Tổng sản phẩm trên địa bàn quí I năm 2023 Tiền Giang đạt 2,66%
Với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ, sự điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và đồng bộ các chủ trương, chính sách, các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ngay từ đầu năm, để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh. Tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang quí I/2023 có nhiều chuyển biến tích cực, các khu vực kinh tế đều tăng so cùng kỳ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quí I năm 2023 ước đạt 15.559 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) tăng 2,66% so với quí I năm 2022, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,39 %, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,97% và khu vực dịch vụ tăng 3,81 % (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 5,52 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 3,97% so cùng kỳ. Trong 2,66% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,52%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 0,86%, khu vực dịch vụ đóng góp 1,52% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm làm giảm 0,24%. GRDP nếu tính theo giá hiện hành đạt 29.426 tỷ đồng.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: quí I năm 2022 tăng 1,39% so với quí I năm 2022; trong đó nông nghiệp tăng 4,24%. Trồng trọt trong quí có nhiều thuận lợi, công tác phòng chống hạn mặn được triển khai sớm, độ mặn năm nay thấp, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp; Dịch covid-19 được kiểm soát, xuất khẩu thông thoáng trở lại nên giá bán các loại sản phẩm trồng trọt tăng so cùng kỳ nhất là sầu riêng, thanh long, mít ... Giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân. Trà lúa Đông Xuân năm nay phát triển tốt, năng suất bình quân ước tính đạt 71,7 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so cùng kỳ; Tuy nhiên do diện tích gieo sạ giảm 989,6 ha nên sản lượng thu hoạch giảm 1,4% so cùng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tuy nhiên dịch cúm gia cầm xuất hiện ở Campuchia nên gây tâm lý lo lắng cho người nuôi. Giá bán các sản phẩm chăn nuôi thấp so cùng kỳ trong khi giá thức ăn tăng cao nên việc tái đàn trên địa bàn tỉnh còn chậm; giá lợn hơi bình quân quí I khoảng 50.000 đồng/ ký, với giá này người nuôi sẽ lỗ, dự báo tổng đàn sẽ giảm trong thời gian tới. Ước tính đến thời điểm 01/3/2023 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 123,9 ngàn con, giảm 0,13% so cùng kỳ; đàn lợn 293,2 ngàn con, tăng 0,21% so cùng kỳ; đàn gia cầm 16,4 triệu con, giảm 3,6% so cùng kỳ. Ngành thủy sản giảm 15,3% so cùng kỳ, giảm chủ yếu ở sản lượng khai thác (giảm 29%)). Hoạt động khai thác thủy sản còn nhiều khó khăn do giá nhiêu liệu tăng cao, biển động liên tục, gió nhiều, sóng lớn nên các đội tàu gặp khó khăn trong quá trình đánh bắt, sản lượng khai thác ít, số lượng tàu ra khơi đánh bắt ít hơn cùng kỳ, làm cho sản lượng thủy sản khai thác giảm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản.
Khu vực công nghiệp - xây dựng: tăng 2,97% so với quí I năm 2022; trong đó công nghiệp tăng 2,33%. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do đơn hàng giảm từ quí IV/2022 cho đến nay, nhất là các ngành may mặc, giày da, túi xách, chế biến thủy sản ... do tác động của hậu dịch Covid – 19, kinh tế tế thế giới suy giảm, cuộc chiến giữa Nga và Ucraina làm cho giá nhiên liệu tăng, lạm phát tăng cao. Tính riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ số tiêu thụ đến cuối tháng 3 giảm 9,24% so cùng kỳ; Chỉ số hàng tồn kho tăng 13,65% so cùng kỳ; Trong khi lãi suất ngân hàng đang ở mức cao, tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quí II năm 2023, thì tình hình sản xuất của các doanh nghiệp cũng chưa được khả quan, có 35,11% số doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quí II/2023 tốt lên so với quí I/2023 và 36,17% dự báo giữ ổn định; có 28,72% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn so với quí I/2023. Trong quí II dự báo có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, kỳ vọng sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tăng so với cùng kỳ. Ngành xây dựng tăng 7,48%, là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong quí I năm 2023. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương đang được triển khai thi công, cộng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đã góp phần làm cho hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng khá so cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ: tăng 3,81% so cùng kỳ; hầu hết các ngành trong khu vực này đều tăng, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trong quí tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tăng khá như: bán buôn và bán lẽ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 6,1%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,39%; Vận tải kho bãi tăng 6,53%; Hoạt động dịch vụ khác tăng 45,77% ... Riêng hoạt động y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 14,21%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 3,97%
Cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 39,7% (cùng kỳ 38,8%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 27,4% (cùng kỳ 27,7%); khu vực dịch vụ chiếm 27,3% (cùng kỳ 27,5%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,6% (cùng kỳ 6,0%).
Với mức tăng trưởng 2,66% của quí I/2023, để đạt được kế hoạch đề ra trong năm 2023 với mục tiêu tăng trưởng của tỉnh tăng từ 7% - 7,5%, thì tốc độ tăng của ba quí còn lại phải tăng từ 8,38% trở lên. Để đạt được mục tiêu trên trong các quí còn lại cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của tỉnh. Thực hiện chính sách tiền tệ cần linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay, vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng.
Hai là, thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, chế biến thủy sản...
Ba là, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu.
Bốn là, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2023; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giao kế hoạch, giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục về đầu tư công.
Năm là, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng. Tăng cường thông tin, ngăn chặn, triệt phá các thông tin xấu, sai sự thật gây hoang mang cho người dân, tuyên truyền quảng bá các hình ảnh đẹp về du lịch, cuộc sống, sinh hoạt của người Tiền Giang đến du khách gần xa./.
N.V.Tròn
Tin khác