Tổng sản phầm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,31% so cùng kỳ
Kinh tế của tỉnh sáu tháng đầu năm 2021, đang trên đà phục hồi và tăng trưởng tích cực, thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt là những điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh có ca mắc trong cộng đồng đã đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ngay từ đầu năm đã chỉ đạo các các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành, thị thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 28.956 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) tăng 3,31% so với cùng kỳ, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,25%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,22% và khu vực dịch vụ tăng 4,56 % (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ giảm 5,20 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,70% so cùng kỳ.
Trong 3,31% tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 25,40%, công nghiệp xây dựng đóng góp 27,57%, dịch vụ đóng góp 43,81% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 3,22%. Tuy tốc độ tăng trưởng còn thấp so với kế hoạch cả năm, nhưng đạt được kết quả trên là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương, các ngành, các cấp trong chỉ đạo điều hành, cộng với sự đồng lòng, phấn đấu vượt qua khó khăn của các cơ sở kinh tế và nhân dân trong tỉnh. GRDP nếu tính theo giá hiện hành đạt 49.197 tỷ đồng.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: 6 tháng đầu năm 2021 tăng 2,25% so với 6 tháng đầu năm 2020; trong đó nông nghiệp tăng 2,13% (cùng kỳ giảm 6,10%). Trồng trọt có nhiều thuận lợi hơn 6 tháng đầu năm 2020, công tác phòng chống hạn mặn được triển khai sớm, diện tích bị thiệt hại không nhiều. Trà lúa Đông Xuân năm nay phát triển tốt, năng suất bình quân 71,1 tạ/ha, tăng 7,8% so cùng kỳ tương ứng tăng 5,1 tạ/ha; Giá lúa bình quân cao hơn so cùng kỳ nên bà con nông dân có lãi (cao hơn từ 1.900 đồng đến 2.500 đồng/kg tùy loại). Tuy nhiên có một số khu vực do chịu tác động của hạn mặn năm 2020 nên sản xuất còn khó khăn, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Các vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây được nông dân chăm sóc, từng bước được phục hồi, nhưng cây còn yếu, nông dân chưa dám xử lý cho ra hoa trái vụ. Trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi tuy được kiểm soát tốt nhưng còn xảy ra ở một số địa phương, người dân chưa mạnh dạn tái đàn do còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá thức ăn tăng, giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp so cùng kỳ … Ước tính đến thời điểm 01/6/2021 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 121 ngàn con, tăng 2,3%; đàn lợn 295,8 ngàn con, giảm 15,9%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 18 triệu con, giảm 3% so cùng kỳ. Giá cả các sản phẩm nông nghiệp trong kỳ lên xuống thất thường, có những thời điểm khó tiêu thụ sản phẩm, các loại cây ăn quả có giá bình quân thấp so cùng kỳ, nhất là xoài, bưởi, mít, thanh long ... Ngành thủy sản tăng 3,15% so cùng kỳ, sản lượng nuôi trồng và khai thác đều tăng. Do tác động của dịch Covid 19, một số mặt hàng thủy sản tiêu thụ chậm .
Khu vực công nghiệp - xây dựng: tăng 3,22% so với 6 tháng đầu năm 2020; trong đó công nghiệp tăng 2,42%. Do tác động của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất … nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản, chế biến thức ăn gia súc. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, sản xuất giày da từng bước được phục hồi, ổn định sản xuất. Các ngành chức năng thường xuyên theo dõi nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Tính đến thời điểm hiện tại các Khu công nghiệp của tỉnh thu hút được 107 dự án, diện tích đất thuê là 570,29 ha/769,34 ha chiếm tỷ lệ 74,13% diện tích đất công nghiệp cho thuê; Các cụm công nghiệp thu hút 79 dự án, diện tích thuê đất là 89,78 ha/120,56 ha, đạt 74,47% diện tích đất công nghiệp cho thuê. Ngành xây dựng tăng 8,54%, trong kỳ chủ yếu thực hiện các công trình chuyển tiếp từ năm 2020 chuyển sang và các công trình chống hạn, mặn. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương; Trong đó có dự án cao tốc Trung lương – Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Điện gió Tân Phú Đông ... Giá sắt thép, vật liệu xây dựng, nhiên liệu trong 6 tháng đầu năm tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình.
Khu vực dịch vụ: tăng 5,20 % so cùng kỳ. Hầu hết các ngành trong khu vực này điều tăng so cùng kỳ. Tuy nhiên cũng có một số ngành gặp nhiều khó khăn như: vận tải kho bãi, du lịch, ... Số khách du lịch đến địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 270.255 lượt khách, chỉ bằng 60,6% so cùng kỳ. Ngày 5/6/2021 lần đầu tiên trên địa bàn Tiền Giang có ca mắc Covid 19 trong cộng đồng, Tỉnh đã chủ động, kiểm soát được tình hình nhưng đến thời điểm hiện tại còn diễn biến rất phức tạp, toàn tỉnh thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Một số ngành trong khu vực này tạm dừng hoạt động, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6 tháng đầu năm tăng 1,70% so cùng kỳ.
Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 39,3% (cùng kỳ 39,4%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 26,2% (cùng kỳ 26,3%); khu vực dịch vụ chiếm 28,4% (cùng kỳ 28,1%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,1% (cùng kỳ 6,2%).
NV.Tròn
Tin khác