0273.3 872582 | tiengiang@gso.gov.vn

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang tháng 5 năm 2023

18/06/2024 10:09

 Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục đạt được nhiều kết quả khởi sắc trên các lĩnh vực, công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như: thời tiết diễn biến bất thường, giá một số mặt hàng thiết yếu, giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao,… Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, điều hành chủ động, linh hoạt của Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp, kinh tế - xã hội tháng 5/2023 đạt được nhiều kết quả khả quan tích cực. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực như sau:

  I. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

  1. Nông nghiệp

  Cây lương thực có hạt: trong tháng, gieo trồng 13.230 ha với sản lượng 18.994 tấn. Tính đến cuối tháng 5/2023, gieo trồng được 85.544 ha, đạt 65,1% kế hoạch, giảm 1,6% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 359.111 tấn, giảm 2,4% so cùng kỳ; trong đó: cây lúa gieo sạ 84.180 ha, giảm 1,5% so cùng kỳ, thu hoạch 51.702 ha, tương đương so cùng kỳ, sản lượng 354.780 tấn, giảm 2,4% so cùng kỳ.

  - Cây lúa:

  + Vụ Đông Xuân 2022 - 2023: chính thức xuống giống 48.202 ha, giảm 2% so cùng kỳ; thu hoạch 100% diện tích với sản lượng thu hoạch 336.317 tấn, giảm 4%, năng suất thu hoạch bình quân đạt 69,8 tạ/ha, giảm 2% so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng giảm do chuyển đổi đất trồng lúa sang 110 ha đất phi nông nghiệp (xây dựng, cơ sở hạ tầng,..); 348,1 ha đất cây lâu năm; 539,3 ha đất trồng cây hàng năm khác và 2,5 ha đất nuôi trồng thủy sản. Giảm ở các huyện: thị xã Gò Công giảm 150 ha, thị xã Cai Lậy giảm 91,8 ha, Tân Phước giảm 108,8 ha, Cái Bè giảm 303 ha, Châu Thành giảm 15,7 ha, Chợ Gạo 37,3 ha, Gò Công Tây giảm 213,3 ha, Gò Công Đông giảm 80 ha.

  + Vụ Hè Thu: Diện tích gieo trồng đạt 35.978 ha, đạt 52,9% kế hoạch gieo trồng, chủ yếu gieo trồng ở các huyện phía Tây.

Hình 1. Cây lương thực có hạt tính đến 15/5/2023

  - Cây ngô: trong tháng gieo trồng 130 ha, thu hoạch 143 ha với sản lượng 531 tấn. Đến nay gieo trồng được 1.364 ha, đạt 56,4% kế hoạch, giảm 10,5% so cùng kỳ; thu hoạch 1.197 ha, giảm 2,7% so cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 36,2 tạ/ha với sản lượng 4.331 tấn, đạt 49,7% kế hoạch, giảm 2,6% so cùng kỳ.

  Cây rau đậu các loại: trong tháng, gieo trồng 2.335 ha, thu hoạch 2.521 ha với sản lượng 54.920 tấn. Đến nay, gieo trồng được 31.771 ha, đạt 54,9% kế hoạch, giảm 6,9% so cùng kỳ, thu hoạch 29.215 ha, giảm 5,1% với sản lượng 610.203 tấn, đạt 49,4% kế hoạch, giảm 4,7% so cùng kỳ (trong đó: rau các loại 31.599 ha, giảm 6,9%; thu hoạch 29.091 ha, giảm 5,1% với sản lượng 609.826 tấn, giảm 4,7%). Do một số diện tích đất sản xuất lúa, màu ven khu công nghiệp chuyển sang đất kinh doanh nhà trọ, hàng quán, dịch vụ ăn uống và công trình công cộng. Bên cạnh đó, thiếu nhân công do chuyển dịch lao động sang ngành nghề khác có thu nhập tốt hơn, nên nông dân đã linh hoạt chuyển đổi trồng cây ít công chăm sóc như dừa, mít, sapo…

  Chăn nuôi: Ước thời điểm 01/05/2023 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 123,8 ngàn con, giảm 0,4% so cùng kỳ; đàn lợn 275,6 ngàn con, giảm 1,6%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 16,2 triệu con, giảm 4,2%. Nhìn chung, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm: đàn bò giảm nhẹ so cùng kỳ; đàn lợn giảm so cùng kỳ do chi phí chăn nuôi ở mức cao, sức tiêu thụ thịt lợn tại các nhà hàng, quán ăn, khu công nghiệp ở mức không cao dẫn đến việc giảm đàn và ngưng chăn nuôi ở một số hộ; đàn gia cầm giảm mạnh do chăn nuôi không hiệu quả ở một số gia trại, trang trại vì áp lực chi phí chăn nuôi.

  * Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi: Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang

  Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: trong tháng, ghi nhận 01 trường hợp lợn mắc bệnh tại xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè với số lợn bệnh 17 con trên tổng đàn 20 con. Tính từ ngày 14/12/2022 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 07 hộ có lợn mắc bệnh với tổng số lợn bệnh là 179 trên tổng đàn 270 con tại 05 huyện (Cai Lậy; Tân Phước; Gò Công Tây; Gò Công Đông; Cái Bè). Số lợn được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 215 con, trọng lượng 7.300 kg. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 01 xã/01huyện chưa qua 21 ngày (xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè).

  Bệnh viêm da nổi cục: tính từ ngày 14/12/2022 đến nay, ghi nhận bò bệnh viêm da nổi cục tại 02 huyện với 04 con bò bệnh trên tổng đàn 12 con.

Hình 2. Chăn nuôi tại thời điểm 01/5/2023

  2. Lâm nghiệp:

  Tổng diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 1.764,5 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), cụ thể: 1.381,8 ha rừng phòng hộ và 382,7 ha rừng sản xuất.

  Ước đến cuối 05/2023 toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 15,2 ngàn cây, nâng tổng số cây trồng được 17,2 ngàn cây. Các loại cây được trồng trên các bờ kênh, trên những tuyến đường đê, đường nông thôn mới mở, ven đường, trụ sở cơ quan xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở huyện Cái Bè, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây.

  3. Thủy hải sản:

  Diện tích nuôi thủy sản trong tháng đạt 947 ha, tính chung 5 tháng đầu năm 2023 đạt 11.992 ha, đạt 81,3% kế hoạch, tăng 1,3% so cùng kỳ; trong đó: diện tích nuôi cá đạt 3.373 ha, tăng 3,8%, diện tích nuôi tôm đạt 5.599 ha, tăng 0,5%; diện tích nuôi thủy sản khác đạt 3.020 ha tương đương so với cùng kỳ.

  Sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng đạt 20.144 tấn, tính chung 5 tháng đầu năm 2023 đạt 103.314 tấn, giảm 17,7% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 61.924 tấn, tăng 2,6%; sản lượng khai thác 41.390 tấn, giảm 36,5% so cùng kỳ. Do giá nhiên liệu tăng cao, chi phí nhân công tăng sau Tết Nguyên đán, thiếu nhân công khai thác, tình hình biển động, gió lớn nhiều tàu không ra khơi.

  II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

  Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2023 giảm 0,02% so với tháng trước, do một số ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu của tỉnh như: Sản xuất chế biến thực phẩm; Dệt; Sản xuất da... giảm so với tháng trước (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,43%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,2%) và giảm 2,81% so cùng kỳ do các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sản xuất giảm như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 17,5%; Sản xuất đồ uống giảm 3,9%; sản xuất trang phục giảm 3,1%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,8%... (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 13,4% ; riêng ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,4%).

  Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng năm 2023 tăng 2,1% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,2%.

Hình 3. Chỉ số sản xuất công nghiệp

    Chỉ số sản xuất sản phẩm trong 5 tháng so cùng kỳ như sau:

   - Có 20/40 sản phẩm tăng so cùng kỳ: giấy vệ sinh tăng 96,6%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm tăng 80,8%; máy gặt đập liên hợp tăng 66,7%; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 52,5%; Ống và ống dẫn bằng đồng tăng 33,6%; phân vi sinh tăng 21,7%; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền tăng 21,1%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên tăng 9,3%; điện thương phẩm tăng 5,4%; Thức ăn cho gia súc tăng 1,5%;…

  - Có 20/40 sản phẩm giảm so cùng kỳ: cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục giảm 81,6%; thuốc diệt cỏ, thuốc chống nảy mầm và thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng giảm 49,2%; túi xách giảm 33,3%; phi lê đông lạnh giảm 29,1%; dịch vụ tiện các bộ phận kim loại giảm 24,9%; thức ăn cho thủy sản giảm 17,6%; bóng thể thao khác giảm 14,4%; bia đóng lon giảm 13,1%; màn bằng vải khác giảm 11,9%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 6,2%; Bia đóng chai giảm 3,5%; Nước uống được giảm 3,1%;…

  * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

  - Chỉ số tiêu thụ tháng 5/2023 so với tháng trước giảm 8,93% và giảm 16,3% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 5/2023 giảm 9,34%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 23,68%, trong đó sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản giảm 20,13%; sản xuất đồ uống giảm 5,22%, trong đó sản xuất bia giảm 5,22%; sản xuất trang phục giảm 66,92%; sản xuất da giảm 22,59%, trong đó sản xuất giày dép giảm 12,54%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic giảm 10,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 69,69%;… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng so cùng kỳ là: dệt tăng 15,3%, trong đó sản xuất sợi tăng 21,32%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 78,61%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy bằng gấp 2,5 lần; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 53,17%; sản xuất kim loại tăng 31,93%;…

  - Chỉ số tồn kho tháng 5/2023 tăng 20,06% so với tháng trước và tăng 80,34% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng gấp 1,6 lần, trong đó sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 75,17%; sản xuất đồ uống tăng gấp 2,2 lần, trong đó sản xuất bia tăng gấp 2,2 lần; sản xuất trang phục tăng 62,95%; sản xuất da tăng 60,84%, trong đó sản xuất giày dép tăng 71,04%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 55,22%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng gấp 1,4 lần; sản xuất kim loại tăng 76,26%;... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: dệt giảm 3,24%, trong đó sản xuất hàng may sẳn giảm 31,81%; sản xuất thiết bị điện giảm 92,18%, trong đó sản xuất mô tơ điện giảm 93,24%; chế biến, chế tạo khác giảm 18,19%, trong đó sản xuất đồ chơi, trò chơi giảm 18,19%;…

  * Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:

  - Khu công nghiệp: đến nay tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083,5 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Trong tháng, Ban Quản lý các khu công nghiệp điều chỉnh thông tin người đại diện cho 01 lượt dự án.

  Đến cuối tháng 5/2023, tổng số dự án đầu tư tại các khu công nghiệp là 111 dự án (

trong đó có 82 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD và 4.865,9 tỷ đồng. Diện tích cho thuê của các doanh nghiệp đạt 525,5/753,2 ha, chiếm tỷ lệ 69,8% diện tích các khu công nghiệp. 

  - Cụm công nghiệp:

 trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 5 cụm công nghiệp (CCN) đã mời gọi được nhà đầu tư gồm: CCN Trung An, Tân Mỹ Chánh, An Thạnh, Song Thuận, Gia Thuận 1 đã hoàn thành đầu tư hạ tầng, đang hoạt động ổn định. Trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp đến nay là 79 dự án (trong đó: có 6 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 150,3 triệu USD và 2.306,2 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 88,7 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 73,6% diện tích đất cho thuê.

  III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG

  Trong tháng tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng do phát huy nguồn vốn đầu tư công trong khôi phục và phát triển kinh tế. Ngay từ đầu năm Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương sớm giao vốn cho chủ đầu tư, không đầu tư dàn trải, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kịp thời,… tình hình đầu tư công của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng là 706 tỷ đồng, tăng 1,1 lần so cùng kỳ. Năm tháng đầu năm 2023 thực hiện 1.851 tỷ đồng, đạt 35,1% kế hoạch, tăng 47% so cùng kỳ.

  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 1.502 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch, tăng 54,5% so cùng kỳ, chiếm 81,2% tổng số; 

trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 569 tỷ đồng, tăng 1,9 lần, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 543 tỷ đồng, tăng 18,4% so cùng kỳ.

.. Các ngành các cấp yêu cầu các ban quản lý chủ đầu tư tập trung với cường độ cao hơn trong tổ chức thực hiện, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, kể cả tiến độ giải ngân. Ngoài ra thời tiết thuận lợi, nguyên vật liệu trong xây dựng biến động không nhiều, nên khối lượng thực hiện tăng hơn so cùng kỳ, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các công trình còn lại thi công đúng theo tiến độ đề ra...

  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 259 tỷ đồng, đạt 48,2% kế hoạch, tăng 13,8% so cùng kỳ, chiếm 14% tổng số; 

trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 108 tỷ đồng, tăng 15,1% so cùng kỳ

... Các ban quản lý dự án huyện hoàn thành hồ sơ, khẩn trương triển khai thi công các công trình xây dựng cơ bản năm 2023, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nên khối lượng thực hiện tăng hơn so cùng kỳ.

  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 89 tỷ đồng, đạt 13,3% kế hoạch, tăng 49,6% so cùng kỳ, chiếm 4,8% tổng số; 

trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 49 tỷ đồng, tăng 49,6% so cùng kỳ

... Ngay từ đầu năm các địa phương có ghép vận động, huy động nguồn vốn đóng góp để tiến hành thi công các danh mục công trình đăng ký thuộc nguồn vốn phân cấp xã, phường. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới năm 2023 nhằm phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân đồng thời phục vụ ra mắt xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Trong đó, ưu tiên bố trí các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực giao thông, phòng chống thiên tai, xử lý sạt lở, biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế, …

Hình 4. Cơ cấu vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý - 5 tháng đầu năm 2023

   IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ

   1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

  Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 6.678 tỷ đồng, tương đương so tháng trước và tăng 15,1% so cùng kỳ. Năm tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 32.785 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch, tăng 10,8% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 25.356 tỷ đồng, tăng 7,4%; lưu trú 124 tỷ đồng, tăng 1,2 lần; ăn uống 2.742 tỷ đồng, tăng 32,8%; du lịch lữ hành 44 tỷ đồng, tăng 3,1 lần; dịch vụ tiêu dùng khác 4.519 tỷ đồng, tăng 17,6% so cùng kỳ.

Hình 5. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

  2. Xuất - Nhập khẩu:

  a. Xuất khẩu:

  Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng ước thực hiện 325 triệu USD, tăng 4,5% so tháng trước; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 68 triệu USD, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 257 triệu USD. Năm tháng ước xuất khẩu 1.564 triệu USD, đạt 40,1% kế hoạch, giảm 9,7% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 15 triệu USD, tăng 318,4%; kinh tế ngoài nhà nước 267 triệu USD, giảm 15,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.282 triệu USD, giảm 9,3% so cùng kỳ.

  b. Nhập khẩu:

  Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 5/2023 đạt 197 triệu USD, tăng 9,9% so tháng trước. Năm tháng, kim ngạch nhập khẩu 943 triệu USD, đạt 41% kế hoạch, giảm 2,8% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập 46 triệu USD, giảm 22,1%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 896 triệu USD, giảm 1,5% so cùng kỳ. Nguyên liệu nhập khẩu 5 tháng chủ yếu các mặt hàng như: nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 107 triệu USD, giảm 39,1%; vải các loại 92 triệu USD, giảm 13%; hàng hóa khác 141 triệu USD, giảm 9,9%... so cùng kỳ.

  3. Chỉ số giá:

  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,06% so tháng 4/2023 (thành thị tăng 0,03%, nông thôn tăng 0,07%); so cùng kỳ tăng 1%.

  So với tháng 04/2023, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm tăng như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,59% (trong đó: lương thực tăng 0,14%, thực phẩm tăng 0,7% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,55%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,23%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,22%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,68%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; bưu chính viễn thông tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,06%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,28% và hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,13%. Riêng chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,33%.

  Một số mặt hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước như:

  - Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,59%, trong đó nhóm hàng thực phẩm tăng 0,14% so với tháng trước; do tình hình xuất khẩu đang thuận lợi, giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức cao giá gạo bán lẻ tại địa phương tăng; thực phẩm tăng 0,7% là do thời gian nghỉ lễ 30/4 và 01/5/2023 vừa qua kéo dài nhu cầu tiêu dùng tăng cao, dẫn đến giá tăng.

  - Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,23%, do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong những ngày nghỉ lễ 30/4- 01/5 vừa qua, nên giá một số mặt hàng rượu, bia giá tăng nhẹ.

  - Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,68%, do giá vật liệu xây dựng tăng. Cụ thể: xi măng PC40 Hà Tiên tăng 1,39%, giá sắt phi 6 Miền Nam tăng 0,36%, sắt vằn phi 10 Miền Nam tăng 0,3%, giá cát đen xây dựng tăng 0,78%, giá cát đen san lấp nền tăng 1,37% và tấm tôn mát 3 lớp tăng 7,37%.... Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện làm mát của người dân tăng lên; mặc khác từ ngày 04/5/2023 Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1062/QĐ-BCT v/v điều chỉnh tăng giá điện sinh hoạt, tác động đến giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân trong tháng tăng 3,26%.

  - Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%, do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại... Trong đó, giá nhóm thuốc trị tim mạch tăng 0,55%; nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng 0,66% và một số loại thuốc khác tăng 0,1%.

  Bên cạnh đó, mặt hàng có chỉ số giá giảm:

  Nhóm giao thông giảm 3,33% so tháng trước. Chỉ số giá nhóm hàng giao thông giảm chủ yếu ở mặt xăng, dầu. Cụ thể như: giá xăng dầu trong tháng điều chỉnh giảm ba lần (04/5;11/5; 22/5) làm cho CPI giảm 3,33%, trong đó: xăng A5-III giảm 7,86%, tương ứng giảm 2.140 đồng/lít; xăng sinh học E5 giảm 7,79%, giảm 2.200 đồng/lít; dầu Diezen 0,05S-II giảm 7,87%, giảm 1.440 đồng/lít.

  Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng năm 2023 so cùng kỳ tăng 2,45%; một số nhóm hàng có giá tăng nhiều trong 5 tháng năm 2023 so cùng kỳ như: nhóm Giáo dục tăng 7,81%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 8,28%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,01%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 3,18%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,18%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,1%; …

  Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 5/2023 tăng 1,39% so tháng trước, giá bình quân tháng 05/2023 là 5.705 ngàn đồng/chỉ, tăng 81 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ. Giá vàng trong tháng tăng do nhu cầu tăng cao trên thị trường; ngoài ra nhu cầu đôla Mỹ (USD) suy yếu so với nhiều ngoại tệ khác và giá dầu thô biến động cùng những bất ổn chính trị tại một số quốc gia, khu vực trên thế giới.

  Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 05/2023 tăng giảm 0,03% so tháng trước, giá bình quân 23.636 đồng/USD, tăng 479 đồng/USD so cùng kỳ.

  4. Du lịch:

  Khách du lịch đến trong tháng 5/2023 được 113 ngàn lượt khách, tăng 1,1% so tháng trước và tăng 82,9% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 12 ngàn lượt khách, tăng 5,3 lần so cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng 5 đạt 1.469 tỷ đồng, giảm 4,7% so tháng trước và tăng 11,6% so cùng kỳ.Tính chung năm tháng đầu năm 2023, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 479 ngàn lượt khách, đạt 38,3% kế hoạch và tăng 1,2 lần so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 38 ngàn lượt khách, đạt 15,4% kế hoạch, tăng 5,3 lần so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch, dịch vụ tiêu dùng khác đạt 7.429 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng 37,8%, ước đạt 2.742 tỷ đồng, tăng 32,8%, lưu trú đạt 124 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so cùng kỳ...

  5. Vận tải:

  Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 223 tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước và tăng 22,1% so cùng kỳ. Năm tháng thực hiện 996,9 tỷ đồng, tăng 21,5% so cùng kỳ; 

trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 254 tỷ đồng, tăng 20,4%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 639 tỷ đồng, tăng 21,8% so cùng kỳ

. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 399,7 tỷ đồng, tăng 21,6%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 493 tỷ đồng, tăng 21,3%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 104 tỷ đồng, tăng 22,1% so cùng kỳ.

  Vận tải hành khách trong tháng đạt 1.452 ngàn hành khách, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 19,4% so cùng kỳ; luân chuyển 28.391 ngàn hành khách.km, tương đương so tháng trước và tăng 15% so cùng kỳ. Năm tháng, vận chuyển 6.946 ngàn hành khách, tăng 14,2% so cùng kỳ; luân chuyển 150.352 ngàn hành khách.km, tăng 12,3% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 2.236 ngàn hành khách, tăng 12,6% và luân chuyển 145.577 ngàn hành khách.km, tăng 12,3% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 4.710 ngàn hành khách, tăng 15,1% và luân chuyển 4.775 ngàn hành khách.km, giảm 13,8% so cùng kỳ.

  Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 1.454 ngàn tấn, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 20,2% so cùng kỳ; luân chuyển 247.871 ngàn tấn.km, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 18,5% so cùng kỳ. Năm tháng, vận tải 6.152 ngàn tấn hàng hóa, tăng 17,8% so cùng kỳ; luân chuyển 1.116.947 ngàn tấn.km, tăng 15,3% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 935 ngàn tấn, tăng 12,9% và luân chuyển 153.087 ngàn tấn.km, tăng 20,3% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 5.217 ngàn tấn, tăng 18,7% và luân chuyển 963.860 ngàn tấn.km, tăng 14,6% so cùng kỳ.

  * Công tác quản lý phương tiện giao thông:       

  Trong tháng đăng ký mới 4.093 chiếc xe mô tô xe máy, 367 chiếc xe ô tô, 06 chiếc xe đạp điện và 02 chiếc xe khác. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh 1.458.897 chiếc, trong đó: mô tô xe máy 1.409.324 chiếc, 48.417 chiếc xe ô tô, 153 chiếc xe ba bánh, 435 chiếc xe đạp điện và 568 chiếc xe khác.

  6. Bưu chính viễn thông:

  Doanh thu trong tháng 5/2023 đạt 333 tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước và tăng 3,8% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 31 tỷ đồng, tăng 3,1% và viễn thông 302 tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước. Năm tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 1.642 tỷ đồng, tăng 3,5% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 151 tỷ đồng, tăng 14,6% và viễn thông 1.491 tỷ đồng, tăng 2,5% so cùng kỳ.

  Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 5/2023 là 124.356 thuê bao, mật độ bình quân đạt 6,9 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 5/2023 là 371.535 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 20,9 thuê bao/100 dân. Số lượng điện thoại cố định có dây, không dây tiếp tục giảm, do thị trường phát triển thuê bao dần bảo hòa dẫn đến khách hàng dần chuyển sang sử dụng điện thoại di động, trong đó chủ yếu là điện thoại di động trả trước. Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet (3G, 4G) đến cuối tháng 5 năm 2023 là 1.489.498 thuê bao.

  V. TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG

  1. Tài chính:

  Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 1.182 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 805 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 240 tỷ đồng. Năm tháng, thu 10.776 tỷ đồng, đạt 71,8% dự toán; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 4.238 tỷ đồng, đạt 41,2% dự toán và tăng 1,2% so cùng kỳ; thu nội địa 4.139 tỷ đồng, đạt 41,9% dự toán, tăng 1,2% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.206 tỷ đồng, đạt 37,1% dự toán, giảm 3,7% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 544 tỷ đồng, đạt 47,3% dự toán, tăng 12,5% so cùng kỳ...).

  Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 1.305 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 520 tỷ đồng. Năm tháng, chi 7.146 tỷ đồng, đạt 50,7% dự toán, tăng 49,6% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 2.647 tỷ đồng, đạt 49,9% dự toán, tăng 98,5% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 3.018 tỷ đồng, đạt 35,9% dự toán và tăng 23,9% so cùng kỳ.

  2. Ngân hàng:

  Về phía ngành Ngân hàng tỉnh, trên cơ sở thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam , trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động phần nào cũng có tác động đến hoạt động ngành Ngân hàng cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn cùng với toàn ngành đang triển khai quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Một số kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong tháng 5/2023 như sau:

  Đến cuối tháng 4/2023, mặt bằng lãi suất ổn định tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển: Lãi suất huy động tối đa bằng Việt Nam đồng (VND) đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng (0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng áp dụng cho Ngân hàng thương mại (NHTM), 4,5%/năm áp dụng cho Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và Tổ chức tài chín Việt Nam (TCTCVM). Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức trên 9-11%/năm đối với ngắn hạn; trên 11-13%/năm đối với trung dài hạn.

  Đến cuối tháng 4/2023, vốn huy động đạt 91.151 tỷ đồng, tăng 3.345 tỷ, tỷ lệ tăng 3,89% so cuối năm 2022. Tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 89.998 tỷ, tăng 3.977 tăng tỷ, tỷ lệ tăng 4,62% so với cuối năm 2022. Ước đến cuối tháng 5/2023, vốn huy động đạt 91.220 tỷ đồng, tăng 3.483 tỷ, tỷ lệ tăng 3,97%; tổng dư nợ đạt 90.253 tỷ, tăng 4.232 tỷ đồng, tăng trưởng tương đương 4,92% so với cuối năm 2022

  Nợ xấu: cuối tháng 4/2023, số dư là 1.204 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,34%, tăng 0,65% so cuối năm 2022. Ước đến cuối tháng 5/2023, nợ xấu là 1.245 tỷ đồng, tỷ lệ 1,38%, tăng 0,69% so với cuối năm 2022. Nhìn chung, nợ xấu đang có chiều hướng tăng liên tục qua 4 tháng đầu năm, tăng cả về số dư và tỷ lệ, nguyên nhân phát sinh nợ xấu là do khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.

  Quỹ tín dụng nhân dân: đến cuối tháng 4/2023, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 1.386 tỷ đồng, tăng 4,4 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,32% so tháng 12/2022, trong đó vốn huy động tăng 0,98%, chiếm tỷ trọng 87% trong tổng nguồn vốn hoạt động. Dư nợ cho vay đạt 1.030 tỷ đồng, giảm 8,7 tỷ, tỷ lệ giảm 0,83%; từ đầu năm đến nay đáp ứng nhu cầu vốn cho 3.244 lượt thành viên vay vốn. Nợ xấu: số dư 5,4 tỷ đồng, giảm 1,5 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,53%, giảm 0,15% so tháng 12/2022.

  VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

  Trong tháng, tập trung cho các nội dung công việc như: kiểm tra tiến độ thực hiện 02 nhiệm vụ KH&CN (01 cấp tỉnh, 01 cấp cơ sở); nghiệm thu giai đoạn 01 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; nghiệm thu kết thúc 04 nhiệm vụ KH&CN (02 cấp tỉnh, 02 cấp cơ sở).

  Đến hết tháng 5/2023, thẩm định nội dung 05 nhiệm vụ KH&CN 04 cấp tỉnh, 01 nhiệm vụ cấp cơ sở; nghiệm thu kết thúc 10 nhiệm vụ KH&CN (06 cấp tỉnh, 04 cấp cơ sở; Quyết định triển khai 04 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; Quyết định công nhận 04 nhiệm vụ cấp tỉnh, 02 nhiệm vụ cấp cơ sở); Gia hạn 01 nhiệm vụ cấp tỉnh.

  VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

  1. Lao động việc làm:

  Trong tháng, tư vấn nghề, việc làm, pháp luật lao động và tư vấn khác cho 3.058 lượt lao động, tăng 73,5% so cùng kỳ; trong đó tư vấn nghề cho 65 lượt lao động; tư vấn việc làm cho 2.623 lượt lao động thất nghiệp; tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 121 lượt lao động.

  Giới thiệu việc làm cho 223 lượt lao động, giảm 16,2% so cùng kỳ, trong đó 89 lao động có được việc làm ổn định, tăng 58,9% so cùng kỳ. Tính từ đầu năm, giới thiệu việc làm cho 628 lượt lao động, giảm 28,3% so cùng kỳ, trong đó có 333 lao động có việc làm ổn định, tăng 22% so cùng kỳ.

  Tư vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho 77 lượt lao động, tăng 26,2% so cùng kỳ; có 03 lao động đăng ký tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng 03 lao động; có 50 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài (Nhật Bản 39 lao động, Đài Loan 06 lao động, Hàn Quốc 02 lao động, Hồng Kông - Trung Quốc 01 lao động, Canada 02 lao động), tăng 109,1% so cùng kỳ.

  Tiếp nhận 3.137 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 70,7% so cùng kỳ; 2.700 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 50,7% so cùng kỳ, với số tiền chi trả 51,4 tỷ đồng, tăng 51,7% so cùng kỳ.

  2. Chính sách xã hội:

  Trong tháng, các chính sách cho người có công trên địa bàn tỉnh được duy trì và đảm bảo thực hiện. Lập Quyết định giải quyết chế độ mai táng phí và 03 tháng trợ cấp: 85 trường hợp; trợ cấp mai táng phí theo các Quyết định 290/2005/QĐ-TTg: 19 trường hợp, 62/2011/QĐ-TTg: 12 trường hợp, 49/2015/QĐ-TTg: 9 trường hợp; trợ cấp thờ cúng: 26 trường hợp; chuyển thờ cúng: 75 trường hợp; giải quyết trợ cấp 1 lần: 15 trường hợp. Lập Quyết định trợ cấp hàng thàng đối với 01 con liệt sĩ tàn tật; hưởng thêm chế độ thương binh, bệnh binh đối với 03 đối tượng. Cấp mới sổ dụng cụ chỉnh hình: 02 trường hợp; Cấp lại giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và thương binh, bệnh binh: 61 trường hợp.

  3. Hoạt động y tế:

  Trong tháng 5/2023, có 08/44 bệnh truyền nhiễm được ghi nhận. Tính chung 5 tháng, có 10 bệnh tăng so cùng kỳ (Lao phổi, Quai bị, Sởi, Sốt xuất huyết Dengue, Tay – chân – miệng, Thủy đậu, Tiêu chảy, Uống ván khác, Viêm gan virut B, Viêm gan vi rut C); 2 bệnh giảm so cùng kỳ (Viêm não vi rút khác, Covid- 19); 32 bệnh tương đương hoặc không xảy ra ca mắc. Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết: ghi nhận 202 ca, cộng dồn 1.599 ca, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ. Phòng chống HIV/AIDS: toàn tỉnh hiện có 6.579 người nhiễm HIV; 1.819 người chuyển sang AIDS; 1.298 người tử vong do AIDS.

  Hoạt động khám chữa bệnh: tổng số lần khám bệnh 366.313 lượt người, tăng 41,5% so cùng kỳ; tổng số người điều trị nội trú 16.439 lượt người, tăng 47,1%; công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 73,05%.

  COVID-19:

 từ đầu năm đến nay, ghi nhận 784 ca nhiễm. Thống kê số liệu tiêm vắc xin trên các nhóm đối tượng (không bao gồm các trường hợp tiêm tại các điểm tiêm ngoài tỉnh):

  - Từ 18 tuổi trở lên: 4.368.157 liều, Mũi 1: 100,2%; Mũi 2: 97,8%; Mũi 3: 80,1%; Mũi 4: 94,0%.

  - Từ 12 đến dưới 18 tuổi: 445.398 liều, Mũi 1: 111,8%; Mũi 2: 109,3%; Mũi 3: 83,1%.

  - Từ 5 đến dưới 12 tuổi: 317.615 liều, Mũi 1: 101,9%; Mũi 2: 94,2%.

  4. Hoạt động giáo dục:

  Trong tháng, tình hình dạy và học trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Để chủ động ứng phó, phòng chống dịch Covid-19, thời gian tổ chức kiểm tra đánh giá cuối kỳ II năm học 2022 – 2023 khối lớp 9 và lớp 12 từ 24/4/2023 đến 06/5/2023; các khối còn lại (6, 7, 8, 9, 10 và 11) có thể tổ chức kiểm tra cuối học kỳ II năm học 2022 – 2023 sớm hơn thời gian quy định tại Công văn số 449/SGDĐT- GDTrH-GDTX. Bên cạnh đó, tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT năm 2023 vào các ngày 22, 23/5/2023; Thành lập Hội đồng ra đề thi và in sao đề thi tuyển sinh THPT năm học 2023-2024 (bắt đầu làm việc từ ngày 28/5/2023); Thành lập Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi, nhận bài thi, hồ sơ thi tại các Hội đồng coi thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2023-2024.

  5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

  Hoạt động bảo tàng: trong tháng, Bảo tàng tỉnh và các di tích đã đón hơn 3,9 nghìn lượt khách.

  Hoạt động văn hóa nghệ thuật: thực hiện 17 buổi biểu diễn văn nghệ, tuyên truyền lưu động, chiếu phim phục vụ Nhân dân. Thực hiện tuyên truyền 35 pano, 40 băng ron, 390 cờ các loại, 20 giá đỡ trụ cờ chào mừng các ngày lễ. Tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật cải lương các tỉnh miền Tây Nam Bộ lần thứ I năm 2023 tại Rạp hát Thầy Năm Tú với các đơn vị: Đoàn nghệ thuật cải lương Long An; Nhà hát Tây Đô; Nhà hát Trần Hữu Trang và Đoàn cải lương Bến Tre kỷ niệm 105 năm ra đời vở cải luơng "Kim Vân Kiều" tại Rạp hát Thầy Năm Tú. 

  Hoạt động thư viện: trong tháng, Thư viện tỉnh phục vụ 23,7 nghìn lượt bạn đọc với 42,6 nghìn lượt sách báo được lưu hành; hệ thống thư viện huyện, thư viện xã ghi nhận 27,3 nghìn lượt bạn đọc với 53,8 nghìn lượt sách báo lưu hành.

  Hoạt động thể dục – thể thao trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì và đạt được nhiều thành tích nổi bật, trong đó:

  - Đội Bóng đá U19 tham dự Vòng loại Bảng E - Giải Bóng đá vô địch (VĐ) U19 quốc gia năm 2023, từ ngày 26/3 - 17/4/2023 với kết quả đạt 09 điểm (02 trận thắng, 03 trận hòa, 03 trận thua), xếp hạng 4/5 đội.

  - Đội Vovinam tham dự Giải VĐ các đội mạnh Vovinam toàn quốc năm 2023, từ ngày 06/4 – 16/4/2023 tại Bình Dương với kết quả đạt 02 Huy chương Bạc, 01 Huy chương Đồng.

  - Đội Boxing tham dự Giải VĐ Boxing các đội mạnh toàn quốc năm 2023, từ ngày 15/4 – 27/4/2023 tại Đắk Lắk với kết quả đạt 02 Huy chương Bạc, 03 Huy chương Đồng.

  - Đội Rowing tham dự Giải Đua thuyền Rowing VĐ các Câu lạc bộ toàn quốc, từ ngày 17/4 – 28/4/2023 tại Đà Nẵng với kết quả đạt 02 Huy chương Đồng.

  - Cử VĐV tham dự Giải Tiền Sea Games 32 môn Arnis tại Campuchia, từ ngày 18/4 – 23/4/2023 với kết quả đạt 02 Huy chương Vàng.

  - Vận động viên Văn Công Quốc đạt Huy chương bạc hạng cân 60kg Nam môn Arnis tại Seagames 32.

  6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội 

(Theo báo cáo của ngành công an):

  Tình hình an ninh trật tự xã hội trong tháng được đảm bảo. Cơ quan chức năng tập trung thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật bảo đảm an ninh trật tự dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30/4 và 01/5 năm 2023. Trong tháng, tội phạm về trật tự xã hội ghi nhận 85 vụ, tăng 12 vụ so với tháng trước, chết 02 người, bị thương 18 người, tài sản thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng; điều tra khám phá 67 vụ (đạt 78,8%), bắt xử lý 98 đối tượng, thu hồi tài sản khoảng 433 triệu đồng. Tính đến tháng 5/2023, tội phạm về trật tự xã hội ghi nhận 365, tăng 54 vụ, tương đương tăng 17,4% so với cùng kỳ, điều tra khám phá 292 vụ (đạt 80%), bắt xử lý 529 đối tượng.

  Tình hình đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, ma túy: Phát hiện, xử lý 19 vụ, 26 đối tượng phạm tội về ma túy và xử lý vi phạm hành chính 113 đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; 01 vụ, 01 đối tượng phạm tội trên lĩnh vực tham nhũng; 12 vụ, 15 đối tượng vi phạm pháp luật về kinh tế.

  7. Trật tự an toàn giao thông (Theo báo cáo của ngành công an):

  Tai nạn giao thông đường bộ: tai nạn giao thông trong tháng xảy ra 20 vụ, giảm 02 vụ so tháng trước và giảm 14 vụ so cùng kỳ; làm chết 12 người, giảm 5 người so tháng trước và giảm 14 người so cùng kỳ; bị thương 15 người, tăng 2 người so tháng trước và tương đương người so cùng kỳ. Nâng tổng số vụ từ đầu năm đến nay 91 vụ, làm chết 61 người và bị thương 58 người. Ước thiệt hại tài sản trị giá khoảng 1,3 tỷ đồng.

  Tai nạn giao thông đường thủy: không xảy ra vụ tai nạn.

  * Tai nạn giao thông trong 04 ngày nghỉ lễ 30/4 và 01/5/2022 (tính từ ngày 29/4/2023 đến ngày 03/5/2023): Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 08 vụ, làm 05 người chết và 04 người bị thương. So cùng kỳ: giảm 01 vụ tai nạn, giảm 02 người chết và tăng 02 người bị thương.

  8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

  Cháy, nổ trong tháng ghi nhận 02 vụ (phương tiện giao thông, dịch vụ kinh doanh ăn uống), tài sản thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng, nguyên nhân do sự cố điện. Tính đến tháng 5/2023, ghi nhận 06 vụ cháy, tài sản sản thiệt hại khoảng 2,6 tỷ đồng. 

  Lĩnh vực môi trường: trong tháng, không ghi nhận vi phạm về môi trường trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, ghi nhận 05 vụ vi phạm với số tiền phạt 191,4 triệu đồng.

  Tình hình thiên tai: trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 cơn lốc xoáy ở các huyện là Châu Thành, Tân Phước, Cái Bè và Gò Công Tây, đã làm sập 02 căn nhà, làm tốc mái 146 căn nhà, làm ngã đổ khoảng 6.625 cây ăn. Ước tổng kinh phí thiệt hại là 8.240 triệu đồng.


File đính kèm