0273.3 872582 | tiengiang@gso.gov.vn
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang Tháng 02 năm 2022
  •   18/06/2024 15:38

Trong tháng 02 hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ổn định, các ngành, các cấp tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, kinh tế của tỉnh từng bước phục hồi; tổ chức các hoạt động vui xuân đón tết cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; phù hợp với điều kiện và tình dịch Covid-19. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực như sau:  I. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN  1. Nông nghiệp  Cây lương thực có hạt: trong tháng gieo trồng 13.391 ha giảm 18,6% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 208.953 tấn giảm 19,1% so cùng kỳ; ước tính đến cuối tháng 02/2022 gieo trồng được 63.428 ha giảm 7,9% so cùng kỳ với sản lượng 213.606 tấn giảm 17,8% so cùng kỳ, trong đó gieo sạ lúa đạt 62.383 ha, giảm 8,2% so cùng kỳ, với sản lượng 210.970 tấn giảm 18,1% so cùng kỳ. Cụ thể:  + Vụ Đông Xuân 2021-2022: Chính thức gieo trồng 49.192 ha, giảm 4,8% so cùng kỳ, sản lượng ước tính 210.970 tấn, giảm 18,1% so cùng kỳ do diện tích trồng lúa giảm do thực hiện đề án phòng chống hạn mặn, một số diện tích chuyển sang trồng màu.  + Vụ Hè thu: Ước tính gieo trồng trong tháng với diện tích là 13.191 ha, chủ yếu ở các huyện phía tây, sau khi thu hoạch lúa Đông xuân người dân tiếp tục gieo trồng vụ Hè thu.  - Cây ngô: trong tháng gieo trồng 200 ha tăng 14,8% so cùng kỳ, thu hoạch 269 ha tăng 35,9% so cùng kỳ, với sản lượng 975 tấn tăng 41,2% so cùng kỳ. Ước tính đến cuối tháng 02/2022, gieo trồng được 1.045 ha tăng 7,7% so cùng kỳ với sản lượng 2.636 tấn, tăng 13,2% so cùng kỳ.  Cây rau đậu các loại: trong tháng gieo trồng 4.771 ha giảm 9,6% so cùng kỳ, thu hoạch 5.502 ha với sản lượng 116.201 tấn tăng 6,6% so cùng kỳ; ước tính đến cuối tháng Hai, gieo trồng 25.290 ha, tăng 0,3% so cùng kỳ, thu hoạch 21.957 ha tăng 5,4% so cùng kỳ với sản lượng 455.406 tấn, tăng 5,7% so cùng kỳ (trong đó: rau các loại 25.236 ha tăng 0,3% so cùng kỳ, thu hoạch 21.933 ha tăng 5,4% với sản lượng 455.333 tấn tăng 5,7% so cùng kỳ). Do nông dân tập trung thu hoạch rau màu để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng giêng.  Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh ước tính tại thời điểm 01/02/2022 như sau: đàn bò 123,9 ngàn con, tăng 3,9% so cùng kỳ. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 2.593 tấn tăng 37,9% so cùng kỳ; đàn lợn 277 ngàn con, tăng 5,6% so cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 8.641 tấn tăng 19,8% so cùng kỳ; đàn gia cầm (không kể chim cút) 17,3 triệu con, giảm 2,2% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn gia súc tăng do hộ dân tái đàn nhiều sau dịch bệnh Covid – 19, một số hộ chăn nuôi chuyển đổi canh tác từ trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò; Đàn gia cầm giảm do nhiều hộ giảm đàn, ngừng chăn nuôi vì không có hiệu quả kinh tế và chuyển sang chăn nuôi khác để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.  Tình hình dịch bệnh (Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang): Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trong tháng ghi nhận 51 trường hợp heo mắc bệnh trên địa bàn huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Mỹ Tho, Chợ Gạo Gò Công Tây, Thị xã Gò Công và Gò Công Đông với tổng đàn 1.983 con. Số heo được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 1.469 con với trọng lượng 65.727 kg. Ngoài ra, địa phương tiêu hủy heo bệnh chết tại các hộ bệnh cũ (trước ngày 14/12/2021), với số lượng 354 con/18.015 kg.  2. Lâm nghiệp:  Tỉnh Tiền Giang có tổng diện tích rừng đạt 1.796,9 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng): trong đó 1.341,2 ha rừng phòng hộ và 455,7 ha rừng sản xuất.  Ước tháng 02/2022 toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 0,37 ngàn cây phân tán các loại, nâng tổng số cây trồng 1,39 ngàn cây các loại tăng 46,3% so với cùng kỳ, do người dân ở xã trồng trên đường đi, quanh nhà, bờ ao, công viên (cầu Rạch Miễu) ở huyện Chợ Gạo, Thành Phố Mỹ Tho.  3. Thủy hải sản:  Diện tích nuôi thủy sản các loại thả nuôi trong tháng 2.172 ha, giảm 17,5% so với cùng kỳ. Nâng diện tích nuôi thủy sản 2 tháng đầu năm 2022 đạt 8.531 và giảm 1,6% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt trong tháng nuôi 198 ha, nâng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt từ đầu năm đạt 2.787 ha, giảm 5,5% so cùng kỳ. Nguyên nhân do ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố về môi trường, bệnh Covid-19 nên các Công ty, Doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu. Thủy sản nước mặn, lợ trong tháng nuôi được 1.974 ha, nâng diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ từ đầu năm đạt 5.744 ha tăng 0,4% so cùng kỳ, chủ yếu là tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, bán thâm canh cải tiến thời gian nuôi ngắn hơn.  Sản lượng thủy sản trong tháng ước tính thu hoạch 21.720 tấn, nâng sản lượng thủy sản hai tháng đầu năm 2022 đạt 42.866 giảm 5,3% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 23.423 tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ do đầu tháng 02 là Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên hộ thu hoạch sớm để phục vụ cho dịp Tết; sản lượng khai thác 19.443 tấn, giảm 15,5% so cùng kỳ do tháng 02 là Tết Nguyên đán nên tàu thuyền ra khơi đánh bắt ít ngày hơn.   II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP  Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2022 giảm 2,3% so với tháng 01/2022 do tháng doanh nghiệp nghỉ Tết Nguyên đán 2022, vì vậy số ngày hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ít hơn. Chỉ số sản xuất tháng các ngành như sau: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,2%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1%, so với cùng kỳ chỉ số công nghiệp tháng 2 giảm 0,2% (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 9,9%).  Những tháng đầu năm 2021, không xảy ra dịch Covid-19 sản xuất công nghiệp ổn định và tăng trưởng tốt, Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng năm 2022 so cùng kỳ năm trước giảm 0,02% trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,04%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 14,3%.  Chỉ số sản xuất sản phẩm hai tháng so cùng kỳ như sau:  - Có 19/41 sản phẩm tăng so cùng kỳ: các bộ phận của bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động khác tăng 280%; áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ, áo gió cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 114,3%; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 93,2%; đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người tăng 41,1%; các sản phẩm bằng vật liệu tết bện khác tăng 32,7%; túi xách tăng 32,3%; bia đóng chai tăng 21,6%; cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục tăng 7,2%; Điện thương phẩm tăng 5,9%; thuốc diệt cỏ, thuốc chống nảy mầm và thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng tăng 3,1%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm tăng 2,4%;…  - Có 22/41 sản phẩm giảm so cùng kỳ: Thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc cột trụ chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm giảm 96,8%; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền giảm 86,1%; Dịch vụ tiện các bộ phận kim loại giảm 47%; Cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép giảm 26,7%; Giấy vệ sinh giảm 25,8%; Thức ăn cho thủy sản giảm 25,7%; Dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế giảm 17,7%; Cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo giảm 14,6%; Nước uống được giảm 14%; Thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên giảm 11%; Phi lê đông lạnh giảm 6,3%; Thức ăn cho gia súc giảm 2,6%; Giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic giảm 2,4%;…  * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:  - Chỉ số tiêu thụ tháng 02/2022 so với tháng trước giảm 8,36% và tăng 0,46% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 02/2022 giảm 0,95%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 15,97%, trong đó chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản giảm 9,89%; dệt giảm 4,57%; sản xuất da giảm 1,51%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 30,16%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 10%; sản xuất thiết bị điện giảm 20,29%, trong đó sản xuất mô tơ giảm 47,23%; … Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: Sản xuất đồ uống tăng 10,69%, trong đó sản xuất bia tăng 10,69%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 7,83%; Sản xuất sản phẩm cao su và plastic tăng 17,23%; Sản xuất kim loại tăng 36,58%;…  - Chỉ số tồn kho tháng 02/2022 so với tháng trước tăng 16,36% và so với cùng kỳ giảm 39,82%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ là: sản xuất đồ uống giảm 17,66%, trong đó sản xuất bia giảm 17,66%; dệt giảm 36,67%, trong đó sản xuất hàng may sẳn giảm 37,37%; sản xuất trang phục giảm 93,01%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 6,03%; Sản xuất kim loại giảm 46,17%; Sản xuất thiết bị điện giảm 61,92%, trong đó sản xuất mô tơ điện giảm 62,26%;…Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 46,45%, trong đó sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 72,09%; sản xuất da tăng 6,26%, trong đó sản xuất va ly, túi xách tăng 101,38%; chế biến gỗ tăng 147,22%; sản xuất giấy bằng gấp 10 lần; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 44,98%; chế biến, chế tạo khác tăng 5,19%, trong đó sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 5,19%...  * Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:  - Khu công nghiệp: đến nay tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083,5 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Đến cuối tháng 02/2022, tổng số dự án tại các khu công nghiệp là 106 dự án (trong đó có 77 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.235,5 triệu USD và 4.575,9 tỷ đồng, diện tích đất thuê là 518,93 ha, chiếm tỷ lệ 67,38% diện tích đất công nghiệp cho thuê.  - Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (trong đó: có 6 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư là 150,3 tỷ USD và 2.306,2 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 88,7 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 73,6%.  III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG  Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng 02/2022 là 168 tỷ đồng, giảm 4,2% so cùng kỳ. Hai tháng đầu năm 2022 thực hiện 354,4 tỷ đồng, đạt 9,1% kế hoạch, tăng 5,4% so cùng kỳ.  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 286 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch, tăng 6,0% so cùng kỳ, chiếm 80,8% tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 56,7 tỷ đồng, tăng 12,4%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 121,3 tỷ đồng, tăng 5,9% so cùng kỳ...  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 60 tỷ đồng, đạt 11,6% kế hoạch, tăng 3,4% so cùng kỳ, chiếm 16,9% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 18,5 tỷ đồng, giảm 14,7% so cùng kỳ...  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 8,4 tỷ đồng, đạt 2,3% kế hoạch, giảm 0,6% so cùng kỳ, chiếm 2,3% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 2,1 tỷ đồng, giảm 7,8% so cùng kỳ...  IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ  1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:  Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 6.488,3 tỷ đồng, giảm 3,2% so tháng trước và tăng 10,1% so cùng kỳ, do Tết Nguyên đán rơi vào thời điểm đầu tháng 2/2021, người dân tập trung mua sắm hàng hóa từ tháng 01/2021, nên doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 02/2021 giảm so tháng trước. Các nhóm hàng có chỉ số giảm mạnh như nhóm lương thực thực phẩm giảm 8,21%; đồ dùng trang thiết bị gia đình giảm 8,55%, phương tiện đi lại giảm 3,97%; nhiên liệu khác giảm 3,58%, hàng hóa khác giảm 3,32%... đã tác động đến doanh thu trong tháng 02. Hai tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 13.191,2 tỷ đồng, đạt 18,6% kế hoạch, tăng 9,6% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 11.216,6 tỷ đồng, tăng 15,8%; lưu trú 6,6 tỷ đồng, giảm 0,5%; ăn uống 768,6 tỷ đồng, giảm 31,4%; du lịch lữ hành 2 tỷ đồng, giảm 16,2%; dịch vụ tiêu dùng khác 1.197,4 tỷ đồng, giảm 2,3% so cùng kỳ.  2. Xuất - Nhập khẩu:  a. Xuất khẩu:  Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 279 triệu USD, giảm 5,3% so tháng trước; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 51 triệu USD, tăng 0,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 227 triệu USD, giảm 6,7% so tháng trước. Hai tháng xuất khẩu 573,7 triệu USD, đạt 17,1% kế hoạch, tăng 27,3% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 1,5 triệu USD, tăng 23%; kinh tế ngoài nhà nước 102,1 triệu USD, tăng 28%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 470,1 triệu USD, tăng 27,2% so cùng kỳ.  b. Nhập khẩu:  Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 02/2022 đạt 174,6 triệu USD, giảm 3,8% so tháng trước. Hai tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 356 triệu USD, đạt 18,7% kế hoạch, tăng 4,6% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập 14,3 triệu USD giảm 9,4%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 341,7 triệu USD, tăng 5,3% so cùng kỳ. Nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như: chất dẻo (plastic) nguyên liệu 15,1 triệu USD, tăng 21,4%, vải các loại 44,2 triệu USD, tăng 60%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 115,5 triệu USD, tăng 2,4 lầm;... so cùng kỳ.  3. Chỉ số giá:  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2022 tăng 0,83% (thành thị tăng 0,76%, nông thôn tăng 0,85%) so tháng 1/2022, tăng 2,32% so tháng 2/2021. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 2,61% so cùng kỳ năm trước.  Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 nằm trong tháng 2, nhu cầu ăn uống, đi lại và vui chơi giải trí của người dân tăng hơn những tháng bình thường dẫn đến giá thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình tăng lên; Cùng với đó, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng liên tục, tác động giá vé xe khách, xe buýt tăng lên từ ngày 20/02/2022.  So với tháng 1/2022, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 07 nhóm tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,43% (trong đó: Lương thực giảm 0,09%, thực phẩm tăng 1,6%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,86%); May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,42%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; Giao thông tăng 2,64% và Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,16%. Có 02 nhóm giảm: Bưu chính viễn thông giảm 0,12% và Hàng hóa, dịch vụ khác giảm 0,02%. Riêng nhóm Đồ uống và thuốc lá; Giáo dục chỉ số giá ổn định.  Một số mặt hàng có chỉ số giá tăng như sau:  - Sau Tết giá thịt lợn vẫn ở mức cao làm cho giá thịt lợn bình quân trong tháng 02/2022 tăng 6,21% (Tết năm 2021 tăng 5,68%). Theo đó, giá thịt bò, thịt gia cầm tươi sống, trứng các loại, thịt chế biến, thủy hải sản tươi sống, thuỷ sản chế biến (tôm khô, mực khô) tăng... dẫn đến nhóm thực phẩm tăng 1,6%. Đóng góp vào mức tăng (CPI) chung của tháng 02/2022 là 0,34%.  - Giá điện sinh hoạt tăng 0,92% so với tháng trước, nguyên nhân do nhu cầu người dân sử dụng nhiều trong tháng giáp Tết, dẫn đến giá điện bình quân tháng này tăng cao. Đóng góp vào mức tăng (CPI) chung của tháng 02/2022 là 0,03%.  - Giá dầu hoả tăng 8,39%, giá gas tăng 4,66% tương ứng tăng 16.000 đồng/bình 12 kg vào ngày 01/02/2022, tác động đến nhóm gas và các loại chất đốt khác tăng 4,39%. Đóng góp vào mức tăng (CPI) chung của tháng 02/2022 là 0,06%.  - Giá xăng dầu bình quân trong tháng tăng 5,56%; Cùng với đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,09% do giá vé xe ô tô chở khách các tuyến cố định của tỉnh tăng thêm 40% giá cơ bản trong 04 ngày nghỉ Tết (từ mùng 3 đến mùng 6 tết) để bù đắp lại chi phí những chuyến xe chạy rỗng; Mặc khác do giá xăng tăng liên tục trong thời gian dài, dẫn đến giá vé xe khách tăng 3,09% và vé xe buýt tăng 10,12% từ ngày 20/2/2022.  Bên cạnh đó, có một số mặt hàng chỉ số giá giảm nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:  - Hiện nay các nông trại đang vào mùa thu hoạch rau xanh vụ Đông xuân nên sản lượng dồi dào, tác động giá rau xanh giảm 2,7% so tháng trước.  - Một số mặt hàng điện tử giảm giá do các doanh nghiệp giảm giá để kích thích tiêu dùng nhằm thu hồi vốn trong những ngày trước và sau Tết như máy điện thoại di động thông thường giảm 0,36%.  Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 02/2022 tăng 2,36% so tháng trước, giá vàng bình quân 5.427 ngàn đồng/chỉ, giảm 56 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.  Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 02/2022 giảm 0,31% so tháng trước, giá bình quân 22.832 đồng/USD, giảm 283 đồng/USD so cùng kỳ.  Ước chỉ số giá tiêu dùng tháng 03/2022 tăng từ 0,1% đến 0,2% so tháng 02/2022, do hạn mặn xâm nhập phạm vi rộng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của một số loại cây trồng, dẫn đến giá rau xanh sẽ tăng lên; Riêng nhóm thủy hải sản tươi sống giá tăng nhẹ, do nguồn nước nuôi trồng bị ảnh hưởng han mặn.  Giá cả thị trường một số mặt hàng trong ngày Tết.  Tình hình giá cả thị trường trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tại tỉnh Tiền Giang tương đối ổn định. Lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường năm nay phong phú, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đủ sức cung ứng phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết và chưa có tình trạng đột biến giá xảy ra trong những ngày cận Tết. Đặc biệt, các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm hơn 90% và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Các loại hàng thiết yếu của các đơn vị tham gia bình ổn giá đảm bảo thấp hơn giá thị trường từ 3 - 5%. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sôi động hơn so với những ngày trước Tết.  Những ngày từ 25 đến 26/12 âm lịch nhịp độ mua sắm ở các chợ bắt đầu sôi động hơn so với những ngày trước, sức mua tăng từ 15 - 20% so với ngày thường, đến ngày 28 và 29/12 âm lịch sức mua tăng mạnh, chủ yếu vẫn là các mặt hàng thiết yếu thịt, rau củ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, sức mua năm nay tại các chợ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù nhu cầu mua sắm trong các ngày Tết tăng cao so với ngày thường nhưng nhìn chung giá cả hàng hóa trong những ngày Tết khá ổn định, không có sự tăng giá đột biến. Diễn biến một số nhóm hàng chính cụ thể như sau:  - Giá lương thực, thực phẩm: thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và có dấu hiệu tăng nhẹ một số mặt hàng vào những ngày cận Tết, thịt heo đùi hiện đang ở mức 90.000đ/kg - 110.000đ/kg, ba rọi rút xương 100.000đ/kg - 130.000đ/kg, thịt bò đùi 260.000đ/kg - 290.000đ/kg, gà sống (nuôi thả vườn): 110.000đ/kg - 125.000đ/kg, trứng vịt dao động trung bình ở mức 28.000 - 35.000đ/chục.  - Rau tươi: Do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào nên đa số các loại rau xanh phục vụ Tết giá ổn định.  - Trái cây: Giá các loại trái cây thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, tăng nhẹ vào những ngày từ 27 đến 28 âm lịch, đến ngày 29 âm lịch giá một số loại mặt hàng như quýt, dưa hấu,… tăng nhẹ.  - Thị trường hoa Tết năm nay dao động ở mức 50.000 đồng/cây đến 2.000.000 đồng/cây tùy loại cây và kích cỡ. Giá các loại hoa tăng nhẹ so với năm 2021, số lượng hoa về chợ không nhiều. Giá hoa vạn thọ loại thấp cây: 120.000đ/cặp - 180.000đ/cặp, loại cây cao: 150.000đ/chậu - 250.000đ/chậu, hoa cúc 250.000đ/cặp - 400.000đ/cặp tùy chiều cao.  4. Du lịch:  Khách du lịch đến trong tháng 02/2022 ước tính có 28,4 ngàn lượt khách, tăng 5,1% so tháng trước và giảm 44,6% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 0,7 ngàn lượt khách, tăng 8,1% so tháng trước và giảm 11% so cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng 02 đạt 975,3 tỷ đồng, giảm 2,4% so tháng trước và giảm 18% so cùng kỳ.Tính chung hai tháng đầu năm 2022, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 55,5 ngàn lượt khách, đạt 6,1% kế hoạch, giảm 45,3% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 1,4 ngàn lượt khách, giảm 13,5% so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 1.974,6 tỷ đồng, giảm 16,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỉ trọng 38,9%, ước đạt 768,6 tỷ đồng, giảm 31,2%, dịch vụ lưu trú đạt 6,6 tỷ đồng, giảm 0,5% so cùng kỳ... Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trước biến chủng mới Omiron, do đó nhiều chương trình du lịch của các hãng lữ hành chưa hút khách mạnh trở lại. Một số doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh cầm chừng, lượng khách du lịch đến tỉnh vẫn còn chưa nhiều, tâm lý người dân còn e ngại, chưa mạnh dạn đi du lịch và vui Xuân như bình thường.  5. Vận tải:  Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 140,4 tỷ đồng, tăng 6,6% so tháng trước và giảm 14,5% so cùng kỳ. Hai tháng thực hiện 272,2 tỷ đồng, giảm 19,6% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 63,9 tỷ đồng, giảm 35,9%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 178,3 tỷ đồng, giảm 12,7% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 62,6 tỷ đồng, giảm 31,9%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 62,8 tỷ đồng, giảm 4,6%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 29,9 tỷ đồng, giảm 13,8% so cùng kỳ. Nguyên nhân doanh thu hành khách giảm là do nhu cầu đi lại của người dân giảm giảm nhiều so với mọi năm; mặc khác do tác động dịch Covid-19, người dân e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng, chủ yếu đi lại bằng phương tiện cá nhân.  Vận tải hành khách trong tháng đạt 2.693 ngàn hành khách, tăng 23,2% so tháng trước và giảm 5,1% so cùng kỳ; luân chuyển 32.509 ngàn hành khách.km, tăng 23,2% so tháng trước và giảm 46,5% so cùng kỳ. Hai tháng, vận chuyển 4.880 ngàn hành khách, bằng 86,7% so cùng kỳ; luân chuyển 58.897 ngàn hành khách.km, bằng 53.5% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 1.777 ngàn hành khách, bằng 66,1% và luân chuyển 55.598 ngàn hành khách.km, bằng 52,5% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 3.103 ngàn hành khách, tăng 5,4% và luân chuyển 3.299 ngàn hành khách.km, bằng 82% so cùng kỳ.  Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 873 ngàn tấn, tăng 2,2% so tháng trước và giảm 1,9% so cùng kỳ; luân chuyển 113.490 ngàn tấn.km, tăng 2,2% so tháng trước và tăng 0,2% so cùng kỳ. Hai tháng, vận tải 1.727 ngàn tấn hàng hóa, giảm 8,9% so cùng kỳ; luân chuyển 224.552 ngàn tấn.km, giảm 6,1% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 394 ngàn tấn, giảm 17,9% và luân chuyển 42.032 ngàn tấn.km, giảm 17,5% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 1.333 ngàn tấn, giảm 5,9% và luân chuyển 182.520 ngàn tấn.km, giảm 3% so cùng kỳ.Công tác quản lý phương tiện giao thông:         Trong tháng đăng ký mới 7.518 mô tô xe máy, 796 ô tô, 01 xe ba bánh, xe đạp điện 09 chiếc và xe khác 08 chiếc. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh 1.375.160 chiếc, trong đó mô tô xe máy: 1.331.661 chiếc, 42.632 chiếc xe ô tô, 154 chiếc xe ba bánh, 233 chiếc xe đạp điện và 480 xe khác.  6. Bưu chính viễn thông:  Doanh thu trong tháng 02/2022 đạt 271 tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 6,1% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 25,3 tỷ đồng, tăng 1,1% và viễn thông 245,8 tỷ đồng, tăng 2% so tháng trước. Hai tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 536,9 tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ; trong đó:doanh thu bưu chính đạt 50,2 tỷ đồng, tăng 8,6% và viễn thông 486,7 tỷ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ.  Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 02/2022 là 101.380 thuê bao, mật độ bình quân đạt 5,7 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 02/2022 là 296.336 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 16,7 thuê bao/100 dân.  V.TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG  1. Tài chính:  Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 1.256 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 800 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 290 tỷ đồng. Hai tháng, thu 2.642,5 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 1.682,6 tỷ đồng, đạt 19,1% dự toán và giảm 16,7% so cùng kỳ; thu nội địa 1.636,1 tỷ đồng, đạt 19,2% dự toán, giảm 18% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 511,9 tỷ đồng, đạt 18,6% dự toán, giảm 29,7% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 211 tỷ đồng, đạt 22% dự toán, giảm 21,4% so cùng kỳ, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 291 tỷ đồng, đạt 18,8% dự toán, giảm 9,6% so cùng kỳ...).  Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 605 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 350 tỷ đồng. Hai tháng, chi 1.766,1 tỷ đồng, đạt 14,4% dự toán, giảm 40,4% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 659 tỷ đồng, đạt 16,7% dự toán, giảm 4,3% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 1.022,7 tỷ đồng, đạt 13,6% dự toán và tăng 12,6% so cùng kỳ.  2. Ngân hàng:  Mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ổn định nên vốn huy động đến cuối tháng 01/2022, đạt 80.266 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cuối năm 2021. Ước tính đến cuối tháng 02/2022, nguồn vốn huy động đạt 80.419 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2021.  Đến cuối tháng 01/2022, tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 73.441 tỷ, tăng 2,16% so với cuối năm 2021, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: dư nợ ngắn hạn đạt 45.073 tỷ đồng, tăng 909 tỷ, tỷ lệ tăng 2,06% so với cuối năm 2021; dư nợ trung dài hạn đạt 28.369 tỷ đồng, tăng 641 tỷ, tỷ lệ tăng 2,31% so với cuối năm 2021. Ước tính đến cuối tháng 02/2022, tổng dư nợ đạt 73.898 tỷ, tăng 2,79% so với cuối năm 2021.  Nợ xấu: cuối tháng 01/2022, số dư là 762 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,04%, giảm 0,01% so với cuối năm 2021. Ước đến cuối tháng 02/2022, nợ xấu là 775 tỷ, tỷ lệ nợ xấu 1,05%, không tăng giảm so với cuối năm 2021.  Quỹ tín dụng nhân dân: đến cuối tháng 01/2022, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 1.274 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 1,5% so 12/2021, trong đó: vốn điều lệ chiếm 2,6%, vốn huy động chiếm 88,6%; tổng dư nợ cho vay đạt 889,8 tỷ đồng, tăng 11,9 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 1,36% so 12/2021. Nợ xấu: số dư 3,5 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,4%, tương đương so 12/2021.  VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  Trong tháng, Hội đồng tư vấn tập trung cho các nội dung công việc: Tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN; nghiệm thu kết thúc các nhiệm vụ KH&CN; hướng dẫn lập hồ sơ sở hữu trí tuệ và cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ; hướng dẫn việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan hành chính; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ KH&CN. Đến tháng 02/2022, Quyết định triển khai 03 nhiệm vụ, trong đó 02 cấp tỉnh, 01 cấp cơ sở; nghiệm thu giai đoạn 02 nhiệm vụ cấp cơ sở; nghiệm thu kết thúc 01 nhiệm vụ cấp tỉnh; quyết định công nhận 11 nhiệm vụ, trong đó 08 cấp tỉnh, 03 cấp cơ sở; gia hạn 01 nhiệm vụ cấp tỉnh.  VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI  1. Lao động việc làm:  Trong tháng tư vấn cho 3.159 lượt lao động, tăng 140,6% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: tư vấn nghề cho 139 lượt lao động, tư vấn việc làm 226 lao động; tư vấn việc làm cho lao động thất nghiệp 2.718 lượt lao động, tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 76 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 122 lượt lao động. Tư vấn cho 54 lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.  Tiếp nhận 2.840 người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 334,9% so với cùng kỳ năm 2021; 2.789 người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 283,1% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số tiền chi trả 48,4 tỷ đồng, tăng 295,7% so với cùng kỳ năm 2021; 2.840 lượt lao động thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm và không có người lao động thất nghiệp đăng ký học nghề, tăng 337,6% so với cùng kỳ năm 2021.  Ngoài ra, ghi nhận 01 vụ ngừng việc tập thể vào buổi chiều ngày 19/01/2022 với khoảng 300/800 người lao động tham gia tại Công ty TNHH Sản phẩm Thể thao Giải trí BestWay Việt Nam, vốn 100% nước ngoài, chuyên sản xuất các loại sản phẩm giải trí bơm hơi và các sản phẩm máy bơm điện, phụ kiện nhựa,..; nguyên nhân ngừng việc do người lao động không đồng ý cách tính thưởng Tết năm 2022 do bị trừ đi 04 tháng ngừng việc vì dịch Covid-19. Đến sáng ngày 21/01/2022, Công ty đã đồng ý tính thưởng luôn cho 04 tháng ngừng việc do dịch Covid-19 và hỗ trợ thêm 100.000 đồng/người lao động vì không tổ chức tiệc Tất niên, nên người lao động đã quay trở lại làm việc bình thường, tình hình lao động tại Công ty đã ổn định.  2. Chính sách xã hội:  Trong tháng, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ 9.391 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động nghỉ việc không hưởng lương của 40 lượt doanh nghiệp, đơn vị do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 với số tiền đề nghị là 37,8 tỷ đồng và 17.917 người lao động ngừng việc có hưởng lương ngừng việc của 20 lượt doanh nghiệp, đơn vị với số tiền đề nghị là 23,9 tỷ đồng; 46 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền đề nghị là 186,6 triệu đồng. Tính đến nay, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ 108.280 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động nghỉ việc không hưởng lương của 916 lượt doanh nghiệp, đơn vị với số tiền đề nghị là 372 tỷ đồng; 35.214 người lao động ngừng việc có hưởng lương của 59 lượt doanh nghiệp, đơn vị với số tiền đề nghị là 46,7 tỷ đồng; 74 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền đề nghị là 303,5 triệu đồng.  Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ: 93.548 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động nghỉ việc không hưởng lương của 709 lượt doanh nghiệp, đơn vị; 5.327 người lao động ngừng việc của 21 lượt doanh nghiệp, đơn vị; 28 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền hỗ trợ là 320,9 tỷ đồng; Ủy ban nhân dân cấp huyện đã chi hỗ trợ 86.035 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động nghỉ việc không hưởng lương của 594 lượt doanh nghiệp, đơn vị với số tiền là 283,7 tỷ đồng; 652 người lao động ngừng việc của 11 lượt doanh nghiệp, đơn vị với số tiền là 786 triệu đồng; 28 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền là 116,88 triệu đồng.  Bên cạnh đótrông dịp tết, Tỉnh cũng đã tổ chức thăm, tặng quà người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và các đơn vị tập trung nhân dịp Tết Nhâm Dần năm 2022 với tổng số tiền thăm hỏi là 62.236 triệu đồng (kinh phí Trung ương: 11.639 triệu đồng), trong đó: Tặng quà, trợ cấp cho người có công với cách mạng: nguồn từ Trung ương 38.194 người với 11.639 triệu đồng; nguồn địa phương 69.460 người với số tiền 27.134 triệu đồng; Thăm gia đình chính sách và các đơn vị tập trung (nguồn kinh phí Trung ương) với số tiền 739,5 triệu đồng; Tổ chức bữa cơm cho trại viên, học viên tập trung nuôi dưỡng và học tập ở các đơn vị xã hội (nguồn kinh phí địa phương): 1.180 người với số tiền 139,5 triệu đồng; Trợ cấp hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo: 26.223 hộ với số tiền 11.100,6 triệu đồng; Hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid-19: 24.610 hộ với số tiền 7.383 triệu đồng; Hỗ trợ lực lương y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19: 191 đơn vị với số tiền 1.010 triệu đồng; Thăm người cao tuổi: 2.401 người với số tiền 3.090 triệu đồng.  3. Hoạt động y tế:  Covid - 19: Ngày 23/02/2022 Sở Y tế đã ban hành quyết định số 331/QĐ-SYT công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (tuần đánh giá 17 – 23/02). Theo đó, toàn tỉnh Tiền Giang thuộc cấp độ 1; 11/11 huyện, thành, thị thuộc cấp độ 1. Kể từ ngày có ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng 5/6/2021 đến 23/2/2022 toàn tỉnh ghi nhận 35.452 ca, 31.969 ca được điều trị khỏi; 1.225 ca tử vong.           Bệnh truyền nhiễm tháng 02 năm 2022 ghi nhận 05/44 bệnh truyền nhiễm. So cùng kỳ về số ca mắc được ghi nhận trên địa bàn tỉnh: có 01 bệnh tăng (Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Covid-19); 12 bệnh giảm (Lao phổi, Quai bị, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thương hàn, thủy đậu, tiêu chảy, uốn ván khác, viêm gan siêu vi B, Viêm gan siêu vi C, viêm não virus khác); 31 bệnh tương đương và hoặc không xảy ra ca mắc; Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết trong tháng ghi nhận 43 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, giảm 81,9% so với tháng cùng kỳ năm 2021, không ghi nhận tử vong do Sốt xuất huyết Dengue; Phòng chống HIV/AIDS: Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 6.073 người nhiễm HIV; 1.807 người chuyển sang AIDS; tử vong do AIDS 1.224 người.  Công tác hoạt động khám chữa bệnh trong tháng so với cùng kỳ: tổng số lần khám bệnh 249.865 lần giảm 42,5%; tổng số người điều trị nội trú 12.057 người giảm 33,8%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 50,9%.  4. Hoạt động giáo dục:  Sau Tết từ ngày 7/02/2022 học sinh từ lớp 7 đã đi học trực tiếp. Ngày 15/2/2022 UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành công văn số 771/UBND-KGVX. Theo đó, từ ngày 21-2, bên cạnh học sinh khối 7 đến 12, học sinh khối 1, 2, 5, 6 và trẻ mầm non 5 tuổi được trở lại trường. Tiếp tục ngày 24-2, học sinh khối 3, 4 và trẻ mầm non dưới 5 tuổi sẽ đi học trực tiếp trở lại.   5. Hoạt động văn hóa - thể thao:  Xuân Nhâm Dần 2022: Tỉnh Tiền Giang đã thực hiện cụm tiểu cảnh hoa tươi, đường chiếu sáng nghệ thuật, trưng bày ảnh đẹp du lịch tỉnh nhà; công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 30/01/2022 đến ngày 04/02/2022 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến ngày mùng 4 tết). Tại quảng trường diễn ra các hoạt động như: Hội thi trưng bày cây cảnh, bonsai, hoa lan do Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang tổ chức, thu hút 11 đơn vị huyện, thành, thị tham gia giao lưu; Chương trình giao lưu các ban nhạc; Chương trình đờn ca tài tử; Chương trình giao lưu âm nhạc đường phố; Chung kết Hội thi Tiếng hát mùa xuân Nhâm Dần năm 2022; Chương trình ca nhạc tổng hợp, ảo thuật, hiphop; Biểu diễn nhạc nước; Toàn tỉnh đã tổ chức 28 cuộc liên hoan, hội thi, hội thao (trong đó có 02 hội thi cấp tỉnh với sự tham gia đầy đủ của 11 đơn vị huyện, thành, thị); 11/11 huyện, thành phố, thị xã đều tổ chức các điểm chợ hoa cây cảnh. Riêng tại thành phố Mỹ Tho, chợ hoa được bố trí tại Quảng trường tỉnh với khoảng 250 lô, thực hiện trong 11 ngày, từ ngày 21/01 đến 31/01/2022 (nhằm ngày 19 đến ngày 29 tháng Chạp); Tổ chức chương trình nghệ thuật chào đón giao thừa năm 2022 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh. Chương trình bắt đầu từ 21 giờ 30 phút đêm 31/01/2022 (tức là đêm 29 tháng Chạp) và được truyền hình trực tiếp trên sóng Phát thanh – Truyền hình Tiền Giang để phục vụ nhân dân. Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của 150 đại biểu, được thực hiện bởi Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật và một số nghệ sĩ đến từ thành phố Hồ Chí Minh.  Hoạt động bảo tàng: trưng bày chuyên đề 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, di sản văn hóa Việt Nam. Trong tháng đã đón 2.790 lượt khách đến Bảo tàng tỉnh và các di tích trực cấp quốc gia.  Hoạt động văn hóa, nghệ thuật: tổ chức 03 hội thi cấp tỉnh (Hội thi Tuyến đường cờ - hoa Mừng Đảng - Mừng xuân Nhâm Dần 2022, Hội thi Tiếng hát Mùa Xuân tỉnh Tiền Giang năm 2022 và Hội thi hoa lan). Tổ chức 18 buổi biểu diễn phục vụ Nhân dân dịp tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, trong đó có chương trình nghệ thuật chào đón giao thừa năm 2022. Thực hiện 30 trụ cờ, 20 pano, 20 băng ron và 170 cờ các loại. Tổ chức 24 suất nhạc nước phục vụ Nhân dân với hơn 80 nghìn. lượt khách tham quan.  Hoạt động thư viện: tổ chức trưng bày, triển lãm Hội báo xuân Nhâm Dần năm 2022 tại Thư viện tỉnh. Trong tháng, Thư viện tỉnh đã phục vụ 486 lượt bạn đọc, với 2.416 lượt sách ra lưu hành với các thể loại. Hệ thống thư viện huyện, xã đã có 2.745 lượt bạn đọc, với 12.812 lượt sách báo lưu hành. Tổng số sách hiện có trong 8 Thư viện huyện là 247.889 bản và 156 loại báo, tạp chí.  Hoạt động thể dục – thể thao: Tết Nhâm Dần năm 2022 do không tổ chức Hội xuân nên cấp tỉnh không tổ chức các giải thể thao; các địa phương đã tổ chức 08 giải thể thao quần chúng cấp huyện và 07 giải thể thao cấp xã với quy mô nhỏ. Vận động viên được tổ chức tập luyện theo giáo án online. Tất cả vận động viên đã được tập trung trở lại Trung tâm để tập luyện và chuẩn bị tham gia các giải đấu theo kế hoạch năm 2022.  6. Tình hình an ninh trất tự và an toàn xã hội: (Theo báo cáo của Ngành công an)  Tội phạm về trật tự xã hội ghi nhận 30/69 vụ giảm 56,5% so với tháng 01/2022, làm chết 03 người, bị thương 04 người, tài sản thiệt hại khoảng 423 triệu đồng; trong đó xảy ra 03 vụ giết người trên địa bàn huyện Cái Bè và thị xã Gò Công, nguyên nhân do mâu thuẫn vợ chồng, anh em ruột và mâu thuẫn bộc phát trong sinh hoạt hàng ngày; 03 vụ cố ý gây thương tích, 01 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi, 01 vụ cướp tài sản, 03 vụ cướp giật tài sản, 02 vụ hủy hoại tài sản, 17 vụ trộm cắp tài sản và 01 vụ tố chức đánh bạc.  Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 52 tụ điểm cờ bạc, 317 đối tượng liên quan; 15 vụ, 19 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và xử lý vi phạm hành chính 43 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; 01 vụ, 01 đối tượng có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; 02 vụ, 02 đối tượng có hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (thu giữ 6.780 bao thuốc lá ngoại nhập lậu); 01 vụ, 01 đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (mỹ phẩm), 06 trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường; xử lý hành chính 03 trường hợp giết mổ động vật trái phép, 02 trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 02 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực thú y.  7. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo Ngành công an)  Tai nạn giao thông đường bộ: Tình hình tai nạn giao thông trong tháng ghi nhận 44 vụ tăng 18 vụ so tháng trước và giảm 47 vụ so cùng kỳ, làm chết 28 người tăng 12 người so tháng trước và giảm 15 người so cùng kỳ, bị thương 28 người tăng 10 người so tháng trước và giảm 32 người so cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tháng xảy ra 3.041 vụ giảm 187 vụ so tháng trước và giảm 367 vụ so cùng kỳ. Chủ yếu các vi phạm nhiều như: không giấy phép lái xe, chạy quá tốc độ qui định, không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, đậu đỗ không đúng qui định, uống rượu điều khiển phương tiện, thiết bị an toàn không đảm bảo... Các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu vẫn do ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông như: điều khiển xe khi có rượu bia, phóng nhanh vược ẩu, không làm chủ tốc độ; không đi đúng phần đường, làn đường; không nhường đường, vượt đèn đỏ, thiếu quan sát…  Tai nạn giao thông đường thủy: Trong tháng không ghi nhận, giảm 01 vụ so tháng trước tương đương so cùng kỳ năm trước. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 1.521 vụ giảm 187 vụ so tháng trước và giảm 367 vụ so cùng kỳ; trong đó không bằng cấp chuyên môn, chở quá vạch mớn nước an toàn, thiếu trang thiết bị an toàn...  Trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán năm 2022 (Từ ngày 31/01/2022 đến 04/02/2022 - nhằm ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu đến Mùng 4 Tết Nhâm Dần 2022): Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 xảy ra so với cùng kỳ 05 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 ghi nhận 13/14 vụ giảm 01 vụ, làm chết 07/06 người tăng 01 người, 08/16 người bị thương giảm 08 người.  8. Tình hình cháy nổ, môi trường:  Trong tháng 02/2022 ghi nhận 01 vụ cháy cơ sở kinh doanh và nhà dân, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 500 triệu đồng; nguyên nhân do chập điện. Cộng dồn từ đầu năm ghi nhận 03 vụ cháy, giá trị thiệt hại tài sản 750 triệu đồng. Về lĩnh vực môi trường, có 08 vụ vi phạm đối với 02 tổ chức và 06 cá nhân về môi trường, tăng 07 vụ so với tháng trước và 06 vụ so với cùng kỳ. Đã xử lý với tổng số tiền xử phạt là 1.617 triệu đồng. Vi phạm do thăm dò nước dưới đất không đúng theo giấy phép; thi công giếng khoan không đúng theo quy trình, thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt theo giấy phép; không thông báo bằng văn bản về vị trí, quy mô công trình khoan nước dưới đất và thời gian dự kiến thi công cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép; thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; khai thác sử dụng nước dưới đất không có giấy phép và thăm dò nước dưới đất không có giấy phép; không báo cáo kết quả giám sát chất thải định kỳ (một năm một lần trước ngày 31 tháng 01 hàng năm) cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định; khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép.

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang Tháng 01 năm 2022
  •   18/06/2024 15:41

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ngay từ đầu năm song song với kế hoạch phòng chống, dịch Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng địa phương; chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển, chủ động nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân; tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách và nhân dân vui xuân đoán Tết, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Kết quả thực hiện ở các lĩnh vực cụ thể như sau:  I. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ THỦY SẢN  1. Nông nghiệp  Cây lương thực có hạt: trong tháng gieo trồng 11.842 ha tăng 55,5% so cùng kỳ với sản lượng 558 tấn tăng 14,4% so cùng kỳ; ước tính đến cuối tháng 01/2022 gieo trồng được 50.038 ha giảm 4,6% so cùng kỳ với sản lượng 1.662 tấn tăng 1,5% so cùng kỳ, trong đó gieo sạ lúa vụ Đông Xuân đạt 49.192 ha, đạt 40,2% kế hoạch, giảm 4,8% so cùng kỳ, do dự báo năm nay hạn mặn đến sớm nên một số hộ dân chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng màu và trồng cây ăn quả như: sầu riêng, mít, thanh long.  - Cây ngô: trong tháng gieo trồng 318 ha tăng 9,4% so cùng kỳ, thu hoạch 156 ha tăng 13,3% so cùng kỳ, với sản lượng 558 tấn tăng 14,4% so cùng kỳ. Ước tính đến cuối tháng 01/2022, gieo trồng được 846 ha tăng 6,1% so cùng kỳ, thu hoạch 459 ha tăng 0,9% so cùng kỳ với sản lượng 1.662 tấn tăng 1,5% so cùng kỳ.  Cây rau đậu các loại: trong tháng gieo trồng 5.532 ha so cùng kỳ, thu hoạch 5.232 ha với sản lượng 107.666 tấn; ước tính đến cuối tháng Một, gieo trồng 20.519 ha, đạt 35,5% kế hoạch, tăng 21,2% so cùng kỳ, thu hoạch 16.456 ha với sản lượng 339.204 tấn, đạt 29% kế hoạch, tăng 21,9% so cùng kỳ (trong đó: rau các loại 20.483 ha tăng 21,2% so cùng kỳ, thu hoạch 16.441 ha tăng 22,2% với sản lượng 339.160 tấn tăng 21,9% so cùng kỳ) do nông dân tập trung chăm sóc rau màu để phục vụ Tết nguyên đán.  Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tại thời điểm 1/01/2022 như sau: đàn bò 125,8 ngàn con, tăng 4,8% so cùng kỳ. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 2.638 tấn tăng 5,6% so cùng kỳ; đàn lợn 279 ngàn con, tăng 2,5% so cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 8.638 tấn giảm 7,3% so cùng kỳ; đàn gia cầm (không kể chim cút) 17,3 triệu con, giảm 4,8% so cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 4.572 tấn tăng 2,9% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn gia súc tăng do hộ dân tái đàn nhiều sau dịch bệnh Covid – 19, một số hộ chăn nuôi chuyển đổi canh tác từ trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò; Đàn gia cầm giảm do nhiều hộ giảm đàn, ngừng chăn nuôi vì không có hiệu quả kinh tế.  Tình hình dịch bệnh (Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang): Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) Trong tháng ghi nhận 51 trường hợp heo mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với tổng đàn 1.983 con. Số heo được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 1.469 con, trọng lượng 65.727 kg. Luỹ kế từ ngày 14/12/2021 có 1.983 con heo mắc bệnh DTLCP. Tổng số heo được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 1.469 con với khối lượng 65.727 kg. Ngoài ra, địa phương tiêu hủy heo bệnh chết trước ngày 14/12/2021 với số lượng 354 con/18.015 kg.  2. Lâm nghiệp:  Ước tháng 01/2022 toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 1,02 ngàn cây phân tán các loại, tăng 70% so với cùng kỳ, do trồng trên những tuyến đường đi ở một số xã chuẩn bị ra mắt Nông thôn mới của huyện Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Tây.  3. Thủy hải sản:  Diện tích nuôi thủy sản các loại trong tháng 6.359 ha, đạt 42,1% kế hoạch và tăng 5,3% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi 2.588 ha, giảm 4,5% so cùng kỳ do thời tiết đang chuyển mùa lạnh kết hợp với mực nước nội đồng thấp nên một số hộ nuôi nhỏ lẻ chưa tiến hành thả nuôi. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi được 3.770 ha, tăng 13,2% so cùng kỳ, chủ yếu là tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh và quảng canh cải tiến thời gian nuôi ngắn hơn.  Sản lượng thủy sản trong tháng ước tính thu hoạch 21.019 tấn, đạt 7,3% kế hoạch, tương đương so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 10.729 tấn, giảm 1,4% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 10.290 tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ.  II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP  Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 tăng 11,7% so với tháng 12/2021 (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%) và giảm 4,8% so cùng kỳ (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 9,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,2%;).  Chỉ số sản xuất sản phẩm trong tháng so cùng kỳ như sau:  Có 17/39 sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng so cùng kỳ: thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên tăng 210,7%; đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người tăng 74,1%; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài tăng 62,9%; áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ, áo gió cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 51%; các sản phẩm bằng vật liệu tết bện khác tăng 48,6%; bao và túi (kể cả loại hình nón) từ plastic khác tăng 44,5%; bia đóng chai tăng 38,7%; các bộ phận của bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động khác tăng 33,3%; điện thương phẩm tăng 11,2%; phân vi sinh tăng 11,2%; thuốc diệt cỏ, thuốc chống nảy mầm và thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng tăng 3,8%; …  Có 22/39 sản phẩm có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ: dịch vụ tiện các bộ phận kim loại giảm 75,7%; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền giảm 75,6%; giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic giảm 51,4%; thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc cột trụ chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm giảm 26%; Tàu thuyền lớn chuyên chở người và hàng hóa có động cơ đẩy giảm 23,7%; phi lê đông lạnh giảm 19,1%; ống và ống dẫn bằng đồng giảm 14,8%; nước uống được giảm 9,7%; cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo giảm 5,5%; màn bằng vải khác giảm 3,2%; bộ com lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 3%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế giảm 0,7%;…  Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 01/2022 so với tháng trước tăng 1,96%, (trong đó doanh nghiệp nhà nước tăng 0,12%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 2,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,84%) và tăng 22,61% so cùng kỳ. Chia theo ngành công nghiệp, chỉ số sử dụng lao động tăng 22,61%, (trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 23,36%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,81%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải giảm 9,79%).  * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:  - Chỉ số tiêu thụ tháng 01/2022 so với tháng trước tăng 2,32% và giảm 9,95% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: dệt tăng 5,61%, trong đó sản xuất hàng may sẳn tăng 82,71%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 48,04%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 42,45%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic tăng 38,81%; sản xuất kim loại tăng 39,8%; … Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 26,26%, trong đó chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản giảm 45,33%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 0,59%; sản xuất thiết bị điện giảm 55,5%, trong đó sản xuất mô tơ giảm 83,46%; …  - Chỉ số tồn kho tháng 01/2022 so với tháng trước tăng 14,9% và so với cùng kỳ giảm 34,21%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất đồ uống giảm 4,89%, trong đó sản xuất bia giảm 4,89%; sản xuất trang phục giảm 93,08%; chế biến gỗ giảm 60,87%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 16,81%; sản xuất kim loại giảm 80,13%; sản xuất thiết bị điện giảm 62,98%, trong đó sản xuất mô tơ điện giảm 62,63%; … Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 47,89%, trong đó sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 48,33%; Dệt tăng 14,36%, trong đó sản xuất hàng may sẳn tăng 29,51%; Sản xuất da tăng 19,07%, trong đó sản xuất giày dép tăng 14,99%; Sản xuất giấy tăng 138,46%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 190,82%;...  * Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.  Thực hiện Công văn số 6526/UBND-KT ngày 28/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hướng dẫn thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.  - Đến nay có 168/177 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đã được hướng dẫn, góp ý để thông qua phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.  - Ngoài khu, cụm công nghiệp, hiện có 292 doanh nghiệp đang hoạt động theo các phương án đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, thông qua. Còn lại 788 doanh nghiệp công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa xây dựng phương án trình phê cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.  * Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:   - Khu công nghiệp: đến nay tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083,5 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Trong tháng 01, Ban Quản lý các khu công nghiệp không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, điều chỉnh 05 giấy chứng nhận đầu tư (trong đó có 01 dự án điều chỉnh tăng vốn cho 03 dự án (trong đó có 1 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 33 triệu USD). Đến nay tổng số dự án tại các khu công nghiệp là 106 dự án (trong đó có 77 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.235,5 triệu USD và 4.575,9 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 518,9 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 67,4% diện tích đất cho thuê.  - Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (trong đó: có 6 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 150,3 triệu USD và 2.306,2 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 88,7 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 73,6% diện tích đất cho thuê.  III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG  Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng 165 tỷ đồng, đạt 4,2% kế hoạch, tăng 2,1% so cùng kỳ, giảm 75,3% so tháng trước do trong tháng thực hiện chủ yếu các công tình chuyển tiếp các công tình mới chưa thực hiện.  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 133 tỷ đồng, đạt 4,4% kế hoạch, tăng 2,2% so cùng kỳ, chiếm 80,5% tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 22,5 tỷ đồng, tăng 4,9%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 57,2 tỷ đồng, tăng 2,3% so cùng kỳ... Các Ban quản lý dự án, Chủ đầu tư tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để đưa vào sử dụng phục vụ đi lại vận chuyển hàng hóa dịp tết Nguyên đán.  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 27,8 tỷ đồng, đạt 5,4% kế hoạch, tăng 1,9% so cùng kỳ, chiếm 16,9% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 8,6 tỷ đồng, tăng 3,6% so cùng kỳ... Ban quản lý dự án huyện tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để đưa vào sử dụng phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết.  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 4,3 tỷ đồng, đạt 1,2% kế hoạch, tăng 1,8% so cùng kỳ, chiếm 2,6% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 1,1 tỷ đồng, tăng 1,9% so cùng kỳ...  IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ  1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội:  Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trong tháng thực hiện 6.745,7 tỷ đồng, tăng 2,5% so tháng trước và tăng 9,7% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 5.804 tỷ đồng, tăng 16,5%; lưu trú 2,7 tỷ đồng, giảm 16,3%; ăn uống 350 tỷ đồng, giảm 37,3%; du lịch lữ hành 0,9 tỷ đồng, giảm 22,7%; dịch vụ tiêu dùng khác 588 tỷ đồng, giảm 2,6% so cùng kỳ.  Hoạt động thương mại và xúc tiến thương mại:  Thực hiện Kế hoạch số 375/KH-UBND ngày 13/12/2021 về dữ trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký dự trữ, cung ứng hàng hoá với tổng trị giá vốn là 401,92 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu là 97,6 tỷ đồng. Ban hành Kế hoạch kiểm tra tình hình bố trí, sắp xếp kinh doanh, giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng, công tác phòng cháy chữa cháy và an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thời gian kiểm tra từ ngày 24/01/2022 đến ngày 26/01/2022.  2. Xuất - Nhập khẩu:  a. Xuất khẩu:  Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 323 triệu USD, đạt 9,6% kế hoạch, tăng 44,2% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 66 triệu USD, tăng 55,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 256 triệu USD, tăng 41,6% so cùng kỳ.  Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:  - Thủy sản: ước tính tháng 01/2022 xuất 9.090 tấn, tăng 27% so cùng kỳ; với giá trị là 30,3 triệu USD, đạt 9,5% kế hoạch, tăng 99,4% so cùng kỳ.  - Gạo: ước tính tháng 01/2022 xuất 13.940 tấn, tăng 26,1% so cùng kỳ; giá trị là 7,8 triệu USD, tăng 19,8% so cùng kỳ.  - Hàng dệt, may: ước tính tháng 01/2022 xuất 8.558 ngàn sản phẩm, tăng 0,6% so cùng kỳ; giá trị xuất 53 triệu USD, đạt 8,8% kế hoạch ngành hàng dệt, may, tăng 42,3% so cùng kỳ.  Ngoài các mặt hàng chủ yếu, trị giá xuất khẩu một số mặt hàng trong 01/2022 như: sản phẩm từ chất dẻo 25 triệu USD, tăng 304,6%; kim loại thường khác và sản phẩm ( kể cả ống đồng) xuất 84 triệu USD, tăng 29,1%; giày dép các loại 41 triệu USD, giảm 11,3%... so cùng kỳ.  b. Nhập khẩu:  Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 01/2022 là 196 triệu USD, đạt 10,3% kế hoạch, tăng 1% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập 10 triệu USD, giảm 16,4%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 186 triệu USD, tăng 2,1% so cùng kỳ. Nguyên liệu nhập khẩu 01/2022 chủ yếu các mặt hàng như: nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 52 triệu USD, tăng 61,2%; vải các loại 13 triệu USD, giảm 30,1%; kim loại thường khác 77 triệu USD, giảm 11,2%; chất dẻo nguyên liệu 8 triệu USD, tăng 98,7%... so cùng kỳ.   3. Chỉ số giá:  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 giảm 0,18% so tháng 12/2021 (thành thị giảm 0,22%, nông thôn giảm 0,17%); so cùng kỳ năm trước tăng 2,91%.  So với tháng 12/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 08 nhóm tăng: đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,3%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%; giao thông tăng 1,41%; giáo dục tăng 0,03%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06 và nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,33%. Có 03 nhóm giảm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,78%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,43%; bưu chính viễn thông giảm 0,08%.  Một số mặt hàng có chỉ số giá tăng như sau:  - Nhu cầu tiêu dùng gạo cuối năm tăng, tác động đến giá gạo bán lẻ thị trường nội địa tháng này tăng 0,28% so với tháng trước;  - Giá xăng dầu điều chỉnh tăng vào các ngày: 25/12/2021, ngày 11/01/2022 và ngày 21/01/2022, tính chung: giá xăng E5-III tăng 1.560 đồng/lít, giá xăng A95 tăng 1.510 đồng/lít, giá dầu diezen 0,05S tăng 1.570 đồng/lít so với tháng trước, tác động chỉ số giá xăng dầu tăng 2,53%, làm cho CPI chung tăng 0,11%;  - Nhu cầu sửa chữa nhà cửa vào dịp cuối năm tăng, dẫn đến giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,19%;  - Nhu cầu may quần áo và một số dịch vụ phục vụ cá nhân vào thời điểm cuối năm tăng, nên giá tăng như: dịch vụ may mặc tăng 1,91%, giá cắt tóc, gội đầu tăng 1,61% so với tháng trước.  Một số mặt hàng chỉ số giá giảm:  - Do tình hình xuất khẩu hàng hóa nông sản sang Trung Quốc đang gặp khó khăn, dẫn đến một số mặt hàng trong nước sản lượng dồi dào, giá giảm như: rau xanh, trái cây, thịt lợn, thủy hải sản tươi sống...tác động nhóm thực phẩm trong tháng giảm 1,34%, góp phần kềm hãm tốc độ tăng CPI chung tháng 01/2022 ở mức 0,29% so với tháng trước;  - Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tình hình sản xuất đang gặp khó khăn… để cạnh tranh thu hút lao động các nơi đến ở và làm việc, các chủ nhà trọ chủ động giảm giá tiền phòng cho người lao động, dẫn đến giá giảm 0,49% so với tháng trước;  - Giá gas giảm 3,71% tương ứng giảm 15.000 đồng/bình 12 kg vào ngày 01/01/2022;  - Tại Tiền Giang đang bước vào mùa lạnh, nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân giảm, tác động đến giá giảm 1,67% so với tháng trước;   - Giá ô tô đã qua sử dụng giảm 0,41%, giá thiết bị điện thoại giảm 0,23% so với tháng trước do nhiều đại lý, cửa hàng đưa những gói ưu đãi, giảm giá nhằm kích thích sức mua của người tiêu dùng vào dịp cuối năm.  Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 01/2022 tăng 0,86% so tháng trước; giá bình quân trong tháng là 5.302 ngàn đồng/chỉ, giảm 206 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.  Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 01/2022 giảm 0,32% so tháng trước, giá bình quân 22.902 đồng/USD, giảm 285 đồng/USD so cùng kỳ.  4. Du lịch:  Khách du lịch đến trong tháng 01/2022 ước tính 18,5 ngàn lượt khách, tăng 7,9% so tháng trước và giảm 63,2% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 0,6 ngàn lượt khách, tăng 6,3% so tháng trước và giảm 30,4% so cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng đạt 941,7 tỷ đồng, tăng 16% so tháng trước và giảm 19,3% so cùng kỳ. Phân theo nhóm ngành hàng: doanh thu ăn uống 350 tỷ đồng, tăng 10,7%; doanh thu lưu trú 2,7 tỷ đồng, tăng 7,9%; doanh thu du lịch lữ hành 0,9 tỷ đồng, tăng 9,3% và dịch vụ tiêu dùng khác 588 tỷ đồng, tăng 19,5% so tháng trước.  5. Vận tải:  Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 130 tỷ đồng, tăng 4,3% so tháng trước và bằng 74,8% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 28,4 tỷ đồng, giảm 43,1%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 87,2 tỷ đồng, giảm 19% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 55,8 tỷ đồng, giảm 37,2%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 59,8 tỷ đồng, giảm 13%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 14,6 tỷ đồng, giảm 12% so cùng kỳ.  Vận tải hành khách trong tháng đạt 2.163 ngàn hành khách, tăng 7,1% so tháng trước và bằng 77,4% so cùng kỳ; luân chuyển 26.104 ngàn hành khách.km, tăng 7,1% so tháng trước và bằng 46,6% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 788 ngàn hành khách, bằng 58,3% và luân chuyển 24.642 ngàn hành khách.km, bằng 45,6% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 1.375 ngàn hành khách, bằng 95,4% và luân chuyển 1.462 ngàn hành khách.km, bằng 76,2% so cùng kỳ.  Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 845 ngàn tấn, tăng 3,5% so tháng trước và giảm 16,1% so cùng kỳ; luân chuyển 109.864 ngàn tấn.km, tăng 3,5% so tháng trước và giảm 12,7% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 193 ngàn tấn, giảm 21,1% và luân chuyển 20.564 ngàn tấn.km, giảm 21,1% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 652 ngàn tấn, giảm 14,5% và luân chuyển 89.300 ngàn tấn.km, giảm 10,5% so cùng kỳ.  * Công tác quản lý phương tiện giao thông:                          Trong tháng đăng ký mới 4.995 chiếc mô tô xe máy, 145 chiếc ô tô, 23 chiếc xe đạp điện và xe khác 11 chiếc. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh 1.366.459 chiếc, trong đó mô tô xe máy: 1.323.867 chiếc, 41.744 xe ô tô, 151 xe ba bánh, 224 xe đạp điện và 473 xe khác.  6. Bưu chính viễn thông:  Doanh thu trong tháng 01/2022 đạt 265,9 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 3,4% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 25 tỷ đồng, tăng 8,6% và viễn thông 240,9 tỷ đồng, tăng 2,9% so cùng kỳ.  Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 01/2022 là 102.316 thuê bao, mật độ bình quân đạt 5,77 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 01/2022 là 291.760 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 16,45 thuê bao/100 dân.  V. TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG  1. Tài chính:  Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng ước thực hiện 1.340 tỷ đồng, giảm 2,5% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 1.020 tỷ đồng, đạt 11,6% dự toán, giảm 13,3% so cùng kỳ; thu nội địa 1.000 tỷ đồng, đạt 11,7% dự toán, giảm 13,9% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 345 tỷ đồng, đạt 12,5% dự toán, giảm 16,5% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 150 tỷ đồng, đạt 15,6% dự toán, giảm 20,1% so cùng kỳ, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 260 tỷ đồng, đạt 10,3% dự toán, giảm 14,1% so cùng kỳ...).  Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 1.105 tỷ đồng, đạt 9% dự toán, tăng 67,1% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 225 tỷ đồng, đạt 5,7% dự toán, giảm 23,7% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 810 tỷ đồng, đạt 10,8% dự toán và bằng 240,2% so cùng kỳ.  2. Ngân hàng:  Trong tháng 01/2022, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển Kinh tế - xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngành ngân hàng. Mặt bằng lãi suất ổn định tạo điều kiện cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid. Đến cuối tháng 12/2021, vốn huy động đạt 79.489 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2020, đạt 96,15% kế hoạch. Ước tính đến cuối tháng 01/2022, nguồn vốn huy động đạt 78.059 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cuối năm 2021.  Đến cuối tháng 12/2021, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 878 tỷ đồng, tăng 27 tỷ so với cuối năm 2020, tỷ lệ tăng 3,1%, (trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 47,66%, dư nợ trung dài hạn chiếm tỷ trọng 52,34%).  Nợ xấu: cuối tháng 12/2021 số dư là 756 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,1 %, giảm 0,03% so với cuối năm 2020. Ước đến cuối tháng 01/2022, nợ xấu là 765 tỷ, tỷ lệ nợ xấu 1,1%, tương đương so với cuối năm 2021.  Quỹ tín dụng nhân dân: đến cuối tháng 12/2021, tổng nguồn vốn huy động 1.255 tỷ đồng, tăng 123 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 10,9% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay 877,9 tỷ đồng, tăng 26,68 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 3,3% so với đầu năm. Nợ xấu là 3,6 tỷ đồng, chiếm 0,4%, tăng 0,1% so với đầu năm.  Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cụ thể như sau:  + Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhớm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN:  Đến hết ngày 31/12/2021, Các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.361 khách hàng với giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lũy kế từ 23/01/2020 là 2.061 tỷ đồng.  + Chính sách giảm lãi suất cho vay (LSCV) đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19  Tính đến nay, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 98.000 khách hàng với dư nợ trên 29.272 tỷ đồng. Lũy kế từ 13/3/2020 đến hết 31/12/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng hơn 370 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lớn (cam kết giảm lãi suất từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021) lũy kế từ 15/7/2021 là hơn 122 tỷ đồng.  + Cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi suất trước khi có dịch bệnh Covid-19: các TCTD đã cho vay mới với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2021 đến nay đạt 262.660 tỷ đồng.  Chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 08/10/2021) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021): Đến hết ngày 23/12/2021, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã cho vay 37 đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn để trả lương cho 18.870 lượt người lao động với số tiền 67,375 tỷ đồng, thời gian cho vay 11 tháng, lãi suất 0%/năm   VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  Trong tháng, Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ triển khai 3 nhiệm vụ KH&CN; đánh giá nghiệm thu kết thúc 01 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; nghiệm thu giai đoạn 02 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở; gia hạn thời gian thực hiện 01 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.  Ban hành Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2021 của 03 tổ chức khoa học và công nghệ công lập .   VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI  1. Lao động việc làm:  Trong tháng 01/2022 tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ 6.726 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động nghỉ việc không hưởng lương của 217 lượt doanh nghiệp, đơn vị với số tiền đề nghị là 24,3 tỷ đồng và 17.254 người lao động ngừng việc có hưởng lương ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019 hoặc thuộc đối tượng cách ly, phong tỏa,… của 36 lượt doanh nghiệp, đơn vị với số tiền đề nghị là 22,3 tỷ đồng; 20 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền đề nghị là 83,2 triệu đồng.  Trong tháng tư vấn cho 2.720 lượt lao động, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: tư vấn nghề cho 77 lượt lao động, tư vấn việc làm 104 lượt lao động, tư vấn việc làm cho lao động thất nghiệp cho 2.486 lượt lao động, tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 53 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 121 lượt lao động, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2021; đã giới thiệu cho 84 lao động có được việc làm ổn định, tương đương so với cùng kỳ năm 2021. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: tư vấn cho 58 lượt lao động, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021; có 01 lao động xuất cảnh chính thức Nhật Bản, giảm 45 người lao động so với cùng kỳ năm 2021. Vấn đề bảo hiểm thất nghiệp: tiếp nhận 3.039 người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp; 2.050 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số tiền chi trả tương đương 38,8 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021; có 3.913 lượt lao động thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm và có 01 người lao động thất nghiệp đăng ký học nghề.  Tình hình thực hiện chế độ tiền lương năm 2021 và kế hoạch thưởng Tết năm 2022 đối với người lao động của các doanh nghiệp theo số liệu của 50 doanh nghiệp với 75.146 lao động (doanh nghiệp FDI là 68.225 lao động, chiếm 90% tổng số lao động được tổng hợp), tiền lương thực trả bình quân (bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định pháp luật lao động) năm 2021 là 6,7 triệu đồng/người/tháng, giảm 7% so với năm 2020 (năm 2020 thống kê 97 doanh nghiệp với 90.256 lao động, tiền lương bình quân là 7,2 triệu đồng/người/tháng), trong đó mức lương bình quân năm 2021 (không bao gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) là 5,5 triệu đồng/người/tháng, giảm 3,5% so với năm 2020 (năm 2020 là 5,7 triệu đồng/người/tháng).  Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2022 theo số liệu của 16 doanh nghiệp với 11.413 lao động thì mức thưởng bình quân là 758 nghìn đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 theo số liệu 47 doanh nghiệp với 74.777 lao động thì mức tiền thưởng Tết Âm lịch bình quân khoảng 6,2 triệu đồng/người (mức thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 qua thống kê của 86 doanh nghiệp với 87.620 lao động: bình quân là 6,6 triệu đồng/người).  2. Chính sách xã hội:  Trong tháng, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thăm, tặng quà người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và các đơn vị tập trung nhân dịp Tết Nhâm Dần năm 2022; Phê duyệt danh sách tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; Lập quyết định trợ cấp 1 lần cho thân nhân thờ cúng liệt sĩ theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, số lượng 72 hồ sơ, chuyển thờ cúng 11 hồ sơ; Lập quyết định trợ cấp mai táng phí 204 trường hợp; Trợ cấp tuất hàng tháng 15 trường hợp; Lập quyết định giải quyết chế độ ưu đãi giáo dục đối với 13 trường hợp; Lập quyết định trợ cấp cho 01 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 01 con liệt sĩ tàn tật; Cấp lại 32 giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ; Phân bổ và tổng hợp danh sách 05 căn nhà tình nghĩa do đồng chí Võ Thị Ánh Xuân – UV BCH Trung ương Đảng, PCT nước CHXHCN Việt Nam tài trợ cho các huyện Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước, Gò Công Tây, thị xã Gò Công.   Ngoài ra, Tỉnh ban hành Kế hoạch thăm, tặng quà người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và các đơn vị tập trung nhân dịp Tết Nhâm Dần năm 2022. Dự kiến với tổng số tiền thăm hỏi là 62.236.370.000 đồng, trong đó kinh phí Trung ương là 11.639.400.000 đồng, cụ thể:  + Tặng quà, trợ cấp cho người có công với cách mạng: nguồn từ Trung ương 38.194 người với 11.639.400.000 đồng; nguồn địa phương 69.460 người với số tiền 27.134.200.000 đồng.  + Thăm gia đình chính sách và các đơn vị tập trung (nguồn kinh phí Trung ương) với số tiền 739.500.000 đồng.  + Tổ chức bữa cơm cho trại viên, học viên tập trung nuôi dưỡng và học tập ở các đơn vị xã hội (nguồn kinh phí địa phương): 1.180 người với số tiền 139.500.000 đồng.  + Trợ cấp hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo: 26.223 hộ với số tiền 11.100.600.000 đồng.  + Hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid-19: 24.610 hộ với số tiền 7.383.000.000 đồng.  + Hỗ trợ lực lương y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19: 191 đơn vị với số tiền 1.010.000.000 đồng.  + Thăm người cao tuổi: 2.401 người với số tiền 3.090.170.000 đồng.  3. Hoạt động y tế:  Covid – 19: Ngày 19/01/2022 Sở Y tế đã ban hành quyết định số 115/QĐ-SYT công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (tuần đánh giá 13 – 19/01). Theo đó, toàn tỉnh Tiền Giang thuộc cấp độ 1; huyện Châu Thành thuộc cấp độ 2, còn 10/11 huyện, thị, Thành phố còn lại thuộc cấp độ 1. Kể từ ngày có ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng 5/6/2021 đến 23/01/2022 toàn tỉnh có 35.215 ca, 28.541 ca được điều trị khỏi; 1.167 ca tử vong.       Bệnh truyền nhiễm trong tháng so cùng kỳ về số ca mắc được ghi nhận trên địa bàn tỉnh: 01 bệnh tăng (Covid-19); 12 bệnh giảm (Quai bị, Rubella, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thương hàn, thủy đậu, tiêu chảy, uốn ván khác, viêm gan siêu vi B, Viêm gan siêu vi C, viêm não virus khác); 31 bệnh tương đương và hoặc không xảy ra ca mắc; Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết trong tháng ghi nhận 46 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. Không ghi nhận tử vong do Sốt xuất huyết Dengue; Phòng chống HIV/AIDS: Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 6.052 người nhiễm HIV; 1.807 người chuyển sang AIDS; tử vong do AIDS 1.224 người.  Công tác hoạt động khám chữa bệnh trong tháng so với cùng kỳ năm 2021 tổng số lần khám bệnh 268.432 lần giảm 38,4%; tổng số người điều trị nội trú 11.526 lần giảm 39,7%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 52,4%.  4. Hoạt động giáo dục:  Ngày 3-1-2021, cùng với học sinh khối 9, 10, 12 của huyện Tân Phú Đông, học sinh khối 9 và 12 của các trường học ở các địa phương khác của Tiền Giang đã trở lại trường sau hơn 3 tháng học trực tuyến. Học sinh các khối lớp còn lại của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục học tập trực tuyến.  Ngành Giáo dục - Đào tạo Tiền Giang đã tổ chức kỳ thi lập đội tuyển học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022 từ ngày 22/12/2021 đến ngày 23/12/2021 với 313 thí sinh tại 02 địa điểm thi gồm trường THPT Chuyên Tiền Giang và Trường THPT Chợ Gạo. Kết quả cuộc thi, đã chọn ra được 54 học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp quốc gia.  Tổ chức hoàn thiện bằng tốt nghiệp THPT năm 2021. Phát hành bản chính bằng tốt nghiệp THPT năm 2021. Công khai thông tin cấp phát văn bằng tốt nghiệp năm học 2020-2021 trên Website Sở GDĐT để phục vụ tra cứu, xác minh.  5. Hoạt động văn hóa - thể thao:  Hoạt động văn hóa, nghệ thuật: tổ chức tổng kết cuộc thi ảnh “Tiền Giang vượt qua Covid” và hội thi cụm pano Tuyên truyền Hội nghị văn hóa toàn quốc. Câu lạc bộ Nhiếp ảnh, Hoa lan tổ chức trưng bày ảnh nghệ thuật, hoa chào tết dương lịch năm 2022. Ngoài ra, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiếp tục tập dợt chương trình phục vụ Nhân dân dịp tết nguyên đán và đêm giao thừa.  Hoạt động thư viện: Trong tháng Thư viện tỉnh đã phục vụ 448 lượt bạn đọc, với 2.109 lượt sách ra lưu hành với các thể loại. Hệ thống thư viện huyện, thư viện xã đã tiếp được 2.711 lượt bạn đọc, với 12.754 lượt sách báo lưu hành.  Về hoạt động thể dục – thể thao: Đội Điền kinh tham dự giải vô địch Điền kinh quốc gia năm 2021, từ ngày 02/12 – 14/12/2021 tại Hà Nội, kết quả đạt được 01 Huy chương Đồng; Đội Taekwondo tham dự giải VĐ Taekwondo toàn quốc năm 2021, từ ngày 14/12 – 20/12/2021, tại Thừa Thiên Huế, kết quả đạt 01 Huy chương Vàng; Đội Thể hình tham dự giải vô địch Thể hình Nam Cổ điển, Nữ Fitness và Nữ Body Fitness quốc gia năm 2021, từ ngày 15/12 – 18/12/2021 tại Tp Nha Trang, kết quả đạt 01 Huy chương Bạc, 01 Huy chương Đồng.  6. Tình hình an ninh trất tự và an toàn xã hội: (Theo báo cáo của Ngành công an) chưa có báo cáo cơ sở  Tội phạm về trật tự xã hội ghi nhận 69 vụ làm chết 02 người, bị thương 09 người, tài sản thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng; trong đó 01 vụ giết 02 người do mâu thuẫn tình cảm; 06 vụ cố ý gây thương tích; 02 vụ giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi; 57 vụ xâm phạm sở hữu và 03 vụ đánh bạc, tổ chức đánh bạc.  Phát hiện, xử lý 32 tụ điểm cờ bạc, 159 đối tượng liên quan; 08 vụ với 08 đối tượng có hành vi tàn trữ trái phép chất ma túy và xử lý vi phạm hành chính 69 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; 04 vụ với 07 đối tượng có hành vi tàn trữ, vận chuyển hàng cấm (2.490 bao thuốc lá ngoại nhập lậu).  7. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo Ngành công an)  Giao thông đường bộ: Tai nạn giao thông trong tháng xảy ra 26 vụ giảm 11 vụ so tháng trước và giảm 35 vụ so cùng kỳ, làm chết 16 người giảm 06 người so tháng trước và giảm 21 người so cùng kỳ, bị thương 18 người giảm 4 người so tháng trước và giảm 12 người so cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tháng xảy ra 2.830 vụ tăng 539 vụ so tháng trước và giảm 1.188 vụ so cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu vẫn do ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông như: điều khiển xe khi có rượu bia, phóng nhanh vược ẩu, không làm chủ tốc độ; không đi đúng phần đường, làn đường; không nhường đường, vượt đèn đỏ, thiếu quan sát…  Giao thông đường thủy: Trong tháng xảy ra 01 vụ tai nạn, tăng 01 vụ tương đương tháng trước và so cùng kỳ, số người chết và bị thương không phát sinh, tương đương so tháng trước và cùng kỳ, thiệt hại tài sản khoảng 294 triệu đồng. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 1.708 vụ tăng 147 vụ so tháng trước và giảm 209 vụ so cùng kỳ (trong đó chở quá vạch mớn nước an toàn 1.447 vụ).  Tết Dương lịch năm 2022 (Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 03/01/2022): Tai nạn giao thông đường bộ: xảy ra 02 vụ, giảm 07 vụ so cùng kỳ; bị thương 02 người giảm 05 người so cùng kỳ. Địa bàn xảy ra vụ tai nạn giao thông: Huyện Tân Phước 01 vụ và huyện Chợ Gạo 01 vụ. Nguyên nhân điều khiển xe máy đi không đúng phần đường quy định.  8. Tình hình cháy nổ, môi trường:  Trong tháng 01/2022 ghi nhận 2 vụ cháy cơ sở kinh doanh và nhà dân, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 250 triệu đồng; nguyên nhân do chập điện. Về lĩnh vực môi trường, có 01 vụ vi phạm của cá nhân về môi trường trên địa bàn tỉnh đã xử lý với tổng số tiền xử phạt là 57,8 triệu đồng. Vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; So với tháng trước giảm 03 vụ vi phạm (tháng 12/2021: 04 vụ vi phạm đã xử lý và tháng 01/2022: 01 vụ vi phạm đã xử lý).  Trong tháng 01/2022 có 01 vụ vi phạm của cá nhân về môi trường trên địa bàn tỉnh đã xử lý với tổng số tiền xử phạt là 57,8 triệu đồng. Vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; So với tháng trước giảm 03 vụ vi phạm (tháng 12/2021: 04 vụ vi phạm đã xử lý và tháng 01/2022: 01 vụ vi phạm đã xử lý).

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022
  •   18/06/2024 15:45

MỘT SỐ CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022(Được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa X, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2021)            1. Các chỉ tiêu kinh tế:           - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh 2010) tăng từ 6,0 – 7,0% so với năm 2021;           - GRDP bình quân đầu người đạt 60,24 triệu đồng;           - Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,35 tỷ USD;           - Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 41.750 tỷ đồng;      - Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.828 tỷ đồng;      - Tổng chi ngân sách địa phương 12.287,9 tỷ đồng;      - Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 670 doanh nghiệp.            2. Các chỉ tiêu xã hội:           - Giải quyết việc làm cho 12.000 lao động;      - Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52,5%;      - Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,2 điểm % so năm 2021;      - Tỷ lệ đô thị hóa đạt 15,13%;      - Xây dựng 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới;      - Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%;      - Phấn đấu tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 29%;      - Số bác sĩ/vạn dân đạt 7,4 bác sĩ;      - Số giường bệnh/vạn dân đạt 24 giường;      - Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 12,4;      - Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là 9,40/00; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 10,90/00;     - Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 86%;- Tuyển sinh mới đào tạo bậc cao đẳng khoảng 1.035 sinh viên và bậc trung cấp 2.035 học sinh.            3. Các chỉ tiêu môi trường:           - Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 100%;           - Tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt 99,7%;           - Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý đạt 98%;      - Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường trên 90%.                                                                                                                        N.V.Tròn

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2021
  •   18/06/2024 15:48

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Kế hoạch 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Ngay từ đầu năm Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch, hành động, đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với kết quả cao nhất. Song độ tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước tái bùng phát lần thứ 4 xảy ra từ cuối tháng 4/2021 với tốc độ lây lan nhanh và kéo dài đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được chủ động thực hiện theo các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, của Tỉnh ủy; tuy nhiên biến chủng mới lây lan nhanh diễn biến phức tạp nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Trước tình hình đó, với sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng tuyến đầu chống dịch đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, huy động mọi nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong năm 2021 như sau:  I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ  1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP):  Tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chịu tác động mạnh của dịch covid 19, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trong tỉnh. Lãnh đạo địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp theo từng thời điểm, nhằm giảm bớt thiệt hại cho nhân dân, điều hành phát triển kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước đạt 58.865 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) giảm 0,72% (1) so với cùng kỳ, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,66%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,12% và khu vực dịch vụ giảm 2,87% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ giảm 2,36 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 5,26% so cùng kỳ.  GRDP nếu tính theo giá thực tế đạt 100.315 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 56,4 triệu đồng/người/năm, tăng 0,3 triệu đồng/người/năm so năm 2020 (năm 2020 đạt 56,1 triệu đồng/người/năm). Tính theo giá USD, GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 2.405 USD/người/năm, tăng 1,7%, tương đương tăng 41 USD so năm 2020 (năm 2020 đạt 2.446 USD/người/năm).  Cơ cấu kinh tế: chuyển dịch chậm nhưng theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2021 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38,6% giảm 0,2% (cùng kỳ 38,8%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 26,9%, tăng 0,7% (cùng kỳ 26,2%); khu vực dịch vụ chiếm 28,7%, giảm 0,2% (cùng kỳ 28,9%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,8%, giảm 0,3% (cùng kỳ 6,1%).  2. Tài chính - Ngân hàng:  a. Tài chính:  Trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng, đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, từ đó đã tác động không nhỏ đến tình hình nộp ngân sách nhà nước.  Thu ngân sách nhà nước: năm 2021 ước thu được 8.630 tỷ đồng, giảm 22,4% so cùng kỳ; trong đó: thu nội địa 8.210 tỷ đồng, đạt 79,2% dự toán, giảm 24,6% so cùng kỳ.  Chi ngân sách nhà nước: năm 2021 ước chi 16.114 tỷ đồng, đạt 131,5% dự toán, giảm 2,3% so cùng kỳ. Ủy ban nhân dân tỉnh đã huy động tất cả nguồn lực hiện có của địa phương để kịp thời bố trí kinh phí cho các đơn vị.  Chi đầu tư phát triển: thực hiện giao dự toán vốn đầu tư ngay từ đầu năm và các Chủ đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh hoàn thành tốt công tác chuẩn bị đầu tư nên việc đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ước chi đầu tư phát triển năm 2021 là 3.330 tỷ đồng, đạt 89,9% dự toán năm.  Trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đến thời điểm báo cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền là 935,9 tỷ đồng và dự kiến nhu cầu thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khoảng 754 tỷ đồng.  b. Ngân hàng:  Hoạt động Ngân hàng, chịu ảnh hưởng lớn khi các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong đó có các doanh nghiệp, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Trong năm, hoạt động Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục hoạt động ổn định, diễn biến tiền tệ tín dụng trên địa bàn thông suốt, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm 2020. Qua đó góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế nhất là trong bối cảnh các thành phần kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19.  Về huy động vốn: đến cuối tháng 10/2021, tổng vốn huy động 77.132 tỷ đồng, tốc độ tăng 1,69% so với cuối năm trước, tốc độ tăng bình quân là 0,17%/ tháng. Ước đến cuối năm 2021, vốn huy động 78.883 tỷ đồng, đạt 95,4% so kế hoạch, tăng 4% so cuối năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tăng trưởng vốn huy động (VHĐ) rất thất thường. Trong 2 tháng đầu năm, VHĐ tăng trưởng giảm so với cuối năm trước. Sang tháng 3, VHĐ bắt đầu tăng trưởng, tăng liên tục cho đến tháng 10 nhưng vẫn ở mức rất thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nếu xét riêng trong quý 3, đến tháng 7 là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất trên địa bàn tỉnh nên VHĐ bắt đầu giảm so với tháng trước (tháng 7 giảm 0,74% so với tháng 6, tháng 9 giảm 0,10% so với tháng 8, tháng 10 giảm 0,68% so với tháng 9).  Về dư nợ: Nếu tính riêng quý 3 và tháng 10/2021, tín dụng toàn tỉnh giảm 3,21% so với quý 2/2021. Do ngành ngân hàng chịu tác động của dịch trong bối cảnh tỉnh duy trì giãn cách xã hội trong thời gian dài. Nhưng cũng có thể thấy, đến tháng 10, tín dụng có dấu hiệu đang hồi phục, tăng 0,39% so với cuối tháng 9/2021. Cuối tháng 10/2021, tổng dư nợ 68.995 tỷ đồng, tăng là 7,24% so với cuối năm 2020, mức tăng bình quân là 0,71%/ tháng. Ước đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng 70.732 tỷ đồng, tăng 10% so cuối năm 2020.  Nợ xấu: đến cuối tháng 10/2021, nợ xấu là 826 tỷ đồng, tỷ lệ là 1,2%, giảm 0,05% so cuối năm 2020 và tăng 0,2% so với cuối tháng 6/2021 là thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát trên địa bàn tỉnh. Ước đến cuối tháng 11/2021, nợ xấu là 850 tỷ đồng, tỷ lệ 1,22%, giảm 0,02% so với cuối năm 2020  Quỹ tín dụng nhân dân: hoạt động ổn định, các chỉ tiêu điều đạt mức tăng trưởng. Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 10/2021 là 1.232 tỷ đồng, tăng 101 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,9% so đầu năm. Tổng dư nợ cho vay 843 tỷ đồng, giảm 7,3 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 0,9% so đầu năm. Nợ xấu là 5,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,67%, tăng 0,3% so đầu năm.  - Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19Về Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN:  Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bỡi dịch Covid-19. Đến hết ngày 31/10/2021, trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 2.730 khách hàng với giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lũy kế từ 23/01/2020 là 1.740 tỷ đồng.Chính sách giảm lãi suất cho vay (LSCV) đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19  Từ đầu năm 2021, NHNN đã chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới góp phần hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.  Tính đến nay, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 93.000 khách hàng với dư nợ trên 31.177 tỷ đồng.  Từ 13/3/2020 đến hết 31/10/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng hơn 236 tỷ đồng. Trong đó, đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 882 lượt DN với dư nợ trên 10.891 tỷ đồng.Chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 08/10/2021) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021): Đến nay đã giải ngân cho vay 22 doanh nghiệp với 1.056 lượt lao động được trả lương với dư nợ 3.947 triệu đồng, thời gian cho vay 11 tháng, lãi suất 0%/năm.  - Kết quả hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn  Đến cuối tháng 10/2021, tổng dư nợ bị ảnh hưởng là 25,33 tỷ đồng, hỗ trợ thông qua các biện pháp như: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 4 khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 413 triệu đồng, (ii) Cho vay mới cho 276 khách hàng với doanh số cho vay lũy kế 7,84 tỷ đồng.  - Kết quả cho vay thu mua tạm trữ thóc gạo năm 2021  Đến cuối tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh có 11 chi nhánh NHTM cho vay lĩnh vực lúa gạo. Từ đầu năm đến nay, các NHTM đã cấp hạn mức tín dụng 10.223 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua tạm trữ thóc, gạo, đã giải ngân với tổng doanh số cho vay lũy kế 18.915 tỷ đồng để thu mua 2.474.401 tấn thóc gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đạt 7.388 tỷ đồng, chiếm 72,27% hạn mức được cấp, chiếm 10,71% tổng dư nợ toàn tỉnh.  3. Giá, lạm phát:  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 tăng 0,01% so tháng 11/2021 (thành thị tăng 0,07%, nông thôn 100%), Bình quân năm 2021, CPI tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, tại địa phương mục tiêu kiểm soát lạm phát giữ CPI bình quân năm 2021 dưới 4% đã đạt được (bình quân 1 tháng CPI tăng 0,23%), trong bối cảnh tỉnh Tiền Giang cùng với cả nước đang chống chọi lại cơn đại dịch Covid-19 kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân...  4. Đầu tư và Xây dựng:  Giá trị gia tăng ngành xây dựng năm 2021 tăng 3,9% so cùng kỳ, 6 tháng đầu năm có nhiều thuận lợi, tăng 12,4% do trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương tiếp tục thi công trong mùa dịch như: dự án cao tốc Trung lương – Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, điện gió Tân Phú Đông 1, điện gió Tân phú Đông 2 ... Quí III do phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch covid – 19, một số công trình tạm dừng hoạt động nên tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng trong quí III giảm 11,62% so cùng kỳ, đến quí IV các công trình xây dựng hoạt động trở lại, dự báo tăng 6,92%... Khó khăn hiện nay là giá sắt thép, vật liệu xây dựng tăng cao, dịch covid còn diễn biến phức tạp, vừa sản xuất vừa phải đảm bảo phòng chống dịch nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình.  Năm 2021, vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 38.016 tỷ đồng, đạt 98,5% kế hoạch, tăng 3,5% so cùng kỳ; trong đó: vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 24.354 tỷ đồng, tăng 7,3%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.965 tỷ đồng, giảm 33,6%, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước 4.957 tỷ đồng, giảm 17,5% so cùng kỳ.  Năm 2021, vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý là 3.821 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, giảm 29,9% so cùng kỳ; gồm có: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 3.010 tỷ đồng, giảm 26,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 515 tỷ đồng, giảm 42,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 296 tỷ đồng, giảm 33,9% so cùng kỳ.  - Tình hình thu hút đầu tư:  Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Tiền Giang năm 2020 đạt đươc 62,8 điểm xếp hạng 45 của cả nước và hạng 9 vùng đồng bằng sông Cửu Long, thứ hạng của tỉnh Tiền Giang chưa có nhiều thay đổi thứ bậc một cách đáng kể trong nhiều năm qua. Điểm số này chưa đạt được sự kỳ vọng của lãnh đạo Tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực trong thời gian qua.  Dự kiến cả năm tỉnh thu hút được 15 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.827,4 tỷ đồng, bằng 11,2% so cùng kỳ; nâng tổng vốn đầu tư ước thực hiện năm 2021 đạt 5.942,1 tỷ đồng, bằng 34,1% so với thực hiện năm 2020.  - Tình hình phát triển các khu, cụm công nghiệp:  Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 KCN với tổng diện tích đất quy hoạch là 2.083,5 ha, trong đó có 4 khu: KCN Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp đang hoạt động với diện tích 1.101,5 ha, chiếm 52,9% diện tích quy hoạch KCN. Đến nay các KCN thu hút được 106 dự án (trong đó có 77 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư trên 2,2 tỷ USD và 4.575,8 tỷ đồng; diện tích thuê 518,9/770,1 ha, chiếm 67,3%.  Về cụm công nghiệp, đến nay, có 27 CCN được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 cụm công nghiệp đã mời gọi được nhà đầu tư gồm: CCN Trung An, Tân Mỹ Chánh, An Thạnh, Song Thuận, Gia Thuận 1 đã hoàn thành đầu tư hạ tầng, đang hoạt động ổn định. Tính đến thời điểm hiện tại đã thu hút được 79 dự án thứ cấp (trong đó có 6 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.626,7 tỷ đồng, với diện tích thuê đất là 89,78 ha/120,6 ha đạt tỷ lệ 74,5% diện tích đất công nghiệp cho thuê.  Giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2021 (giá so sánh 2010), thực hiện 10.852 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ; trong đó: doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện 5.538 tỷ đồng, tăng 20,5%; loại hình khác thực hiện 5.305 tỷ đồng, tăng 3,6% so cùng kỳ. Theo giá hiện hành, giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2021 thực hiện 16.224 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ; trong đó: doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện 8.279 tỷ đồng, tăng 23.9%, loại hình khác thực hiện 7.932 tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ.  5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp:  Theo báo cáo Sở kế hoạch - Đầu tư, 11 tháng có 504 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 71% so kế hoạch năm 2021, giảm 28,2% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 2% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2020. Ước đến cuối tháng 12/2021, được 580 doanh nghiệp, đạt 81,7% kế hoạch; tổng vốn đăng ký là 4.900 tỷ đồng. Số doanh nghiệp giả thể, ngưng hoạt động trong năm 90 doanh nghiệp tương đương cùng kỳ.  Kết quả tổng điều tra kinh tế.  - Khối doanh nghiệp kê khai thông tin từ ngày 01/3/2021 đến hết ngày 15/6/2021, có 5.520/5.725 doanh nghiệp hoàn thành kê khai thông tin, đạt tỷ lệ: 96,4%. Số lượng doanh nghiệp không đạt tỷ lệ do ngừng hoạt động, chờ giải thể và giải thể, phá sản.  - Khối Sự nghiệp, Hiệp hội thực hiện kê khai thông tin từ ngày 01/3/2021 đến ngày 30/4/2021. Kết quả có 652/787 đơn vị sự nghiệp và 102/110 đơn vị hiệp hội hoàn thành kê khai. Số đơn vị kê khai thực tế giảm do các đơn vị hạch toán phụ thuộc không thuộc đối tượng kê khai và một số đơn vị đến thời điểm điều tra đã sáp nhập, ngưng hoạt động hoặc giải thể.  6. Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản:  Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: năm 2021 tăng 1,66% so năm 2020; trong đó nông nghiệp tăng 1,95%, thủy sản tăng 0,55% so cùng kỳ.  a. Nông nghiệp:  *Trồng trọt:  Cây lương thực có hạt: năm 2021, gieo trồng 134.104 ha, đạt 100,1% kế hoạch, giảm 3,8% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 843.702 tấn, đạt 105% kế hoạch, tăng 3,7% so cùng kỳ. Cụ thể:  - Cây lúa:Gieo sạ 131.846 ha, đạt 100,1% kế hoạch, giảm 3,1% so cùng kỳ, thu hoạch 131.846 ha, sản lượng thu hoạch 835.557 tấn, đạt 105,7% kế hoạch, so cùng kỳ tăng 4,3%, do năng suất bình quân tăng 6,9% so cùng kỳ (đạt 63,4 tạ/ha).  Vụ Đông Xuân 2020 - 2021: chính thức xuống giống 51.647 ha, giảm 10,3% so cùng kỳ; thu hoạch 51.647 ha, giảm 8,9% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 367.189 tấn, giảm 1,8% so cùng kỳ do diện tích giảm. Nguyên nhân giảm do chuyển từ diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao hơn như: sầu riêng, mít, thanh long…  Vụ Hè Thu (gồm Xuân Hè và Hè Thu): gieo sạ 74.728 ha giảm 1,5% so cùng kỳ, thu hoạch 74.728 ha giảm 1,4% so cùng kỳ do việc chuyển đổi cây trồng đã nêu trên; sản lượng 439.396 tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ; năng suất 58,8 tạ/ha, tăng 7,7% so cùng kỳ.  Vụ Thu đông: diện tích gieo trồng 5.471 ha; tăng 111,7% so cùng kỳ (gieo trồng chủ yếu ở 05 huyện phía đông chiếm 65,6% diện tích còn lại huyện Tân Phước chiếm 21,8%, Châu Thành chiếm 12,6%), thu hoạch 5.471 ha tăng 111,7% so cùng kỳ; sản lượng đạt 28.972 tấn, tăng 117,7% so cùng kỳ; năng suất đạt 53 tạ/ha, tăng 2,8% so cùng kỳ. Do điều kiện thời tiết thuận lợi nông dân xuống giống gieo sạ, mặc dù ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo cắt vụ lúa Thu đông năm nay nhằm tránh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.  - Cây ngô:gieo trồng 2.237 ha, đạt 63,9% kế hoạch, giảm 33,9% so cùng kỳ, năng suất thu hoạch quy thóc 36,2 tạ/ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ với sản lượng quy thóc 8.091 tấn, giảm 33,7% so cùng kỳ. Vì lợi nhuận không cao như trước, giá cả không ổn định nên người dân đã chuyển đổi diện tích sang trồng cây Thanh long, cây ăn quả và hoa màu khác.  Cây rau đậu các loại: gieo trồng 55.225 ha, đạt 88,4% kế hoạch, tăng 1,1% so cùng kỳ; sản lượng 1.166.213 tấn, đạt 96,4% kế hoạch, tăng 1,9% so cùng kỳ; năng suất đạt 211,2 tạ/ha tăng 0,7% so cùng kỳ; trong đó: rau các loại 54.942 ha tăng 1,1% so với cùng kỳ, sản lượng 1.165.339 tấn tăng 1,9% so cùng kỳ. Nguyên nhân do nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất như trồng rau trong nhà lưới, chuyên canh, luân canh trên nền đất lúa, xen canh lúa và màu…  - Cây lâu năm: toàn tỉnh hiện có 103.809 ha, đạt 98,7% kế hoạch, tăng 1% so cùng kỳ; trong đó: diện tích thu hoạch cây ăn quả 81.065 ha, tăng 4,3% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch đạt 1.811.231 tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ; trong đó, diện tích cây ăn quả đạt 82.373 ha, tăng 0,7% so cùng kỳ, sản lượng cây ăn quả 1.613.858 tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ. Nguyên nhân do nông dân các xã ở huyện phía tây và phía đông đã chuyển từ đất lúa sang trồng cây ăn quả ngày càng tăng vì có hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa.  * Chăn nuôi: Tình hình dịch bệnh Covid-19 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị đình trệ theo giá bán sản phẩm thấp so cùng kỳ, trong khi đó giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh xảy ra nhiều địa phương. Tình hình cụ thể một số vật nuôi chủ yếu như sau:  Ước thời điểm 01/12/2021 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 122,9 ngàn con, tăng 1,4% so cùng kỳ; đàn lợn 279,8 ngàn con, tăng 0,5%; đàn gia cầm 17,4 triệu con, giảm 1,5% so cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2021: thịt bò 22.916 tấn, tăng 10,7% so cùng kỳ; thịt lợn 76.199 tấn, giảm 10,8%; thịt gia cầm 55.343 tấn, giảm 3% so cùng kỳ (trong đó: sản lượng thịt gà 41.876 tấn, giảm 2,8%).  * Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi trong năm 2021: Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh (từ ngày 15/12/2020 - 14/12/2021):  Trên gia cầm: Ghi nhận 03 trường hợp có gà bệnh cúm gia cầm với tổng đàn 9.006 con; trong đó, gà bệnh và chết được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 8.836 con.  Trên gia súc:  - Bệnh Lở mồm long móng (LMLM): Ghi nhận 01 trường hợp heo mắc bệnh lở mồm long móng với tổng đàn 35 con. Chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy 35 con heo bệnh với khối lượng 3,9 tấn; đồng thời triển khai thực hiện công tác tiêu độc khử trùng tại cơ sở thu gom heo.  - Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Từ ngày 15/12/2020 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 196 hộ có heo mắc bệnh DTLCP với tổng đàn 6.526 con. Tổng số heo được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 5.090 con, khối lượng 298.326 kg. Ngoài ra, địa phương tiêu hủy heo bệnh chết tại 02 hộ cũ (năm 2020), với số lượng 105 con/2.973 kg.  - Bệnh viêm da nổi cục (VDNC): Bệnh xuất hiện đầu tiên vào ngày 16/8/2021 đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận bò có dấu hiệu điển hình của bệnh VDNC với 594 con bò bệnh/tổng đàn 1.763 con; đã tiêu hủy 26 con với khối lượng 4,3 tấn.  b. Lâm nghiệp:  Tổng diện tích rừng hiện có là 1.921,2 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng). Trong đó rừng phòng hộ 1.337,4 ha (huyện Gò Công Đông: 444,8 ha; huyện Tân Phú Đông: 848,8 ha và huyện Tân Phước: 43,8 ha); rừng sản xuất: 583,8 ha).  Sản lượng gỗ khai thác trong năm được 37.529 m3, giảm 4,7% so cùng kỳ; sản lượng củi khai thác 129.823 ste củi các loại, giảm 4,3% so cùng kỳ.  c. Thủy hải sản:  Diện tích nuôi thủy sản các loại trong năm 2021 là 16.394 ha, đạt 107,9% kế hoạch, giảm 0,2% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi 5.192 ha, giảm 2,2% do chuyển đổi mục đích ao nuôi trong dân cư để lên nền nhà; thủy sản nước mặn, lợ nuôi 11.202 ha, tăng 0,8% so cùng kỳ, chủ yếu là tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng.  Sản lượng thủy sản thu hoạch năm 2021, thu hoạch 302.914 tấn, tăng 0,5% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 161.231 tấn, tăng 1% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 141.683 tấn, giảm 0,1%. Nguyên nhân sản lượng thu hoạch năm 2021 tăng so cùng kỳ do áp dụng các mô hình, phương thức nuôi trồng phù hợp trong điều kiện xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu.  d. Nông thôn mới:  Đến cuối năm 2021, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 54,5% kế hoạch, nguyên nhân không đạt kế hoạch do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương. Nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 124/143 xã, chiếm 86,7%; có 06/11 huyện, thị, thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bình quân số tiêu chí đạt được là 17,9 tiêu chí/xã, tăng 0,4 tiêu chí so năm 2020.  7. Sản xuất công nghiệp:  Giá trị gia tăng ngành công nghiệp giảm 2,03% so năm 2020. Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ngay từ những tháng đầu năm đã làm cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp, đồng thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nên hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm thuận lợi hơn.  Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 giảm 2,7% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% (tập trung ở một số ngành chủ yếu sau: dệt giảm 29,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 31,7%, sản xuất thiết bị điện giảm 33,5%;...); ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 2,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.  Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương năm 2021 theo giá so sánh 2010 thực hiện 83.268 tỷ đồng, giảm 2,1% so cùng kỳ. Phân theo ngành công nghiệp: chế biến, chế tạo thực hiện 82.079 tỷ đồng, giảm 2,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thực hiện 664 tỷ đồng, tăng 2,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải thực hiện 525 tỷ đồng, tăng 0,8% so cùng kỳ.  Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp năm 2021 giảm 13,96%, trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 2%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 13,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 14,49%. Chia theo ngành công nghiệp: ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 14,31%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,39%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải giảm 1,88%.  Sản phẩm sản xuất công nghiệp năm 2021: có 13/43 sản phẩm tăng so cùng kỳ: thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm tăng 21,3%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên tăng 20,3%; bia đóng chai tăng 20,3%; …Có 30 sản phẩm giảm so cùng kỳ: dịch vụ tiện các bộ phận kim loại giảm 41%; giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 40,8%; thức ăn cho thủy sản giảm 7,6 %; điện thương phẩm giảm 2,4%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế giảm 1,8%;  * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:  - Chỉ số tiêu thụ tháng 12/2021 so với tháng trước tăng 15,2% và giảm 24,3% so cùng kỳ. Cộng dồn chỉ số tiêu thụ năm 2021 giảm 20,6% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 19,3%; dệt giảm 25,2%; sản xuất trang phục giảm 21,3%; sản xuất da giảm 25,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 17,6%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 23,4%;… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất đồ uống tăng 10,2%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 8,1%;…  - Chỉ số tồn kho tháng 12/2021 so tháng trước tăng 17,9% và so với cùng kỳ tăng 48,9%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 95,11%, trong đó sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 112,97%; Sản xuất đồ uống tăng 48,05%, trong đó sản xuất bia tăng 48,05%; Dệt tăng 35,08%, trong đó sản xuất hàng may sẳn tăng 53,42%; Sản xuất trang phục tăng 36,08%; …Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất da giảm 7,8%; sản xuất giấy giảm 50,9%; Chế biến, chế tạo khác giảm 35,6%, trong đó sản xuất đồ chơi, trò chơi giảm 35,6%;…  Tính đến ngày 14/12/2021, tổng cộng có 168/177 doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đã được Tổ Công tác hướng dẫn, góp ý để thông qua phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và đi vào hoạt động. Cụ thể như sau:  - Phương án tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày: 156 doanh nghiệp.  - Phương án “03 tại chỗ”: 11 doanh nghiệp.  - Phương án kết hợp “03 tại chỗ” và đi, về hàng ngày: 01 doanh nghiệp.  Còn lại 09 doanh nghiệp hoạt động nhưng không gửi phương án, các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.  - Đối với các doanh nghiệp lựa chọn thực hiện phương án “03 tại chỗ”: được Ban Quản lý hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị bố trí khu vực/phòng cách ly (vùng đệm) cho người lao động dự kiến vào làm việc theo phương án “03 tại chỗ” đảm bảo tuân thủ nghiêm việc thực hiện tầm soát Covid-19 và thời gian cách ly tạm thời theo các hướng dẫn y tế.  8. Thương mại, dịch vụ:  Khu vực dịch vụ giảm 2,36 % so cùng kỳ; 6 tháng đầu năm tăng 3,1%, các ngành dịch vụ diễn ra bình thường, ngành thương nghiệp, dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ phát triển, riêng ngành du lịch còn giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trên thế giới nên tỉnh chưa khởi động lại chương trình thu hút khách du lịch nước ngoài. Nhưng, sang quý III, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh thu của các ngành dịch vụ, du lịch, lưu trú ăn uống giảm mạnh do tỉnh thực hiện biện pháp giãn cách xã hội. Trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách, hoạt động của các chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi phải ngừng hoạt động  a. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:  Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cung cầu mất cân đối, một số thời điểm có một số mặt hàng tăng giảm liên tục, tổng mức bán lẻ tiêu dùng hàng hóa trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh nói riêng có sự xáo trộn mạnh so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường, dự kiến sẽ ổn định và phát triển mạnh trong thời gian tới.  Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 62.533 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch, giảm 3,6% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 54.036 tỷ đồng, tăng 2,4%; lưu trú, ăn uống 24 tỷ đồng, giảm 51,2%; du lịch lữ hành 7 tỷ đồng, giảm 77,8%; dịch vụ tiêu dùng 5.007 tỷ đồng, giảm 20,1% so cùng kỳ.  b. Xuất - Nhập khẩu:  Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu 2.951 triệu USD, đạt 90,8% kế hoạch, giảm 3,1% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 42 triệu USD, giảm 18,4%; kinh tế ngoài nhà nước 586 triệu USD, giảm 1,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.323 triệu USD, giảm 3,7% so cùng kỳ.  * Nhập khẩu:  Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 thực hiện 1.800 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 10,6% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 121 triệu USD, tăng 19,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.679 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ. Nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như vải các loại 194 triệu USD, tăng 6,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 361 triệu USD, tăng 12,3%; kim loại thường khác 639 triệu USD, tăng 16,2% so cùng kỳ...  c. Vận tải:  Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải năm 2021thực hiện 1.543 tỷ đồng, giảm 22,5% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 353 tỷ đồng, giảm 37,6% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa thực hiện 1.014 tỷ đồng, giảm 16,8% so cùng kỳ. Vận tải đường bộ thực hiện 693 tỷ đồng, giảm 28,3%; vận tải đường thủy thực hiện 675 tỷ đồng, giảm 17,7%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 176 tỷ đồng, giảm 14,1% so cùng kỳ.  Vận chuyển hành khách năm 2021, vận chuyển hành khách 22.519 ngàn hành khách, giảm 33,9% và luân chuyển 365.824 ngàn hành khách.km, giảm 39,9% so cùng kỳ; trong đó: vận chuyển đường bộ 9.733 ngàn hành khách, giảm 34,2% và luân chuyển 350.112 ngàn hành khách.km, giảm 39,7% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 12.786 ngàn hành khách, giảm 33,6% và luân chuyển 15.712 ngàn hành khách.km, giảm 42,8% so cùng kỳ.  Năm 2021 vận tải hàng hóa 9.810 ngàn tấn, giảm 14,4% và luân chuyển 1.268.963 ngàn tấn.km, giảm 14,1% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ thực hiện 2.245 ngàn tấn, giảm 13,3% và luân chuyển được 237.833 ngàn tấn.km, giảm 21,4% so cùng kỳ; vận tải đường thủy thực hiện 7.565 ngàn tấn, giảm 14,7% và luân chuyển 1.031.129 ngàn tấn.km, giảm 12,2% so cùng kỳ.  * Phương tiện giao thông: trong tháng đăng ký mới 5.706 chiếc mô tô xe máy, 411 chiếc ô tô, 9 chiếc xe đạp điện và 12 chiếc xe khác. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh hiện nay là 1.361.345 chiếc; trong đó: mô tô xe máy 1.318.912 chiếc, 41.622 chiếc xe ô tô, 152 xe ba bánh, 201 chiếc xe đạp điện và 458 xe khác.  d. Du lịch:  Dịch vụ lưu trú và du lịch lữ hành tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 các nhóm ngành dịch vụ chịu tác động mạnh của Covid, vì vậy tình hình hoạt động lưu trú ăn uống du lịch trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.  Khách du lịch đến tỉnh trong năm 291 ngàn lượt, đạt 26,5% kế hoạch, giảm 61,1% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 4,4 ngàn lượt, đạt 1% kế hoạch, giảm 95,5%. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 3.490 tỷ đồng, giảm 40,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 99,8%.  e. Bưu chính - Viễn thông:  Doanh thu bưu chính - viễn thông 3.160 tỷ đồng, đạt 101,9% kế hoạch và tăng 3,1% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính 277 tỷ đồng, đạt 128,2% kế hoạch, tăng 18,4% so cùng kỳ, doanh thu viễn thông 2.884 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,9% so cùng kỳ.  Tổng số thuê bao điện thoại trên mạng ước đến cuối năm 2021 là 102.490 thuê bao, mật độ bình quân đạt 5,8 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Số lượng điện thoại cố định có dây, không dây từ đầu năm 2021 đến nay tiếp tục giảm, do thị trường phát triển thuê bao dần bảo hòa và giá cước điện thoại ngày càng giảm cho nên khách hàng dần chuyển sang sử dụng điện thoại di động, trong đó chủ yếu là điện thoại di động trả trước. Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet (3G, 4G) đến cuối tháng 12 năm 2021 là 1.338.885 thuê bao. Năm 2021 số thuê bao internet phát triển 59.691 thuê bao; tổng số thuê bao internet trên mạng đến cuối năm 2021 là 290.078 thuê bao, mật độ internet bình quân ước đạt 16,4 thuê bao/100 dân.  II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI  1. Lao động, giải quyết việc làm:  Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, năm 2021 tỷ lệ lao động thất nghiệp của tỉnh tăng 4,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020 và tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị tăng 7,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn tăng 3,6 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động thiếu việc làm năm 2021 tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn tỉnh, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và nông thôn cũng như tỷ lệ số lao động thiếu việc làm trong quý IV và cả năm 2021 đều tăng so cùng kỳ năm 2020, do trong quý IV và cả năm 2021 tỉnh Tiền Giang đã và vẫn còn đang phải chịu sự ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch covid-19 gây ra.  Trong năm 2021, tư vấn cho 20.398 lượt lao động, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: tư vấn nghề cho 4.327 lượt lao động, tư vấn việc làm 2.525 lượt lao động, tư vấn việc làm cho 12.613 lượt lao động thất nghiệp, tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 933 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 2.437 lượt lao động, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm 2020; đã giới thiệu cho 839 lao động có được việc làm ổn định, giảm 51,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp nhận được 12.745 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2020, chi trả trợ cấp thất nghiệp 213,7 tỷ giảm 42,7% so với cùng kỳ năm 2020; thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề cho 63.100 lượt lao động thất nghiệp, đã có 23 người lao động thất nghiệp đăng ký học nghề.  2. Đời sống dân cư và an sinh xã hội:  Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diến biến phức tạp, Chính phủ phê duyệt hỗ trợ cho người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang 200.415 người, với 3.006 tấn gạo. Tỉnh đã nhận được 1.490 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia và đã tổ chức cấp phát cho 99.253 người dân (số lượng gạo tỉnh chưa được cấp từ Tổng cục Dự trữ nhà nước so với số lượng đã được Trung ương phê duyệt là 1.516 tấn gạo; với 101.062 người). Đồng thời tỉnh tiếp tục đề nghị Trung ương hỗ trợ đợt 2 cho 163.262 người dân, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, với 2.449 tấn gạo.  Trong năm, các chính sách giảm nghèo được duy trì thực hiện đúng theo kế hoạch, các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tạo điều kiện để tiếp cận tốt các chính sách và các nguồn hỗ trợ từ nhà nước, cộng đồng. Theo tổng hợp kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021, toàn tỉnh có 1.998 hộ thoát nghèo; hộ nghèo phát sinh là 20 hộ; toàn tỉnh còn 7.455 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,47% so tổng số hộ toàn tỉnh (506.184 hộ); Hộ thoát cận nghèo là 1.783 hộ; hộ cận nghèo phát sinh là 1.168 hộ, toàn tỉnh có 16.121 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,18% so tổng số hộ toàn tỉnh.  Quỹ đền ơn đáp nghĩa vận động được 11,5 tỷ đồng tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020, xây dựng và sửa chữa 183 căn nhà tình nghĩa từ nguồn vận động, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xây dựng 88 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng, sửa chữa 95 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 1,9 tỷ đồng.  3. Hoạt động giáo dục:  Năm học 2020-2021 là năm học ngành Giáo dục gặp nhiều khó khăn trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với đó, ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời điều chỉnh và hoàn thành kế hoạch năm học, cụ thể: trước tình hình dịch Covid-19, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đã diễn ra vào đầu tháng 6/2021 trước khi dịch bệnh bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh. Tổng số học sinh tốt nghiệp THCS đạt 23.146, số thí sinh đăng ký dự thi đạt 18.879, số thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 đạt 16.642 (tỷ lệ 71,9% so với học sinh tốt nghiệp THCS và 88,2% so với học sinh dự thi); Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đợt 1 và đợt 2), kết quả có 15.895/16.015 học sinh đỗ tốt nghiệp THPT (tỉ lệ là 99,3%) với điểm trung bình đạt 6,6 xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố; Tổ chức khảo sát thử nghiệm Chương trình đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 9, lớp 11 năm học 2020-2021 vào các ngày 30, 31/3/2021 tại các trường THCS Lê Ngọc Hân, THCS Bình Ninh, THCS Nguyễn Đắc Thắng, THPT Nguyễn Đình Chiểu, THPT Trần Văn Hoài và THCS&THPT Long Bình; Tổ chức hoàn thiện Giấy chứng nhận nghề phổ thông lớp 12 năm 2020, bằng tốt nghiệp THPT năm 2020. Phát hành bản chính bằng tốt nghiệp THPT năm 2020. Công khai thông tin cấp phát văn bằng tốt nghiệp năm 2020 trên website Sở GDĐT để phục vụ tra cứu, xác minh.  Ngoài ra, toàn tỉnh có 349 trường phổ thông công lập trong đó có 02 trường tư thục; 5.895 phòng học, trong đó cấp tiểu học có 3.624 phòng học; cấp trung học cơ sở có 1.563 phòng học, cấp THPT có 708 phòng học. Các phòng phục vụ học tập có 1.575 phòng; thư viện có 353 phòng và phòng y tế có 269 phòng.  Tình hình học online.  Nhìn chung ngành Giáo dục đã thực hiện nghiêm túc việc triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 134.929/137.904 học sinh tham gia học tập trực tuyến và học qua kênh truyền hình đạt tỷ lệ 97,84 % (đã nêu trên). Phối hợp Viễn thông VNPT tổ chức phát sóng dạy học qua truyền hình trên kênh MyTV Tiền Giang từ ngày 08/11/2021 đối với môn Tiếng Việt và Toán lớp 1, lớp 2.  4. Hoạt động y tế:  Covid - 19: Kể từ ngày có ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng 5/6/2021 đến 17/12/2021 toàn tỉnh có 30.373 ca, 22.547 ca được điều trị khỏi; 739 ca tử vong. Tính đến ngày 16/12 tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt 100,6% và đủ 2 mũi vaccine đạt 48,2%.         Bệnh truyền nhiễm năm 2021 so cùng kỳ về số ca mắc được ghi nhận trên địa bàn tỉnh: 02 bệnh tăng (viêm não do vi rút, Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Covid-19 gây ra); 16 bệnh giảm (liên cầu lợn ở người, ho gà, lao phổi, lỵ a míp, Quai bị, sởi, tay chân miệng, Sốt xuất huyết, thương hàn, thủy đậu, tiêu chảy, uốn ván khác, viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, Zika); 26 bệnh tương đương và hoặc không xảy ra ca mắc. Trong năm có 1.826 trường hợp mắc sốt xuất huyết mới trên địa bàn, giảm 43,3% so cùng kỳ, tử vong 01 trường hợp (không ghi nhận ca tử vong năm 2020). Bệnh HIV/AIDS năm 2021 phát hiện 302 trường hợp nhiễm HIV mới, 30 trường hợp tử vong. Đến nay, tổng số nhiễm HIV toàn tỉnh là 6.022 trường hợp, tổng số AIDS là 1.867 trường hợp, tử vong do AIDS là 1.023 trường hợp. Công suất sử dụng giường bệnh chung toàn tỉnh đạt 52,1%. Ghi nhận 3.948.656 lượt người bệnh đến khám và 172.747 người điều trị nội trú.  5. Hoạt động văn hóa - thể thao:  Đến nay, toàn tỉnh có 439.637/464.764 hộ đạt 3 tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, đạt 94,6%; 1001/1005 ấp, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 99,6%; 160/172 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 65 chợ văn hóa; 17 công viên văn hóa; 824 con đường văn hóa, 543 cơ sở thờ tự văn hóa.  Hoạt động văn hóa nghệ thuật trong năm 2021: Thực hiện 84 trụ cờ, 700 cờ các loại, 124 pano, 258 băng rôn, 04 cuộc triển lãm, 17 đợt với 358 lượt xe loa, 95 suất nhạc nước, 16 buổi chiếu phim lưu động, 34 cuộc biểu diễn phục vụ nhân dân; tuyên truyền Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội nghị văn hóa toàn quốc. Cùng với đó, các địa phương đã phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Đài truyền thanh các cấp và xe loa di động để thực hiện tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19.  Hoạt động thư viện trong năm 2021: đã phục vụ 36.814 lượt bạn đọc với 168.550 lượt sách báo được lưu hành. Tổ chức 32 chuyến xe thư viện lưu động từ chương trình “Dự án xe thư viện thông minh lưu động” đến 5 trường học trên địa bàn TP. Mỹ Tho với hơn 7.200 em học sinh tham gia. Trong năm 2021, hệ thống thư viện huyện và các phòng đọc cơ sở đã tiếp được 90.348 lượt bạn đọc, với 227.011 lượt sách báo lưu hành.  Hoạt động bảo tàng trong năm 2021: Bảo tàng tỉnh và các di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đón 20.157 lượt khách tham quan, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2020, bán được 2.049 vé, sưu tầm 30 hiện vật.  Hoạt động thể dục, thể thao trong năm 2021 Trong năm 2021, có 627.721/1.780.224 người tham gia tập luyện thể dục thể thao, đạt tỷ lệ 35,3%; 116.455/487.790 hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục thể thao, đạt tỷ lệ 23,9%. Thành tích thể thao đã đạt được sau khi tham dự thi đấu 6 giải thể thao cấp tỉnh, 12 giải Quốc gia và khu vực đạt 34 huy chương các loại (12 HCV, 8 HCB, 14 HCĐ).  6. Tình hình trật tự an toàn xã hội: (Theo báo cáo của ngành Công an):  Tội phạm về trật tự xã hội ghi nhận đến tháng 12/2021 ghi nhân 1.156 vụ, giảm 277 vụ so với cùng kỳ, làm chết 01 người, bị thương 09 người, tài sản thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng; trong đó xảy ra 01 vụ giết người do mâu thuẫn tình ái, 09 vụ cố ý gây thương tích nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn cá nhân bộc phát; 07 vụ xâm hại tình dục; 64 vụ xâm phạm sở hữu, chủ yếu là hành vi cướp giật tài sản (10 vụ), trộm cắp tài sản (46 vụ), hủy hoại tài sản (04 vụ),... 02 vụ đánh bạc và 01 vụ sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Phát hiện, xử lý 35 tụ điểm cờ bạc, 256 đối tượng liên quan; 18 vụ với 21 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và xử lý vi phạm hành chính 69 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; 01 vụ với 01 đối tượng có hành vi các quy định của pháp luật về quản lý đất đai; 03 vụ với 03 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, tang vật thu giữ 3.520 báo thuốc lá ngoại nhập lậu; 04 vụ với 04 đối tượng có hành vi vận chuyển hóa không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, tổng giá trị hàng hóa thu giữ khoảng 626 triệu đồng (mỹ phẩm, hàng gia dụng, kim khí điện máy đã qua sử dụng, cát...) và xử lý hành chính 03 trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, số tiền 25,5 triệu đồng.  7. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo của ngành Công an).  Tai nạn giao thông đường bộ: Tổng số vụ tai nạn từ đầu năm đến nay là 479 vụ, tăng 51 vụ so cùng kỳ, làm chết 238 người, giảm 21 người so cùng kỳ, bị thương 315 người, tăng 70 người so cùng kỳ. Tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ từ đầu năm đến nay 27.800 vụ, giảm 39.230 vụ so cùng kỳ.  Tai nạn giao thông đường thủy: Từ năm đến nay xay ra 04 vụ, giảm 02 vụ so với cùng kỳ (không phát sinh số người chết, bị thương). Tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông trong năm 16.092 vụ, giảm 3.312 vụ so cùng kỳ.  8. Tình hình cháy nổ, môi trường:  Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ cháy, nổ làm 01 người chết; tổng giá trị tài sản thiệt hại khoảng 6,5 tỷ đồng. Tổng số vụ vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý 41 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 1 tỷ đồng.  9. Thiệt hại do thiên tai:  Trong năm 2021, có 03 người bị thương do lốc xoáy sập nhà, tăng 02 người so năm 2020, 18 vụ lốc xoáy tăng 06 vụ so với năm 2020; 09 nhà bị sập, giảm 16 căn so với năm 2020; 270 căn nhà bị tốc mái tăng 18 căn nhà so với năm 2020; 175 điểm sạt lỡ giảm 39 điểm so năm 2020; giá trị thiệt hại 198,4 tỷ đồng.  III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHỤC HỒI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, THỰC HIỆN CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022.  Năm 2022 dự báo kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục gặp khó khăn do tác động của dich Covid- 19... Tuy nhiên, với nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và thực hiện các chương trình an sinh xã hội hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ phần nào giúp cho người dân và doanh nghiệp dần trở lại cuộc sống bình thường mới và ổn định sản xuất, kinh doanh. Qua kết quả thực hiện năm 2021 và thực trạng kinh tế của tỉnh, Cục Thống kê đề xuất các giải pháp trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 như sau:  - Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động,... Rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành như: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất kim loại, cơ khí; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ,... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Tiền Giang nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.  - Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tăng cường phối hợp với UBND các cấp triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn.  - Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”; dự án Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, thanh long, trứng chim cút, trứng gà ác tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030...  - Tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng. ([1])Theo công văn số 1796/TCTK-TKQG ngày 30/11/2021 của Tổng cục Thống kê

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021 giảm 0,72% so cùng kỳ
  •   18/06/2024 15:49

Năm 2021, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chịu tác động mạnh của dịch covid 19, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trong tỉnh. Lãnh đạo địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp theo từng thời điểm, nhằm giảm bớt thiệt hại cho nhân dân, điều hành phát triển kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước đạt 58.865 tỷ đồng, (giá so sánh năm 2010) giảm 0,72%(1) so với cùng kỳ, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,66%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,12% và khu vực dịch vụ giảm 2,87% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ giảm 2,36 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 5,26% so cùng kỳ.   Sáu tháng đầu năm 2021 kinh tế của tỉnh đang trên đà phục hồi, tăng 2,49% so với cùng kỳ (quí I tăng 1,44%, quí II tăng 3,65%). Ngày 5/6/2021 lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh có ca mắc covid trong cộng đồng và diễn biến rất phức tạp, đã đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả, trên địa bàn tỉnh áp dụng các biện pháp giản cách xã hội theo Chỉ thị 15/TTg, Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động để ưu tiên cho công tác phòng chống dịch.  Kể từ ngày 15/7/2021 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu sản xuất “03 tại chỗ” mới được phép sản xuất. Nhưng do không lường trước sự lây lan của dịch, một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm phương án “03 tại chỗ” như đã được thẩm định, phê duyệt, đã phát sinh nhiều ổ dịch, nên Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn 4093/UBND-KT ngày 29/7/2021 về việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8/2021. Kinh kế của tỉnh quí III giảm sâu, giảm 7,43%; Đến ngày 11/10/2021 Tiền Giang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP qui định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch covid – 19”, các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất kinh doanh trở lại, ước tính quí IV tăng trưởng của tỉnh tăng 0,18% so cùng kỳ.  GRDP nếu tính theo giá thực tế năm 2021 đạt 100.315 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 56,4 triệu đồng/người/năm, tăng 0,3 triệu đồng/người/năm so năm 2020 (năm 2020 đạt 56,1 triệu đồng/người/năm). Tính theo giá USD, GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 2.405 USD/người/năm, tăng 1,7%, tương đương tăng 41 USD so năm 2020 (năm 2020 đạt 2.446 USD/người/năm).  Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: năm 2021 tăng 1,66% so năm 2020; trong đó nông nghiệp tăng 1,95% (cùng kỳ giảm 3,05%). Trồng trọt có nhiều thuận lợi hơn năm 2020, công tác phòng chống hạn mặn được triển khai sớm, diện tích bị thiệt hại không nhiều. Trà lúa Đông Xuân năm nay phát triển tốt, năng suất bình quân 71,1 tạ/ha, tăng 7,8% so cùng kỳ tương ứng tăng 5,1 tạ/ha. Tuy nhiên có một số khu vực do chịu tác động của hạn mặn năm 2020 nên sản xuất còn khó khăn, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Các vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây được nông dân chăm sóc, từng bước được phục hồi, nhưng cây còn yếu, nông dân chưa dám xử lý cho ra hoa trái vụ. Trong quí III do tác động của dịch Covid 19, chuổi sản xuất và tiêu thụ nông sản bị đứt gãy, khâu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, có một số vùng nông dân không tiêu thụ được, sản phẩm bán dưới giá thành nên mức độ đầu tư cho sản xuất có giảm so với 6 tháng năm, nên làm chậm đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Giá phân bón và vật tư nông nghiệp tăng cao ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân. Trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở nhiều địa phương (58 xã với 6.526 con mắc), giá thức ăn tăng cao (tăng khoảng 40%), trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp so cùng kỳ, nhất là lợn hơn, tiêu thụ sản phẩm khó khăn … Do đó người dân chưa mạnh dạn tái đàn. Ước tính đến thời điểm 01/12/2021 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 122,9 ngàn con, tăng 1,4%; đàn lợn 279,8 ngàn con, tăng 0,5%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 17,4 triệu con, giảm 1,5% so cùng kỳ. Ngành thủy sản tăng 0,55% so cùng kỳ, tăng chủ yếu ở sản lượng nuôi trồng. Do tác động của dịch Covid 19, một số mặt hàng thủy sản tiêu thụ chậm như: cá Tai Tượng chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng phục vụ khách du lịch, cá Tra phục vụ cho xuất khẩu…  Khu vực công nghiệp - xây dựng: giảm 1,12% so với năm 2020.  Công nghiệp giảm 2,03% (cùng kỳ tăng 1,14%). Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và lan rộng trên phạm vi toàn thế giới, tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia, trong đó có những quốc gia có quan hệ giao thương với nước ta. Tình hình sản xuất công nghiệp trong nước nói chung, Tiền Giang nói riêng cũng bị ảnh hưởng theo, do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đáng kể. Doanh nghiệp thu hẹp qui mô sản xuất, sản xuất cầm chừng. Trong quí III ở một số thời điểm các doanh nghiệp tạm dừng sản xuất để phòng chống dịch nên sản xuất công nghiệp giảm 10,46%, đến ngày 11/10/2021 Tiền Giang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại, sản xuất công nghiệp khởi sắc hơn, dự báo quí IV sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 0,67% so cùng kỳ. Do tác động của dịch covid – 19 hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vừa sản xuất vừa phòng chống dịch, làm cho chi phí sản xuất tăng cao, đồng thời cũng gặp phải nhiều rủi ro, thách thức trong hoạt động của doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút được 106 dự án (trong đó có 77 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư là 2.202,5 triệu USD và 4.575,86 tỷ đồng; diện tích đất thuê là 518,93 ha/770,14 ha chiếm tỷ lệ 67,34% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê.  Ngành xây dựng năm 2021 tăng 3,9% so cùng kỳ, 6 tháng đầu năm có nhiều thuận lợi, tăng 12,4% do trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình trọng điểm của địa phương và trung ương tiếp tục thi công như: dự án cao tốc Trung lương – Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, điện gió Tân Phú Đông 1, điện gió Tân phú Đông 2 ... Quí III do phải giản cách xã hội để phòng chống dịch covid – 19, một số công trình tạm dừng hoạt động nên tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng trong quí III giảm 11,62% so cùng kỳ, đến quí IV các công trình xây dựng hoạt động trở lại, dự báo tăng 6,92%... Khó khăn hiện nay là giá sắt thép, vật liệu xây dựng tăng cao, dịch covid còn diễn biến phức tạp, vừa sản xuất vừa phải đảm bảo phòng chống dịch nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình.  Khu vực dịch vụ: giảm 2,36 % so cùng kỳ; 6 tháng đầu năm tăng 3,1%, các ngành dịch vụ diễn ra bình thường, ngành thương nghiệp, dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ phát triển, riêng ngành du lịch còn giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trên thế giới nên tỉnh chưa khởi động lại chương trình thu hút khách du lịch nước ngoài. Nhưng, sang quý III, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh thu của các ngành dịch vụ, du lịch, lưu trú ăn uống giảm mạnh do tỉnh thực hiện biện pháp giãn cách xã hội. Trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách, hoạt động của các chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi phải ngừng hoạt động. Có một số ngành giảm sâu so cùng kỳ như: du lịch lữ hành giảm 72,39%, lưu trú và ăn uống giảm 44,08%, vận tải kho bãi giảm 20,3%, nghệ thuật vui chơi và giải trí giảm 16,16% ... Tuy nhiên cũng có một số ngành có mức tăng so với cùng kỳ như: Hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,39%, thông tin truyền thông tăng 1,9%, hoạt động y tế và trợ giúp xã hội tăng 24,39% ... Do hoạt động sản xuất của các ngành gặp khó khăn nên thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm năm 2021 giảm 5,26% so cùng kỳ.   Cơ cấu kinh tế: chuyển dịch chậm nhưng theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2021 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38,6% giảm 0,2% (cùng kỳ 38,8%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 26,9%, tăng 0,7% (cùng kỳ 26,2%); khu vực dịch vụ chiếm 28,7%, giảm 0,2% (cùng kỳ 28,9%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,8%, giảm 0,3% (cùng kỳ 6,1%).                                                    N.V.Tròn ([1])Theo công văn số 1796/TCTK-TKQG ngày 30/11/2021 của Tổng cục Thống kê

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang Tháng 11 năm 2021
  •   18/06/2024 15:52

Trong tháng 11, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát; lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ giúp người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn trong trạng thái bình thường mới. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực ước đạt được như sau:  I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN  1. Nông nghiệp  *Trồng trọt: Cây lương thực có hạt ước tính đến cuối tháng 11/2021 gieo trồng 134.083 ha, đạt 100,1% kế hoạch, giảm 3,8% so cùng kỳ 2020, sản lượng thu hoạch 814.676 tấn, đạt 101,4% kế hoạch, tăng 1,8% so với cùng kỳ; trong đó, cây lúa gieo sạ 131.846 ha giảm 3,1% so cùng kỳ, thu hoạch 126.375 ha giảm 4,6% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 806.585 tấn tăng 2,4% so cùng kỳ.  - Cây lúa:  Vụ Thu đông: Diện tích gieo trồng 5.417 ha; tăng 111,7% so cùng kỳ (gieo trồng chủ yếu ở 05 huyện phía đông chiếm 65,6% diện tích còn lại huyện Tân Phước chiếm 21,8%, Châu Thành chiếm 12,6%). Ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo cắt vụ lúa Thu đông năm nay nhằm tránh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cũng như là tình hình hạn, mặn, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn tiếp tục gieo trồng được các Ngành, địa phương tuyên truyền vận động.  - Cây ngô: Diện tích trồng 11 tháng đạt 2.237 ha, giảm 33,9% so cùng kỳ; năng suất bình quân 36,2 tạ/ha, sản lượng 8.091 tấn, giảm 33,7% so cùng kỳ, do lợi nhuận từ việc thu hoạch ngô không còn cao như trước nên nông dân chuyển đổi đất trồng cây thanh long và một số cây ăn quả khác.  - Cây rau đậu các loại: trong tháng 11/2021 gieo trồng được 877 ha, tăng 0,8% so cùng kỳ, thu hoạch 4.124 ha, tăng 3,3% so cùng kỳ. Mười một tháng năm 2021 gieo trồng 55.208 ha, đạt 88,4% kế hoạch, tăng 1,2% so cùng kỳ; thu hoạch 50.873 ha, đạt 81,5% kế hoạch, tăng 0,9% so cùng kỳ; sản lượng 1.026.412 tấn, đạt 84,9% kế hoạch, tăng 1% so cùng kỳ. Bao gồm diện tích gieo trồng rau các loại 54.942 ha, tăng 1,1% so cùng kỳ, nguyên nhân do chuyển từ đất trồng lúa, năng suất ước 202,5 tạ/ha tăng 0,1% so cùng kỳ, sản lượng 1.025.744 tấn, tăng 1% so cùng kỳ do nông dân áp dụng mô trồng rau trong nhà lưới kiểm soát được sâu bệnh, đồng thời kết hợp nhiều loại giống mới chất lượng được nông dân lựa chọn dẫn đến việc năng suất, sản lượng tăng; Diện tích gieo trồng đậu các loại 266 ha, so cùng kỳ tăng 9,6%; Sản lượng 668 tấn, so cùng kỳ tăng 4% do diện tích thu hoạch tăng.  * Chăn nuôi: Thời điểm 01/11/2021 tổng đàn gian súc, gia cầm của tỉnh như sau: Đàn bò hiện có 123.433 con, tăng 3,3% so cùng kỳ, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trong tháng đạt 2.031 tấn, cộng dồn đạt 20.616 tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ. Đàn lợn 276.217 con, tăng 1,7% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 11 đạt 6.622 tấn giảm 3,8% so cùng kỳ, tính chung 11 tháng đạt 70.199 tấn, giảm 11,7% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm của tỉnh là 17.440 ngàn con, tăng 0,7% so với cùng kỳ ; Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong tháng 11 đạt 4.011 tấn, giảm 9,6% so cùng kỳ, nâng tổng số sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 11 tháng năm 2021 đạt 49.543 tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm giảm do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tiêu thụ gia súc, gia cầm trên địa bàn.  Tình hình dịch bệnh trong 11/2021: Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh (từ ngày 15/10/2021 - 14/11/2021):  Trên gia cầm: Trong tháng không ghi nhận. Lũy kế ghi nhận 03 trường có gà bệnh cúm gia cầm với tổng đàn 9.006 con; trong đó, gà bệnh và chết được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 8.836 con.  Trên gia súc:  Bệnh Lở mồm long móng (LMLM): Trong tháng không ghi nhận. Lũy kế 01 trường hợp heo mắc bệnh LMLM tại huyện Cái Bè với tổng đàn 35 con. Chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy 35 con heo bệnh với khối lượng 3,9 tấn, đồng thời triển khai thực hiện công tác tiêu độc khử trùng tại cơ sở thu gom heo.  Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Trong tháng ghi nhận 108 trường hợp heo mắc bệnh DTLCP với tổng đàn 2.889 con. Số heo được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 2.280 con, trọng lượng 139.565 kg. Luỹ kế từ ngày 15/12/2020 đến ngày 11/11/2021, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 142 hộ có heo mắc bệnh DTLCP với tổng đàn 3.999. Tổng số heo được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 2.957 con, khối lượng 170.741 kg trên 139 hộ. Ngoài ra, địa phương tiêu hủy heo bệnh chết tại 02 hộ cũ có heo bệnh DTLCP trước ngày 15/12/2020, với số lượng 105 con/2.973 kg.   Bệnh viêm da nổi cục (VDNC): Ghi nhận 57 hộ có bò mắc bệnh VDNC với tổng đàn 261 con, số bò mắc bệnh là 104 con. Đã tiêu hủy 11 con bò bệnh, chết với khối lượng 2,2 tấn. Lũy kế toàn tỉnh đã ghi nhận 368 hộ có bò mắc bệnh VDNC với tổng đàn 1.733 con, số bò mắc bệnh là 586 con. Đã tiêu hủy 22 con/20 hộ có bò bệnh, chết với khối lượng 3,7 tấn.  2. Lâm nghiệp:  Tổng diện tích rừng hiện có là 1.925,2 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng). Trong đó rừng phòng hộ 1.337,4 ha (huyện Gò Công Đông: 444,8 ha; huyện Tân Phú Đông: 848,8 ha và huyện Tân Phước: 43,8 ha); rừng sản xuất: 587,8 ha.  Ước tháng 11/2021 toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 5,1 ngàn cây phân tán, nâng tổng số cây trồng 843,6 ngàn cây các loại, tăng 30,6% so với cùng kỳ do trong tháng có mưa, trồng ở những xã đạt và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Những cây trồng mới chủ yếu là cây bạch đàn, tràm bông vàng.  3. Thủy hải sản:  Trong tháng, thủy sản các loại thả nuôi 353 ha, tăng 0,6% so cùng kỳ; Mười một tháng thả nuôi 15.651 ha, đạt 103% kế hoạch và giảm 0,7% so cùng kỳ; Thủy sản nước ngọt nuôi 4.879 ha, giảm 3,2% so cùng kỳ, diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt giảm là do chuyển đổi mục đích sử dụng ao nuôi trong dân cư; Thủy sản nước mặn, lợ nuôi đạt 10.772 ha, tăng 0,5% so cùng kỳ, diện tích nuôi chủ yếu là nuôi tôm sú nuôi quảng canh và nuôi tôm thẻ chân trắng thả nuôi để chuẩn bị cho đợt bán tết nguyên đán năm nay. Tình hình nuôi nghêu ổn định.  Sản lượng thủy sản trong tháng thu hoạch 28.383 tấn, tăng 0,6% so cùng kỳ. Tính chung Mười một tháng thu hoạch 282.688 tấn, đạt 96,3% kế hoạch, tăng 0,3% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 149.879 tấn, đạt 92,1% kế hoạch, tăng 0,6% so cùng kỳ, sản lượng khai thác 132.809 tấn, đạt 101,6% kế hoạch, tương đương so cùng kỳ.  II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP  Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 tăng 18,5% so với tháng trước, do Tỉnh thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nên hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp thuận lợi hơn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,8%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 13,5% một số ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu của tỉnh như: sản xuất trang phục tăng 24,5%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 80,1%... tuy nhiên so cùng kỳ giảm 7,6%. Các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh có chỉ số tăng so cùng kỳ, như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 29,9%, sản xuất trang phục tăng 4,8%, sản xuất phương tiện vận tải khác 8,4%...  Tính đến ngày 4/11/2021, tổng cộng có 106/186 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được hướng dẫn góp ý để thông qua phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, với tổng số lao động 54.982 người. Trong đó có 74 doanh nghiệp động theo phương án “Tổ chức người lao động đi, về trong ngày”, 29 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “ 3 tại chỗ” và 3 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ và đi về hàng ngày”.  Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,6% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,9%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,8%.  Chỉ số sản xuất sản phẩm trong 11 tháng so cùng kỳ như sau:  - Có 9/41 sản phẩm tăng so cùng kỳ: bộ com lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 37,2%; thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng bột/cốm tăng 25,9%; Bia đóng chai tăng 16,2%; bóng thể thao khác tăng 14,9%; ống và ống dẫn bằng đồng tăng 2,8%; thức ăn cho gia súc tăng 0,8%; cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo tăng 0,1%;…  - Có 32/41 sản phẩm giảm so cùng kỳ: dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền giảm 56,8%; Giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 44,1%; sợi xe từ các loại sợi tự nhiên: bông, đay, lanh, xơ dừa, cói ... giảm 32,5%; áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ, áo gió cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 25,4%; Phân vi sinh giảm 24%; thức ăn cho thủy sản giảm 9%; Giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic giảm 7,6%; …  Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 11/2021 so với tháng trước tăng 7,1%, trong đó doanh nghiệp nhà nước bằng 100%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 26,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,1%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 11/2021 so với cùng kỳ giảm 3,8%, trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 1,8%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 10,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,9%. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 11 năm 2021 giảm 15,5%, trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 2,1%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 14,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 16,2%. Chia theo ngành công nghiệp: Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 11 năm 2021 giảm 15,5%, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 15,9%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 0,4%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải giảm 2,2%.  * Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:  - Chỉ số tiêu thụ tháng 11/2021 so với tháng trước tăng 20,5% và giảm 29,8% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 11 năm 2021 giảm 20,3%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 19,6%; Dệt giảm 22,8%; Sản xuất trang phục giảm 16,3%; Sản xuất da giảm 18,9%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 35,8%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 23,4%; Sản xuất sản phẩm cao su và plastic giảm 32,31%; Sản xuất kim loại giảm 22,67%; … Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng so cùng kỳ là: Sản xuất đồ uống tăng 8,6%, trong đó sản xuất bia tăng 8,6%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 14,9%;…  - Chỉ số tồn kho tháng 11/2021 so với tháng trước tăng 3,9% và so với cùng kỳ tăng 18,6%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 47,5%; sản xuất đồ uống tăng 46,98%; dệt tăng 18,9%; sản xuất trang phục tăng 27,6%; chế biến gỗ tăng 44,9%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 58,7%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 55,5%; Sản xuất thiết bị điện tăng 9,1%, … Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: sản xuất da giảm 58,7%; sản xuất giấy giảm 31,7%; sản xuất kim loại giảm 12,34%; chế biến, chế tạo khác giảm 59,5%;…  * Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:  - Khu công nghiệp: trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Lũy kế, đến 11/2021 các Khu công nghiệp đã thu hút được 106 dự án đầu tư; trong đó: có 77 dự án đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư là 4.575,9 tỷ đồng và 2.191,5 triệu USD. Diện tích đất cho thuê của các doanh nghiệp 519,6/770,1 ha, đạt 67,5% diện tích đất các Khu công nghiệp.  - Cụm công nghiệp: trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (trong đó: có 6 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 2.306,2 tỷ đồng và 150,3 triệu USD, diện tích thuê đất là 89,8/120,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 74,5% của 5 Cụm công nghiệp đang hoạt động.  III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG  Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng là 567 tỷ đồng, giảm 17,6% so cùng kỳ. Mười một tháng thực hiện 3.154 tỷ đồng, đạt 82,6% kế hoạch, giảm 34,4% so cùng kỳ. Để đạt kế hoạch giải ngân năm 2021, Các ban quản lý dự án, chủ đầu tư và các ngành các cấp tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư công cũng như khối lượng giải ngân của các công trình dự án, sớm hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động. Để bảo đảm chất lượng thi công, các Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ cùng nhà thầu tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng gắn với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 2.398 tỷ đồng, đạt 76,8% kế hoạch, giảm 33,6% so cùng kỳ, chiếm 76,1% tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 499 tỷ đồng, giảm 33,5%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 1.263 tỷ đồng, giảm 10,1% so cùng kỳ... Các ngành các cấp phối hợp với các chủ đầu tư khắc phục khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình nhằm đạt kế hoạch đề ra, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các công trình còn lại thi công đúng theo tiến độ đề ra. Ngoài ra các ban quản lý chủ đầu tư thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 522 tỷ đồng, đạt 133,2% kế hoạch, giảm 35,7% so cùng kỳ, chiếm 16,5% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 278 tỷ đồng, giảm 29,7% so cùng kỳ... Hiện nay nguồn vốn đầu tư của huyện, TP, TX thực hiện chủ yếu nguồn vốn phân cấp, tập trung cho các công trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.  Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 234,4 tỷ đồng, đạt 77,1% kế hoạch, giảm 38,9% so cùng kỳ, chiếm 7,4% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 179 tỷ đồng, giảm 35,9% so cùng kỳ... Các xã tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng phục vụ địa phương. Trong đó, ưu tiên bố trí các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực giao thông, phòng, chống thiên tai, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới.  IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ  1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng  Các biện pháp giãn cách xã hội được nới lõng, tình hình kinh doanh từng bước được phục hồi. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng có nhiều khởi sắc ước thực hiện 5.778 tỷ đồng, tăng 10,1% so tháng trước và giảm 8,7% so cùng kỳ. Mười một tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 55.594 tỷ đồng, đạt 79,1% kế hoạch, giảm 4% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 48.026 tỷ đồng, tăng 0,9%; lưu trú 21 tỷ đồng, giảm 50,2%; ăn uống 3.076 tỷ đồng, giảm 34,1%; du lịch lữ hành 6 tỷ đồng, giảm 78,2%; dịch vụ tiêu dùng khác 4.464 tỷ đồng, giảm 19,8% so cùng kỳ.  2. Xuất - Nhập khẩu  a. Xuất khẩu:  Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 192 triệu USD; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 28 triệu USD, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 163 triệu USD. Mười một tháng xuất khẩu 2.613 triệu USD, đạt 80,4% kế hoạch, giảm 4% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 39 triệu USD, giảm 22,8%; kinh tế ngoài nhà nước 448 triệu USD, giảm 19,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.126 triệu USD, tăng 0,5% so cùng kỳ.  Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:  - Thủy sản: ước tính tháng 11/2021 xuất 6.647 tấn, trị giá 14,5 triệu USD. Mười một tháng xuất 82.329 tấn, giảm 23,2%; giá trị xuất 176 triệu USD, đạt 55,1% kế hoạch, giảm 30,3% so cùng kỳ.  - Gạo: ước tính tháng 11/2021 xuất 2.687 tấn, với giá trị 1,3 triệu USD. Mười một tháng xuất 197.928 tấn, giảm 6,7%; giá trị xuất 100 triệu USD, đạt 71,8% kế hoạch, giảm 15,9% so cùng kỳ.  - Hàng dệt, may: ước tính tháng 11/2021 xuất 13.256 ngàn sản phẩm, với giá trị 46 triệu USD. Mười một tháng xuất 114.516 ngàn sản phẩm, giảm 50,2%; giá trị xuất 416 triệu USD, đạt 69,3% kế hoạch, giảm 19,4% so cùng kỳ.  - Kim loại thường và sản phẩm (kể cả đồng): ước tính tháng 11/2021 xuất 3.346 tấn, với giá trị 37 triệu USD. Mười một tháng xuất 62.290 tấn, giảm 23%; giá trị xuất 588 triệu USD, tăng 6,6% so cùng kỳ.   Ngoài các mặt hàng chủ yếu, trị giá xuất khẩu một số mặt hàng trong 11 tháng năm 2021 như: túi xách, vali, mũ và ô dù 182 triệu USD, giảm 21,2%; giày dép các loại 394 triệu USD, giảm 6,3%; xơ, sợi dệt các loại 94 triệu USD, tăng 7,4%... so cùng kỳ.  b. Nhập khẩu:  Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11/2021 trị giá 196 triệu USD. Mười một tháng, kim ngạch nhập khẩu 1.665 triệu USD, đạt 92,5% kế hoạch, tăng 20,7% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập khẩu 142 triệu USD, tăng 52%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 1.523 triệu USD, tăng 18,4% so cùng kỳ. Nguyên liệu nhập khẩu 11 tháng chủ yếu các mặt hàng như: kim loại thường khác 555 triệu USD, tăng 11,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 312 triệu USD, tăng 37,1%; vải các loại 184 triệu USD, tăng 6%; máy móc thiết bị, dụng cụ văn phòng 159 triệu USD, tăng 85%... so cùng kỳ.  3. Chỉ số giá  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,67% so tháng 10/2021 (thành thị tăng 0,83%, nông thôn tăng 0,63%); so cùng kỳ tăng 3,17%. Bình quân mười một tháng năm 2021 so cùng kỳ năm trước tăng 2,83%; Một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhiều trong 11 tháng năm 2021 so cùng kỳ như: nhóm hàng giao thông tăng 12,55%, nhóm hàng giáo dục tăng 3,41%; nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,33%;... Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tháng 11 so tháng trước có 7 nhóm hàng tăng: đồ uống và thuốc lá tăng 0,59%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,11%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; giao thông tăng 3,98% và nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%. Có 3 nhóm giảm giá: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,46%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%. Riêng nhóm Giáo dục chỉ số giá ổn định.  Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2021 tăng so tháng 10/2021:  - Giá thịt gia cầm các loại tăng 2,15% là do dịch Covid -19 được kiểm sót, các quán ăn, nhà hàng bắt đầu hoạt động trở lại.  - Thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng thu hoạch rau xanh giảm, tác động giá bán lẻ rau xanh tại các chợ tăng 0,82%, góp phần tác động đến CPI chung tăng 0,02%. Bên cạnh đó, do địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh nên hàng hoá được lưu thông dễ dàng, sức mua tăng hơn tháng trước, dẫn đến giá các mặt hàng hoa quả tươi tại địa phương tăng nhẹ.  - Từ ngày 01/11/2021 giá gas bán lẻ trong nước điều chỉnh tăng 6,94%, tương ứng tăng 17.000 đồng/bình 12kg; Giá dầu hoả bình quân trong tháng tăng 7,3%, tương ứng tăng 1.010 đồng/lít so với tháng trước. Tác động nhóm gas và chất đốt khác tăng 4,6%, góp phần tác động đến CPI chung tăng 0,06%.  - Giá điện sinh hoạt tăng 11,34% (tháng trước do ảnh hưởng dịch bệnh Covid bùng phát lần thứ tư, nhà nước hỗ trợ giá từ 10% đến 15%) nên góp phần tác động đến CPI chung của tháng 11/2021 tăng 0,33%.  - Giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng 8,36% vào ngày 26/10 và ngày 10/11/2021, góp phần tác động đến CPI chung tăng 0,37%.  Bên cạnh đó, một số mặt hàng có chỉ số giá giảm quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:  - Giá gạo giảm 0,39% so với tháng trước do địa phương đã thu hoạch xong vụ lúa Hè thu, tác động nhóm lương thực trong tháng giảm 0,52% so với tháng trước.  - Giá thịt lợn tiêu thụ giảm 6,21% so với tháng trước do tình hình dịch tả lợn Châu phi lại tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân khi tiêu dùng thịt lợn, dẫn đến sức mua giảm, tác động giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ giảm nhẹ...  Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 11/2021 tăng 2,4% so tháng trước, giảm 2% so cùng kỳ; giá vàng bình quân tháng 11/2021 là 5.301 ngàn đồng/chỉ, giảm 108 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.  Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 11/2021 giảm 0,28% so tháng trước và giảm 2,03% so cùng kỳ; giá bình quân tháng 11/2021 là 22.796 đồng/USD, giảm 474 đồng/USD so cùng kỳ.  Ước chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2021 tăng từ 0,3% đến 0,6% so tháng 11/2021 do giá gạo trong nước sẽ tăng nhẹ vì nhu cầu xuất khẩu tăng để cung ứng đủ số lượng gạo hợp đồng đã ký ngay từ đầu năm; thời tiết lạnh, năng suất thu hoạch giảm dẫn tới giá rau xanh, củ, quả sẽ tăng; nhóm thịt gia súc, gia cầm giá cũng tăng nhẹ do nhu cầu dùng chế biến thực phẩm phục vụ thị trường tết Dương lịch, Noel sắp tới.  4. Du lịch  Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa hoạt động trở lại trạng thái bình thường đã tác động mạnh đến hoạt động du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Khách đến trong tháng chủ yếu là cán bộ, chuyên gia ngành y tế của các tỉnh đến hỗ trợ tỉnh Tiền Giang trong công tác phòng chống dịch bệnh, ước tính có 1,7 ngàn lượt khách, tăng 5,5 lần so tháng trước và giảm 96,5% so cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng 11 đạt 581 tỷ đồng, tăng 81,2% so tháng trước và giảm 49,2% so cùng kỳ.  Tính chung mười một tháng, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 266 ngàn lượt khách, đạt 24,1% kế hoạch và giảm 59,3% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 3,8 ngàn lượt khách, giảm 96,1% so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 7.568 tỷ đồng, giảm 26,5% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng 40,6%, ước đạt 3.075 tỷ đồng, giảm 34,1%; lưu trú đạt 21 tỷ đồng, giảm 50,2% so cùng kỳ...  5. Vận tải  5.1. Kết quả hoạt động vận tải:  Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 107 tỷ đồng, tăng 11,9% so tháng trước và giảm 35,4% so cùng kỳ. Nguyên nhân doanh thu vận tải tháng này tăng so với tháng trước là do Ngành giao thông Thực hiện Phương án số 2474/PA-SGTVT ngày 19/10/2021 tổ chức hoạt động vận tải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ngoài ra nhu cầu vận chuyển hàng hoá để sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể tăng lên, nhằm đáp ứng kịp các đơn hàng của đối tác đã ký hợp đồng ngay từ đầu năm. Mười một tháng thực hiện 1.413 tỷ đồng, giảm 22,3% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 326 tỷ đồng, giảm 36,9%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 925 tỷ đồng, giảm 16,9% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 638 tỷ đồng, giảm 27,6%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 614 tỷ đồng, giảm 18,1%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 162 tỷ đồng, giảm 14,2% so cùng kỳ. Nguyên nhân doanh thu vận tải giảm so cùng kỳ năm trước là do sự ảnh hưởng kéo dài dịch bệnh covid-19, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế, trong đó có kết quả hoạt động ngành vận tải kho bãi.  a) Vận tải hành khách  Trong tháng ước tính đạt 1.769 ngàn hành khách, tăng 27% so tháng trước và giảm 35,8% so cùng kỳ; luân chuyển 20.019 ngàn hành khách.km, tăng 41,4% so tháng trước và giảm 63,2% so cùng kỳ. Mười một tháng, vận chuyển 20.477 ngàn hành khách, giảm 34,5% so cùng kỳ; luân chuyển 340.560 ngàn hành khách.km, giảm 38,4% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 8.992 ngàn hành khách, giảm 33,4% và luân chuyển 326.150 ngàn hành khách.km, giảm 38,2% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 11.485 ngàn hành khách, giảm 35,4% và luân chuyển 14.410 ngàn hành khách.km, giảm 43,5% so cùng kỳ.  b) Vận tải hàng hóa  Trong tháng vận tải hàng hóa đạt 714 ngàn tấn, tăng 4,3% so tháng trước và giảm 28,6% so cùng kỳ; luân chuyển 93.180 ngàn tấn.km, tăng 3,9% so tháng trước và giảm 22,8% so cùng kỳ. Mười một tháng, vận tải 8.960 ngàn tấn hàng hóa, giảm 14,7% so cùng kỳ; luân chuyển 1.159.555 ngàn tấn.km, giảm 14,3% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 2.041 ngàn tấn, giảm 13,6% và luân chuyển 216.603 ngàn tấn.km, giảm 21,9% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 6.919 ngàn tấn, giảm 15% và luân chuyển 942.952 ngàn tấn.km, giảm 12,3% so cùng kỳ.  5.2. Công tác quản lý phương tiện giao thông                    Trong tháng, đăng ký mới 84 xe ô tô và 02 xe khác. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh là 1.355.103 chiếc, chia ra: mô tô xe máy: 1.312.967 chiếc, 41.342 chiếc xe ô tô, 152 xe ba bánh, 192 chiếc xe đạp điện và 450 xe khác.   6. Bưu chính viễn thông  Doanh thu trong tháng 11/2021 đạt 268 tỷ đồng, tăng 1,1% so tháng trước và tăng 4,9% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 25 tỷ đồng, tăng 3,7% và viễn thông 243 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước. Mười một tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 2.904 tỷ đồng, tăng 4,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 263 tỷ đồng, tăng 12,5% và viễn thông 2.641 tỷ đồng, tăng 3,5% so cùng kỳ.  Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 11/2021 là 102.959 thuê bao, mật độ bình quân đạt 5,8 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 11/2021 là 285.880 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 16,1 thuê bao/100 dân. Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet (3G, 4G) đến cuối tháng 10/2021 là 1.410.553 thuê bao.  V.TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG  1. Tài chính  Thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 779 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 625 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 212 tỷ đồng. Mười một tháng, thu ngân sách trên địa bàn 7.713 tỷ đồng, đạt 72,7% kế hoạch, giảm 20% so cùng kỳ; trong đó: thu nội địa 7.322 tỷ đồng, đạt 70,8% dự toán, giảm 22,5% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2.431 tỷ đồng, đạt 70,5% dự toán, giảm 23,9% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 914 tỷ đồng, đạt 65,3% dự toán, tăng 19,1% so cùng kỳ...).  Chi ngân sách nhà nước trong tháng 1.148 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 250 tỷ đồng. Mười một tháng, chi 11.691 tỷ đồng, đạt 95,4% dự toán, giảm 22,3% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 3.065 tỷ đồng, đạt 82,8% dự toán, giảm 37,1% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 6.463 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán và tăng 2,6% so cùng kỳ.  2. Ngân hàng  Trong tháng, tiếp tục đẩy nhanh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ; Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN). Hoạt động ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục chủ động, phối hợp thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh, góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục nền kinh tế.  Đến cuối tháng 10/2021, vốn huy động đạt 77.132 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cuối năm 2020. Mức tăng bình quân là 0,2%/tháng. Ước tính đến cuối tháng 11/2021, nguồn vốn huy động đạt 77.373 tỷ đồng, tăng 1.525 tỷ, tỷ lệ 2,% so với cuối năm 2020.  Mặt bằng lãi suất cho vay tại các chi nhánh ngân hàng thương mại (NTHM) trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm mạnh so với cuối năm 2020, ổn định, góp phần tích cực hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay VND áp dụng phổ biến ở mức trên 4,5%-9%/năm đối với ngắn hạn và trên 9%-11%/năm đối với trung dài hạn. Các TCTD chấp hành nghiêm các mức trần lãi suất theo quy định của NHNNVN nhất là trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN là 4,5%/năm.  Nợ xấu: đến cuối tháng 10/2021, số dư là 826 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,2%, giảm 0,1% so cuối năm 2020 và tăng 0,16% so với cuối tháng 6/2021 là thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát trên địa bàn tỉnh. Ước đến cuối tháng 11/2021, nợ xấu là 850 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,2%, tăng 0,02% so cuối năm 2020.  Hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, các chỉ tiêu đều đạt mức tăng trưởng. Một số kết quả đạt được đến cuối tháng 10/2021 so với cuối năm 2020 như sau: tổng nguồn vốn hoạt động đạt 1.211 tỷ đồng, tăng 80 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 7,1%; tổng dư nợ cho vay đạt 834 tỷ đồng, giảm 17 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 2,01% (trong đó: dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 43,2%); nợ xấu: số dư 5,6 tỷ đồng, tăng 2,9 tỷ, tỷ lệ nợ xấu 0,7%, tăng 0,36%.  VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  Trong tháng, Hội đồng tư vấn tuyển chọn thẩm định 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh; triển khai 2 nhiệm vụ KH&CN (1 cấp tỉnh, 1 cấp cơ sở). Nghiệm thu giai đoạn 1 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, nghiệm thu kết thúc 5 nhiệm vụ KH&CN (2 cấp tỉnh, 3 cấp cơ sở).Đến tháng 11/2021, thẩm định nội dung 15 nhiệm vụ; nghiệm thu kết thúc 13 nhiệm vụ; nghiệm thu giai đoạn 18 nhiệm vụ; Quyết định triển khai 18 nhiệm vụ; Quyết định công nhận 13 nhiệm vụ; Gia hạn 07 nhiệm vụ KH&CN.  VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI  1. Lao động việc làm:  Trong tháng, tư vấn cho 1.027 lượt lao động, giảm 68,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tư vấn nghề cho 22 lượt lao động, tư vấn việc làm 179 lượt lao động, tư vấn việc làm cho 795 lượt lao động thất nghiệp, tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 31 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 367 lao động, giảm 59,6% so với cùng kỳ; đã giới thiệu cho 37 lao động có được việc làm ổn định, giảm 91,7% so với cùng kỳ. Tư vấn 29 lượt lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giảm 62,3% so với cùng kỳ, có 03 lao động đăng ký tham gia, tăng 03 lao động so với cùng kỳ; 02 lao động xuất cảnh qua Nhật Bản, giảm 96,8% so với cùng kỳ. Về trợ cấp thất nghiệp trong tháng có 825 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được ban hành, giảm 70,6% so với cùng kỳ, với tổng số tiền chi trả tương đương 20,7 triệu đồng, cùng với đó thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 743 lao động thất nghiệp.  2. Chính sách xã hội:  Quỹ đền ơn đáp nghĩa vận động được 3,1 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm vận động được 8,9 tỷ đồng tương đương cùng kỳ năm 2020; xây dựng được 24 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền 960 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm xây dựng được 59 ngôi nhà tình nghĩa, với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ; sửa chữa 28 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 560 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm sửa chữa được 79 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 1,6 tỷ đồng tăng 6% so với cùng kỳ.  3. Hoạt động y tế:  Trong tháng có 06/44 bệnh truyền nhiễm được ghi nhận. So với cùng kỳ về số mắc, có 02 bệnh tăng: viêm não do vi rút (+3 ca), Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Covid-19 gây ra (+22.477 ca); 16 bệnh giảm: liên cầu lợn ở người (-4 ca), ho gà (-1 ca), lao phổi (-446), lỵ a míp (-2 ca), quai bị (-35 ca), sởi (-38 ca), tay chân miệng (-191 ca), Sốt xuất huyết (-1.136 ca), thương hàn (-9 ca), thủy đậu (-95 ca), tiêu chảy (-999 ca), uốn ván khác (-3 ca), viêm gan siêu vi A (- 2 ca), viêm gan siêu vi B (-20 ca), viêm gan siêu vi C (-4 ca), Zika(-1 ca); 26 bệnh tương đương và hoặc không xảy ra ca mắc. Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết ghi nhận trong tháng 61 ca, cộng dồn số ca mắc hiện tại 1.826 ca, giảm 38,4% so với cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Phòng chống HIV/AIDS toàn tỉnh có 5.987 người nhiễm; 1.806 người chuyển sang AIDS; tử vong do AIDS 1.002 người.  Số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú và điều trị nội trú đều giảm so với cùng kỳ năm 2020: Tổng số lần khám bệnh 3.454.526 lượt người, giảm 40,6% so với cùng kỳ; Tổng số người điều trị nội trú 160.976 lượt người, giảm 49,1%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 53,8%.  Covid - 19: Ngày 24/11/2021 Sở Y tế đã ban hành quyết định số 1765/QĐ-SYT công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (tuần đánh giá 18 – 24/11). Theo đó, toàn tỉnh Tiền Giang thuộc cấp độ 2; có 8/11 huyện, Thị xã, Thành phố cấp độ 2 (huyện Châu Thành, Gò Công Đông, Tân Phú Đông thuộc cấp độ 3). Kể từ ngày có ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng (5/6/2021) đến 23/11/2021 toàn tỉnh có 24.056 ca, 18.449 ca được điều trị khỏi; 486 ca tử vong. Tính đến ngày 22/11 tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt 99,2% và đủ liều vaccine đạt 76,1%.       4. Hoạt động giáo dục:  Trong tháng, ngành Giáo dục - Đào tạo đã kiểm tra việc tổ chức dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục tiểu học; Tham gia dự giờ, thăm lớp một số tiết dạy của giáo viên nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả chất lượng dạy học. Tính đến thời điểm đầu tháng 11/2021, toàn tỉnh có 134.929/137.915 học sinh được tham gia học tập, đạt tỷ lệ 97,83 %; Hiện tại đang còn 3.279 học sinh chưa có thiết bị tham gia học tập, chiếm tỷ lệ 2,38%. Cùng với đó, ngành Giáo dục – Đào tạo đã phối hợp với Viễn thông Tiền Giang tổ chức phát sóng dạy học qua truyền hình trên kênh MyTV Tiền Giang từ ngày 08/11/2021 đối với môn Tiếng Việt và Toán lớp 1, lớp 2; đồng thời tổ chức dạy và học trực tuyến 10/11 đơn vị cấp huyện riêng huyện Tân Phú Đông ngày 8/11 có khối học sinh lớp 9 và lớp 12 học trực tiếp. Tổ chức kiểm tra hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận trúng tuyển lớp 10 năm học 2021 - 2022; Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Tiền Giang”.  5. Hoạt động văn hóa - thể thao:  Trong tháng, lĩnh vực văn hóa đã diễn ra hoạt động sinh hoạt đờn ca tài tử tại rạp hát Thầy Năm Tú theo đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025”. Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức 6 lượt xe loa tuyên truyền trong tình hình dịch bệnh Covid-19; Về hoạt động thể dục - thể thao: Giải Bóng đá hạng Nhì quốc gia năm 2021 được hủy từ tháng 10/2021 do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, vận động viên được huấn luyện qua hình thức trực tuyến, chuẩn bị lực lượng để tham gia các giải thể thao vào cuối năm 2021 khi tình hình dịch được kiểm soát ổn định.  6. Trật tự an toàn giao thông (theo báo cáo của ngành Công an):  Tai nạn giao thông đường bộ: Tai nạn giao thông xảy ra 17 vụ, tăng 10 vụ so tháng trước và giảm 22 vụ so cùng kỳ, tử vong 11 người, tăng 08 người so tháng trước và giảm 08 so với cùng kỳ, bị thương 13 người, tăng 11 người so tháng trước và giảm 23 người so cùng kỳ. Nguyên nhân số vụ tai nạn trong tháng tăng so với tháng trước do việc nới lõng giãn cách xã hội để các hoạt động kinh tế và xã hội được hoạt động trở lại bình thường, từ đó người dân đi lại nhiều dẫn đến số vụ tai nạn giao thông tăng. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ xảy ra 1.285 vụ, tăng 108 vụ so tháng trước và giảm 2.069 vụ so cùng kỳ. Trong đó không giấy phép lái xe 167 vụ, giấy phép không hợp lệ 02 vụ, chạy quá tốc độ qui định 123 vụ, không đội mũ bảo hiểm 336 vụ, uống rượu điều khiển phương tiện 23 vụ.  Tai nạn giao thông đường thủy: Tai nạn trong tháng không xảy ra, tương đương so tháng trước và cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 1.202 vụ, tăng 435 vụ so tháng trước và giảm 683 vụ so cùng kỳ; trong đó không bằng cấp chuyên môn 8 vụ, chở quá vạch mớn nước an toàn 1.025 vụ, thiếu trang thiết bị an toàn 13 vụ và vi phạm khác 156 vụ.  7. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội (theo báo cáo ngành Công an):  Tội phạm về trật tự xã hội ghi nhận 84 vụ, tăng 32 vụ so với liền kề; lũy kế đến tháng 11/2021 ghi nhân 1.071 vụ, giảm 221 vụ so với cùng kỳ, làm chết 10 người, bị thương 12 người, tài sản thiệt hại khoảng 2,3 triệu đồng; trong đó xảy ra 08 vụ giết người, 08 vụ cố ý gây thương tích, nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn cá nhân bộc phát nhất thời chưa giải quyết triệt để (tranh chấp đất đai, ghen tuông tình ái, vay mượn nợ, mâu thuẫn trong lúc uống rượu, bia...); tội phạm cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng (45/30 vụ).   Phát hiện, xử lý 24 tụ điểm cờ bạc, 155 đối tượng liên quan; 11 vụ, 15 đối tượng phạm tội về ma túy và xử lý vi phạm hành chính 76 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; 01 vụ, 01 đối tượng có hành vi tham ô tài sản; 03 vụ, 03 đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm, tang vật thu giữ 6.926 bao thuốc lá ngoại nhập lậu; 03 vụ 03 đối tượng có hành vi vận chuyển hóa không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, thu giữ 32,175m3 cát, 741 bao phân bón các loại.  8. Tình hình cháy nổ, môi trường:  Trong tháng, ghi nhận 01 vụ cháy (nhà dân), tài sản thiệt hại trị giá khoảng 10 triệu đồng, nguyên nhân do chập điện, nâng số vụ cháy, nổ từ đầu năm đến nay là 29 vụ, 01 người chết và thiệt hại về tài sản gần 6 tỷ đồng. Thiên tai tháng 11, xảy ra 01 vụ lốc xoáy và 44 điểm sạt lỡ, ước tổng giá trị thiệt hại 36.040 triệu đồng, bao gồm thiệt hại về tài sản như sập 2 căn nhà, tốc mái 26 căn nhà; thiệt hại về cây ăn trái, ngã đỗ (sapo 121 cây, 10 cây bưởi, 02 cây xoài); 2.184 đê bị sạt lở. Về lĩnh vực môi trường tháng 11 không có trường hợp vi phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh.