Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 Tiền Giang đạt 3,03%
Tình hình kinh tế - chính trị thế giới và khu vực 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, xung đột Nga - Ucraina và phản ứng của các nước lớn; chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước ảnh hưởng rõ nét đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng; nhu cầu tiêu dùng của thế giới tiếp tục suy giảm; doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, thu hẹp qui mô sản xuất...... Nhưng với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ, sự điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và đồng bộ các chủ trương, chính sách, các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ngay từ đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang 6 tháng đầu năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước các khu vực kinh tế đều tăng so cùng kỳ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 31.379 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) tăng 3,03% so với 6 tháng đầu năm 2022, quí I tăng 2,89%, quí II tăng 3,18%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,97 %, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,26% và khu vực dịch vụ tăng 5,04 % (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,04 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,04% so cùng kỳ.
Trong 3,03% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,35%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 0,96%, khu vực dịch vụ đóng góp 1,72% .
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,97% so với 6 tháng đầu năm 2022
Nông nghiệp tăng 0,63%; Trồng trọt có nhiều thuận lợi, công tác phòng chống hạn mặn được triển khai sớm, độ mặn năm nay thấp, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp; Dịch covid-19 được kiểm soát, xuất khẩu thông thoáng trở lại nên giá bán các loại sản phẩm trồng trọt tăng so cùng kỳ nhất là sầu riêng, thanh long, mít ... Giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân. Trà lúa Đông Xuân năm nay phát triển tốt, tuy nhiên có một số vùng nông dân trồng lúa đan sen với trồng cây ăn quả nên ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch, năng suất bình quân vụ Đông xuân đạt 69,8 tạ/ha, giảm 0,2% so cùng kỳ; Diện tích gieo sạ giảm 989,6 ha so cùng kỳ do nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, xây dựng nhà, các cơ sở hạ tầng nên sản lượng thu hoạch giảm 4,1% so cùng kỳ, tương tương giảm 14.420 tấn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi: giá bán các sản phẩm chăn nuôi bình quân 6 tháng đầu năm 2023 thấp, trong khi giá thức ăn tăng cao, người nuôi không có lãi, nên việc tái đàn trên địa bàn tỉnh còn chậm. Ước tính đến thời điểm 01/6/2023 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 123,5 ngàn con, giảm 0,5% so cùng kỳ; đàn lợn 264 ngàn con, giảm 6,7% so cùng kỳ; đàn gia cầm 16,2 triệu con, giảm 4,1% so cùng kỳ.
Ngành thủy sản tăng 3,05% so cùng kỳ, tăng chủ yếu ở thủy sản nuôi trồng, ngư dân đã chuyển sang nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, làm cho tốc độ tăng trưởng của ngành này tăng. Hoạt động khai thác thủy sản còn nhiều khó khăn do giá nhiêu liệu tăng cao, biển động liên tục, gió nhiều, sóng lớn nên các đội tàu gặp khó khăn trong quá trình đánh bắt, sản lượng khai thác ít, số lượng tàu ra khơi đánh bắt ít hơn cùng kỳ, làm cho sản lượng thủy sản khai thác giảm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản.
Khu vực công nghiệp - xây dựng: tăng 3,26% so với 6 tháng đầu năm 2022; trong đó công nghiệp tăng 2,41%. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do đơn hàng giảm từ quí IV/2022 cho đến nay, nhất là các ngành may mặc, giày da, túi xách, chế biến thủy sản ... do tác động của hậu dịch Covid – 19, kinh tế thế giới suy giảm, cuộc chiến giữa Nga và Ucraina làm cho giá nhiên liệu tăng, lạm phát tăng cao. Mặt bằng lãi suất ngân hàng có giảm so với những tháng đầu năm nhưng vẫn cao hơn so cùng kỳ, tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng do trong kỳ có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, trong đó có nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đi vào hoạt động từ ngày 31/5/2023, nên công nghiệp của tỉnh vẫn tăng so cùng kỳ. Ngành xây dựng tăng 8,51%, là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2023. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương đang được triển khai thi công, cộng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đã góp phần làm cho hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng khá so cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ: tăng 6,04% so cùng kỳ; hầu hết các ngành trong khu vực này đều tăng, các ngành dịch vụ đã trở lại trạng thái hoạt động bình sau dịch covid – 19, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tăng khá như: bán buôn và bán lẽ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 7,44%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,88%; Vận tải kho bãi tăng 10,12%; Hoạt động dịch vụ khác tăng 39,9% ... Riêng hoạt động y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 6,74% so cùng kỳ.
Cơ cấu kinh tế: GRDP nếu tính theo giá hiện hành đạt 59.277 tỷ đồng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38,2% (cùng kỳ 37,4%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 27,8% (cùng kỳ 28,6%); khu vực dịch vụ chiếm 28,5% (cùng kỳ 28,3%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,5% (cùng kỳ 5,7%).
N.V.Tròn
Tin khác