 50% dự toán năm cụ thể như: huyện Châu Thành; huyện Tân Phước; huyện Chợ Gạo; huyện Gò Công Đông; thị xã Gò Công; huyện Tân Phú Đông. Các khoản thu chủ yếu như sau:
+ Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.740 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 2,1% so cùng kỳ, do do những tháng đầu năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ ăn uống diễn ra bình thường nên các doanh nghiệp đẩy mạnh sản suất và người dân gia tăng tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
+ Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 595 tỷ đồng, đạt 42,5% dự toán, giảm 6,1% so cùng kỳ do tác động của dịch Covid-19 trong quý II năm 2021. Hiện nay, do yêu cầu của địa phương tiếp tục chống dịch Covid-19, một số ngành nghề chưa được phép hoạt động trở lại... Đồng thời, giảm 30% số thuế thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác theo Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Đối với doanh nghiệp vận tải hoạt động giảm sút, vận tải hàng hóa ít, cước vận tải giảm, hạn chế xuất nhập khẩu ở biên giới, phương tiện vận tải hàng hóa đường dài Bắc - Nam giảm sút đáng kể dẫn đến lượng xăng dầu sử dụng giảm nên số thuế bảo vệ môi trường giảm. Năm 2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước giảm 50%, thời gian thực hiện hết năm 2020 nên người dân đã thực hiện giao dịch trong năm 2020. Năm 2021, quy định này đã hết thời gian ưu đãi nên các giao dịch mua bán giảm mạnh.
+ Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 860 tỷ đồng, đạt 52,1% dự toán, tăng 4,2% so cùng kỳ do Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Tiền Giang tăng số lượng vé phát hành và đạt tỷ lệ tiêu thụ bình quân trên 99%.
Chi ngân sách nhà nước: Tổng chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 là 6.804 tỷ đồng, đạt 55,5% kế hoạch và giảm 28,5% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 1.804 tỷ đồng, đạt 48,7% dự toán, giảm 39,9%; chi hành chính sự nghiệp 3.330 tỷ đồng, đạt 48,5% dự toán và giảm 1,1% so cùng kỳ. Trong đó: bố trí kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 khoảng 42 tỷ đồng; kinh phí tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 là 89,6 tỷ đồng, dự kiến huy động từ nguồn sự nghiệp y tế, kinh phí tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh năm 2020 và đóng góp của các cá nhân, tổ chức.
Ngân hàng: Đến cuối tháng 5/2021, vốn huy động đạt 76.931 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cuối năm 2020, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 68.903 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cuối năm 2020, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính đến cuối tháng 6/2021 vốn huy động đạt 77.002 tỷ đồng, tăng 1.153 tỷ, tăng 1,5%; tổng dư nợ 69.138 tỷ đồng, tăng 4.836 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2020.
Mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì phù hợp, ổn định ở mức thấp nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng khách hàng duy trì sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Lãi suất huy động tối đa bằng VND đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng như sau: 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19:
Ngân hàng nhà nước tỉnh có văn bản triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng tại công văn số 3947/NHNN-TD ngày 03/6/2021 về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Đến cuối tháng 4/2021, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là 9.910 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng chiếm 56,7%, cá nhân chiếm 42,4%. Một số ngành có tỷ lệ dư nợ bị ảnh hưởng lớn như: Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 37,6% tổng dư nợ; bán buôn và bán lẻ 23,5%; hoạt động dịch vụ 15,2% tổng dư nợ. Các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho 3.421 khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 268 khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 139 tỷ đồng; Miễn giảm lãi cho 131 khách hàng với dư nợ 30 tỷ đồng; Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch 3.022 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 24.680 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung NQ42: Đến cuối tháng 5/2021, Ngân hàng Chính Sách Xã Hội tỉnh đã giải ngân cho vay đối với 6 đơn vị với dư nợ đạt 978 triệu đồng. Thời gian vay là 12 tháng, lãi suất là 0%/năm.
7. Đầu tư và Xây dựng:
Vốn đầu tư toàn xã hội quý II/2021, ước thực hiện được 8.775 tỷ đồng, đạt 22,1% kế hoạch, tăng 2,2% so cùng kỳ; trong đó: vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 6.434 tỷ đồng, chiếm 73,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 785 tỷ đồng, chiếm 8,9%; vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước 925 tỷ đồng, chiếm 10,5%. Ước 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 15.443 tỷ đồng, đạt 38,8% kế hoạch, tăng 2,4% so cùng kỳ; trong đó: vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 11.473 tỷ đồng, tăng 7,9%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.565 tỷ đồng, giảm 23,7%, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước 1.541 tỷ đồng, giảm 5,8% so cùng kỳ.
8. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt xây dựng dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về tiếp tục lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong tháng 5, tháng 6 số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm mạnh.
Ước thực hiện 6 tháng năm 2021 có 364 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 2.900 tỷ đồng, đạt 51,3% so với kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2021, giảm 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 25,3% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân là 8 tỷ đồng/doanh nghiệp. Có 427 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động (gồm 83 chi nhánh, 330 địa điểm kinh doanh, 13 văn phòng đại diện); 75 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 36%; 35 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 130% cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 6/2021, toàn tỉnh hiện có khoảng 6.510 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động, giải quyết việc làm:
Ước tính sáu tháng đầu năm 2021, giải quyết việc làm cho 7.278 lao động đạt 45,5% so với kế hoạch năm, tăng 109,7% so với cùng kỳ; trong đó: 5.525 lao động được tạo việc làm thông qua chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; 1.616 lao động được tạo việc làm thông qua chính sách vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm; đưa 137 lao động làm việc ở nước ngoài đạt 45,7% so với kế hoạch năm, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19: Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 3.704 người lao động, trong đó người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm thuộc đối tượng theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 là 775 người, người lao động thuộc đối tượng theo quy định tại Quyết định số 3639/QĐ-UBND ngày 08/12/2020 của UBND tỉnh là 2.793 người và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ là 136 người, với tổng số tiền hỗ trợ trên 3,8 tỷ đồng.
2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:
Quỹ đền ơn đáp nghĩa vận động được gần 3,8 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch năm tương đương cùng kỳ năm 2020, xây dựng 15 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 600 triệu đồng đạt 12% kế hoạch năm giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020; sửa chữa 16 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 320 triệu đồng đạt 32% kế hoạch năm giảm 22% so với cùng kỳ năm 2020.
3. Hoạt động y tế:
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang: kể từ ngày 05/6/2021, khi có trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên ngoài cộng đồng, đến ngày 23/6/2021 tỉnh đã có 10 ổ dịch với tổng cộng 61 bệnh nhân, ghi nhận 01 trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong ngày 21/06/2021. Hoàn thành công tác tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đợt 1 và đợt 1 bổ sung năm 2021 với tổng số đã tiêm được 13.299 người, đạt 107,25%. Kế hoạch số 2682/KH-SYT ngày 17/6/2021 về việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trên địa bàn tỉnh đợt 2 năm 2021(giai đoạn 2021-2022) được Bộ y tế phân bổ đợt 2 là 20.000 liều, triển khai từ ngày 21/6/2021 đến trước ngày 30/6/2021.
Trong sáu tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 12/44 bệnh truyền nhiễm, 08 bệnh tăng so với cùng kỳ (sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy, uốn ván khác, viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm não vi rút khác, covid-19); 07 bệnh giảm so với cùng kỳ (ho gà, lao phổi, lỵ a míp, quai bị, sởi, thủy đậu, viêm gan siêu vi C); 29 bệnh tương đương và hoặc không xảy ra ca mắc; 1 trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng; Ghi nhận 1.274 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, 01 trường hợp tử vong; 5.885 người nhiễm HIV, 1.803 người chuyển sang AIDS, 993 người tử vong do AIDS; Ghi nhận 05 vụ ngộ độc thực phẩm với số 64 trường hợp, tử vong 01 trường hợp.
Hoạt động khám chữa bệnh so với cùng kỳ năm 2020, tổng số lần khám bệnh giảm 0,8% và tổng số người điều trị nội trú tăng 2,3%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 75%.
4. Hoạt động văn hóa - thể thao:
Hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026: trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo không tập trung đông người để phòng tránh dịch bệnh, công tác tuyên truyền, vận động trong Nhân dân về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được thực hiện như: thông tin, tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông đại chúng, tuyên truyền lưu động, các pa - nô, áp-phích, băng rôn, phát hành 32.000 tài liệu sinh hoạt về Ngày Pháp luật, tuyên truyền trên báo chí, trên sóng truyền thanh, truyền hình, trên hệ thống văn phòng điện tử của các cơ quan, đơn vị hoặc qua hệ thống loa truyền thanh tại các ấp, khu phố để mọi người dân đều được nhận thông tin về cuộc bầu cử. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức tuyên truyền về bầu cử gồm 40 cuộc cho chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo với hơn 3.200 người. Các cấp Hội nông dân tuyên truyền trong cán bộ hội cơ sở và hội viên với 2.161 cuộc, 64.827 lượt người dự. Liên đoàn lao động đã tổ chức 08 cuộc tuyên truyền về bầu cử cho gần 500 công nhân, lao động tại 05 doanh nghiệp ở khu Công nghiệp Tân Hương và LongGiang, 03 khu nhà trọ công nhân tự quản; 17 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức 67 cuộc tuyên truyền cho công nhân, lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước với 2.837 người.
Hoạt động thể dục- thể thao
: Trong sáu tháng đầu năm 2021, tổ chức 06 giải thể thao. Trong đó, giải Bóng đá Hạng Nhì quốc gia, giải Bóng bàn tỉnh Tiền Giang mở rộng lần VII – Tranh Cúp Sài Gòn Pingpong, giải Bóng chuyền hơi nữ CĐVC tỉnh Tiền Giang, giải Bóng đá mini trẻ tỉnh Tiền Giang, giải Bóng đá VĐ tỉnh Tiền Giang Giải thể thao kỷ niệm 75 năm Ngày Thể thao Việt Nam. Tham dự 11 giải Quốc gia và khu vực, đạt 33 huy chương các loại (12 HCV, 8 HCB, 13 HCĐ).
5. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo của ngành Công an).
Giao thông đường bộ:
Tổng số vụ từ đầu năm đến nay 324 vụ, giảm 163 vụ so cùng kỳ, làm chết 150 người, tăng 52 người so cùng kỳ, bị thương 227 người, tăng 141 người so cùng kỳ. Ước thiệt hại tài sản chung trị giá khoảng 3.053 triệu đồng.
Giao thông đường thủy:
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ tai nạn, giảm 01 vụ so cùng kỳ, không phát sinh số người chết và bị thương. Ước thiệt hại về tài sản là 1.187 triệu đồng.
Tình hình tai nạn giao thông đường bộ sáu tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ còn diễn biến phức tạp (tăng cả 02 tiêu chí: số người chết và số người bị thương). Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông như: đi không đúng phần đường, làn đường; lỗi do người đi bộ; vượt không đảm bảo an toàn và chuyển hướng không đúng quy định... Ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông tuy có chuyển biến nhưng số vụ vi phạm các lỗi khi tham gia giao thông 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn ở mức cao (18.517 vụ), đối tượng vi phạm chủ yếu từ 27 tuổi đến 55 tuổi chiếm tỷ lệ cao.
6. Tình hình cháy nổ, môi trường:
Trong tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy với tổng số tiền thiệt hại ước tính 150 triệu đồng, gồm cháy 02 nhà doanh nghiệp nguyên nhân cháy do chập điện 01 vụ, 01 vụ không xác định nguyên nhân do chủ cơ sở không yêu cầu khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân cháy và đang điều tra 01 vụ cháy phương tiện. Nâng tổng số vụ cháy từ đầu năm đến nay là 20 vụ, tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 5,3 tỷ đồng.
Lĩnh vực môi trường trong sáu tháng đầu năm 2021, đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm gồm 03 tổ chức và 12 cá nhân giảm 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020, với tổng số tiền trên 286 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; khai thác sử dụng nước dưới đất không có giấy phép và thăm dò nước dưới đất không có giấy phép; khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 2021
Dự báo dịch Covid-19 sẽ kéo dài và diễn biến phức tạp cần theo dõi chặt chẽ những ca bệnh tại cộng đồng, cần tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn như: đánh giá hệ thống y tế để tìm ra điểm yếu, hạn chế từ đó đầu tư kịp thời, đảm bảo luôn chủ động phòng, chống dịch; ngăn chặn kịp thời nguồn bệnh lây lan ngoài cộng đồng.
Một là: Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, tổ chức Ngày hội khởi nghiệp tỉnh, xây dựng Đề án hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh; phát triển hộ kinh doanh hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.... Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất các khoản vay hiện hữu, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay phù hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trên cơ sở của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021.
Hai là: Tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất cây lúa và các loại cây trồng, phối hợp với địa phương kiểm tra, theo dõi tình hình sâu, bệnh trên các loại cây trồng. Đồng thời thực hiện Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU; theo dõi thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”.
Ba là: Các ngành liên quan kiểm tra và đôn đốc các huyện, thành, thị triển khai thực hiện vốn xây dựng cơ bản cho các công trình trọng điểm, công trình giao thông nông thôn…nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời đẩy nhanh công tác giải ngân, thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Bốn là: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2021 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và các Nghị quyết, Quyết định của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác thu ngân sách trên địa bàn.
Tập tin : web_solieu_uoc T6-2021.xlsx
Tin khác