0273.3 872582 | tiengiang@gso.gov.vn

Tổng sản phẩm trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2024 Tiền Giang đạt 6,18%

04/10/2024 08:35

Kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 của tỉnh Tiền Giang tiếp tục duy trì trên đà phát triển và đạt được những kết quả khả quan. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định và tăng trưởng, thị trường tiêu thụ sản phẩm được khơi thông, mở rộng; công nghiệp tiếp tục trên đà khởi sắc; thương mại dịch vụ tiếp tục tăng cùng với các chính sách kích cầu, hoạt động thương mại xúc tiến được đẩy mạnh, hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, các chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được quan tâm, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn hơn; xung đột quân sự tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực; nhiều nền kinh tế lớn phục hồi còn chậm. Thị phần bán nội địa giảm, thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn.

Trước bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm. Trong đó, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, triển khai quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; chăm lo đời sống Nhân dân, an sinh xã hội; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tính quý III/2024 tăng 7,20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,40%, đóng góp 1,55 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,59%, đóng góp 3,20 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,18%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 6,69%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tính chung 9 tháng đầu năm tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 51.918 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 6,18% so với 9 tháng đầu năm 2023; quí I tăng 4,61%, quí II tăng 6,60%. quí III tăng 7,20%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76 %, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,7% và khu vực dịch vụ tăng 6,54 % (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,77 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,37% so cùng kỳ. Trong 6,18% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,34%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,56%, khu vực dịch vụ đóng góp 1,98% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,3%. Tính theo giá hiện hành GRDP đạt 100.004 tỷ đồng. 

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: 9 tháng đầu năm 2024 tăng 3,76% so với 9 tháng đầu năm 2023; trong đó nông nghiệp tăng 4,02%.

- Trồng trọt: năm 2024 dự báo tình hình xâm nhập mặn sẽ đến sớm và xâm nhập xâu hơn cùng kỳ, nên Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo công tác phòng chống từ rất sớm; khuyến cáo nông dân tuân thủ theo lịch thời vụ, nên hầu hết diện tích gieo trồng đã được thu hoạch, trách được tác động của hạn mặn. Trà lúa Đông Xuân năm nay phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 70,2 tạ/ha, tăng 0,6% so cùng kỳ (tăng 0,4 tạ/ha); Nhưng do diện tích gieo sạ giảm 3.319,3 ha, nên sản lượng lúa thu hoạch giảm 6,3% so cùng kỳ. Trồng trọt của tỉnh 9 tháng đầu năm 2024 chuyển dịch theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa (vụ Đông Xuân giảm 6,9%, vụ Hè Thu giảm 7,9% diện tích) chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như: trồng rau đậu các loại diện tích tăng 0,3% , trồng cây lâu năm diện tích tăng 2,8% so cùng kỳ

- Chăn nuôi: dịch bệnh còn xảy ra ở một số địa phương, gây tâm lý lo lắng cho người nuôi, do phải cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, giá bán sản phẩm đầu ra không tăng, trong khi giá thức ăn nằm ở mức cao, nên người nuôi lãi không nhiều, không kích thích nông dân tập trung đầu tư. Ước đến thời điểm 01/9/2024 tổng đàn gia súc gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 119,5 nghìn con, giảm 1,7%, đàn lợn 310 nghìn con, tăng 5,8% và đàn gia cầm 16,1 triệu con, tăng 0,6% so cùng kỳ.

- Thủy sản: tăng 2,35% so cùng kỳ, sản lượng nuôi trồng và khai thác đều tăng, sản lượng nuôi trồng tăng 1,2% và sản lượng khai thác tăng 7,6%.

Khu vực công nghiệp - xây dựng: tăng 8,7% so với 9 tháng đầu năm 2023

- Công nghiệp tăng 8,31%. Với sự chủ động của các doanh nghiệp, sự quan tâm lãnh đạo của các ngành, các cấp, kịp thời giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng dần, tăng trưởng quí sau cao hơn quí trước, quí I tăng 4,99%, quí II tăng 8,57% và quí III tăng 10,87% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng là do trong kỳ có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động; một số ngành cùng kỳ giảm, nhưng năm nay bắt đầu tăng trở lại; các ngành có chỉ số sản xuất tăng khá như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 16,67%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 60,66%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 23,05%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 16,03% so với cùng kỳ, do nhà nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đi vào hoạt động từ cuối tháng 05/2023 ... Tuy nhiên sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do tác động của kinh tế thế giới suy giảm, cuộc chiến giữa Nga và Ucraina làm cho giá nhiên liệu tăng, lạm phát tăng cao. Cũng có một số ngành giảm hoặc tăng thấp, làm chậm đà tăng trưởng của ngành công nghiệp như: Sản xuất trang phục giảm 17,57%; dệt giảm 8,55%; Sản xuất đồ uống giảm 11,79%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 21,11% ...

- Ngành xây dựng tăng 10,65%, là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong 9 tháng đầu năm 2024. Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp từng bước khôi phục, ổn định trở lại nên tái đầu tư mở rộng sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương đang được triển khai thi công, cộng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đã góp phần làm cho hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng khá so cùng kỳ.

Khu vực dịch vụ: tăng 6,77% so cùng kỳ; tất cả các ngành trong khu vực này đều tăng. Kinh tế của tỉnh dần hồi phục, cộng với việc nâng lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trong kỳ tăng cao. Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tăng khá như: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 8,54%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,85%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 10,82%; Hoạt động vận tải kho bãi tăng 14,86%, so với cùng kỳ. Nguyên nhân vận tải kho bãi tăng cao là do: Từ cuối năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh, giá các loại nông sản như mít, thanh long tăng trở lại và đặc biệt là sầu riêng; xuất khẩu thuận lợi, chủ yếu sang Trung Quốc; 6 tháng đầu năm 2024 các huyện phía Đông của tỉnh chịu tác động mạnh của hạn, mặn, thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, do đó số lượng xe chuyên chở cung cấp nước ngọt tăng lên rất nhiều; Dịch vụ giao hàng nhanh trên địa bàn tỉnh tăng mạnh; trong kỳ có 02 hãng taxi mới đi vào hoạt động trên địa bàn là Saigon taxi và Xanh SM; việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông làm cho nhu cầu sử phương tiện vận tải công cộng tăng, đã thúc đẩy dịch vụ vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh tăng. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,37% so với 9 tháng đầu năm 2023.

Cơ cấu kinh tế: Chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm chiếm 37,2% (cùng kỳ 37,5%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 27,9% (cùng kỳ 27,8%); khu vực dịch vụ chiếm 29,4% (cùng kỳ 29,1%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,5% (cùng kỳ 5,6%).

                                                                                           N.V.Tròn