Tăng trưởng kinh tế tỉnh Tiền Giang năm 2023 đạt 5,72%
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 66.316 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010) tăng 5,72% so với năm 2022, quý I tăng 2,9%, quý II tăng 4,36%, quý III tăng 7,27% và quý IV tăng 8,12%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,14%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,57% và khu vực dịch vụ tăng 6,64% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,96% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,99% so cùng kỳ.
Năm 2023 do tác động của cuộc chiến cuộc chiến giữa Nga và Ucraina làm cho giá nhiên liệu tăng, lạm phát tăng cao, kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thiếu đơn hàng để sản xuất, công nhân thiếu việc làm... nên tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2023 tăng thấp hơn so cùng kỳ. Phát triển kinh tế của tỉnh trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi, nhưng đạt được kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành và đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn của tỉnh.
Trong 5,72% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp1,48%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 1,89%, khu vực dịch vụ đóng góp 2,06% .
GRDP nếu tính theo giá thực tế năm 2023 đạt 123.048 tỷ đồng, xét về qui mô Tiền Giang đứng thứ 21 cả nước và thứ 03 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (sau Long An và Kiên Giang); GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 68,7 triệu đồng/người/năm, tăng 5,7 triệu đồng/người/năm so năm 2022 (năm 2022 đạt 63 triệu đồng/người/năm). Tính theo giá USD, GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 2.867 USD/người/năm, tăng 6,9%, tương đương tăng 186 USD so năm 2022 (năm 2022 đạt 2.681 USD/người/năm).
Nếu so với các tỉnh trong Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, GRDP bình quân đầu người năm 2023 của Tiền Giang thấp hơn bình chung của Vùng 3.882 ngàn đồng/người/ năm; đứng thứ 07/13 trong khu vực.
Tăng trưởng của từng khu vực kinh tế như sau:
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Năm 2023 ước tăng 4,14% so năm 2022; tăng cao hơn 0,6% so với năm 2022 (Kế hoạch 2023 tăng 3,5-3,8%).
- Ngành nông nghiệp tăng 5,44% so năm 2022, tăng cao hơn cùng kỳ 1,72%. Trồng trọt có nhiều thuận lợi, công tác phòng chống hạn mặn được triển khai sớm, độ mặn năm nay thấp, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp; Dịch covid-19 được kiểm soát, xuất khẩu nông sản thông thoáng trở lại nên giá bán các loại sản phẩm trồng trọt tăng so cùng kỳ. Cụ thể là mặt hàng gạo xuất khẩu, đây là năm cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ sau nhiều năm gặp khó khăn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm đã được nông dân tập trung đầu tư, theo đúng định hướng của tỉnh. Xu hướng chuyển dịch diện tích trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm. Tổng diện tích trồng cây lâu năm của tỉnh ước tính đến cuối năm 2023 đạt 107.564 ha, tăng 2,5% so với năm 2022, (tương ứng tăng 2.624 ha). Diện tích tăng tập trung ở một số loại cây như: khóm, dừa, sầu riêng... Đặc biệt, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh tăng nhanh, ước tính đến cuối năm 2023 diện tích trồng đạt 21.790 ha, tăng 23,4% so cùng kỳ. Lợi nhuận tăng do giá bán các sản phẩm trồng trọt trong năm tăng hơn năm 2022, đã kích thích nông dân tập trung đầu tư nên ngành nông nghiệp có tốc độ tăng khá so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng lúa năm 2023 đạt 129.389 ha, giảm 4% so cùng kỳ do nông dân chuyển sang gieo trồng các loại cây khác, xây dựng nhà, các cơ sở hạ tầng,... Nhìn chung trà lúa năm nay phát triển tốt, tuy nhiên có một số vùng nông dân trồng lúa đan sen với trồng cây ăn quả nên ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch, tổng sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt 789.904 tấn, giảm 5,9% so cùng kỳ.
- Trong lĩnh vực chăn nuôi, giá bán các sản phẩm chăn nuôi bình quân 6 tháng đầu năm thấp so cùng kỳ, trong khi giá thức ăn tăng cao, người nuôi không có lãi, nên việc tái đàn trên địa bàn tỉnh còn chậm. Từ cuối tháng 6 đến nay giá bán các sản phẩm chăn nuôi có tăng, đảm bảo người nuôi có lãi, nên tổng đàn tăng. Ước tính đến cuối năm tổng đàn so với cùng kỳ năm trước: đàn bò đạt 122 ngàn con, tăng 5%; đàn lợn 300 ngàn con, tăng 2,5%; đàn gia cầm 16,3 triệu con, tăng 0,5%. Tuy nhiên bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang gây tâm lý lo lắng cho người nuôi và cả người tiêu dùng.
- Ngành thủy sản giảm 2,14% so cùng kỳ, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 310.556 tấn, giảm 11% so cùng kỳ. Hoạt động thủy sản giảm chủ yếu ở khai thác thủy sản. Sản lượng nuôi trồng đạt 211.489 tấn, tăng 0,2, nhưng sản lượng thủy sản khai thác chỉ đạt 99.077 tấn, giảm 28,1%. Hoạt động khai thác thủy sản còn nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, biển động liên tục, gió nhiều, sóng lớn nên các đội tàu gặp khó khăn trong quá trình đánh bắt, sản lượng khai thác ít, số lượng tàu ra khơi đánh bắt ít hơn cùng kỳ, làm cho sản lượng thủy sản khai thác giảm. Tuy nhiên cơ cấu sản phẩm khai thác thay đổi theo hướng tăng sản phẩm có giá trị cao nên tốc độ tăng ngành thủy sản giảm ít.
Khu vực công nghiệp - xây dựng: Tăng 6,57% so với năm 2022 (quý I tăng 3,68%, quý II tăng 3,79%, quý III tăng 8,33%, quý IV tăng 10,36); Tăng thấp hơn năm 2022 là 4,4% (Kế hoạch tăng từ 11,5-12%).
- Ngành công nghiệp tăng 5,07% so với năm 2022 (cùng kỳ tăng 11,27%). Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do đơn hàng giảm từ quý IV/2022 cho đến nay, nhất là các ngành may mặc, giày da, túi xách, chế biến thủy sản... do tác động của hậu dịch Covid – 19, kinh tế thế giới suy giảm, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine làm cho giá nhiên liệu tăng, lạm phát tăng cao. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong công nghiệp như có chỉ số giảm hoặc tăng thấp so cùng kỳ như: Sản xuất trang phục chiếm tỷ trọng 12%, giảm 20,47%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẳn chiếm tỷ trọng 1,74%, giảm 34,12%; sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 30,07%, giảm 0,24%... bên cạnh đó, có một số ngành tăng khá so cùng kỳ như: sản xuất kim loại chiếm tỷ trọng 21,48%, tăng 19,86% so cùng kỳ; sản xuất sản phẩm từ cao su và lastic chiếm tỷ trọng 6,51%, tăng 14,66% so cùng kỳ... trong năm cũng có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, trong đó có nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đi vào hoạt động từ ngày 31/5/2023, nên công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng, có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, 6 tháng đầu năm chỉ tăng ở mức 2,78%, đến quý III tăng 6,27% và quý IV tăng 8,75%.
- Ngành xây dựng tăng 13,88% (cùng kỳ tăng 9,6%), là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023. Tỉnh chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư ngay từ tháng 12 năm 2022 và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án, nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương đang được triển khai thi công, cộng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đã góp phần làm cho hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng cao so cùng kỳ, nhất là các công trình của huyện Cái Bè, Châu Thành kịp thời ch huyện nông thôn mới..
Khu vực dịch vụ: Tăng 6,64% (kế hoạch 7 – 7,5%, bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực Dịch vụ tăng 6,96%. Hoạt động thương mại và dịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng; Hầu hết các ngành trong khu vực này đều tăng, các ngành dịch vụ đã trở lại trạng thái hoạt động bình thường sau dịch covid - 19, giá cả trong năm được kiểm soát tốt, không xảy ra tình trạng nâng giá bất hợp lý, hàng hóa dồi dào, đáp nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Một số ngành tăng khá như: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 9,27%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,38%; Vận tải kho bãi tăng 10,72%; Hoạt động dịch vụ khác tăng 24,06%... thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,99% so cùng kỳ.
Cơ cấu kinh tế: Mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025 của tỉnh là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Năm 2023 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 37,1%, giảm 0,1% so năm 2022 (cùng kỳ 37,2%); khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,5%, giảm 0,5% so năm 2022 (cùng kỳ 28%); khu vực dịch vụ chiếm 29,8%, tăng 0,6% so năm 2022 (cùng kỳ 29,2%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,6% tương đương so cùng kỳ.
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ra sức chỉ đạo, điều hành, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng, hầu hết chỉ tiêu đều đạt, vượt mục tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh đó phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là: Khả năng cạnh tranh, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cấu trúc ngành công nghiệp, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn về nguyên liệu, thị trường, chi phí đầu vào,… Sản xuất công nghiệp tuy có phát triển nhưng yếu tố phát triển bền vững chưa cao, các sản phẩm nhìn chung có sức cạnh tranh thấp. Phát triển du lịch của tỉnh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Tình trạng đình công, khiếu kiện vẫn còn xảy ra, tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi phát sinh sự vụ, sự việc phức tạp,... ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Để đạt và vượt kế hoạch năm 2024 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra, trong năm 2024 cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Tổ chức công bố và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư của tỉnh.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ những người tham gia vào công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, công tác phân tích, dự báo,... xây dựng đội ngũ này theo hướng nâng cao cả về số lượng và chất lượng, có tính chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu trong tình hình mới.
- Các ngành chức năng khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để có phương hướng đào tạo nguồn lao động phục vụ cho các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng và số lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
- Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động,... Tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành như: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, ... nhằm có giải pháp hỗ trợ cụ thể doanh nghiệp ổn định sản xuất; xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp.
- Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; sẵn sàng hạ tầng cả trong và ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp để mời gọi đầu tư; vận dụng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, huy động tối đa mọi nguồn lực về vốn. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, kết nối vùng nguyên liệu, đào tạo lao động, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm,…Chú trọng công tác xử lý môi trường theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước trong quá trình hoạt động và sản xuất của khu, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư các ngành nghề tạo ra các sản phẩm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Khuyến khích các cơ sở công nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất. Không tiếp nhận các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường cao.
- Phát triển mạng lưới bưu chính, chuyển phát, đảm bảo lưu chuyển thông suốt, phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc cho lãnh đạo, điều hành của các cấp Đảng, chính quyền; phục vụ nhu cầu giao dịch thương mại của doanh nghiệp và quan hệ của người dân, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển KT-XH của tỉnh. Cung cấp cho xã hội, người tiêu dùng các dịch vụ bưu chính, viễn thông chất lượng, đa dạng; đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ phát triển KT-XH, quốc phòng và an ninh.
- Tập trung rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là về thủ tục hành chính, quy định trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai... Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, đẩy nhanh xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao...
- Theo dõi chặt chẻ tình hình thời tiết, chủ động phòng chống thiên tai, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.
- Đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.
- Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, phát triển dịch vụ vui chơi giải trí; gắn kết các hoạt động văn hóa, thể thao để khai thác du lịch; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đạt chất lượng để góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá du lịch thông qua việc tham gia các sự kiện du lịch; xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Tiền Giang trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch. Đặc biệt, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; tăng cường công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ĐBSCL để hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh với các tỉnh, thành khác nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
N.V.Tròn
Tin khác