Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang tháng 8 năm 2021
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Được sự quan tâm lãnh - chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp kịp thời giảm tác động của dịch bệnh Covid-19, vượt qua khó khăn, thách thức; đồng thời đề ra các giải pháp để tận dụng thời cơ thuận lợi sớm phục hồi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực như sau:
I. SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN
1. Nông nghiệp
Cây lương thực có hạt: Trong tháng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh đạt 254 ha, sản lượng thu hoạch đạt 63.470 tấn. Ước tính 8 tháng năm 2021, diện tích gieo trồng đạt 128.526 ha, đạt 96% so với kế hoạch, giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2020; sản lượng lương thực có hạt đạt 589.529 tấn, đạt 73,4%, tăng 11,4%, trong đó cây lúa gieo sạ đạt 126.375 ha, diện tích thu hoạch đạt 88.375 ha, tăng 9,3% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch đạt 582.421 tấn, tăng 12,2% so cùng kỳ.
- Cây lúa: Vụ Hè Thu (Xuân Hè + Hè Thu chính vụ), tổng diện tích gieo trồng chính thức đạt 74.728 ha, đạt 97,5% kế hoạch, giảm 1,5% so cùng kỳ năm trước; diên tích thu hoạch đạt 36.728 ha, đạt 47,9% kế hoạch, tăng 51,9% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch đạt 215.232 tấn, đạt 50,5% kế hoạch, tăng 48,4% so cùng kỳ. Nguyên nhân: Vụ Hè Thu gieo trồng sớm hơn cùng kỳ năm 2020, nên diện tích thu hoạch tăng.
- Cây ngô: Trong tháng gieo trồng 254 ha, thu hoạch 266 ha, sản lượng thu hoạch đạt 953 tấn. Ước tính 8 tháng năm 2021, diện tích gieo trồng 2.151 đạt 61,5% kế hoạch, giảm 32,7% so cùng kỳ năm 2020; diện tích thu hoạch 1.991 ha, đạt 56,9%, giảm 31%; sản lượng thu hoạch 7.108 tấn, đạt 56%, giảm 30,9%, năng suất đạt 35,7 tạ/ha, đạt 98,4% kế hoạch, tăng 1,7% so cùng kỳ.
Cây rau đậu các loại: Trong tháng gieo trồng đạt 4.515 ha, diện tích thu hoạch đạt 3.432 ha, sản lượng thu hoạch đạt 65.474 tấn. Ước tính 8 tháng năm 2021, diện tích gieo trồng trên địa bàn đạt 51.761 ha, đạt 82,9% kế hoạch, tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2020; diện tích thu hoạch đạt 42.529 ha, đạt 68,1%, tăng 0,9%; sản lượng thu hoạch đạt 839.078 tấn, đạt 69,4%, tăng 3%; năng suất đạt 197,3 tạ/ha, đạt 101,9% kế hoạch, tăng 0,1% so cùng kỳ.
Chăn nuôi: Trước diễn biến tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, từ ngày 12/7/2021 toàn tỉnh Tiền Giang đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (huyện Tân Phú Đông từ ngày 19/7/2021). Dịch vụ vận tải hàng hóa bị hạn chế hoạt động, vì vậy ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Kết quả ước tính thời điểm 01/07/2021: đàn bò đạt 120,8 ngàn con, tăng 2,4% so với cùng kỳ; đàn lợn đạt 276,8 ngàn con, tăng 11,9%; đàn gia cầm đạt 16,9 triệu con, tăng 1,2% so cùng kỳ.
2. Lâm nghiệp
Trong tháng Tám, tổng diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh là 1.925,1 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), bao gồm rừng phòng hộ đạt 1.337,4 ha; rừng sản xuất đạt 587,8 ha; thực hiện trồng mới 460,1 ngàn cây phân tán. Tnh chung cho 8 tháng năm 2021 tổng số cây phân tán đạt 819,6 ngàn cây các loại, giảm 57,9% so cùng kỳ.
3. Thủy hải sản
Sản lượng thủy sản tháng Tám ước tính đạt 28.643 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: cá 23.406 tấn, tăng 4,1%; tôm 1.241 tấn, giảm 3,8%; thủy sản khác 3.996 tấn, giảm 4,7%. Cụ thể như sau:
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 10.745 tấn, giảm 9,5% so cùng kỳ năm 2020, trong đó cá 9.567 tấn, giảm 8,1%; tôm 875 tấn, giảm 5,3%; thủy sản khác 303 tấn, giảm 44,1%. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều thương lái chuyên thu mua cá bè tạm ngưng hoạt động do các chợ đầu mối ở TP.HCM và các cảng cá, chợ cá, chợ truyền thống tại tỉnh Tiền Giang bị đóng cửa. Trong khi đó, nhiều lồng bè cá của người dân ở tỉnh Tiền Giang đã tới giai đoạn thu hoạch, người nuôi cá bè điêu đứng. Việc tồn đọng cá bè chưa thể thu hoạch được gây khó khăn cho người dân, nhất là nợ vay của ngân hàng đến thời điểm phải hoàn vốn. Ngoài ra, giá thức ăn ở mức cao làm chi phí đầu tư tăng, khi kéo dài thời gian thu hoạch tỉ lệ cá hao hụt lớn, cá quá lứa sẽ rất khó tiêu thụ. Chỉ riêng tại cồn Tân Long và cồn Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho hiện nay, có hàng trăm tấn cá bè cần thu hoạch để ngư dân giảm bớt khó khăn.
Sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 17.898 tấn, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2020, trong đó cá 13.839 tấn, tăng 14,7%; tôm 366 tấn, tăng 0,2%; thủy sản khác 3.693 tấn, tăng 1,1%.
Tính chung 8 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 210.622 tấn, giảm 3,3% so cùng kỳ năm 2020, bao gồm cá 146.797 tấn, giảm 6,2%; tôm 24.665 tấn, tăng 2%; thủy sản khác 39.160 tấn, tăng 5,3%.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Sản xuất công nghiệp giảm mạnh so cùng kỳ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Toàn tỉnh có 72/186 doanh nghiệp đang áp dụng phương án “3 tại chỗ”, tuy nhiên việc thực hiện chưa đạt yêu cầu, vì nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, còn chủ quan, thiếu kiểm tra, kiểm soát để xảy ra các ổ dịch lớn trong doanh nghiệp. Một số ngành sản xuất giảm như: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản….Ngoài ra thị trường tiêu thu trong nước và xuất khẩu còn nhiều khó khăn với lượng đặt hàng mới không nhiều, lượng hàng tồn kho cao cùng, giá xuất khẩu thấp,...
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 43,2% so với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm sâu do thực hiện phương án ba tại chỗ để phòng chống dịch Covid-19; (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 47,37%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,24%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,73%)và giảm 27,05% so cùng kỳ. Các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh có chỉ số giảm so cùng kỳ, như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 23,6%, sản xuất kim loại giảm 30%, sản xuất thiết bị điện giảm 75%... (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,9%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 giảm 0,47% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,69%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,9%.
Chỉ số sản xuất sản phẩm trong 8 tháng so cùng kỳ như sau:
- Có 13/42 sản phẩm tăng so cùng kỳ: Bộ com lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 53%; Cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo tăng 38,3%; Thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên tăng 36,5%; Thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm tăng 21,4%; Dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế tăng 4,9%; Điện thương phẩm tăng 4,2%;….
- Có 29/42 sản phẩm giảm so cùng kỳ: Đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người giảm 48,3%; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền giảm 41,5%; Dịch vụ tiện các bộ phận kim loại giảm 30%; Giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 23,3%; Phi lê đông lạnh giảm 23,1%; Các bộ phận của bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động khác giảm 23%; Áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ, áo gió cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 17,8%; Phân vi sinh giảm 15,8%; Cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 13,7%; Bao và túi (kể cả loại hình nón) từ plastic khác giảm 13,3%; Thức ăn cho thủy sản giảm 12,8%; …
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 8/2021 so với tháng trước giảm 5,74%, trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 0,75%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 16,42%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,55%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 8/2021 so với cùng kỳ giảm 7,45%, trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 2,06%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 4,02%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 8,54%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 8 năm 2021 giảm 8,54%, trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 1,55%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 5,13%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 9,72%. Chia theo ngành công nghiệp: Công nghiệp chế biến chế tạo giảm 8,72%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,32%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải giảm 2,73%.
* Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:
- Chỉ số tiêu thụ tháng 8/2021 so với tháng trước giảm 48,2% và giảm 52,02% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 8 năm 2021 giảm 12,95%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 20,51%, trong đó chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản giảm 35,13%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 20,84%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 19,04%; Sản xuất sản phẩm cao su và plastic giảm 18,09%; Sản xuất kim loại giảm 15,86%;… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng hơn so cùng kỳ: Sản xuất đồ uống tăng 9,51%, trong đó sản xuất bia tăng 9,51%; Dệt tăng 2,25%, trong đó sản xuất hàng may sẳn tăng 43,05%; Sản xuất trang phục tăng 1,71%; Sản xuất da tăng 5,14%, trong đó sản xuất va li, túi xách tăng 20,3%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 15,83%; Sản xuất thiết bị điện tăng 1,67%, trong đó sản xuất mô tơ tăng 15,53%;
- Chỉ số tồn kho tháng 8/2021 so với tháng trước giảm 0,46% và so với cùng kỳ tăng 6,42%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: Sản xuất trang phục giảm 4,69%; Chế biến gỗ giảm 37,98%; Chế biến, chế tạo khác giảm 49,31%, trong đó sản xuất đồ chơi, trò chơi giảm 49,3%;… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 26,64%, trong đó sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 58,74%; Sản xuất đồ uống tăng 17,29%, trong đó sản xuất bia tăng 17,29%; Dệt tăng 6,56%, trong đó sản xuất hàng may sẳn tăng 34,66%;…
* Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:
- Khu công nghiệp:
đến nay tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083,5 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Trong tháng, Ban Quản lý các khu công nghiệp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới. Điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án tại các khu, cụm công nghiệp; trong đó có 05 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đầu tư tăng thêm là 178,9 USD.
Đến cuối tháng 8/2021, tổng số dự án đầu tư tại các khu công nghiệp là 107 dự án, trong đó: có 78 dự án đầu tư nước ngoài; tổng vốn đầu tư là 2,5 tỷ USD và 4.575,86 tỷ đồng; diện tích đất thuê là 571,09 ha/770,14 ha chiếm tỷ lệ 74,13% diện tích đất công nghiệp cho thuê.
- Cụm công nghiệp:
trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 8 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (
trong đó: có 06 dự án đầu tư nước ngoài)
với tổng vốn đầu tư là 0,2 tỷ USD và 2.306,2 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 89,78 ha/120,56 ha, đạt 74,47% diện tích đất công nghiệp cho thuê.
III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG
Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng là 245 tỷ đồng, giảm 61,7% so cùng kỳ. Tám tháng đầu năm 2021 thực hiện 1.971 tỷ đồng, đạt 53,8% kế hoạch, giảm 27,4% so cùng kỳ. Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý giảm do các ngành các cấp tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên để đảm bảo các nhiệm vụ phát triển kinh tế, UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra giám sát nhằm tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lơi đẩy mạnh đầu tư công.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 1.499 tỷ đồng, đạt 50,4% kế hoạch, giảm 25,9% so cùng kỳ, chiếm 76% tổng số;
trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 281 tỷ đồng, giảm 27,1%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 782 tỷ đồng, giảm 15,6% so cùng kỳ... Các ngành các cấp yêu cầu các ban quản lý chủ đầu tư tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 353 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch, giảm 30,9% so cùng kỳ, chiếm 18% tổng số;
trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 178 tỷ đồng, giảm 24,4% so cùng kỳ... Các Ban quản lý dự án cấp huyện tập trung điều kiện đẩy nhanh công tác bồi thường, tiến độ thi công, hỗ trợ tái định cư cho hộ dân một số công trình, dự án đang triển khai trên địa bàn huyện.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 120 tỷ đồng, đạt 39,5% kế hoạch, giảm 33,1% so cùng kỳ, chiếm 6% tổng số;
trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 82 tỷ đồng,giảm 35,4% so cùng kỳ... Các xã tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới năm 2021 nhằm phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân đồng thời hoàn thành tiêu chí để ra mắt xã nông thôn mới.
IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ
1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:
Toàn tỉnh Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các biện pháp tăng cường kiểm tra tình hình dịch bệnh được các ngành các cấp áp dụng chặt chẽ và nghiêm ngặt. Nhìn chung tình hình thị trường lưu chuyển hàng hóa trong tháng tương đối lắng đọng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian phòng chống dịch. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 3.822 tỷ đồng, giảm 3,2% so tháng trước và giảm 35,5% so cùng kỳ. Cụ thể các nhóm hàng có tỉ trọng cao giảm như: Lương thực thực phẩm giảm 3,51%, đồ dùng gia đình giảm 2,83%, gỗ và vật liệu xây dựng giảm 15,42%, phân bón và thuốc trừ sâu giảm 9,93%, xăng dầu giảm 0,86%, hàng hóa khác giảm 1,14%...
Tám tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 40.471 tỷ đồng, đạt 57,6% kế hoạch, tăng 1,2% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 34.103 tỷ đồng, tăng 5,1%; lưu trú 16 tỷ đồng, giảm 55,9%; ăn uống 2.635 tỷ đồng, giảm 26,7%; du lịch lữ hành 6 tỷ đồng, giảm 76,8%; dịch vụ tiêu dùng khác 3.711 tỷ đồng, giảm 4,7% so cùng kỳ.
Tình hình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, đã tổ chức các hoạt động như: Tổ chức điểm bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian cách ly (theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg) tại xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (2 đợt) và xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông. Riêng trên địa bàn xã Thạnh Mỹ huyện Tân Phước do tình hình dịch bệnh, hỗ trợ cung cấp hàng hóa (theo nhu cầu đăng ký của người dân) cho Ủy ban nhân dân xã Thạnh Mỹ và Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Phước phân phối đến người dân, đồng thời thu và thanh toán tiền hàng trực tiếp với đơn vị cung ứng. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiêu thụ nông sản của tỉnh, các ngành liên quan đã giới thiệu và được các đơn vị thu mua ở thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ (vận chuyển bằng tàu cao tốc) khoảng 50 tấn gồm dưa hấu, thanh long, dưa lưới, khóm và rau củ các loại.
Tình hình hoạt động các chợ và trung tâm thương mại: Theo số liệu của Sở Công thương tỉnh tính đến ngày 11/8/2021 tình hình các chợ, siêu thị, cửa hàng tạm ngưng hoạt động trên địa bàn tỉnh là: 53/175 chợ, 13/79 cửa hàng Bách hóa Xanh, Co.op Mart Gò Công, 17/640 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 6/6 cửa hàng bán lẻ của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Phường 1, thành phố Mỹ Tho.
2. Xuất - Nhập khẩu:
a. Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 226 triệu USD; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 33 triệu USD, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 192 triệu USD. Tám tháng xuất khẩu 2.199 triệu USD, đạt 67,7% kế hoạch, tăng 14,4% so cùng kỳ;
trong đó: kinh tế nhà nước 28 triệu USD, tăng 3,1%; kinh tế ngoài nhà nước 334 triệu USD, giảm 18,6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.836 triệu USD,tăng 23,7% so cùng kỳ.
Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:
- Thủy sản: ước tính tháng 8/2021 xuất 4.401 tấn, về trị giá đạt 7 triệu USD. Tám tháng xuất 56.815 tấn, giảm 23,2%; về trị giá đạt 121 triệu USD, giảm 32% so cùng kỳ.Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các thị trường chính của Việt Nam đã có những sự hồi phục trong thời gian vừa qua. Mỹ, EU hay Nhật Bản đều không còn chịu quá nhiều sự tác động từ dịch bệnh Covid-19 do đó nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường này tăng lên. Tuy nhiên. trong thời gian qua, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và trong ngành thủy sản nói riêng gặp khó khăn do thực hiện theo chỉ thị 16/TTg và phương án “3 tại chỗ”.
- Gạo: ước tính tháng 8/2021 xuất 7.688 tấn, về giá trị đạt 5 triệu USD. Tám tháng xuất 120.570 tấn, giảm 27,7%, về trị giá đạt 67 triệu USD, giảm 22,5% so cùng kỳ.
Sau một thời gian dài duy trì ở mức cách biệt khá lớn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đã giảm sâu và được đưa về tiệm cận với mức giá của các đối thủ cạnh tranh, nhất là với Thái Lan. Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trong vòng khoảng hơn 5 tháng qua (từ giữa tháng 2-2021 đến nay), giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã “rớt” trên 110 USD/tấn, đây là mức giá giảm mạnh nhất nếu so với các đối thủ cạnh tranh trong mối tương quan cùng chủng loại và thời gian. Theo đó, thời điểm giữa tháng 5-2021, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 513 - 517 USD/tấn, thì cũng phân khúc này được Ấn Độ chào bán với 398 - 402 USD/tấn và của Pakistan là 448 - 452 USD/tấn, trong khi đó, mức giá chào bán của Thái Lan là 480 - 484 USD/tấn. Ở thời điểm hiện tại, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 400 - 404 USD/tấn, trong khi của Ấn Độ và Pakistan chào bán cùng mức giá là 383 - 387 USD/tấn và của Thái Lan là 390 - 394 USD/tấn. Như vậy, sau khoảng 5 tháng, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam đối với chủng loại 5% tấm đã giảm 113 USD/tấn, trong khi đó, giá chào của Ấn Độ giảm 15 USD/tấn, của Pakistan giảm 65 USD/tấn và của Thái Lan giảm 90 USD/tấn. Rõ ràng, khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc và khoảng thời gian, thì gạo Việt Nam có mức giá giảm mạnh nhất.
Giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500 - 1.000 đồng/kg. Theo Bộ Công Thương, giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long trong tuần từ 2/8 đến ngày 6/8 ổn định vào đầu tuần; giữa tuần giá lúa giảm từ 50 - 300 đồng kg sau đó cuối tuần tăng nhẹ. Cụ thể, giá lúa IR50404 dao động trong khoảng 4.400 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900-1.300 đồng/kg; lúa OM9577 và OM9582 trong khoảng 5.600-5.800 đồng/kg, thấp hơn 1.000 đồng/kg. Khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là không đủ khả năng duy trì hoạt động sản xuất theo “3 tại chỗ” do tỷ lệ tiêm vacine còn hạn chế; nhiều các cơ sở sấy và xay sát lúa cũng phải dừng hoạt động do không đáp ứng việc test nhanh COVID-19. Ngoài ra, lượng hàng còn tồn kho trong doanh nghiệp cũng ảnh hưởng lớn đến tổ chức ký kết mới các hợp đồng thu mua lúa gạo cho nông dân do chưa mua cho hợp đồng xuất khâu mới. Tình hình bốc xếp, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng, gặp nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay, nhiều tỉnh áp dụng giãn cách rất chặt nên việc lưu thông ngay nội địa cũng phức tạp hơn. Hiện nay, giá lúa đang giảm, để tránh xảy ra tình trạng giá lúa giảm sâu, tồn động trong dân, ngành Nông nghiệp và địa phương đã và đang kết nối với thương lái, doanh nghiệp để tổ chức thu mua lúa cho người dân...
- Hàng dệt, may: ước tính tháng 8/2021 xuất 4.682 ngàn sản phẩm, về giá trị xuất đạt 43,4 triệu USD. Tám tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 345,5 triệu USD, giảm 7,1% so cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khả năng nếu dịch bệnh còn tiếp tục thì hàng dệt, may của chúng ta không còn có khả năng để giữ khách hàng tại Việt Nam, nhãn hàng tại thị trường Việt Nam không ổn định, họ sẽ chuyển đi nơi khác sẽ gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn, đặt ra thách thức cực kỳ lớn cho ngành. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đối mặt với thách thức lớn khi người lao động ở các địa phương về quê tránh dịch rồi tìm được việc làm phù hợp, khi doanh nghiệp sản xuất trở lại thì người lao động quay lại thì dự kiến số lao động chỉ đạt được 70 - 75%, nên nguy cơ thiếu nguồn lực là một thách thức trong tháng 9-2021 và quý 4 năm nay.
Ngoài các mặt hàng chủ yếu, trị giá xuất khẩu một số mặt hàng trong 8 tháng năm 2021có giá trị xuất khẩu tăng cao như: Sắt thép 52 triệu USD tăng 82,4%; Sản phẩm mây, tre, cói, thảm xuất 7 triệu USD, tăng 30,4%; Sản phẩm từ chất dẻo 211 triệu USD, tăng 57,1%; Giày dép các loại 372 triệu USD, tăng 27,9%; Kim loại thường và SP (kể cả đồng) 555 triệu USD, tăng 38,1% ... so cùng kỳ.
b. Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8/2021 đạt 127 triệu USD, chủ yếu ở thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tám tháng, kim ngạch nhập khẩu 1.261 triệu USD, đạt 70,1% kế hoạch, tăng 25,6% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập 77,9 triệu USD, tăng 13,4%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 1.182,9 triệu USD, tăng 26,5% so cùng kỳ.
Nguyên liệu nhập khẩu 8 tháng chủ yếu các mặt hàng như: Chất dẻo (plastic) nguyên liệu tăng 71,1%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 235 triệu USD, tăng 59,1%; Kim loại thường khác 503 triệu USD, tăng 29,7%... so cùng kỳ.
3. Chỉ số giá tháng 7:
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, toàn tỉnh Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 12/7/2021 cho đến nay, từ ngày 18/8 thành phố Mỹ Tho cách ly và phong tỏa 10 ngày, cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ngoài các điểm chợ truyền thống bị phong tỏa phục vụ công tác phòng, chống dịch, thì các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bách hóa xanh trên địa bàn của tỉnh vẫn còn hoạt động bình thường, nhưng sức mua hàng hóa của người dân trong tháng giảm hơn so với tháng trước. Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân tác động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 giảm 0,42% so tháng 7/2021 (thành thị giảm 0,21%, nông thôn giảm 0,47%); so cùng kỳ tăng 3,48%. Bình quân tám tháng đầu năm 2021, CPI tăng 2,83% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng 7/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 5 nhóm giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,16%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,02%; Giao thông giảm 0,2%; Bưu chính viễn thông giảm 0,12% và Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,13%. Có 04 nhóm tăng: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,02%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; Hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,15%. Có 2 nhóm: đồ uống, thuốc lá và Giáo dục chỉ số giá ổn định.
Một số mặt hàng có chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2021 giảm so tháng 7/2021:
- Giá thịt lợn giảm 5,68% do bệnh dịch tả Lợn Châu Phi tại địa phương được kiểm soát tốt, tổng đàn đang dần phục hồi trở lại; mặc khác do thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, sức mua giảm, dẫn đến giá giảm. Cùng với đó, giá thịt bò giảm 0,32%, nội tạng động vật giảm 4,8%, mỡ lợn giảm 8,28%.
- Giá thịt gia cầm giảm 4,72%, hiện nay đang vào giai đoạn gia cầm xuất chuồng, sản lượng thịt hơi dồi dào, trong khi đó khâu lưu thông tiêu thụ bị hạn chế vì thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến sức mua giảm. Cùng với đó giá rau tươi, khô và chế biến giảm 0,34%, quả tươi khô và chế biến giảm 15,97%.
- Giá điện giảm 1,33%, nước sinh hoạt giảm 0,17%, do thực hiện chỉ đạo của Thủ trướng Chính phủ hỗ trợ giảm giá điện, nước sinh hoạt cho các khách hàng sử dụng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; mặc khác, tại Tiền Giang thời tiết mưa nhiều, người dân sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm.
- Giá xăng dầu giảm 0,4% so với tháng trước là do nhà nước giảm giá (ngày 11/8/2021) để hỗ trợ chia sẻ với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và hỗ trợ các lực lượng trên các tuyến phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng có chỉ số giá tăng như:
- Giá lương thực tăng 0,4%, trong đó giá gạo tẻ tăng 0,32%, giá lương thực chế biến như: bánh mì, mì tôm, miếng, bột ngũ cốc ăn liền…tăng 2,07%. Ngoài ra người dân lo sợ dịch kéo dài hàng hóa khan hiếm, giãn cách xã hội còn tiếp tục nên thu mua hàng hoá tích trữ để dành tiêu dùng, dẫn đến giá bán lẻ tăng nhẹ. Cùng với đó, giá thịt chế biến (thịt quay, giò, chả, thịt hộp) tăng 0,56%; trứng gia cầm các loại tăng 7,04%, cá khô và chế biến tăng 4,87%.
- Giá gas tăng 3,39% (tăng 12.000 đồng/bình 12kg) vào ngày 01/8/2021, tác động đến nhóm gas và các loại chất đốt khác tăng 3,12% so tháng trước.
Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 8/2021 giảm 0,23% so tháng trước, giá bình quân tháng 8/2021 là 5.181 ngàn đồng/chỉ, giảm 336 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 8/2021 giảm 0,42% so tháng trước, giá bình quân 23.013 đồng/USD, giảm 257 đồng/USD so cùng kỳ.
Ước chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2021 tăng từ 0,05% đến 0,15% so tháng 8/2021 do Giá gạo tiếp tục tăng (nhu cầu xuất khẩu cuối năm tăng, mặc khác do dịch bệnh kéo dài người dân mua gạo tích trữ); Nhóm hàng giáo dục như sách, vở giá sẽ tăng nhẹ (các cấp học chuẩn bị bước vào năm học mới).
4. Du lịch:
Trong tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh, nên hoạt động lưu trú ăn uống du lịch trên địa bàn tỉnh không phát sinh doanh thu.
Tính chung tám tháng đầu năm 2021, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 239,3 ngàn lượt khách, đạt 21,8% kế hoạch và giảm 57,2% so cùng kỳ;
trong đó: khách quốc tế 3,8 ngàn lượt khách, đạt 0,8% kế hoạch, giảm 96,1% so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 6.368 tỷ đồng, giảm 15,7% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng 41,6%, ước đạt 2.651 tỷ đồng, giảm 27%; lưu trú đạt 16 tỷ đồng, giảm 55,9% so cùng kỳ...
5. Vận tải:
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang ban hành các văn bản và triển khai hướng dẫn về tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên phương tiện như: Công văn số 1739/SGTVT-VTPTNL ngày 03/8/2021 yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa; Công văn số 1799/SGTVT-VTPTNL ngày 9/8/2021 về việc hướng dẫn hoạt động vận chuyển của doanh nghiệp bưu chính, vận tải hàng hóa thiết yếu của Công ty Cổ phần Dịch vụ giao hàng nhanh; Công văn 1788/SGTVT-VTPTNL ngày 8/8/2021 triển khai một số nội dung hướng dẫn nhằm tạo thuận lợi cho người và phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, thu hoạch, thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản, thủy hải sản, cung ứng vật tư cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số16/CT-TTg.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 83 tỷ đồng, tăng 1,3% so tháng trước và giảm 48,4% so cùng kỳ. Tám tháng thực hiện 1.138 tỷ đồng, giảm 14,3% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 282 tỷ đồng, giảm 25,3%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 736 tỷ đồng, giảm 9,5% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 537 tỷ đồng, giảm 15,8%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 480 tỷ đồng, giảm 13,1%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 121 tỷ đồng, giảm 12,1% so cùng kỳ.
Vận tải hành khách trong tháng đạt 458 ngàn hành khách, giảm 18,4% so tháng trước; luân chuyển 2.238 ngàn hành khách.km, giảm 13,8% so tháng trước. Tám tháng, vận chuyển 16.610 ngàn hành khách, giảm 27,6% so cùng kỳ; luân chuyển 301.976 ngàn hành khách.km, giảm 23,8% so cùng kỳ;
trong đó: vận tải đường bộ 7.785 ngàn hành khách, giảm 20,1% và luân chuyển 289.999 ngàn hành khách.km, giảm 23% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 8.825 ngàn hành khách, giảm 33,1% và luân chuyển 11.977 ngàn hành khách.km, giảm 38,9% so cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 689 ngàn tấn, tăng 2,3% so tháng trước và giảm 24,5% so cùng kỳ; luân chuyển 96.763 ngàn tấn.km, tăng 2,5% so tháng trước và giảm 8,3% so cùng kỳ. Tám tháng, vận tải 7.036 ngàn tấn hàng hóa, giảm 7,7% so cùng kỳ; luân chuyển 907.918 ngàn tấn.km, giảm 8,3% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 1.665 ngàn tấn, tăng 0,3% và luân chuyển 176.241 ngàn tấn.km, giảm 13,3% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 5.371 ngàn tấn, giảm 9,9% và luân chuyển 731.677 ngàn tấn.km, giảm 7% so cùng kỳ.
Doanh thu, sản lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hoá và hành khách ước tính tháng 8/2021 so với tháng trước giảm, do ảnh hưởng đợt bùng phát đại dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 kéo dài, gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất, kinh doanh của 19 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có tỉnh Tiền Giang, dẫn đến kết quả hoạt động vận tải, kho bãi trong tháng giảm mạnh.
* Công tác quản lý phương tiện giao thông:
Trong tháng đăng ký mới 52 chiếc ô tô. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh 1.350.328 chiếc, trong đó mô tô xe máy: 1.308.634 chiếc, xe ô tô 40.925 chiếc, xe ba bánh 152 chiếc, xe đạp điện 183 chiếc và 434 xe khác.
6. Bưu chính viễn thông:
Doanh thu trong tháng 8/2021 đạt 273 tỷ đồng, tăng 1,3% so tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt
25 tỷ đồng, tăng 0,6% và viễn thông 249 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước. Tám tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 2.124 tỷ đồng, tăng 5,1% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 188 tỷ đồng, tăng 13,8% và viễn thông 1.936 tỷ đồng, tăng 4,4% so cùng kỳ.
Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 8/2021 là 98.182 thuê bao, mật độ bình quân đạt 5,6 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 8/2021 là 279.952 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 15,9 thuê bao/100 dân. Số lượng điện thoại cố định có dây, không dây tiếp tục giảm, do thị trường phát triển thuê bao dần bảo hòa dẫn đến khách hàng dần chuyển sang sử dụng điện thoại di động, trong đó chủ yếu là điện thoại di động trả trước. Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 8 năm 2021 là 98.182 thuê bao. Thuê bao điện thoại bình quân đạt 5,57 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet (3G, 4G) đến cuối tháng 7/2021 là 1.366.583 thuê bao.
V.TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
1. Tài chính:
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong tháng thực hiện 405 tỷ đồng; trong đó: thu nội địa 385 tỷ đồng. Tám tháng, thu 6.409 tỷ đồng, đạt 60,4% kế hoạch, giảm 6,4% so cùng kỳ; trong đó: thu nội địa thực hiện 6.122,4 tỷ đồng, đạt 59,2% dự toán và giảm 8,6% so cùng kỳ; (trong thu nội địa: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.027,7 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán, giảm 9,9% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 694,8 tỷ đồng, đạt 49,6% dự toán, giảm 10,7% so cùng kỳ...).
Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 935 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 300 tỷ đồng. Tám tháng, chi 7.378 tỷ đồng, đạt 60,2% dự toán, giảm 38,8% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 2.076,8 tỷ đồng, đạt 56,1% dự toán, giảm 42,9% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 3.627,6 tỷ đồng, đạt 52,8% dự toán và giảm 21,9% so cùng kỳ.
2. Ngân hàng:
Các tổ chức tính dụng chấp hành nghiêm mức trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, đến cuối tháng 7/2021, lãi suất cho vay phổ biến ở mức trên 4,5% - 9%/năm đối với ngắn hạn và trên 11% -13%/năm đối với trung dài hạn.
Đến cuối tháng 7/2021, vốn huy động đạt 77.225 tỷ đồng, tăng 1,85% so với cuối năm 2020, tăng bình quân 0,27%/tháng; tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 70.499 tỷ đồng, tăng 9,64% so với cuối năm 2020, tăng bình quân 1,33%/tháng. Ước đến cuối tháng 8/2021, nguồn vốn huy động đạt 77.373 tỷ đồng, tăng 2,01%; tổng dư nợ đạt 70.520 tỷ đồng, tăng 9,67% so với cuối năm 2020.
Nợ xấu: ước đến cuối tháng 8/2021, nợ xấu là 762 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,08%, giảm 0,02% so với cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, nằm trong sự kiểm soát, có chuyển biến tích cực theo chiều hướng giảm.
VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Trong tháng, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định công nhận kết quả thực hiện 01 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và gia hạn 01 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở.
- Ban hành quyết định phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở triển khai năm 2021-2022.
- Ban hành thông báo chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở triển khai năm 2021 - 2022.
Đến tháng 8/2021, thẩm định nội dung 13 nhiệm vụ ( 06 cấp tỉnh, 07 cấp cơ sở); nghiệm thu kết thúc 08 nhiệm vụ (07 cấp tỉnh , 01 cấp cơ sở); nghiệm thu giai đoạn 14 nhiệm vụ (07 cấp tỉnh, 07 cấp cơ sở); Quyết định triển khai 16 nhiệm vụ (09 cấp tỉnh, 07 cấp cơ sở); Quyết định công nhận 13 nhiệm vụ (10 cấp tỉnh, 03 cấp cơ sở); Gia hạn 05 nhiệm vụ KH&CN (03 cấp tỉnh, 02 cấp cơ sở).
VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động việc làm:
Tình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, Tiền Giang đã và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, gần như toàn bộ các doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động hoặc tạm dừng hoạt động một số bộ phận, ảnh hưởng tiêu cực đến đại đa số người lao động trên địa bàn tỉnh.
Trong tháng, tư vấn việc làm cho 510 lượt lao động, giảm 89,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: tư vấn nghề cho 01 lượt lao động, tư vấn việc làm 01 lượt lao động, tư vấn việc làm cho 508 lượt lao động thất nghiệp; giới thiệu việc làm cho lao động không phát sinh, giảm 442 lượt lao động.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: tư vấn cho 02 lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giảm 97,2% so với cùng kỳ năm 2020, có 02 lao động đăng ký tham gia, tăng 50%; lao động xuất cảnh không phát sinh.
Giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp: tiếp nhận được 508 người đăng ký thất nghiệp, giảm 81,7% so với cùng kỳ năm 2020, cơ quan chức năng đã ban hành 1.294 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 53,1%, với tổng số tiền chi trả tương đương 23 tỷ đồng, giảm gần 25,2 tỷ đồng, tương đương giảm 52,2%; thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề cho 432 lượt lao động thất nghiệp.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 05 quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 237 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm của huyện Gò Công Tây với tổng số tiền gần 356 triệu đồng (mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người); 3.634 người bán lẻ xổ số lưu động của huyện Gò Công Tây (1.270 người), Chợ Gạo (1.467 người) và thị xã Cai Lậy (897 người) với tổng số tiền 5.451 triệu đồng (mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người). Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận hồ sơ và đang phối hợp, đề nghị các ngành liên quan xem xét, có ý kiến hỗ trợ 16 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của 01 doanh nghiệp với tổng số tiền đề nghị hỗ trợ gần 64,4 triệu đồng (mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người, và có 05 người được hỗ trợ thêm nuôi con nhỏ chưa đủ 6 tuổi là 1.000.000 đồng/bé).
2. Chính sách xã hội:
Trong tháng, quỹ đền ơn đáp nghĩa vận động được gần 288,7 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm vận động được 4,3 tỷ đồng đạt 43%, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020, xây dựng 05 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 200 triệu đồng đạt 12% kế hoạch năm, lũy kế từ đầu năm xây dựng được 20 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 800 triệu đồng đạt 16% kế hoạch năm, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2020; sửa chữa 20 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 400 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm xây dựng 36 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 720 triệu đồng đạt 72% kế hoạch năm, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đã tặng quà và trợ cấp cho gia đình chính sách nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, bao gồm quà của Chủ tịch Nước 36.531 người với số tiền hơn 11,1 tỷ đồng; trợ cấp của địa phương 51.938 người, với số tiền gần 8,3 tỷ đồng.
3. Hoạt động y tế:
Theo báo cáo Sở Y tế, tính đến ngày 15/8/2021 toàn tỉnh có 149 ổ dịch với tổng số 5.955 bệnh nhân, 3.326 F1, 5.642 F2 (trong đó có 3.241 bệnh nhân được Bộ Y tế công bố mã số, các bệnh nhân còn lại đang chờ Bộ Y tế cấp mã số); điều trị khỏi 2.698 bệnh nhân; đã tử vong 141 bệnh nhân. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Tiền Giang tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong tháng 8 và phong tỏa Thành phố Mỹ Tho với 3 khu vực dự kiến trong vòng 10 ngày, khu vực I gồm Phường 2, Phường 3, Phường 8, Ấp Mỹ An – xã Mỹ Phong với 10.378 hộ, 34.550 nhân khẩu, kể từ 0h ngày 18/08/2021; khu vực II gồm Phường 1, Phường 4, Phường 5, Phường 6, Phường 7 với 17.922 hộ, 72.697 nhân khẩu, kể từ 0h ngày 19/08/2021; khu vực III gồm các địa bàn còn lại với các khu nguy cơ rất cao hoặc xuất hiện F0 qua tầm soát, kể từ 0h ngày 20/08/2021. Thành lập 06 Bệnh viện Dã chiến để điều trị bệnh nhân Covid-19 (12 cơ sở) quy mô 2.760 giường, khả năng mở rộng tối đa đến 3.150 giường. Đang triển khai Bệnh viện dã chiến số 07 (Trường Đại học Tiền Giang) với quy mô 3.000 giường để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 không triệu chứng, không bệnh nền. Để điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, tỉnh đã triển khai Trung tâm Hồi sức (ICU) COVID-19 quy mô 60 giường (khả năng mở rộng đến 100 giường). Tại các Bệnh viện tuyến tỉnh (03 bệnh viện) có 60 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 (mỗi đơn vị 20 giường); 11 Trung tâm Y tế (13 cơ sở) có 130 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 (mỗi đơn vị 10 giường), chủ yếu thu dung điều trị các trường hợp không triệu chứng, nhẹ, trung bình để giảm tải cho các Bệnh viện Dã chiến.
Tiêm ngừa vắc xin COVID-19: Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch Tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2022: ước tính số lượng vaccine cần cho giai đoạn 2021-2022 là 1.371.674 liều; từ tháng 04 /2021 đến tháng 7/2021, tỉnh đã nhận 04 đợt phân bố vaccine phòng COVID-19 từ Bộ Y tế (loại AstraZeneca) với 83.220 liều, đã tổ chức tiêm đạt 99,1%; số lượng vaccine nhận từ đầu tháng 8/2021: 166.410 liều, số người đã được tiêm vaccine đến 12/8/2021: 77.679 người, tỷ lệ 46,7%; theo Công văn số 5946/BYT-DP ngày 24/7/2021 của Bộ Y tế, từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2021 số vaccine phòng COVID-19 dự kiến phân bố cho Tiền Giang là 2.219.628 liều.
Cũng trong tháng Tám, có 07/44 bệnh truyền nhiễm được ghi nhận. So với cộng dồn cùng kỳ năm trước có 04 bệnh tăng (tay chân miệng, viêm gan siêu vi B, viêm não do vi rút, Covid-19); 13 bệnh giảm (liên cầu lợn ở người, ho gà, lao phổi, lỵ a míp, quai bị, sởi, sốt xuất huyết, thương hàn, thủy đậu, tiêu chảy, uốn ván khác, viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi C); 27 bệnh tương đương và hoặc không xảy ra ca mắc; Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết trong tháng ghi nhận 159 ca mắc SXHD, từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.658 ca, giảm 1,7% so với cùng kỳ, Không ghi nhận ca tử vong do SXHD; Phòng chống HIV/AIDS: Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 5.935 người nhiễm HIV; 1.805 người chuyển sang AIDS; tử vong do AIDS: 997 người;
Tình hình khám chữa bệnh tại các tuyến do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 một số cơ sở tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân do chuyển đổi công năng để tập trung điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng như phải cách ly phong tỏa để phòng chống dịch bệnh ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn, số lượng bệnh đến khám bệnh đều giảm nhiều giảm so với cùng kỳ năm 2020: Tổng số lần khám bệnh trong tháng đạt 162.298 lần, giảm 62,9%; Tổng số người điều trị nội trú đạt 9.323 người, giảm 57,8%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 38,97%.
4. Hoạt động giáo dục:
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 vào các ngày 06, 07 tháng 8 (đợt 1 vào ngày 07, 08 tháng 7), chấm thi đợt 2 tốt nghiệp THPT năm 2021 từ ngày 07/8/2021 đến ngày 10/8/2021 và phúc khảo bài thi Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 từ ngày 12/8/2021. Hướng dẫn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2021. Hoàn thành việc tải dữ liệu thông tin văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018, 2019, 2020 lên hệ thống tra cứu văn bằng của Bộ GDĐT theo quy định.
5. Hoạt động văn hóa - thể thao:
Trong tháng 8/2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đông người của tiếp tục tạm dừng để tập trung công tác tuyên truyền như: Đài Phát thanh huyện và cấp xã truyền thanh để Nhân dân được biết (mỗi ngày ít nhất 3 lượt), tổ chức 132 lượt xe loa tuyên truyền
(bao gồm xe chuyên dụng và xe máy gắn loa di động).
6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội: (Theo báo cáo ngành công an)
Tội phạm về trật tự xã hội trong tháng ghi nhận 69 vụ (giảm 49 vụ so với liền kề, giảm 67 vụ so với cùng kỳ), bị thương 08 người, tài sản thiệt hại khoảng 1,9 tỷ đồng; đa số các loại tội phạm đều giảm, xảy ra chủ yếu là hành vi cố ý gây thương tích, trộm cắp và hủy hoại tài sản,... Điều tra khám phá bước đầu đạt tỷ lệ 75,4% (52 vụ), bắt xử lý 75 đối tượng, thu hồi tài sản khoảng 200 triệu đồng. Phát hiện, xử lý 19 tụ điểm cờ bạc, 76 đối tượng liên quan (tiến hành khởi tố 04 vụ, 15 bị can về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc); 29 vụ, 32 đối tượng phạm tội về ma túy và xử lý vi phạm hành chính 114 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; 03 vụ, 04 đối tượng có hành vi buôn bán, buôn bán hàng cấm, thu giữ 13.240 bao thuốc lá điếu nhập lậu (khởi tố vụ án 01 vụ, 01 bị can) và xử lý hành chính 03 trường hợp vi phạm pháp luật trật tự quản lý kinh tế.
7. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo ngành công an)
Giao thông đường bộ: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông, làm chết 19 người, bị thương 21 người; So với tháng trước, tai nạn giao thông (-13 vụ), chết (-08 người), bị thương (-02 người); So cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông tương đương, chết (-02 người), bị thương (+01 người). Tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ từ đầu năm 2021 đến nay là 409 vụ, làm 196 người chết, làm 271 người bị thương; So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông đường bộ về số vụ (+175 vụ), chết (+52 người), bị thương (+148 người).
Giao thông đường thủy: Trong tháng không xảy ra vụ tai nạn, tương đương so tháng trước và cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến nay xảy ra 03 vụ, giảm 02 vụ so cùng kỳ, số người chết và bị thương không phát sinh, tương đương so cùng kỳ.
8. Tình hình cháy nổ, môi trường:
Trong tháng, tình hình cháy nổ trên địa bàn đã xảy ra 04 vụ, trong đó có 01 vụ nổ, 03 vụ cháy nhà dân, làm chết 01 người, ước giá trị thiệt hại tài sản là 56 triệu đồng, nguyên nhân 01 vụ do chập điện, 01 vụ do đốt, 02 vụ đang điều tra. Về lĩnh vực môi trường, cơ quan chức năng đã ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 215 triệu đồng, lỗi vi phạm: khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép.
Thiên tai xả ra trong tháng Tám là 03 vụ lốc xoáy với 33 căn nhà bị tốc mái và 34 điểm đê bị sạt lở, ngã đổ và gãy cành 175 cây, gãy 01 trụ điện và 01 trụ phát thanh xã. Ước tổng giá trị thiệt hại trên 36,1 tỷ đồng.
Tập tin : web_solieu_uoc T8-2021.xlsx
Tin khác