Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang tháng 01 năm 2024
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngay từ đầu năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng địa phương; chủ động phòng chống hạn mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển, chủ động nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân; tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách và nhân dân vui xuân đón Tết, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Kết quả thực hiện ở các lĩnh vực cụ thể như sau:
I. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN
1. Nông nghiệp
Trong tháng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung gieo trồng vụ Đông Xuân, thời tiết thuận lợi, các cây trồng chính phát triển. Tuy nhiên, tình hình hạn mặn do ảnh hưởng bởi kỳ triều cường Rằm tháng 11 (Âm lịch), độ mặn trong những ngày qua trên sông Tiền tăng cao đột biến, xâm nhập và lấn sâu vào nội đồng.
Cây lương thực có hạt: trong tháng gieo trồng được 11.149 ha, giảm 3,4% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 4.117 tấn, tăng 3,4%.
- Cây lúa: vụ Đông Xuân 2023 - 2024 gieo trồng được 44.883 ha, đạt 100,4% kế hoạch, giảm 6,9% so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng giảm do chuyển đổi đất trồng lúa sang đất cây lâu năm 2.577,2 ha, trồng cây hàng năm khác 659,3 ha, đất phi nông nghiệp 57,9 ha (xây dựng, cơ sở hạ tầng,..), không sản xuất 23,8 ha và đất nuôi trồng thủy sản 1 ha. Diện tích gieo trồng giảm hầu hết ở các huyện, trong đó: huyện Cái Bè giảm 1.835 ha, huyện Cai Lậy 446,6 ha, huyện Châu Thành giảm 365,1 ha, huyện Gò Công Tây giảm 285,1 ha, TX. Gò Công giảm 142,4 ha, Gò Công Đông giảm 124,7 ha, TX. Cai Lậy giảm 72,9 ha, huyện Chợ Gạo 24,3 ha, huyện Tân Phước giảm 23,2 ha. Hiện nay, nông dân đang chăm sóc vụ lúa đông xuân và lúa đang trong giai đoạn phát triển tốt.
- Cây ngô: trong tháng gieo trồng 289 ha, giảm 4,2% so cùng kỳ; thu hoạch 155 ha, tăng 0,9% với sản lượng 558 tấn, tăng 1,3%; năng suất bình quân đạt 36 tạ/ha, tăng 0,4%.
Cây rau đậu các loại: trong tháng gieo trồng 4.952 ha, giảm 4,3% so cùng kỳ; thu hoạch 4.805 ha, giảm 3,9% với sản lượng 103.165 tấn, giảm 2,5% với năng suất bình quân đạt 214,7 tạ/ha, tăng 1,4%; trong đó: rau các loại 4.941 ha, giảm 4,3%; thu hoạch 4.797 ha, giảm 3,9% với sản lượng 103.142 tấn, giảm 2,5%; năng suất bình quân đạt 215 tạ/ha, tăng 1,4% so cùng kỳ.
Chăn nuôi: ước tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tại thời điểm 01/01/2024 như sau: đàn bò 122,5 ngàn con, giảm 1,2% so cùng kỳ; đàn lợn 298 ngàn con, tăng 1%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 16,2 triệu con, giảm 5,6%; đàn lợn tăng so cùng kỳ do người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao trong dịp tết cổ truyền; đàn bò giảm do việc tái đàn còn chậm, hiệu quả chăn nuôi bò không cao; chăn nuôi gia cầm giảm do hiệu quả kinh tế không cao, nhiều hộ chăn nuôi quyết định giảm đàn và ngừng chăn nuôi.
Hình 1. Chăn nuôi tại thời điểm 01/01/2024
Tình hình dịch bệnh (Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang):
Bệnh cúm gia cầm: trong tháng, có 01 hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Gò Công Tây có gà mắc bệnh cúm gia cầm với tổng số gia cầm bệnh là 1.300 con trên tổng đàn 2.000 con. Số gia cầm được tiêu hủy là 2.000 con.
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: trong tháng, có 36 hộ chăn nuôi có lợn bệnh với tổng số lợn bệnh là 575 con/tổng đàn 1.642 con tại 05 huyện (Cái Bè, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây và thị xã Cai Lậy). Số lợn được tiêu hủy là 1.069 con với khối lượng 54.027 kg.
Bệnh viêm da nổi cục: trong tháng, ghi nhận 01 hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Gò Công Tây có 01 con bò bệnh/tổng đàn 07 con.
2. Lâm nghiệp:
Tổng diện tích rừng hiện có 1.735,5 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), bao gồm: rừng phòng hộ: 1.381,8 ha (huyện Gò Công Đông: 429,5 ha; huyện Tân Phú Đông: 896,9 ha; huyện Tân Phước: 55,4 ha) và rừng sản xuất: 353,7 ha.
Ước tháng 01/2024 toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 1,1 ngàn cây phân tán các loại, giảm 20,5% so cùng kỳ. Cây phân tán trồng chủ yếu trên những tuyến đường đi tại huyện Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Tây.
3. Thủy hải sản:
Diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng ước tính 6.457 ha, tăng 1,5% so cùng kỳ; bao gồm: diện tích nuôi cá 2.469 ha, giảm 4%; diện tích nuôi tôm 780 ha, tăng 1,6%; diện tích nuôi thủy sản khác 3.208 ha, tăng 6,2%.
Sản lượng thủy sản trong tháng ước tính 17.575 tấn, tăng 10,2% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng từ nuôi 10.744 tấn, giảm 0,5%; sản lượng khai thác 6.831 tấn, tăng 32,7%. Nguyên nhân tổng sản lượng thủy sản trong tháng tăng tốt chủ yếu là do sản lượng khai thác tăng 32,7%, các tàu cá đang tích cực đánh bắt để đảm bảo cung ứng sản phẩm cho dịp tết Nguyên đán 2024.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 giảm 10,07% so với tháng 12/2023, do một số ngành sản xuất giảm so với tháng trước như: sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất kim loại;... (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,91%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,01% và sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,61%;) và so cùng kỳ tăng 12,66% so cùng kỳ, do các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sản xuất tăng (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,99%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 22,01%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,3%).
Chỉ số sản xuất sản phẩm trong tháng so cùng kỳ như sau:
Có 32/44 sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng so cùng kỳ: thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm tăng 113,5%; máy chế biến thịt gia súc hoặc gia cầm tăng 100%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên tăng 22,3%; giấy vệ sinh tăng 20,9%; ống và ống dẫn bằng đồng tăng 19,7%; thức ăn cho thủy sản tăng 17,4%; phân vi sinh tăng 15,1%; điện thương phẩm tăng 13,6%; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền tăng 12,4; đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người tăng 11,9%; tàu thuyền lớn chuyên chở người và hàng hóa có động cơ đẩy tăng 8,5%; Nước uống được tăng 7,5%; dịch vụ tiện các bộ phận kim loại tăng 4,2%;…
Có 12/44 sản phẩm có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ: các sản phẩm bằng vật liệu tết bện khác giảm 70,5%; cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục giảm 64,2%; áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ, áo gió cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 36,6%; dịch vụ tráng phủ kim loại bằng cách nhúng vào kim loại nấu chảy giảm 27,5%; bóng thể thao khác giảm 19,6%; túi xách giảm 16,5%; thức ăn cho gia súc giảm 2,6%; phi lê đông lạnh giảm 2,2%;…
Hình 2. Chỉ số sản xuất công nghiệp
* Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:
- Chỉ số tiêu thụ tháng 01/2024 so với tháng trước giảm 7,53% và tăng 12,02% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng so cùng kỳ: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,59%, trong đó sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 9,65%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 20,89%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 64,47%; sản xuất kim loại tăng 15,91%; sản xuất thiết bị điện tăng 14,08%, trong đó sản xuất dây cáp, dây điện… tăng 37,35%;… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ: sản xuất đồ uống giảm 18,95%, trong đó sản xuất bia giảm 18,95%; dệt giảm 26,02%; sản xuất trang phục giảm 34,46%; sản xuất da giảm 6,31%, trong đó sản xuất va li, túi xách và các loại tương tự, sản xuất yên đệm giảm 57,15%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 69,86%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 16,54%;…
- Chỉ số tồn kho tháng 01/2024 so với tháng trước tăng 4,18% so với tháng trước và tăng 14,45% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,6 lần, trong đó sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 44,06%; sản xuất da tăng 9,89%, trong đó sản xuất giày dép tăng 8,69%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 24,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,19%;... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: dệt giảm 70,18%, trong đó sản xuất sợi giảm 32,35%; sản xuất trang phục giảm 1,5%; sản xuất kim loại giảm 23,72%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẳn giảm 61,67%; sản xuất thiết bị điện giảm 86,23%, trong đó sản xuất mô tơ điện giảm 87,68%; chế biến, chế tạo khác giảm 36,8%, trong đó sản xuất đồ chơi, trò chơi giảm 36,8%…
III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG
Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện trong tháng 186 tỷ đồng, đạt 3,8% kế hoạch, tăng 0,5% so cùng kỳ. Trong tháng thực hiện chủ yếu các công trình chuyển tiếp, các công trình mới chưa thực hiện.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 152 tỷ đồng, đạt 3,9% kế hoạch, giảm 1,5% so cùng kỳ, chiếm 81,6% tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 39 tỷ đồng, tăng 6,3%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 69 tỷ đồng, tăng 7,8% so cùng kỳ... Các Ban quản lý dự án, Chủ đầu tư tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các công trình còn lại thi công đúng theo tiến độ để đưa vào sử dụng phục vụ đi lại vận chuyển hàng hóa dịp tết Nguyên đán.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước thực hiện 30 tỷ đồng, đạt 3,2% kế hoạch, tăng 11,3% so cùng kỳ, chiếm 16% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 12 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ... Ban quản lý dự án huyện tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để đưa vào sử dụng phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa và phục vụ ra mắt huyện nông thôn mới.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước thực hiện 4 tỷ đồng, đạt 2,8% kế hoạch, tăng 7,1% so cùng kỳ, chiếm 2,4% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 0,9 tỷ đồng, tăng 0,7% so cùng kỳ... Các Ban quản lý công trình xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn phân cấp để thực hiện các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng phục vụ địa phương. Trong đó, ưu tiên bố trí các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực giao thông, phòng, chống thiên tai, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế và xây dựng nông thôn mới.
Hình 3. Cơ cấu vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý - tháng 01 năm 2024
IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ
1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trong tháng thực hiện 7.116 tỷ đồng, giảm 1,4% so tháng trước và tăng 6% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 5.440 tỷ đồng, tăng 6,5%; lưu trú 29 tỷ đồng tăng 14%; ăn uống 735 tỷ đồng, tăng 23,3%; du lịch lữ hành 19 tỷ đồng, tăng 82,2%; dịch vụ tiêu dùng khác 893 tỷ đồng, giảm 8% so cùng kỳ.
Hình 4. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
2. Chỉ số giá:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2024 tăng 0,13% so tháng 12/2023 (thành thị tăng 0,15%, nông thôn tăng 0,12%); so cùng kỳ tăng 3,41%.
So với tháng 12/2023, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 08 nhóm tăng: đồ uống và thuốc lá tăng 0,43%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,23%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,15%; thuốc, dịch vụ y tế tăng 0,03%; giao thông tăng 0,06%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19% và hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,28%. Có 2 nhóm giảm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,1% (trong đó: lương thực tăng 1,86%, thực phẩm giảm 0,93%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,92%); bưu chính viễn thông giảm 0,04%. Riêng nhóm giáo dục chỉ số giá ổn định.
3. Du lịch:
Trong tháng là thời điểm cận tết Nguyên đán nên các hoạt động diễn biến nhộn nhịp hơn, hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đều tăng so tháng trước. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng đạt 1.676 tỷ đồng, tăng 4,6% so cùng kỳ. Phân theo nhóm ngành hàng: doanh thu ăn uống 735 tỷ đồng, tăng 23,3%; doanh thu lưu trú 29 tỷ đồng, tăng 14,1%; doanh thu du lịch lữ hành 18 tỷ đồng, tăng 82,2% và dịch vụ tiêu dùng khác 893 tỷ đồng, giảm 8% so tháng trước. Khách du lịch đến trong tháng 01/2024 ước tính 106 ngàn lượt khách, tăng 7,1% so tháng trước và tăng 7,1% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 36 ngàn lượt khách, tăng 25,4% so tháng trước và tăng 25,4% so cùng kỳ.
4. Vận tải:
Hiện nay tình hình hoạt động của các tuyến xe cố định trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì thông thoáng, đặc biệt các chủ cơ sở kinh doanh vận tải tự giác chấp hành tốt nội qui bến bãi, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hoá đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm, đồng thời góp phần hạn chế chống ùn tắc giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn; Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2 (đưa vào sử dụng trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024) đã giúp người dân đi tuyến đường từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây qua địa bàn tỉnh Tiền Giang được thông thoáng, phần nào giúp hạn chế ùn tắc trên Quốc lộ 1A so với các năm trước. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng ước thực hiện 250 tỷ đồng, tăng 5,3% so tháng trước và tăng 25,6% so cùng kỳ;
trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 62 tỷ đồng, tăng 23,8%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 167 tỷ đồng, tăng 25,6% so cùng kỳ.
Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 97 tỷ đồng, tăng 23,5%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 131 tỷ đồng, tăng 26,3%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 21 tỷ đồng, tăng 31,3% so cùng kỳ.
Vận tải hành khách trong tháng đạt 1.511 ngàn hành khách, tăng 9,3% so tháng trước và tăng 19,7% so cùng kỳ; luân chuyển 33.230 ngàn hành khách.km, tăng 14,5% so tháng trước và tăng 17,3% so cùng kỳ;
trong đó: vận tải đường bộ 517 ngàn hành khách, tăng 19,7% và luân chuyển 32.120 ngàn hành khách.km, tăng 17,3% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 994 ngàn hành khách, tăng 19,8% và luân chuyển 1.110 ngàn hành khách.km, tăng 18,2% so cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 1.630 ngàn tấn, tăng 8,2% so tháng trước và tăng 16,8% so cùng kỳ; luân chuyển 314.577 ngàn tấn.km, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 22,8% so cùng kỳ;
trong đó: vận tải đường bộ 213 ngàn tấn, tăng 14,2% và luân chuyển 43.018 ngàn tấn.km, tăng 10,7% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 1.417 ngàn tấn, tăng 17,2% và luân chuyển 271.559 ngàn tấn.km, tăng 25% so cùng kỳ.
5. Bưu chính viễn thông:
Doanh thu trong tháng 01/2024 đạt 309 tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ;
trong đó: doanh thu bưu chính đạt 27 tỷ đồng, tăng 5,2% và viễn thông 282 tỷ đồng, tăng 4,3% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì, phát triển ổn định, không ngừng đầu tư nâng cấp phát triển mạng lưới, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng để duy trì tốc độ phát triển.
Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 01/2024 là 128.581 thuê bao, thuê bao điện thoại bình quân đạt 7,23 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 01/2024 là 385.729 thuê bao, mật độ Internet bình quân ước đạt 21,54 thuê bao/100 dân.
V. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
1. Tài chính:
Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng ước thực hiện 2.217 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 975 tỷ đồng, đạt 11,1% dự toán, giảm 2,8% so cùng kỳ; thu nội địa 953 tỷ đồng, đạt 11,2% dự toán, giảm 3,4% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 200 tỷ đồng, đạt 9,6% dự toán, giảm 42,9% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 120 tỷ đồng, đạt 9,9% dự toán, giảm 14% so cùng kỳ, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 330 tỷ đồng, đạt 18% dự toán, tăng 63,8% so cùng kỳ...).
Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 1.392 tỷ đồng, đạt 9,6% dự toán, bằng 33,1% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 549 tỷ đồng, đạt 11,2% dự toán, bằng 14,9% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 791 tỷ đồng, đạt 9,5% dự toán và tăng 66,8% so cùng kỳ.
2. Ngân hàng:
Đến cuối tháng 12/2023, vốn huy động đạt 96.882 tỷ đồng, tăng 9.145 tỷ, tăng 10,42% so với cuối năm 2022, đạt 102,2% kế hoạch. Ước tính đến cuối tháng 01/2024, nguồn vốn huy động đạt 97.531 tỷ đồng, tăng 649 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,67% so với cuối năm 2023.
Đến cuối tháng 12/2023, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 97.304 tỷ đồng, tăng 11.283 tỷ đồng, tăng 13,12%, so cuối năm 2022, đáp ứng cho 261.895 khách hàng vay. Ước tính đến cuối tháng 01/2024, tổng dư nợ đạt 98.170 tỷ, tăng 866 tỷ đồng, tăng 0,89% so với cuối năm 2023.
Nợ xấu: cuối tháng 12/2023, nợ xấu nội bảng là 1.569 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,61%, tăng 0,92% so với cuối năm 2022. Ước đến cuối tháng 01/2024, nợ xấu là 1.175 tỷ, tỷ lệ nợ xấu 1,5%, giảm 0,11% so với cuối năm 2023.
Quỹ tín dụng nhân dân:
đến cuối tháng 12/2023, tổng nguồn vốn huy động 1.546 tỷ đồng, tăng 164 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 11,9% so với đầu năm, trong đó vốn huy động đạt 1.331 tỷ đồng, chiếm 86% trong tổng nguồn vốn hoạt động, tăng 11,3% so với cuối năm 2022. Tổng dư nợ cho vay 1.145 tỷ đồng, tăng 106 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 10,3% so với đầu năm, cho 10.874 lượt thành viên vay vốn. Nợ xấu là 4 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ, giảm 0,3% so với cuối năm 2022, đạt kế hoạch được giao (kế hoạch <1%).
VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Trong tháng, ra Quyết định triển khai 04 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh; kiểm tra tiến độ thực hiện 01 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; nghiệm thu giai đoạn 01 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, gia hạn 02 nhiệm vụ KH&CN (01 cấp tỉnh, 01 cấp cơ sở). Cấp 08 giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo quy định tại Thông tư 14/2014/TT-BKHCN.
VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động việc làm:
Thực hiện tư vấn nghề, việc làm, pháp luật lao động và tư vấn khác cho 1.909 lượt lao động, tăng 15% so cùng kỳ; trong đó, tư vấn nghề cho 125 lượt lao động; tư vấn việc làm cho 294 lượt lao động; tư vấn việc làm cho 1.439 lượt lao động thất nghiệp; tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 51 lượt lao động.
Giới thiệu việc làm cho 296 lượt lao động, tăng 1,4 lần so cùng kỳ, trong đó có 36 lao động có được việc làm ổn định, tương đương so cùng kỳ.
Tư vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho 86 lượt lao động, tăng 59,2% so cùng kỳ; có 15 lao động đăng ký tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng 6,5 lần; có 42 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, qua các thị trường: Nhật Bản 36 lao động, Đài Loan 05 lao động và Hàn Quốc 01 lao động, tăng 13,5% so cùng kỳ.
Ghi nhận 1.440 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 23,6% so cùng kỳ; có 973 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,4%, với tổng số tiền chi trả 21,5 tỷ đồng.
Tình hình thực hiện chế độ tiền lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết năm 2024 đối với người lao động của các doanh nghiệp. Qua số liệu báo cáo của 112 doanh nghiệp với 101.182 lao động đang làm việc (trong đó lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI chiếm 81%), ghi nhận kết quả tiền lương thực hiện năm 2023:
+ Tiền lương thực trả bình quân (bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định pháp luật lao động) của các doanh nghiệp thực hiện năm 2023 khoảng 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,6% so với năm trước (năm 2022 theo số liệu của 65 doanh nghiệp với 97.565 lao động, tiền lương bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng). Trong đó mức lương bình quân năm 2023 (không bao gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) là 6,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,8% so với năm trước (năm 2022 là 6,2 triệu đồng/người/tháng).
+ Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2024: theo số liệu 49/112 doanh nghiệp báo cáo với 15.002 lao động, mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp là 1.370 triệu đồng/người.
+ Mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 theo số liệu của 109 doanh nghiệp với 100.805 lao động, mức tiền thưởng Tết Âm lịch bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/người (năm trước mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 theo số liệu 63 doanh nghiệp với 97.129 lao động, mức tiền thưởng là 7,6 triệu đồng/người).
2. Chính sách xã hội:
Kế hoạch tổ chức tặng quà Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024: tặng quà của Chủ tịch nước (nguồn kinh phí Trung ương), trợ cấp cho 35.866 người có công với tổng số tiền 10,9 tỷ đồng; trợ cấp của tỉnh (nguồn kinh phí địa phương); bao gồm: trợ cấp người có công, thăm hộ chính sách và đơn vị, tổ chức bữa ăn cho trại viên, học viên các đơn vị, trợ cấp hộ nghèo, tặng quà người cao tuổi với tổng số tiền trên 32,2 tỷ đồng.
Hưởng ứng vận động đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có công văn số 8497/UBND-KGVX nhằm giúp người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, hộ mới thoát nghèo có điều kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc. Thời gian vận động dự kiến 22/12/2023 đến hết ngày 04/02/2024 (nhầm ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão).
Thực hiện các chế độ cho người có công:
+ Lập quyết định trợ cấp 1 lần cho thân nhân thờ cúng liệt sĩ và chuyển thờ cúng liệt sĩ, số lượng 191 hồ sơ; thu hồi thờ cúng: 01 trường hợp; người hoạt động kháng chiến và dân có công giúp đỡ cách mạng: 02 trường hợp. Chế độ vợ liệt sĩ tái giá: 01 trường hợp; trợ cấp 01 lần người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: 01 trường hợp; trợ cấp 01 lần Bằng khen: 02 trường hợp, trợ cấp tuất thương binh: 03 trường hợp; thu hồi thờ cúng: 01 trường hợp.
+ Lập quyết định trợ cấp mai táng phí: 41 trường hợp; trợ cấp mai táng phí theo các Quyết định 290/2005/QĐ-TTg, 62/2011/QĐ-TTg, 49/2015/QĐ-TTg, 40/2011/QĐ-TTg: 19 trường hợp.
+ Lập Quyết định giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, bị nhiễm chất độc hóa học mới được công nhận: 02 trường hợp.
+ Lập Quyết định trợ cấp hàng thàng đối với 02 con liệt sĩ tàn tật; hưởng thêm chế độ thương binh, bệnh binh đối với 02 đối tượng.
+ Thẩm định, ra quyết định 07 trường hợp trợ cấp ưu đãi học sinh.
+ Chuyển hồ sơ người có công đi tỉnh khác và tiếp nhận hồ sơ người có công do tỉnh khác chuyển đến: 38 trường hợp.
+ Giới thiệu ra hội đồng giám định y khoa: 06 trường hợp.
+ Cấp lại giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và thương binh, bệnh binh: 28 trường hợp. Chỉnh sửa thông tin trong hồ sơ: 05 trường hợp.
+ Thẩm định hồ sơ chất độc hóa học, tù đày: 13 trường hợp.
3. Hoạt động y tế:
Trong tháng ghi nhận 09/44 bệnh truyền nhiễm được ghi nhận, so cùng kỳ về số ca mắc ghi nhận 06 tăng (quai bị, tay - chân - miệng, tiêu chảy, uốn ván, viêm gan vi rút B); 05 bệnh giảm (lao phổi, sốt xuất huyết Dengue, thủy đậu, viêm gan vi rút C, Covid - 19); 33 bệnh tương đương hoặc không xảy ra ca mắc.
Phòng chống bệnh sốt xuất huyết: trong tháng ghi nhận 151 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, giảm 66,8% so cùng kỳ.
Phòng chống HIV/AIDS: hiện nay, toàn tỉnh ghi nhận 6.820 người nhiễm HIV; 1.819 người chuyển sang AIDS; tử vong do AIDS 1.330 người.
Công tác hoạt động khám chữa bệnh trong tháng: tổng số lần khám bệnh 391.033 lượt người, tăng 19,6%; tổng số người điều trị nội trú 19.446 lượt người, tăng 47%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 80,64%.
4. Hoạt động giáo dục:
Tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT vào các ngày 05, 06/01/2024 với 83 thí sinh dự thi.
Hoàn thành xét và duyệt cấp chứng nhận kỳ thi nghề phổ thông năm học 2023-2024 khóa ngày 28/11/2023 với kết quả số lượng thí sinh đạt là 13.130/13.195 (99,5%) trong đó: giỏi là 12.760/13.195 (96,7%), khá là 282/13.195 (2,1%) và trung bình 88/13.195 (0,7%); số lượng thí sinh hỏng là 65/13.195 (0,49%).
Lịch nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tỉnh Tiền Giang đối với trẻ mầm non, học viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục (theo công văn số 355/UBND-KGVX): bắt đầu từ ngày thứ hai, ngày 05/02/2024, nhằm ngày 26 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết thứ bảy, ngày 17/02/2024, nhằm ngày mùng 08 tháng Giêng năm Giáp Thìn.
5. Hoạt động văn hóa - thể thao:
Hoạt động bảo tàng: trong tháng, Bảo tàng tỉnh và 04 di tích trực thuộc đã đón 52.152 lượt khách, trong đó có 40 nghìn lượt khách tham quan nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật: tổ chức 14 buổi biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim lưu động, 16 suất nhạc nước tại quảng trường Hùng Vương để phục vụ người dân.
Hoạt động thư viện: trong tháng, hệ thống thư viện đã phục vụ được 13.673 lượt bạn đọc, với 15.270 lượt sách ra lưu hành.
Hoạt động thể dục - thể thao: kế hoạch tổ chức Giải Vô địch Võ Cổ truyền tỉnh Tiền Giang năm 2024, từ ngày 04/02 - 06/02/2024 tại Quảng trường Hùng Vương; tổ chức các môn trong chương trình Hội Khỏe Phù Đổng tỉnh Tiền Giang lần thứ XI năm học 2023 – 2024, từ tháng 01 – 03/2024.
6. Tình hình an ninh trất tự và an toàn xã hội
(theo báo cáo của ngành Công an):
Tình hình an ninh trật tự trong tháng trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, tội phạm về trật tự xã hội ghi nhận 72 vụ, giảm 17 vụ so với tháng 12/2023, giảm 10 vụ so với tháng 01/2023, chết 04 người, bị thương 10 người, tài sản thiệt hại khoảng 1,6 tỷ đồng; khám phá 59 vụ (đạt 81,9%), bắt xử lý 100 đối tượng, thu hồi tài sản khoảng 569 triệu đồng.
Phát hiện, xử lý 14 vụ, 20 đối tượng phạm tội ma túy, xử lý vi phạm hành chính 190 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy.
7. Trật tự an toàn giao thông:
(theo báo cáo ngành Công an)
Giao thông đường bộ:
tai nạn giao thông trong tháng xảy ra 22 vụ giảm 15 vụ so tháng trước và giảm 01 vụ so cùng kỳ; làm chết 17 người, giảm 08 người so tháng trước và tăng 04 người so cùng kỳ; bị thương 06 người, giảm 13 người so tháng trước và giảm 09 người so cùng kỳ.
Giao thông đường thủy:
trong tháng không xảy ra tai nạn.
Tết Dương lịch năm 2024 (từ ngày 30/12/2023 đến ngày 01/01/2024): xảy ra 01 vụ, tương đương so cùng kỳ; làm chết 02 người, tăng 01 người so cùng kỳ.
8. Tình hình cháy nổ, môi trường và thiên tai:
Trong tháng 01/2024 cháy, nổ 01 vụ cháy nhà dân, tài sản thiệt hại khoảng 2,35 tỷ đồng. Lĩnh vực môi trường không ghi nhận vụ vi phạm nào trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng 01, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 01 cơn lốc xoáy làm tốc mái 09 căn nhà (xã Hiệp Đức: 01 căn, xã Hội Xuân: 06 căn, xã Long Trung: 02 căn); làm đổ ngã 231 cây sầu riêng và 30 cây mít… Giá trị thiệt hại gần 3 tỷ đồng.
Tập tin : web_solieu_uoc T1-2024.xlsx
Tin khác