0273.3 872582 | tiengiang@gso.gov.vn

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang Tháng 5 năm 2021

18/06/2024 16:18

Tháng 5/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp, tại Tiền Giang được kiểm soát tốt và không có ca mắc nào trong cộng đồng, trong tháng qua các ngành các cấp tập trung quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trước trong thời gian báo cáo. Đồng thời để đảm bảo kinh tế - xã hội phát triển các Sở ban ngành chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp vừa sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực đạt được như sau:

  I. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

  1. Nông nghiệp

  Cây lương thực có hạt: trong tháng gieo trồng 10.842 ha, thu hoạch 2.300 ha với sản lượng 11.774 tấn; ước tính đến cuối tháng 5/2021, gieo trồng được 86.603 ha, đạt 64,7% kế hoạch, giảm 5,6% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 382.885 tấn; trong đó: cây lúa gieo sạ 85.140 ha, thu hoạch 53.761 ha, sản lượng 378.300 tấn.

  - Cây lúa:

  + Vụ Đông Xuân 2020-2021: chính thức xuống giống 51.647 ha, đạt 100% kế hoạch gieo trồng của vụ, giảm 10,3% so cùng kỳ. Nguyên nhân giảm do chuyển từ diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao hơn như: sầu riêng, mít, thanh long,… Mặt khác, do hạn, mặn kéo dài ở khu vực phía Đông chưa xả sổ kịp độ mặn nên một số diện chuyển sang trồng rau, màu các loại.

  + Vụ Hè Thu: Diện tích gieo trồng trong tháng đạt 10.673 ha lũy kế diện tích gieo trồng là 33.493 ha, đạt 43,7% kế hoạch gieo trồng, chủ yếu là lúa Xuân hè ở các huyện phía Tây, trà lúa đang giai đoạn đứng cái, làm đồng và trổ chín.

  - Cây ngô: trong tháng gieo trồng 169 ha, thu hoạch 186 ha với sản lượng 663 tấn. Đến nay gieo trồng được 1.463 ha, đạt 41,8% kế hoạch, bằng 61,3% so cùng kỳ, thu hoạch 1.286 ha, năng suất quy thóc 35,7 tạ/ha với sản lượng quy thóc 4.585 tấn, đạt 36,1% kế hoạch, bằng 66,4% so cùng kỳ do chịu ảnh hưởng một phần hạn mặn kéo dài và do những xã hệ Bảo định chuyển đổi sang trồng cây thanh long và một số cây ăn quả khác.

  Cây rau đậu các loại: trong tháng gieo trồng 3.316 ha, thu hoạch 2.469 ha với sản lượng 31.638 tấn. Đến nay gieo trồng được 35.437 ha, đạt 56,8% kế hoạch, tăng 7,7% so cùng kỳ, thu hoạch 30.695 ha với sản lượng 603.141 tấn, đạt 49,9% kế hoạch, tăng 6,5% so cùng kỳ (trong đó: rau các loại 35.259 ha, thu hoạch 30.575 ha với sản lượng 602.779 tấn).

  Chăn nuôi: ước thời điểm 01/05/2021 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 121,3 ngàn con, tăng 2,7%; đàn lợn 271,2 ngàn con, giảm 16%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 17,5 triệu con, tăng 9,8% so cùng kỳ.

  2. Lâm nghiệp:

  Tổng diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 1.941,1 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), cụ thể: 1.337,4 ha rừng phòng hộ và 603,8 ha rừng sản xuất.

  Ước đến hết tháng 5/2021 toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 7 ngàn cây nâng tổng số cây trồng 14,15 ngàn cây, so với cùng kỳ giảm 27,99 %. Hiện nay đang vào mùa mưa thuận lợi cho trồng cây phân tán, trồng mới tập trung các xã chuẩn bị cho việc ra mắt nông thôn mới của huyện. Các loại cây được trồng xung quanh trên các bờ kênh, bờ ao, trên những tuyến đê.

  3. Thủy hải sản:

  Diện tích nuôi thủy sản các loại trong tháng 344 ha tương đương so cùng kỳ; ước đến tháng 5/2021 toàn tỉnh thả nuôi được 12.197 ha, đạt 80,3% kế hoạch và tăng 1,5% so cùng kỳ, trong đó:

  + Nuôi thủy sản nước ngọt: Trong năm tháng đầu năm tỉnh thả nuôi được 3.408 ha, so cùng kỳ tăng 4,9%. Nguyên nhân nuôi trồng thủy sản nước ngọt tăng là do ít bị ảnh hưởng hạn mặn kết hợp với mực nước nội đồng đủ nước nên các hộ tiến hành thả nuôi. Ngoài việc nuôi theo truyền thống ở hộ gia đình thì phong trào nuôi cá da trơn dọc bờ sông Tiền với hình thức nuôi công nghiệp cũng duy trì.

  + Nuôi thủy sản mặn, lợ: Ước tính đến tháng 5 toàn tỉnh nuôi được 8.789 ha, tăng 0,2% so cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu là nuôi tôm sú nuôi quảng canh và nuôi tôm thẻ chân trắng, do độ mặn và thời tiết thích hợp, các hộ nuôi tôm thâm canh và quảng canh cải tiến rất thận trọng trong việc chọn mua giống. Tình hình nuôi nghêu ổn định, các sân nuôi tiếp tục thu hoạch và thả nuôi nghêu trở lại, ngành chức năng tăng cường thực hiện quan trắc môi trường tại vùng nuôi nghêu tập trung.

  Sản lượng thủy sản trong tháng ước tính thu hoạch 42.742 tấn, tăng 3,9% so cùng kỳ. Năm tháng đầu năm thu hoạch 130.305 tấn, đạt 44,4% kế hoạch, tăng 2,9% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 70.728 tấn, đạt 43,5% kế hoạch, tăng 5,3% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 59.577 tấn, đạt 45,6% kế hoạch, tăng 0,1% so cùng kỳ chủ yếu là khai thác biển được đầu tư đóng mới, nâng cấp năng lực khai thác biển. Tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp và vi phạm lãnh hải, theo quy định không báo cáo đồng thời thiết thực triển khai công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng ngư dân, tàu cá Việt Nam đánh bắt trên lãnh hải nước bạn.

  II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

  Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 giảm 1,5% so với tháng trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho một số ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu của tỉnh như: sản xuất thực phẩm, đồ uống, dệt, sản xuất da, sản xuất sản phẩm từ cao su plastic, sản xuất kim loại... giảm so với tháng trước (

ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,98%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 8,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,5%) và tăng 5,4% so cùng kỳ do các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sản xuất tăng, trong đó: sản xuất trang phục tăng 28,8%; đồ uống tăng 18,1%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 43,1%… (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,9%; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,4%).

  Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng năm 2021 tăng 2,4% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,2%.

  Chỉ số sản xuất sản phẩm trong 5 tháng so cùng kỳ như sau:

  - Có 17/38 sản phẩm tăng so cùng kỳ: Bộ com lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 55,4%; Thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên tăng 37%; Cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục tăng 32,7%; Giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic tăng 26%; Tàu thuyền lớn chuyên chở người và hàng hóa có động cơ đẩy tăng 25,8%; Túi xách tăng 22%; Thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm tăng 21,7%;…

  - Có 21/38 sản phẩm giảm so cùng kỳ: Đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người giảm 57,8%; Dịch vụ tiện các bộ phận kim loại giảm 35,1%; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền giảm 34,6%; Các bộ phận của bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động khác giảm 27%; Phi lê đông lạnh giảm 21,2%; Áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ, áo gió cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 16,9%; Giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 15,3%; …

  Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 5/2021 so với tháng trước tăng 1,1%, trong đó doanh nghiệp nhà nước bằng 100%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 2,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,6%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 5/2021 so với cùng kỳ giảm 7,1%, trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 1,1%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 2,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 8,5%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 5 năm 2021 giảm 9,7%, trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 1,5%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 7,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,6%. Chia theo ngành công nghiệp: Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 5 năm 2021 giảm 9,7%, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 9,9%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,1%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải giảm 3,9%. 

  * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

  - Chỉ số tiêu thụ tháng 5/2021 so với tháng trước tăng 0,03% và tăng 1,2% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 5/2021 giảm 6,6%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất đồ uống tăng 6,8%, trong đó sản xuất bia tăng 6,8%; Dệt tăng 6,4%, trong đó sản xuất hàng may sẳn tăng 46,2%; Sản xuất trang phục tăng 25,2%; Sản xuất da tăng 16,2%, trong đó sản xuất giày dép tăng 6,7%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 16,5%; Sản xuất thiết bị điện tăng 30,6%, trong đó sản xuất dây cáp, dây điện tăng 23%;… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 17%, trong đó chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản giảm 32,8%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 11,63%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 6,64%; Sản xuất sản phẩm cao su và plastic giảm 13,15%; Sản xuất kim loại giảm 12,58%;…

  - Chỉ số tồn kho tháng 5/2021 so với tháng trước tăng 2,7% và so với cùng kỳ giảm 12,7%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 43,2%, trong đó sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 62,7%; Sản xuất đồ uống tăng 3,4%, Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 36,7%;... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: Dệt giảm 10,1%, trong đó sản xuất sợi giảm 56,6%; Sản xuất trang phục giảm 5,9%; Sản xuất da giảm 20,9%, trong đó sản xuất giày dép giảm 17,5%; Sản xuất kim loại giảm 79,9%; Sản xuất thiết bị điện giảm 10,8%, trong đó sản xuất mô tơ điện giảm 12,3%; …

  * Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:

  - Khu công nghiệp: đến nay tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083,5 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Trong tháng, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy công nghiệp đồng Jinhong Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang) về tiến độ góp vốn và tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Năm tháng, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 08 lượt dự án, trong đó có 03 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn tăng là 173,1 triệu USD.

  Đến cuối tháng 5/2021, tổng số dự án đầu tư tại các khu công nghiệp là 107 dự án (trong đó có 78 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư là 4.576 tỷ đồng và 2.534 triệu USD. Diện tích cho thuê của các doanh nghiệp đạt 570,3 ha/769,3 ha, chiếm tỷ lệ 74,1% diện tích các khu công nghiệp. 

  - Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (trong đó: có 6 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 2.306,2 tỷ đồng và 150,3 triệu USD, diện tích thuê đất là 89,8/120,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 74,5%.

  III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG

  Trong tháng tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng do, các Ban quả lý dự án, Chủ đầu tư tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình chuyển tiếp để bàn giao và đưa vào sử dụng. Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng là 428 tỷ đồng, tăng 17,5% so cùng kỳ. Năm tháng đầu năm 2021 thực hiện 1.297 tỷ đồng, đạt 35,4% kế hoạch, tăng 19,5% so cùng kỳ. Các ngành các cấp yêu cầu Ban quản lý dự án, chủ đầu tư tập điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, ngoài ra lãnh đạo các cấp thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác thi công, phối hợp với các chủ đầu tư khắc phục khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình nên khối lượng thực hiện tăng hơn so cùng kỳ, nhiều công trình hiện đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các công trình còn lại thực hiện đúng tiến độ đề ra.

  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 986 tỷ đồng, đạt 33,2% kế hoạch, tăng 17,6% so cùng kỳ, chiếm 75,9% tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 173 tỷ đồng, tăng 22,8%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 466 tỷ đồng, tăng 13,3% so cùng kỳ... Các ngành các cấp yêu cầu các ban quản lý chủ đầu tư tập trung với cường độ cao hơn trong tổ chức thực hiện, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, kể cả tiến độ giải ngân nhằm phát triển kinh tế xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 245 tỷ đồng, đạt 62,6% kế hoạch, tăng 26,8% so cùng kỳ, chiếm 18,9% tổng số; 

trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 115 tỷ đồng, tăng 18,5% so cùng kỳ... Các ban quản lý dự án huyện hoàn thành hồ sơ, khẩn trương thi công các công trình xây dựng cơ bản năm 2021, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nên khối lượng thực hiện tăng hơn so cùng kỳ.

  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 67 tỷ đồng, đạt 21,9% kế hoạch, tăng 23,1% so cùng kỳ, chiếm 5,2% tổng số; 

trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 42 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ... Các xã tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới năm 2021 nhằm phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân đồng thời phục vụ ra mắt xã nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên bố trí các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực giao thông, phòng chống thiên tai, xử lý sạt lở, biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế, …

  IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ

  1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

  Tháng 5/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 lại diễn biến phức tạp trong nước. Tại Tiền Giang, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh các Sở ngành liên quan triển khai kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh để đảm bảo việc hoạt động kinh doanh an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hầu hết các hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường, một số nhóm hàng hóa đồ dùng, giáo dục, xăng dầu do nhu cầu và giá tăng trở lại. Hiện tại, hàng hóa tại siêu thị cung ứng đầy đủ và dồi dào nên tâm lý người dân đến mua sắm cũng an tâm, không có tâm lý mua hàng hóa để dự trữ mà chỉ mua dùng hằng ngày. Các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống tại siêu thị khá dồi dào, hàng được nhập về liên tục để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tại các chợ truyền thống trên các loại rau, củ, quả, thịt, hải sản… rất phong phú. 

  Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 5.456 tỷ đồng, giảm 2,1% so tháng trước và tăng 15% so cùng kỳ. Năm tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 28.410 tỷ đồng, đạt 40,4% kế hoạch, tăng 18,7% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 22.631 tỷ đồng, tăng 15,2%; lưu trú 16 tỷ đồng, giảm 39,3%; ăn uống 2.732 tỷ đồng, tăng 35%; du lịch lữ hành 6 tỷ đồng, giảm 64,8%; dịch vụ tiêu dùng khác 3.024 tỷ đồng, tăng 36,2% so cùng kỳ.

  2. Xuất - Nhập khẩu:

  a. Xuất khẩu:

  Hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid - 19 như: việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, vấn đề thiếu container rỗng; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm… Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong những tháng đầu năm đạt ở mức cao so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 thực hiện 287 triệu USD; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 42 triệu USD, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 245 triệu USD. Năm tháng xuất khẩu 1.364 triệu USD, đạt 42% kế hoạch, tăng 30,9% so cùng kỳ; 

trong đó: kinh tế nhà nước 4 triệu USD, giảm 65,6%; kinh tế ngoài nhà nước 200 triệu USD, giảm 15,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.160 triệu USD, tăng 45,8% so cùng kỳ. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ như: Hàng rau quả tăng 25,2%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 35,1%; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng gấp 3 lần; hàng hóa khác gấp 2,9 lần…

  Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:

  - Thủy sản: ước tính tháng 5/2021 xuất 10.532 tấn, về trị giá đạt 23 triệu USD. Năm tháng xuất 43.335 tấn, tăng 8,1%; về trị giá đạt 94,5 triệu USD, giảm 3,9% so cùng kỳ. Hiên nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các nước ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, nhu cầu một số sản phẩm thủy sản chủ lực có xu hướng giảm nhưng đây cũng là cơ hội cho các dòng sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu, giá cả phải chăng, phù hợp với xu hướng thu nhập giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do vậy, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản thuộc phân khúc hàng khô, đồ hộp... có chiều hướng gia tăng, góp phần đưa xuất khẩu thủy sản lạc quan hơn.

  - Gạo: ước tính tháng 5/2021 xuất 10.696 tấn, về giá trị đạt 6 triệu USD. Năm tháng xuất 47,8 tấn, giảm 53,8%, về trị giá đạt 26,7 triệu USD, giảm 48,3% so cùng kỳ.

  Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường; dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước; một số quốc gia đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực… Để đảm bảo an ninh lương quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19 còn ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, sở dĩ giá trị xuất khẩu giảm do gần đây do gạo Việt luôn được chào bán ở mức cao, thậm chí có thời điểm lên tới 522 USD/tấn. Thêm vào đó, từ đầu năm tới nay việc tìm được container đóng hàng đi châu Âu rất khó khăn. Khi có container thì giá lại rất cao nên dẫn tới số lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh bởi đối tác tìm đến các nhà xuất khẩu có vị trí vận chuyển thuận lợi hơn (Ấn Độ) nhằm tránh việc giao hàng với thời gian quá dài. Gần đây nhiều hãng tàu thông báo cắt dịch vụ trên một số chặng và chưa có kế hoạch cho năm nay, càng làm gia tăng áp lực, gây hoang mang trong ngành vận tải biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại trên toàn thế giới.

  - May mặc: ước tính tháng 5/2021 xuất 13.783 ngàn sản phẩm, về giá trị xuất đạt 40 triệu USD. Năm tháng xuất 64.803 ngàn sản phẩm, giảm 23,4%, về giá trị đạt 197 triệu USD, tăng 9,3% so cùng kỳ.

  Các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực dệt, may chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, nguồn cung sợi trong nước còn rất hạn chế, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường trên thế giới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam - VITAS đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng các gói hỗ trợ để doanh nghiệp và người lao động có điều kiện dễ tiếp cận hơn và kéo dài thời hạn hỗ trợ ít nhất đến hết năm 2021. Cụ thể, tiếp tục giảm tiền thuê đất, tiền điện, nước, giãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho các doanh nghiệp khó khăn đến hết năm 2021…

  Ngoài các mặt hàng chủ yếu chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng kim ngạch tăng đáng kể góp phần làm tăng kim ngạch trong tháng như: hàng rau quả xuất 11,2 triệu USD, tăng 25,2%; sắt thép 23 triệu USD, gấp 2,9 lần; xơ, sợi dệt các loại 32,8 triệu USD, tăng 11,2%... so cùng kỳ.

  b. Nhập khẩu:

  Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 5/2021 đạt 156 triệu USD. Năm tháng, kim ngạch nhập khẩu 888.8 triệu USD, đạt 49,4% kế hoạch, tăng 44,7% so cùng kỳ; 

trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập 45 triệu USD, tăng 7,6%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 844 triệu USD, tăng 47,4% so cùng kỳ

. Nguyên liệu nhập khẩu 5 tháng chủ yếu các mặt hàng như vải các loại 83,4 triệu USD, tăng 10,1%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 156,3 triệu USD, tăng 78,3%; kim loại thường khác 395,1 triệu USD, tăng 44,3%... so cùng kỳ.

  3. Chỉ số giá:

  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,53% so tháng 4/2021 (thành thị tăng 0,66%, nông thôn tăng 0,49%); so cùng kỳ tăng 3,71%.

  So với tháng 4/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 8 nhóm tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,57%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,22%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,1%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; Giao thông tăng 1,07%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01% và Hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,01%. Có 1 nhóm giảm: Bưu chính viễn thông giảm 0,02%. Riêng nhóm Thuốc và dịch vụ y tế; nhóm Giáo dục chỉ số giá ổn định.

  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng so tháng 4/2021 do:

  Tháng 05/2021 do trùng vào những ngày nghỉ lễ 30/4 và 01/5 nên nhu cầu tiêu dùng một số loại thực phẩm tươi sống tăng, dẫn đến sức mua tăng giá tăng lên: thịt bò tăng 0,14%, thuỷ hải sản tăng 0,15%, rau tươi khô chế biến tăng 6,28%... tác động đến nhóm hàng thực phẩm tăng 0,9%, góp phần làm tăng CPI chung khoảng 0,19%.

   - Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xu hướng tăng bảo hộ thương mại của các nước lớn ở Châu âu, đặc biệt Trung Quốc là nước lớn sản xuất thép đang cắt giảm sản lượng thép thành phẩm...dẫn đến nguồn cung sắt thép trên thị trường bị hạn chế, tác động giá bán lẻ tăng bình quân từ 10% - 18% so tháng trước; Mặc khác, do thời tiết đang vào mùa khô thuận lợi cho ngành xây dựng hoạt động và giá xăng dầu đang đứng ở mức cao kéo dài, dẫn đến giá cát vàng, cát đen, đá xây dựng...tăng lên. Tác động nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 4,98%, góp phần làm tăng CPI chung khoảng 0,19%.

  - Hiện nay đang vào mùa hè, thời tiết nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện làm mát của người dân tăng, tác động đến giá điện sinh hoạt bình quân trong tháng tăng 3,41%, nước sinh hoạt tăng 0,09%. Cùng với đó, giá dịch vụ sửa chữa thiết bị gia đình cũng tăng như: sửa máy điều hoà nhiệt độ tăng 1,67%, sửa thiết bị có động cơ tăng 2,16%.

  - Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 5/2021 tăng 1,07% so với tháng trước làm CPI chung tăng khoảng 0,1%, chủ yếu do: Giá xăng tăng 2,13%, dầu diezel tăng 2,05% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 27/4/2021, 12/5/2021. Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,38%, trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,64%. Riêng giá vé xe buýt, taxi ổn định.

  Bên cạnh đó, một số mặt hàng có chỉ số giá tăng nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:

  Giá thịt lợn giảm 0,15% so tháng trước là do dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát tốt, việc tái đàn diễn ra thuận lợi; mặc khác nguồn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu vẫn còn lớn, cạnh tranh trực tiếp với nguồn thịt lợn chăn nuôi trong nước dẫn đến giá giảm nhẹ. Cùng với đó, giá trứng gia cầm các loại giảm 0,04% do nguồn cung dồi dào, mức tiêu thụ trong nước có giới hạn.

  - Ngày 01/5/2021 giá gas trong nước giảm 19.000 đồng/bình 12 kg, giảm 5,77%, tác động nhóm gas và các loại chất đốt khác giảm 5,33%, góp phần kềm chế CPI chung của tháng 5/2021 giảm ở mức 0,07%.

  Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng năm 2021 so cùng kỳ tăng 2,34%; một số nhóm hàng có giá tăng nhiều trong 5 tháng năm 2021 so cùng kỳ như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,52%; nhóm giáo dục tăng 4,7%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,65%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,31%;

  Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 5/2021 tăng 0,23% so tháng trước. Hiện nay giá vàng bình quân duy trì ở mức 5.279.000 đồng/chỉ

  Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 5/2021 giảm 0,08% so tháng trước. Hiện nay giá bình quân Đô la Mỹ duy trì ở mức 23.149 đồng/USD.   

  Ước chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2021 tăng từ 0,1% đến 0,25% so tháng 5/2021 do tình hình xuất khẩu đang thuận lợi; Giá rau xanh sẽ còn đứng ở mức cao như: hành lá, cà chua, đỗ quả tươi, dưa leo, rau cải xanh... do nắng nóng kéo dài, diện tích gieo trồng hoa màu bị thu hẹp lại; Giá thủy hải sản tươi sống sẽ tăng, do chi phí đánh bắt như xăng dầu, tiền thuê nhân công tăng lên.

  4. Du lịch:

  Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch theo Công văn số 2037/UBND-KGVX của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao có tập trung đông người và thực hiện giãn cách tại các điểm kinh doanh ăn, uống, cơ sở lưu trú phòng, chống dịch Covid-19 đến các cơ sở lưu trú du lịch; khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

  Khách du lịch đến trong tháng 5/2021 được 43,9 ngàn lượt khách, giảm 9,6% so tháng trước và tăng 7,4% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 0,7 ngàn lượt khách, gấp 6,5 lần so cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng 5 đạt 1.124,2 tỷ đồng, giảm 3,1% so tháng trước và tăng 22% so cùng kỳ.

  Tính chung năm tháng đầu năm 2021, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 243,5 ngàn lượt khách, đạt 22,1% kế hoạch và giảm 36,4% so cùng kỳ; 

trong đó: khách quốc tế 4 ngàn lượt khách, đạt 0,9% kế hoạch, giảm 95,8% so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch, dịch vụ tiêu dùng khác đạt 5.778 tỷ đồng, tăng 34,8% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng 47,6%, ước đạt 2.748 tỷ đồng, tăng 34%, lưu trú đạt 16 tỷ đồng, giảm 39,3% so cùng kỳ...

  5. Vận tải:

  Hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh hoạt động bình thường tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo công văn số 767/SGTVT-VTPTNL ngày 28/4/2021 tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Công văn số 770/SGTVT-VTPTNL ngày 29/4/2021 tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Công văn số 788/SGTVT-VTPTNL ngày 03/5/2021 triển khai thực hiện; Công văn số 1919/UBND-KGVX ngày 02/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Các phương tiện vận tải hành khách thược hiện đúng quy định như: thực hiện khai báo y tế; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có ít nhất 60% nồng độ cồn; kiểm tra thân nhiệt; hạn chế giao tiếp, ăn uống trên phương tiện vận tải khách; khử khuẩn các bề mặt trên phương tiện vận tải hành khách trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi.

  Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 175 tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước và tăng10,4% so cùng kỳ. Năm tháng thực hiện 850 tỷ đồng, tăng 0,9% so cùng kỳ; 

trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 247 tỷ đồng, tăng 4,7%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 520 tỷ đồng, tăng 0,8% so cùng kỳ

. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 434 tỷ đồng, tăng 9,2%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 332 tỷ đồng, giảm 6%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 84 tỷ đồng, giảm 8,1% so cùng kỳ.

  Vận tải hành khách trong tháng đạt 2.775 ngàn hành khách, giảm 1,3% so tháng trước và giảm 3,9% so cùng kỳ; luân chuyển 53.731 ngàn hành khách.km, tăng 0,3% so tháng trước và tăng 20,6% so cùng kỳ. Năm tháng, vận chuyển 13.911 ngàn hành khách, tăng 1,8% so cùng kỳ; luân chuyển 268.696 ngàn hành khách.km, tăng 11,5% so cùng kỳ; 

trong đó: vận tải đường bộ 6.679 ngàn hành khách, tăng 12,8% và luân chuyển 258.614 ngàn hành khách.km, tăng 13,6% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 7.232 ngàn hành khách, giảm 6,5% và luân chuyển 10.082 ngàn hành khách.km, giảm 24,3% so cùng kỳ.  

Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 1.025 ngàn tấn, tăng 1,7% so tháng trước và tăng 5,1% so cùng kỳ; luân chuyển 130.993 ngàn tấn.km, tăng 2,8% so tháng trước và tăng 4,9% so cùng kỳ. Năm tháng, vận tải 4.874 ngàn tấn hàng hóa, tăng 0,9% so cùng kỳ; luân chuyển 613.552 ngàn tấn.km, giảm 2,4% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 1.236 ngàn tấn, tăng 18,8% và luân chuyển 128.147 ngàn tấn.km, giảm 1,8% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 3.638 ngàn tấn, giảm 4% và luân chuyển 485.405 ngàn tấn.km, giảm 2,6% so cùng kỳ.

  * Công tác quản lý phương tiện giao thông:

 Trong tháng đăng ký mới 5.729 chiếc xe mô tô xe máy, 311 chiếc xe ô tô, 08 chiếc xe đạp điện và 08 chiếc xe khác. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh 1.344.219 chiếc, trong đó: mô tô xe máy 1.302.908 chiếc, 40.559 chiếc xe ô tô, 153 chiếc xe ba bánh, 174 chiếc xe đạp điện và 425 chiếc xe khác.

  6. Bưu chính viễn thông:

  Doanh thu trong tháng 5/2021 đạt 267 tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước và tăng 4,7% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 24 tỷ đồng, tăng 3,7% viễn thông 243 tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước. Năm tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 1.311 tỷ đồng, tăng 5,7% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 114 tỷ đồng, tăng 13,8% và viễn thông 1.197,8 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ.

  Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 5/2021 là 100.797 thuê bao, mật độ bình quân đạt 5,7 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 5/2021 là 273.915 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 15,5 thuê bao/100 dân. Số lượng điện thoại cố định có dây, không dây tiếp tục giảm, do thị trường phát triển thuê bao dần bảo hòa dẫn đến khách hàng dần chuyển sang sử dụng điện thoại di động, trong đó chủ yếu là điện thoại di động trả trước. Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet (3G, 4G) đến cuối tháng 4 năm 2021 là 1.359.341 thuê bao.

  V. TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG

  1. Tài chính:

  Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 892 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 738 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 280 tỷ đồng. Năm tháng, thu 8.017 tỷ đồng, đạt 59,7% dự toán; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 4.496 tỷ đồng, đạt 42,4% dự toán và tăng 0,3% so cùng kỳ; thu nội địa 4.406 tỷ đồng, đạt 42,6% dự toán, tăng 1% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.496 tỷ đồng, đạt 43,4% dự toán, tăng 2,2% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 529 tỷ đồng, đạt 37,8% dự toán, giảm 6,5% so cùng kỳ...).

  Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 920 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 305 tỷ đồng. Năm tháng, chi 5.633 tỷ đồng, đạt 46% dự toán, giảm 33,7% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 1.583 tỷ đồng, đạt 42,7% dự toán, giảm 29,3% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 2.556 tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán và giảm 11,4% so cùng kỳ.

  2. Ngân hàng:

  Nhiệm vụ trọng tâm hoạt động ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ; Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), đồng thời tiếp tục thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của NHNNVN. Ngoài ra các TCTD chấp hành nghiêm mức trần lãi suất theo quy định trên địa bàn tỉnh, đến cuối tháng 4/2021, lãi suất cho vay như sau: Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức trên 4,5%-9%/năm đối với ngắn hạn, chiếm 43,89% tổng dư nợ cho vay trên 11%-13%/năm đối với trung dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3%-5,5%/năm.         

  Đến cuối tháng 4/2021, vốn huy động đạt 76.388 tỷ đồng, tăng 0,7% so cuối năm 2020 (thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 0,12%).     Cơ cấu vốn huy động theo loại hình như sau: Tiền gửi từ tổ chức kinh tế thực hiện 10.130 tỷ đồng, tăng 7,22% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 13,26%; Tiền gửi tiết kiệm từ dân cư: đạt 65.231 tỷ đồng, giảm 0,57% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 85,39%; Phát hành giấy tờ có giá: đạt 1.026 tỷ đồng, tăng 28,50%, chiếm tỷ trọng 1,34%. Ước đến cuối tháng 5/2021, vốn huy động đạt 76.471 tỷ đồng, tăng 622 tỷ, tỷ lệ tăng 0,82% so với cuối năm 2020.

  Nợ xấu: cuối tháng 4/2021, số dư là 833,8 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,2%, giảm 0,04% so cuối năm 2020, Trong đó NHTM nhà nước là 1,02%; khối còn lại là 1,31%.Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, nằm trong sự kiểm soát, có chuyển biến tích cực theo chiều hướng giảm. Trong đó, nợ nhóm 3 chiếm 7,05%, nhóm 4 chiếm 28,34%, nhóm 5 chiếm 63,89%. Ước đến cuối tháng 5/2021, nợ xấu là 844 tỷ đồng, tỷ lệ 1,21%, giảm 0,04% so với cuối năm 2020.

  Quỹ tín dụng nhân dân: đến cuối tháng 4/2021, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 1.230 tỷ đồng, tăng 98 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,7% so tháng 12/2020, trong đó: vốn điều lệ chiếm 2,7%, vốn huy động chiếm 88,8%; tổng dư nợ cho vay đạt 873 tỷ đồng, tăng 22,4 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 2,6% so tháng 12/2020, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 43,1%. Nợ xấu: số dư 6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,69%, tăng 0,3% so tháng 12/2020.

   * Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19:

   Đến cuối tháng 4/2021, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là 9.910 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng chiếm 56,7%, khách hàng cá nhân chiếm 42,4%. Một số ngành có tỷ lệ dư nợ bị ảnh hưởng lớn là: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 37,6% tổng dư nợ bị ảnh hưởng và 5,4% dư nợ của ngành); bán buôn và bán lẻ (23,5% và 3,4%); hoạt động dịch vụ (15,2% và 2,2%);.....Các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho 3.421 khách hàng: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 268 khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 139 tỷ đồng; Miễn giảm lãi cho 131 khách hàng với dư nợ 30 tỷ đồng; Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch 3.022 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 24.680 tỷ đồng.

  Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung NQ42: Đến cuối tháng 03/2021, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho vay đối với 6 đơn vị với dư nợ đạt 978 triệu đồng. Thời gian vay là 12 tháng, lãi suất là 0%/năm.

  VI. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

  1. Lao động việc làm:

  Trong tháng tư vấn cho 3.291 lượt lao động, giới thiệu việc làm cho 340 lượt lao động, tăng 276 lượt lao động so với cùng kỳ năm 2020, đã giới thiệu cho 173 lao động có được việc làm ổn định, tăng 140 lao động so với cùng kỳ năm 2020. Có 07 lao động xuất cảnh chính thức theo hợp đồng, trong đó xuất cảnh qua Nhật Bản là 02 lao động, Đài Loan là 05 lao động.

  Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp nhận được 1.784 người đăng ký thất nghiệp, quyết định 1.706 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả tương đương 30.532 triệu đồng, tăng 3.394 triệu đồng; thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.784 lượt lao động thất nghiệp và có 05 lao động thất nghiệp đăng ký học nghề, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.

  2. Chính sách xã hội:

  Quỹ đền ơn đáp nghĩa đã vận động được 1,39 tỷ đồng đạt 14% kế hoạch; xây dựng 07 căn nhà tình nghĩa với kinh phí 280 triệu đồng đạt 6% kế hoạch; sửa chữa 12 căn nhà tình nghĩa với số tiền 240 triệu đồng đạt 24% kế hoạch.

  3. Hoạt động y tế:

  Trong tháng 5 có 9/44 bệnh truyền nhiễm được ghi nhận 8 bệnh tăng so với cùng kỳ (Lao phổi, tay chân miệng, tiêu chảy, uốn ván khác, viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm não vi rút khác, covid-19); 7 bệnh giảm so với cùng kỳ (ho gà, lỵ a míp, quai bị, sởi, sốt xuát huyết, thủy đậu, viêm gan siêu vi C); 29 bệnh tương đương và hoặc không xảy ra ca mắc; không ghi nhận tử vong do bệnh truyền nhiễm. Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết: Trong tháng ghi nhận 193 ca mắc SXHD, cộng dồn số ca mắc 1.075 ca giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Phòng chống HIV/AIDS: Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 5.842 người nhiễm HIV; 1.802 người chuyển sang AIDS; tử vong do AIDS: 991 người. Không ghi nhận ngộ độc thực phẩm xãy ra trên địa bàn.

  Hoạt động khám chữa bệnh so với cùng kỳ năm 2020: Tổng số lần khám bệnh tăng 13,9%, tổng số người điều trị nội trú tăng 28,6%, tổng số ngày điều trị nội trú tăng 36,2%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 76%.

  4. Hoạt động giáo dục:

  Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đã điều chỉnh lịch học theo công văn số 2171/UBND-KGVX của UBND tỉnh Tiền Giang nhằm đảm bảo phòng, chống dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong môi trường học đường, trong đó các cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ nghỉ hè từ ngày 17/5/2021; lớp 9 và lớp 12 tiếp tục thực hiện việc dạy, học tập trung trực tiếp tại trường học kết hợp dạy, học trực tuyến để đảm bảo chương trình năm học theo quy định; các khối, lớp còn lại từ ngày 17/5/2021 chuyển đổi hình thức từ dạy và học tập trung, trực tiếp trên lớp sang hình thức dạy, học trực tuyến hoặc các hình thức khác phù hợp với điều kiện của các đơn vị để đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định... Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung thực hiện các hoạt động chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ năm học năm học 2020-2021; tập trung chuẩn bị cho công tác tuyển sinh lớp 6 và lớp 10 năm 2021, kỳ thi THPT năm 2021.

  5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

  Thư viện tỉnh Tiền Giang đã phục vụ được 5.690 lượt bạn đọc (tại Thư viện tỉnh và phục vụ tại các trường học), với 27.691 lượt sách báo được đưa ra lưu hành. Trong tháng 5/2021, hệ thống thư viện huyện, thư viện xã đã tiếp được 13.547 lượt bạn đọc, với 23.423 lượt sách báo lưu hành. Ngoài ra, Thư viện Tiền Giang cũng đã tổ chức những hoạt động như: ngày hội đọc sách tại huyện Chợ Gạo; chuyến xe tri thức tại huyện Cai Lậy và tổ chức Ngày Hội đọc sách và vẽ tranh cho thiếu nhi tại huyện Châu Thành và phục vụ thư viện lưu động thông minh ở 05 Trường Tiểu học, THCS trên địa bàn Thành phố Mỹ Tho.

  Hoạt động thể dục – thể thao trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì và đạt được nhiều thành tích nổi bật, trong đó: Đội Muay tham dự giải vô địch Muay quốc gia năm 2021, từ ngày 08/4 – 20/4/2021 tại Thanh Hóa với kết quả đạt 01 Huy chương Vàng và 03 Huy chương Đồng; Đội Vovinam tham dự giải vô địch các đội mạnh Vovinam toàn quốc, từ ngày 14/4 – 23/4/2021 tại Bà Rịa – Vũng Tàu với kết quả đạt 01 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc, 06 Huy chương Đồng; Đội Điền kinh tham dự giải Điền kinh Cúp tốc độ thống nhất TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 20/4 – 25/4/2021 tại TP. Hồ Chí Minh với kết quả đạt 07 Huy chương Vàng, 04 Huy chương Bạc, 03 Huy chương Đồng; Đội Bóng đá tuyển tham dự giải Bóng đá hạng Nhì quốc gia năm 2021: Ngày 04/5/2021, thi đấu giữa Tiền Giang và Vĩnh Long, trên sân Tiền Giang, kết quả thắng tỉ số 1 – 0.

  6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội: (Theo báo cáo của ngành công an)

  Tội phạm về trật tự xã hội trong tháng 5/2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 138 vụ (giảm 01 vụ so với tháng 4/2021), làm chết 02 người, bị thương 18 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 3,6 tỷ đồng; điều tra khám phá bước đầu đạt tỷ lệ 49,3% (68 vụ), bắt xử lý 93 đổi tượng, thu hồi tài sản trị giá khoảng 126 triệu đồng.

  Phát hiện, xử lý 55 tụ điểm cờ bạc với 406 đối tượng liên quan (khởi tố 04 vụ, 06 bị can về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc); 21 vụ, 23 đối tượng phạm tội về ma túy và xử lý vi phạm hành chính 149 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; 09 vụ, 06 đối tượng vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế và xử lý phạt tiền 13 vụ, 17 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực pham, tài nguyên.

  7. Trật tự an toàn giao thông: Theo báo cáo của ngành công an.

  Đường bộ:

 Tai nạn giao thông trong tháng xảy ra 53 vụ, giảm 03 vụ so tháng trước và tăng 05 vụ so cùng kỳ, làm chết 23 người, giảm 03 người so tháng trước và tăng 01 người so cùng kỳ, bị thương 37 người, giảm 07 người so tháng trước và tăng 09 người so cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tháng xảy ra 4.499 vụ, tăng 1.642 vụ so tháng trước và giảm 1.438 vụ so cùng kỳ. Đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 3.747 vụ, tước giấy phép lái xe 285 vụ, phạt tiền 752 vụ với số tiền phạt 4.097 triệu đồng.

  Đường thủy:

 Trong tháng không xảy ra, tương đương so tháng trước và giảm 02 vụ so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ tai nạn, giảm 02 vụ so với cùng kỳ (không phát sinh số người chết và bị thương). Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 1.982 vụ, tăng 695 vụ so tháng trước và tăng 304 vụ so cùng kỳ; trong đó không bằng cấp chuyên môn 09 vụ, chở quá vạch mớn nước an toàn 1.731 vụ, thiếu trang thiết bị an toàn 31 vụ và vi phạm khác 211 vụ. Đã xử lý vi phạm: Lập biên bản tạm giữ giấy tờ 368 vụ và phạt tiền tại chỗ 1.614 vụ với số tiền phạt: 457 triệu đồng.

  8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

  Trong tháng 5 năm 2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ cháy với tổng số tiền thiệt hại là 82 triệu đồng, gồm cháy 02 căn nhà dân (tự đốt 01 vụ, 01 vụ không yêu cầu điều tra) và 02 vụ lốc, cháy 01 doanh nghiệp và 01 phương tiện giao thông (đang điều tra nguyên nhân). Vi phạm môi trường: đã ban hành 04 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối với 02 tổ chức và 02 cá nhân với số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 97 triệu đồng (02 tổ chức với số tiền 72 triệu đồng, 02 cá nhân với số tiền trên 25 triệu đồng).

File đính kèm