0273.3 872582 | tiengiang@gso.gov.vn

Tăng trưởng kinh tế tỉnh Tiền Giang năm 2022 đạt 7,02%

18/06/2024 14:37

Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa nước ngày càng gay gắt; xung đột quân sự Nga - U-crai-na xảy ra và kéo dài; lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khoá dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng; nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực ngày càng hiện hữu... Trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; tiêu thụ nông sản gặp khó khăn khi thị trường Trung Quốc đóng cửa để phòng chống dịch, hàng hóa bị ùn ứ ở cửa khẩu, giá các sản phẩm như: mít, thanh long ... giảm mạnh gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống người dân.

  Với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm của Ủy ban nhân dân tỉnh, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, cùng với sự nổ lực và đồng thuận của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên kinh tế của tỉnh từng bước phục hồi, tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước. Các hoạt động văn hóa, xã hội, vui chơi giải trí dần được khởi sắc trở lại; công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thực hiện tốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, thúc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vacxin mũi 3 - 4, đã khống chế được dịch trên địa bàn tỉnh. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch năm.

  Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 62.881 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 7,02% so cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 4,33%, 6 tháng cuối năm tăng 9,67% so cùng kỳ), đạt kế hoạch năm (kế hoạch tăng từ 6%-7%), khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,51%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,76% và khu vực dịch vụ tăng 7,79% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm). Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 8,75 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,07% so cùng kỳ.

  Quý I năm 2022, dịch bệnh Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron tuy ít nguy hiểm hơn biến thể Delta nhưng tốc độ lây lan nhanh đã làm số ca bệnh tăng nhanh trên phạm vi cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga và Ukraine kéo theo các lệnh trừng phạt tạo ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong tỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới,với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ, sự điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, kinh tế của tỉnh tăng ở mức 3,52%; Sang quí II tình hình dịch bệnh covid – 19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, hầu hết các lĩnh vực đều mở cửa hoạt động trở lại, kinh tế của tỉnh tăng ở mức 5,15%; Quí III kinh tế của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 15,37% do các doanh nghiệp gia tăng sản xuất, mặc khác quí III năm 2021 trên địa bàn tỉnh phong tỏa để phòng chống dịch, các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; Quí IV năm 2022 các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm đơn hàng, ký kết hợp đồng mới nên tăng trưởng của kinh tế của tỉnh chậm lại với mức tăng 4,63% so cùng kỳ. Với mức tăng 7,02%, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đứng thứ 10 trên 13 tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

  Trong 7,02% tăng trưởng, thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,31%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,98%, khu vực dịch vụ đóng góp 2,55% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,18%.

  GRDP nếu tính theo giá thực tế năm 2022 đạt 112.819 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 63,2 triệu đồng/người/năm, tăng 7 triệu đồng/người/năm so năm 2021. Tính theo giá USD, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 2.695 USD/người/năm, tăng 10,4%, tương đương tăng 254 USD so năm 2021 (năm 2021 đạt 2.441 USD/người/năm).

  Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Ước năm 2022 tăng 3,51% so năm 2021. Trồng trọt trong năm có nhiều thuận lợi, mưa đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn cùng kỳ năm 2021, công tác phòng chống hạn mặn được lãnh đạo các ngành, các cấp triển khai sớm, nên diện tích bị thiệt hại do hặn, mặn không nhiều. Trà lúa Đông Xuân năm nay phát triển tốt, năng suất bình quân ước tính đạt 71,2 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so cùng kỳ. Tuy nhiên diện tích gieo sạ giảm 2.455 ha nên sản lượng thu hoạch giảm 4,7% so cùng. Lúa hè thu diện tích gieo trồng 72.258 ha, giảm 3,3% so cùng kỳ tương ứng giảm 2.470 ha; sản lượng thu hoạch đạt 417.284 tấn, giảm 5% so cùng kỳ tương ứng giảm 22.112 tấn. Riêng lúa vụ Thu Đông gieo trồng 13.396 ha, tăng 144,8% so cùng kỳ, do thời tiết thuận lợi nên các huyện thị phía Đông gieo trồng linh hoạt theo điều kiện thực tế của địa phương; Sản lượng thu hoạch ước đạt 72.597 tấn, tăng 145,3% so cùng kỳ.

  Vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây chịu tác động của hạn, mặn năm 2020 được nông dân chăm sóc, từng bước được phục hồi. Giá phân bón tăng cao so cùng kỳ, trong khi giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm nhất là Thanh long và Mít do xuất khẩu sang Trung quốc gặp khó khăn, nên nông dân có lãi không nhiều, thậm chí lỗ, mức độ đầu tư cho sản xuất của nông dân có giảm. Huyện Chợ Gạo là vùng chuyên trồng thanh long của tỉnh, nhưng giá bán thấp, kéo dài, nên nông dân phá bỏ chuyển sang trồng cây khác, diện tích gieo trồng giảm 731 ha so cùng kỳ (diện tích thanh long hiện tại 8.990 ha). Riêng cây sầu riêng có giá cao và ổn định nhất là khi Việt Nam ký kết xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

  Trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi tuy được kiểm soát tốt nhưng còn xảy ra ở một số địa phương, tổng đàn tăng so cùng kỳ, ước thời điểm cuối năm 2022 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 123,2 ngàn con, tăng 0,2% so cùng kỳ; đàn lợn 297,5 ngàn con, tăng 6,3% so cùng kỳ; đàn gia cầm 17,2 triệu con, giảm 1% so cùng kỳ. Từ đầu năm 2022, giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao, cộng với giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi, nông dân cân nhắc trong việc đầu tư, do đó tái đàn còn chậm.

  Ngành thủy sản tăng 2,75% so cùng kỳ. Hoạt động khai thác thủy sản trong năm còn nhiều khó khăn do giá nhiêu liệu tăng cao, chi phí nhiên liệu cho hoạt động khai thác chiếm khoảng 70% trong tổng chi phí đánh bắt thủy sản bên cạnh đó lượng tàu ra khơi những tháng đầu năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 khoảng 20 - 30% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (quí I) nên ảnh hưởng thu nhập ngư dân, sản lượng thủy sản khai thác trong năm ước đạt 144.148 tấn, giảm 5,4% so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong năm ước đạt 216.481 tấn, tăng 3% so cùng kỳ.

  Khu vực công nghiệp - xây dựng: tăng 10,76% so năm 2021; Ngành công nghiệp tăng 11%. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước phục hồi, 6 tháng đầu năm tăng 6,56%, quí III tăng 37,07%; quí III tăng cao là do sản xuất của các doanh nghiệp khởi sắc hơn cộng với quí III năm 2021 tỉnh Tiền Giang thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị -16/TTg của Thủ tướng Chính phủ về giản cách xã hội để phòng chống dịch. Một số ngành tăng cao so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 23,5%; Dệt tăng 19,8%; Sản xuất thuốc hoá dược và dược liệu tăng 72,2%; Sản xuất sản phẩm từ cao su plastic tăng 68,5%; Sản xuất kim loại tăng 32,9%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,3% … Có một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 11,1%, sản xuất trang phục giảm 2,5%, sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất giảm 1,2% … Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi nhanh, tuy nhiên cũng gặp một số khó khăn nhất định như: một số doanh nghiệp còn khó khăn trong tuyển dụng lao động; sau Covid công nhân không quay lại, phải tuyển dụng lao động mới phải mất thời gian đào tạo, ảnh hưởng đến năng suất. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, lạm phát ở các nước phát triển (Mỹ, Châu Âu) tăng cao, giá nhiên liệu tăng, chi phí cước tàu biển tăng nhanh, đặc biệt là cước tàu đi Mỹ và EU dẫn đến khan hiếm container, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do thiếu nguồn nguyên liệu làm cho các chi phí sản xuất tăng cao so cùng kỳ…Qua khảo sát đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp trong quí IV giảm mạnh do không ký được hợp đồng, các doanh nghiệp phải giản giờ làm, sản xuất cầm chừng do chưa ký kết được hợp đồng mới, do đó chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất trong năm 2023.

  Ngành xây dựng ước tính tăng 9,64%, hoạt động xây dựng tăng cao là do 6 tháng cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh thực hiện giản cách xã hội để phòng chống dịch Covid – 19 nên các công trình tạm dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Đến quí I năm 2022 tiêm ngừa vacin phòng chống covid đã được bao phủ, các hoạt động được phép mở cửa trở lại nên nhu cầu xây dựng trong dân tăng. Mặc khác, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương được triển khai như: các công trình thuộc dự án cao tốc Trung lương – Mỹ Thuận, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Dự án điện gió Tân Phú Đông 1, dự án thành phần xây dựng Cầu Mỹ Thuận 2 ... Tuy nhiên giá vật liệu xây dựng và nhiên liệu tăng cao, đã làm chậm đà tăng trưởng của ngành xây dựng (theo giá thực tế ngành xây dựng tăng 19,57% so cùng kỳ).

  Khu vực dịch vụ: Tăng 8,75% so với năm 2021 (sáu tháng đầu năm tăng 4,16%, sáu tháng cuối năm 13,09%). Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh được phép hoạt động trở lại theo lộ trình với qui mô phù hợp nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch. Hầu hết các ngành thuộc khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh. Thời điểm tháng 01, tháng 2 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trước biến chủng mới Omiron xuất hiện, do đó nhiều chương trình du lịch của các hãng lữ hành chưa hút khách, hoạt động của các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh chưa được phép hoạt động. Đến tháng 3 tình hình dịch Covid 19 dần được kiểm soát, Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép các cơ sở du lịch hoạt động trở lại, lượt khách đến tỉnh liên tục tăng qua từng tháng, nhất là dịp lễ 30/4, 01/5, 02/9/2022. Các ngành tăng cao so cùng kỳ như: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 37,94%; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 42,82%; Nghệ thuật vui chơi và giải trí tăng 25,79%; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 8,94% ... Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 17,7% (năm 2021 Tiền Giang chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid 19 toàn hệ thống chính trị ra sức phòng chống dịch nên tăng cao, tăng 44,42% so năm 2020), do dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

  Cơ cấu kinh tế: Mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025 của tỉnh là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Năm 2022 khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 37,4%, giảm 1,4% so năm 2021; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 27,8%, tăng 2% so năm 2021; Khu vực dịch vụ chiếm 29,2%, giảm 0,4% so năm 2021; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản chiếm 5,6%, giảm 0,2% so cùng kỳ.

                                               N.V.Tròn